Gắn kết nhà văn với... tài trợ

Nếu như ở nhiều nước, các nhà văn được “đặt hàng” sáng tác, tạo những điều kiện tốt nhất để họ thai nghén những tác phẩm thì tại Việt Nam lại ngược lại. Nhà văn cứ sáng tác, sau đó được nhà xuất bản chọn in sách thì thực là điều may mắn. Không có nhiều trường hợp các “ông/bà bầu” quan tâm hay đầu tư cho các nhà văn để họ sáng tác.


Cần mạnh dạn đầu tư để các nhà văn có điều kiện sáng tác những tác phẩm văn học đỉnh cao cho bạn đọc. Ảnh: Quỳnh Như


Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, văn học rất cần các “Mạnh Thường Quân”... quan tâm, đầu tư cho tác giả và tác phẩm. Sự đầu tư tất nhiên không chỉ dừng lại ở việc là xem nhà văn có tác phẩm gì đặc sắc thì xuất bản mà còn phải là sự quan tâm, đầu tư từ khi còn trong trứng nước, có thể là gợi ý vấn đề, hoặc nhà văn đề xuất đề tài, tạo điều kiện để họ viết lách, khi tác phẩm ra đời thì tạo điều kiện để nó được xuất bản và quảng bá trước công chúng.


Thực tế, vài ba năm trở lại đây, những hoạt động mang tính đầu tư, kích thích sáng tạo và chăm lo đầu ra cho tác phẩm văn học của các tác giả cũng đã manh mún xuất hiện. Nhưng tiếc rằng, tuổi thọ của những hoạt động này không được bao lâu. Như “Quỹ Lời vàng Eva” từng phối hợp với NXB Phụ nữ khởi xướng giải thưởng “Lá trầu” dành cho các nhà thơ nữ Việt Nam. Những năm đầu tiên, giải thưởng đã thực sự là nguồn cổ vũ, động viên các tác giả sáng tạo và còn tạo điều kiện về mặt in ấn, phát hành với những tác giả nữ có các tập thơ ấn tượng như “Chữ cái” (Từ Huy), “Bay lặng im” (Trang Thanh)... Nhưng sau một vài mùa thì đến nay, giải này không còn được tổ chức nữa. Cũng tiếp nối giải Lá trầu, nhà sách Bách Việt có khởi xướng giải Thơ và tiểu thuyết Bách Việt, nhưng qua 1, 2 mùa, giải cũng rơi vào khoảng không. Vậy nên, các nhà văn, nhà thơ chưa kịp vui mừng thì đã vội tắt niềm vui.


Có nhiều nguyên nhân khiến cho văn học Việt không có được những nhà đầu tư đúng nghĩa. Một trong những lý do quan trọng nhất, vẫn là ở chất lượng các tác phẩm. Theo ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty Bách Việt: “Bản thảo văn học Việt Nam đạt yêu cầu hiện nay không có nhiều để các nhà sách khai thác. Nhiều cây viết trẻ bị ảnh hưởng quá nhiều bởi tiểu thuyết và phim ảnh nước ngoài khiến các tác phẩm của họ bị mất chất thuần Việt...”.


Dễ thấy trên văn đàn Việt hiện nay, không có được nhiều tác phẩm văn học nổi bật. Một vài cái tên may mắn có được người đỡ đầu như nhà văn Di Li với Công ty cổ phần văn hóa Phương Đông là rất hiếm. Để có được điều này, bản thân Di Li cũng phải là cây bút có nội lực, làm việc nghiêm túc. Công ty Phương Đông nhìn thấy tiềm năng phát triển của Di Li nên mới quyết định đầu tư cho riêng cô. Hay như Nguyễn Nhật Ánh là cái tên luôn được Nhà xuất bản trẻ “chọn mặt gửi vàng”...


Như vậy, có thể thấy, các nhà sách, các nhà xuất bản vẫn dành sự quan tâm tới các tác giả văn học. Chỉ có điều, chưa có nhiều người có đủ sức thuyết phục để các đơn vị này trở thành “Mạnh Thường Quân” cho mình. Muốn làm được điều này, không gì khác là nhà văn phải khẳng định mình bằng những tác phẩm có chất lượng, chuyên nghiệp trong sáng tác. Mặt khác, thiết nghĩ chính các nhà sách, các nhà xuất bản cũng cần “mạnh dạn” dùng “con mắt xanh” để phát hiện và đầu tư cho các nhân tài để các nhà văn có điều kiện sáng tác những tác phẩm đỉnh cao, mang lại lợi ích cho đôi bên.



Minh Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN