Các danh hiệu địa lý nói chung và vùng biển nói riêng đã rất hữu ích. Đặc biệt là những vùng có danh hiệu quốc tế trên bờ và trên biển như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Mỹ Sơn… mang lại hiệu quả phát triển kinh tế to lớn sau khi nhận danh hiệu quốc tế của UNESCO. Tuy vậy, việc lượng giá kinh tế chưa đầy đủ và các mô hình quản lý vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục để các “đặc khu thiên nhiên” đóng góp quan trọng hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Hệ thống hóa các “đặc khu thiên nhiên”
Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho biết: Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định một trong những mục tiêu cơ bản là “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Để đóng góp vào mục tiêu này, từ năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hàng năm diễn đàn toàn quốc “Thương hiệu biển Việt Nam”.
“Thương hiệu biển” từ góc độ tài nguyên - môi trường, đặc biệt thương hiệu theo vùng địa lý là “đặc khu thiên nhiên”, trong đó có các vùng biển được công nhận danh hiệu biển.
Danh hiệu biển là danh hiệu cho một vùng biển được một tổ chức công nhận khi mà vùng biển đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết đã được tổ chức đó đề ra. Nếu là do tổ chức quốc tế công nhận thì đó là danh hiệu biển quốc tế, tổ chức cấp quốc gia công nhận thì đó là danh hiệu biển quốc gia. Hiện đã có nhiều danh hiệu biển được công nhận tại Việt Nam cấp quốc gia và cấp quốc tế.
Về số loại danh hiệu, thì nhiều cấp quốc tế nhất là 6 danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, sau đó là 3 danh hiệu Vịnh đẹp nhất thế giới và 2 danh hiệu Di sản thế giới. Ở mức độ quốc gia thì Khu bảo tồn biển có 16 danh hiệu, Vườn Quốc gia 7 danh hiệu, Khu bảo tồn thiên nhiên 3 danh hiệu. Tác động của vùng địa lý có danh hiệu biển tới kinh tế - xã hội, môi trường quốc gia và địa phương là rất tích cực, với sự đóng góp ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng như danh hiệu Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà.
Khi một vùng biển có được danh hiệu biển Việt Nam thì vùng biển đó mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là được nhiều người biết đến hơn; nhiều cấp, ngành và các tổ chức ở trong nước và quốc tế quan tâm; thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường thiên nhiên và điểm đến đối với khách du lịch; một địa chỉ tin cậy hấp dẫn các nhà khoa học, nhà kinh tế và đầu tư liên doanh trên nhiều lĩnh vực; là trung tâm giáo dục truyền thống và phổ biến các tri thức khoa học.
Việt Nam đã bắt đầu có nghiên cứu tác động tích cực của các vùng có danh hiệu biển tới kinh tế - xã hội - môi trường và sinh kế cộng đồng địa phương. Với sự gia tăng khách du lịch quốc tế tới các điểm đến là các khu vực “đặc khu thiên nhiên biển” rất lớn và hiệu quả kinh tế tăng mạnh, cơ sở hạ tầng khách sạn, resort phát triển nhanh, việc làm, sinh kế gia tăng.
Từ năm 2003, Chính phủ đã phân ra 5 hạng các khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu bảo tồn loài hoặc sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan, Khu dự trữ tài nguyên. Nước ta cũng đã tham gia và phê chuẩn một số công ước và thỏa thuận quốc tế quan trọng trong vấn đề bảo tồn thiên nhiên biển. Vì vậy, hệ thống hóa tất cả các vùng có danh hiệu biển và xem xét các tác động kinh tế-xã hội của các khu vực này là rất cần thiết phục vụ quy hoạch và phát triển kinh tế biển bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Danh hiệu này nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay. Đó là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hoá truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế.
Hiện Việt Nam có 6 khu vực ven biển và hải đảo được Ủy ban Sinh quyển và Con người (MAB) thuộc UNESCO công nhận. Gồm Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Quần đảo Cát Bà (2004), Ven biển Châu thổ sông Hồng (2004), Ven biển và đảo Kiên Giang (2006), Cù lao Chàm (2009), Mũi Cà Mau (2009).
Khu bảo tồn đất ngập nước ven biển do UNESCO công nhận theo Công ước Ramsar - là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay, cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng. Trong đó Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar ven biển Xuân Thủy công nhận năm 1989, Cà Mau (2012), Côn Đảo (2014).
Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (World”s Most Beautiful Bays - WMBB) đã công nhận 3 vịnh của Việt Nam là: Vịnh Hạ Long (2003), Vịnh Nha Trang (2005), Vịnh Lăng Cô (2009. Riêng Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia với diện tích 1553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo.
Những tác động kinh tế nhìn từ Hạ Long
Vịnh Hạ Long là vùng vịnh kín nên ít sóng và gió, hệ thống luồng lạch tự nhiên dày đặc và cửa sông ít bị bồi lắng. Điều kiện thuận lợi này cho phép xây dựng hệ thống giao thông cảng biển lớn mạnh. Có cảng nước sâu Cái Lân (Hạ Long) và Cửa Ông (Cẩm Phả). Ngoài ra, Quảng Ninh còn có một hệ thống cảng phụ trợ như: Mũi Chùa, Vạn Gia, Nam Cầu Trắng... Đặc biệt là cảng Cái Lân, gần với bến phà Bãi Cháy là vùng nước sâu, kín gió, nằm liền kề quốc lộ 18A, thuận lợi việc bốc rót, chuyên chở hàng hóa.
Tiềm năng hải sản biển Quảng Ninh chứa đựng nhiều hệ sinh thái phong phú có giá trị đa dạng sinh học cao, trữ lượng hải sản của vùng rất lớn. Điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản như khí hậu, diện tích bãi triều lớn, nước trong, ngư trường ven bờ và ngoài khơi có trữ lượng hải sản cao và đa dạng với những loài như: cá song, cá giò, sò, tôm các loại.
Tiềm năng du lịch có thể nói là tiềm năng “xanh” và “vàng” nhất”. Với các giá trị và tiềm năng vốn có, vịnh Hạ Long đã hội tụ những điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch. Hiện khách đến vịnh chủ yếu đi tham quan ngắm cảnh, tắm biển và bơi thuyền kayak. Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ mở thêm nhiều tuyến điểm tham quan và tăng thêm nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thành phố trẻ Hạ Long đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, phát triển nhanh về mọi mặt, là một tiền đề vững chắc để phát triển du lịch. Hiện thành phố có 300 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 4.500 phòng nghỉ và nhiều khách sạn mini cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Sự tăng trưởng về số lượng khách ở Hạ Long được đánh giá là nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Nếu như năm 1996, vịnh Hạ Long mới đón 236 nghìn lượt khách, thì đến năm 2010, Hạ Long là điểm đón tiếp 5 - 6 triệu lượt khách. Dự kiến đến năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 đến 16 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu đạt 30.000 - 40.000 đồng; thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10 - 15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người; đóng góp của ngành du lịch vào GRDP đạt từ 14 đến 15%.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã mời đơn vị tư vấn của Hoa Kỳ là BCG lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển dịch vụ, phát triển du lịch với quan điểm phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Xây dựng ngành công nghiệp du lịch - dịch vụ, công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa dựa trên công nghiệp sáng tạo, tạo ra sự đột phá khác biệt và giá trị gia tăng cao để xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế với hạ tầng kinh tế đô thị hiện đại; hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long gắn với du lịch vịnh Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; và Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh di tích danh thắng Yên Tử.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng bền vững, như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ hoàn thành vào tháng 3/2018, rút ngắn thời gian từ Hạ Long đi Hà Nội còn 1,5 giờ bằng ô tô; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng sẽ hoàn thành trong tháng 3/2018 để làm tiền đề quan trọng hình thành Đặc khu Hành chính - Kinh tế sắp tới. Tiếp tục triển khai đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái kết nối với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, ASEAN; Cảng tàu biển khách quốc tế Hạ Long sẽ hoàn thành trong năm 2018 để khách đi du thuyền 5 sao đến vịnh Hạ Long không phải chuyển tải.
Quan điểm phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế, khác biệt nhưng phải bền vững, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên của Thế giới và bảo vệ bền vững về môi trường, tạo môi trường sống hấp dẫn cho người dân và du khách.
Vịnh Hạ Long với các danh hiệu thiên nhiên đẳng cấp quốc tế, quốc gia là tài nguyên đặc biệt để trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.