Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đặt chân đến xã Phúc Sen, thuộc huyện miền núi Quảng Uyên (Cao Bằng), vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2013. Đây là giải thưởng dành cho giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Cộng đồng dân tộc Nùng là cộng đồng duy nhất giành giải thưởng năm nay.
Nhờ chọn được loại cây thích hợp với thổ nhưỡng, có khả năng tái sinh cao, làng nghề rèn Phúc Sen không còn lo thiếu chất đốt, không chặt cây rừng nữa. Ảnh: văn Đạt |
Ông Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã Phúc Sen, cho biết, toàn xã có 10 xóm, có trên 400 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu, với đại đa số là đồng bào dân tộc Nùng. Đồng bào vẫn giữ tập quán sống ở nhà sàn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nghề rèn đúc thủ công truyền thống sản xuất nông cụ. Tổng diện tích tự nhiên 1.285 ha, trong đó có 276 ha đất ruộng rẫy; đất lâm nghiệp 808 ha, đã giao đến hộ gia đình gần 30 ha, cộng đồng dân cư 444 ha, nhóm hộ gia đình 99 ha.
Những năm trước đây, do diện tích đất canh tác ít, đồng bào thường vào rừng lấy củi về đun nấu hoặc đốt than để phục vụ nghề rèn đúc. Vì vậy, rừng ngày một suy giảm và bị tàn phá nhanh chóng. Mất rừng, không khí trở nên ngột ngạt, nóng lạnh bất thường, lượng mưa ít dần, đất đai khô cằn... Sau mỗi cơn mưa, đất bị rửa trôi, đất đá trên cao rơi xuống từng tảng lớn gây tác hại cho mùa màng, nương rẫy, nhà cửa, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo việc trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng. Sau một thời gian tuyên truyền vận động, việc trồng cây gây rừng, bảo vệ, chăm sóc rừng được nhân dân tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã. Các hộ gia đình trong xã đều được giao đất rừng ở những nơi thích hợp. Phần đất rừng còn lại được giao cho tập thể xóm quản lý, bảo vệ thành rừng cộng đồng. Đồng thời, xã đã xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán của từng xóm.
Đồng bào dân tộc nơi đây đã tìm được một loại cây thích hợp về trồng làm cây tiên phong. Loài cây này, theo tiếng địa phương gọi là cây mác rạc hay còn gọi là cây dầu dìu; thích hợp trên núi đá vôi và có khả năng tái sinh rất tốt, khi phát triển đã tạo nên khí hậu và độ ẩm thích hợp cho các loại cây khác phát triển; góp phần giải quyết được chất đốt cho cuộc sống sinh hoạt nhân dân và các lò rèn nơi đây. Một số địa phương trong và ngoài tỉnh đã cử cán bộ chuyên môn đến liên hệ mua hạt giống cây mác rạc về trồng. Nhiều xã lân cận đến học hỏi và làm theo mô hình quản lý rừng cộng đồng của xã Phúc Sen đều thành công, góp phần tạo nên cảnh quan môi trường sinh thái bền vững cho địa phương và khu vực.
Không giấu được niềm tự hào, ông Linh Văn Phù cho biết: Từ khi núi đá được phủ xanh thành rừng, điều nhận thấy rõ nhất là không khí mát mẻ trong lành, nguồn nước chảy đều và nhiều hơn, không còn hiện tượng đá lở từ trên núi xuống, muông thú đã quay trở lại, đàn ong đến tìm hoa làm mật, rừng giữ độ ẩm cho đất tạo nên khí hậu thích hợp cho các loại cây trồng phát triển đạt năng suất và chất lượng cao. Nhân dân không còn lo thiếu chất đốt hằng ngày, đa phần rừng đã đảm bảo nhu cầu về than củi cho duy trì và phát triển nghề rèn đúc truyền thống của địa phương. Năm 1984 trở về trước, bình quân lương thực đầu người mới đạt trên 200 kg/năm, đến năm 2000 đạt 400 kg/năm, năm 2013 đạt 704 kg/năm. Số hộ nghèo giảm đáng kể, năm 1995 tỷ lệ hộ nghèo là 49%, đến năm 2005 giảm xuống còn 37%, năm 2012 còn 10,3%.
Từ việc quản lý rừng cộng đồng thành công, xã Phúc Sen đã được Dự án “Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Công mở rộng" đầu tư xây dựng xóm Pác Rằng thành điểm du lịch sinh thái - làng nghề rèn truyền thống. Hiện nay, dự án đã xây dựng xong các hạng mục công trình: Cải tạo gầm nhà sàn nhà ở hợp vệ sinh, hệ thống đường trong xóm, đường cống ngầm thoát nước, nhà văn hóa và một số công trình liên quan khác..., đến cuối năm 2013, sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, khai thác. Đây cũng là lợi thế của Phúc Sen trong phát triển kinh tế - xã hội và nhất là việc tiếp tục thực hiện công cuộc bảo vệ môi trường.
Thanh Tuấn