Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, tận dụng triệt để lợi thế, huy động tổng thể các nguồn lực, khắc phục khó khăn của địa phương nằm trong vùng vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiều nắng, gió, thuộc diện khô hạn nhất trong cả nước để thực hiện hiệu quả các tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), nhóm phóng viên TTXVN ghi nhận, phản ánh nội dung này qua chùm ba bài viết với chủ đề "Bình Thuận xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững".
Bài 1: Bước tiến vững chắc
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động nhiều nguồn lực, tạo sự đồng thuận cao, tích cực tham gia của người dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định chủ trương đúng, lộ trình triển khai phù hợp với đặc thù từng địa bàn.
Tạo chuyển biến rõ nét
Với tinh thần thống nhất cao xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” để không ngừng nâng cao đời sống người dân, quá trình thực hiện dù có khó khăn song nếu nhận định đúng, thực hiện bài bản chắc chắn sẽ đạt hiệu quả, các địa phương ở tỉnh Bình Thuận đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bình Thuận cho biết: Thời gian qua, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình này, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn, cải thiện rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn. Bộ mặt nông thôn Bình Thuận từng bước được thay đổi, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị thu hẹp dần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được củng cố và nâng lên.
Năm 2010, thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi xã ở tỉnh Bình Thuận chỉ đạt 4 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới, trong khi bình quân của cả nước thời điểm đó là 4,7 tiêu chí/xã. Thế nhưng đến cuối năm 2021, bình quân toàn tỉnh đã đạt 16,6 tiêu chí/xã; 69/93 xã của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 74%. Đến thời điểm này, Bình Thuận có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện đảo Phú Quý, huyện Đức Linh. Riêng thành phố Phan Thiết đang được xem xét, thẩm định hồ sơ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", năm 2020, tỉnh Bỉnh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đạt được kết quả thuyết phục trên chính là nhờ tỉnh đã xác định đúng các tiêu chí mấu chốt, mang tính nền tảng, tạo đà cho phát triển kinh tế, - xã hội ở vùng nông thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Bình Thuận đã nhận thấy từ thực tế của địa phương, trong số các tiêu chí về chuẩn nông thôn mới, tiêu chí về giao thông là hết sức cấp thiết, cần được ưu tiên tập trung triển khai hiệu quả.
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận, trước đây, nhìn chung hệ thống giao thông nông thôn trong tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém, không ít nơi xuống cấp nghiêm trọng, việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Phong trào phát triển giao thông nông thôn diễn ra chưa đều, chưa mạnh, khối lượng thực hiện ít. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ chế, chính sách chung thống nhất trên toàn tỉnh. Sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền chưa cao. Cơ chế, thủ tục hành chính còn vướng mắc, phát động nhân dân chưa sâu, chưa kỹ.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Bình Thuận và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, đến nay hệ thống mạng lưới giao thông nông thôn, nhất là các tuyến đường quan trọng ở các thôn, xóm, khu phố, khu dân cư đã được đầu tư xây dựng đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội làm thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn của các địa phương. Từ năm 2011 đến 2020, tổng khối lượng cứng hóa đường giao thông nông thôn tại tỉnh đã đạt gần 1.300 km nhờ nguồn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ và sự đóng góp tích cực người dân, các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2021, toàn tình Bình Thuận có 87/93 xã đã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Giải bài toán nâng cao thu nhập
Mục đích cao nhất của xây dựng nông thôn mới chính là đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Bình Thuận là địa phương ở vùng Nam Trung Bộ, điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi rất khó khăn do đặc thù khí hậu, nhiều năm tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra rất khốc liệt. Vì vậy, muốn giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn từ phát triển sản xuất, hệ thống thủy lợi được hoàn thiện được xem là yếu tố tiên quyết.
Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Phước cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã dồn sức đầu tư, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ chứa nước Sông Quao, Cà Giây, sông Lòng Sông, Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, đập dâng Tà Pao, hồ chứa nước Sông Dinh 3, hồ chứa nước Sông Móng… Nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến “làm kênh nối mạng thủy lợi”. Đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm, đạt xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch, góp phần mở rộng diện tích cây trồng được tưới nước trên toàn tỉnh và cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới nước trong toàn tỉnh từ 32.600ha vào năm 1992 tăng lên 114.500 ha hiện nay.
Bình Thuận cũng chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, khuyến khích phát triển các các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Riêng trong năm 2021, các địa phương tiếp tục cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả như: chuyển đổi gần 8.900 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác, duy trì 15.560 ha lúa chất lượng cao tại các huyện Bắc Bình, Tánh Linh. Toàn tỉnh cũng đã có gần 12.400ha trồng thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân nông thôn Bình Thuận đạt khoảng 46,6 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3 lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới vào năm 2010. Tại nhiều xã nông thôn mới, số hộ có mức sống giàu tăng lên nhanh chóng. Nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc đáng kể, người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Bài 2: Điểm sáng Đức Linh