Bao giờ hàng hóa Việt Nam có đẳng cấp quốc tế?

Sáng 1/11, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Đẳng cấp quốc tế - Lời giải cho Sản phẩm Việt” nhằm tạo ra cái nhìn đa chiều về sản phẩm và doanh nghiệp Việt, đồng thời tìm ra giải pháp cũng như định hướng đúng đắn việc phát triển các sản phẩm thương hiệu Việt sánh ngang với quốc tế trong giai đoạn hội nhập.

Tại diễn đàn, câu chuyện các DN Việt chỉ sản xuất được bao bì, nhãn mác cho Samsung, Canon với hàm lượng công nghệ thấp, được nhắc lại khiến nhiều người đau lòng. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều giải pháp để Việt Nam có được những sản phẩm mang tầm quốc tế.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn.


Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng, ngoài những cơ hội và thành tựu đạt được, DN Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều thách thức, trở ngại. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, gần đây dư luận xôn xao trước thông tin Samsung công bố danh sách 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe… nhưng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam. Chưa dừng tại đó, đại diện Canon Việt Nam cũng tuyên bố doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được hộp, bìa carton để đóng gói sản phẩm của họ. Điều này đã dấy lên những nghi ngại rằng năng lực và trình độ sản xuất hàng hóa của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

“Tôi nghĩ vừa phải mà vừa không phải. Đúng là DN nước ngoài đang sử dụng các sản phẩm đơn giản của Việt Nam nhưng không phải là DN Việt Nam chỉ sản xuất được các sản phẩm đơn giản. Nếu nhìn theo cách khách quan chúng ta phải thừa nhận, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất thấp, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động hoặc điều kiện tự nhiên mà chưa chú trọng đến yếu tố hàm lượng tri thức và công nghệ. Tuy nhiên, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mới đây một số DN Việt Nam đã đi tiên phong, mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu với thiết bị hiện đại và nhân lực trình độ cao để triển khai nghiên cứu phát triển những sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế cả về công nghệ, chất lượng và giá thành”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Quang cảnh diễn đàn.


Để hỗ trợ nhiều hơn cho các DN ứng dựng khoa học, công nghệ vào sản xuất, ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Nhà nước rất khuyến khích việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và phát triển sản phẩm thương hiệu Việt. Thứ trưởng chia sẻ và đánh giá cao cách tiếp cận lấy doanh nghiệp và sản phẩm Việt làm chìa khóa cho mục tiêu vươn tới đẳng cấp quốc tế của nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại bức tranh hiện trạng công nghệ trong DN và các ngành, lĩnh vực Việt Nam cho thấy, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68 trên 144 quốc gia xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, trong đó mức độ sẵn sàng về công nghệ đứng thứ 99, FDI và chuyển giao công nghệ thứ 93, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thứ 121 và khả năng tiếp cận công nghệ mới chỉ đứng thứ 123/144 quốc gia.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến cho DN.


Vậy Việt Nam cần làm gì để có thể có những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế? Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, nói đến tiêu chuẩn quốc tế về hoạt động DN không loại trừ cái riêng. Phải thấy được xu thế chung của thế giới như xanh, sạch, thân thiện với môi trường và được xã hội thừa nhận.

Cũng theo ông Thành, DN cần có 5 điều để hướng tới đẳng cấp quốc tế: Thứ nhất, cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch; thứ hai, chuẩn mực phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế; thứ ba là sáng tạo, đằng sau công nghệ là sáng tạo nhưng phải đi kèm bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thứ 4 là thương hiệu, thương hiệu gắn với pháp lý và giá trị phải được tôn vinh; thứ 5 là chắt chiu, giữ gìn lịch sử cha ông giữ lại. Điều này tạo giá trị gia tăng rất cao cho doanh nghiệp.

Trên phương diện DN, ông Vũ Thanh Thắng – Phó Chủ tịch Tập đoàn công nghệ cao Bkav, đã dẫn chứng từ câu chuyện thành công của hãng điện thoại Apple cùa Mỹ. Theo đó, với mỗi chiếc điện thoại iPhone 6 của hãng này (mức giá khoảng 20 triệu đồng), hàng trăm nhà sản xuất linh kiện chỉ chia nhau khoảng 6 triệu đồng, còn lại 14 triệu đồng thuộc về Apple dù họ không phải sản xuất bất kì linh kiện nào của một chiếc máy điện thoại.

"Giá trị gia tăng của các thương hiệu đẳng cấp quốc tế là rất lớn. Vì thế xây dựng công nghiệp phụ trợ là rất quan trọng nhưng đó không thể là lợi thế cho các DN Việt Nam", ông Thắng cho hay.

Theo ông Thắng, để tạo hướng đi mới cho sản phẩm Việt, các DN cần tạo ra công thức phát huy sức mạnh người Việt Nam và có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao nhất. Cách làm của BKAV là tập trung vào 4 mũi nhọn: Nguồn nhân lực, sản xuất phụ trợ, văn hóa DN và vốn.

Khách tham quan gian hàng sản phẩm công nghệ cao SmartHome của Bkav.


Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra các chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt. Ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển DN cho biết, câu chuyện về con ốc vít đã động chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tích cực, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về những vấn đề bấy lâu nay các nhà công nghệ, quản lý, sản xuất, hoạch định chính sách đã không ít lần nhắc đến nhưng chưa thật sự trao đổi một cách nghiêm túc.

Theo ông Quân, DN Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt về nhận thức và trí tuệ. Tuy nhiên có vẻ như chính bản thân DN chưa hiểu rõ về khả năng của mình. "Để giúp giải quyết vấn đề này, chúng ta bắt đầu bằng việc sử dụng lăng kính của DN trong môi trường kinh tê quốc tế và toàn cầu hóa để đánh giá lại chính bản thân mình, để từ đó có cách nhìn đúng đắn hơn về khẳ năng của mình cũng như xác định được chỗ đứng phù hợp, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực hành động để phát huy giá trị tiềm ẩn và bản sắc dân tộc đặc trưng, tránh rơi vào tình trạng trở thành “bánh xe thứ năm” (sơ cua) trong cỗ máy công nghiệp khu vực và toàn cầu”, ông Quân nói.

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định chúng ta thừa sức để sản xuất con ốc vít, vấn đề là chúng ta có lựa chọn để làm hay không và có đáng để làm hay không? Theo ông Ánh, chúng ta nên đặt ra câu hỏi chúng ta có cần đẳng cấp quốc tế hay không và không nhất thiết cái gì cũng cần phải đẳng cấp quốc tế.

Kết luận tại diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu không có một nền tảng công nghệ vững chắc để tạo ra các DN mạnh với sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam khó có thể vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên phát triển bền vững. Các chính sách của Nhà nước không thể thành công nếu không có sự quyết tâm vào cuộc của các DN - nhân tố trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hoàng Dương
Ảnh: DDDN
Doanh nghiệp Việt Nam mất 872 giờ/năm để kê khai nộp thuế
Doanh nghiệp Việt Nam mất 872 giờ/năm để kê khai nộp thuế

Số giờ khai nộp thuế ở Việt Nam ở mức là 872 giờ/năm, trong đó giờ nộp thuế là 537 giờ và giờ nộp thuế bảo hiểm xã hội là 335 giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN