Hệ thống thủy lợi ở Hướng Hóa ẩn chứa nhiều nguy cơ

Do hình thành bằng phương pháp thủ công cách đây hơn 20 năm nên hiện nay nhiều công trình thủy lợi ở huyện miền núi cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã xuống cấp. Trong khi đó, toàn huyện có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Không chỉ không đảm bảo cấp nước cho sản xuất mà các công trình này còn ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Nhiều hồ ở miền Trung đang được gia cố để tránh vỡ đập


Cách đây 25 năm bằng nguồn lực tại chỗ, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa đã xây dựng được 2 hồ chứa nước để tưới tiêu cho trên 26 ha lúa nước trong xã. Hình thành bằng phương pháp thủ công thân đập đắp bằng đất nên cả 2 công trình thủy lợi này đã ngày càng xuống cấp không đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất dân sinh.


Ông Nguyễn Đăng Cả, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, lâu nay nguồn ngân sách của địa phương không có để xây dựng các hồ đập kiên cố. Giải pháp tốt nhất hiện nay là nạo vét và nâng độ cao của các hồ hiện có để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho hơn 15 ha ruộng; đồng thời, tưới tiêu cho khoảng 50-70 ha đất màu của địa phương.


Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, từ năm 1977 đến nay huyện Hướng Hóa đã hình thành được 29 công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ trải đều ở các địa phương. Hầu hết các công trình này được xây dựng bằng hình thức thủ công, qua nhiều năm sử dụng nhiều công trình thân đập bị lún, sạt lở mái, nước thấm qua đập, đáy hồ bị bồi lấp không tích đủ nước phục vụ sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, trong những năm qua huyện Hướng Hóa đã huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp một số hồ đập thủy lợi trên địa bàn. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp, đời sống nhân dân còn khó khăn nên tình trạng các công trình hồ chứa, đập dâng xuống cấp diễn ra khá phổ biến không đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất và còn ẩn chứa nhiều hiểm họa trong mùa mưa lũ.


Để tìm hiểu thêm về vấn đề khô hạn thiếu nước tưới nghiêm trọng trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, phóng viên đã đến xã Tân Liên - địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất huyện với hơn 50 ha. Trao đổi với phóng viên, ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Liên khẳng địnhh, từ lâu nay vào mùa nắng hạn là địa phương thường bị thiếu nước nghiêm trọng trong việc tưới tiêu. Nguyên nhân do các hồ đập thủy lợi xuống cấp không đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ. Một phần do thân đập đắp bằng đất vào mùa nắng nguồn nước bị thẩm thấu dưới thân đập, đến mùa mưa nước đầu nguồn đổ về gây nguy hiểm cho thân đập và các hộ dân sống gần đập. Địa phương kiến nghị cá ngành hữu quan quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng các thân đập kiên cố hơn để đảm bảo đời sống của dân sinh.


Nâng cấp sửa chữa các công trình hồ chứa đập dâng đã thực sự trở thành nhu cầu cấp thiết đối với cuộc sống sản xuất của người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là vùng trọng điểm chuyên canh các loại cây công nghiệp của tỉnh, hàng năm có gần 80% diện tích cà phê và hồ tiêu của người dân trong huyện bị hạn nặng vì thiếu nước tưới.


Trần Tĩnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN