Đại hội đồng lần thứ 8 của Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương

Sáng 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 8 của Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP). Đây là tổ chức an ninh bán chính thức (kênh 1,5) được thành lập năm 1993 (cùng thời gian thành lập ARF) để thảo luận và hợp tác về các vấn đề an ninh nổi lên trong khu vực. Tham dự cuộc họp có hơn 300 đại biểu, trong đó 150 đại biểu là các quan chức, chuyên gia, học giả từ 21 nước thành viên của CSCAP, hơn 30 đại diện các cơ quan ngoại giao tại Hà Nội và đông đảo quan chức, cán bộ và học giả từ các bộ, ngành và viện nghiên cứu Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu khai mạc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu khai mạc cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Cuộc họp lần này có chủ đề “Những nguy cơ và thách thức: Liệu cấu trúc an ninh khu vực mới có hữu ích”, được đặc biệt chú ý vì diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan tại Bali, Inđônêxia, sẽ đánh giá tác động của những phát triển mới của cấu trúc an ninh khu vực tới môi trường hòa bình, ổn định của châu Á – Thái Bình Dương.

Trong phiên khai mạc, ông Dalchoong Kim, đồng Chủ tịch của CSCAP đánh giá cao Học viện Ngoại giao đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng, khẳng định kể từ khi thành lập năm 1993, CSCAP đã ngày càng mở rộng về thành viên và các vấn đề được thảo luận, ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với kênh chính thức, góp phần thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách của các chính phủ trong khu vực.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đang được nhìn nhận là điểm sáng và cơ hội của thế giới do duy trì được đà phát triển và duy trì được môi trường hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong khu vực, đó không phải là một nguy cơ đơn lẻ nào mà là tổng thể các thách thức đối với môi trường an ninh khu vực, bao gồm cả các thách thức an ninh truyền thống và các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh biển, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng... Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù các nước trong khu vực đã có những nỗ lực đáng kể để tìm kiếm và xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực có hiệu quả, song cho đến nay khu vực vẫn chưa có đủ các cơ chế hợp tác phù hợp để có thể ứng phó hiệu quả với các thách thức nêu trên. Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, học giả đánh giá hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực hiện hành và đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu quả hợp tác khu vực, tăng cường lòng tin và hiểu biết giữa các nước trong khu vực.

Trong phiên làm việc sáng 21/11, cuộc họp thảo luận về biện pháp ứng phó với nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trên thế giới đang gia tăng. Cuộc họp cũng thảo luận các biện pháp bảo đảm an ninh biển, gồm cả các khía cạnh khác nhau của việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở khu vực.

Trong phiên buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận về an ninh nguồn nước, vấn đề trách nhiệm bảo vệ (R2P) và nghe Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, bà Đồng Hiển Linh, diễn thuyết về “20 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc và những đóng góp vào hợp tác khu vực”.
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN