Những trải nghiệm đẹp của nhà báo Italy tại Việt Nam

Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng với nhà báo Massimo Loche, nguyên phóng viên chiến trường tại Việt Nam trong thập niên 1970, đã từng cộng tác với các báo như l’Unità, Rinascita, l’Espresso và là cựu Phó Giám đốc của kênh truyền hình tin tức Rainews24, ký ức về thời khắc lịch sử chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên.

Chú thích ảnh
Bức ảnh kỷ niệm của nhà báo Massimo Loche với Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ông Massimo Loche đã chia sẻ cùng phóng viên TTXVN về những trải nghiệm đẹp nhất trong cuộc đời, cả trên phương diện nghề nghiệp lẫn con người, trong thời gian tại Việt Nam.

Hồi tưởng lại những cảm xúc khi nghe tin chiến thắng ngày 30/4/1975, nhà báo Loche vẫn nhớ như in vào khoảng hơn 11h, ông nghe thấy tiếng pháo nổ ngoài cửa sổ “phòng làm việc” của ông tại Hà Nội, trong Khách sạn Thống nhất, nay là Sofitel Legend Metropole Hanoi. Tiếng pháo phát ra từ tòa nhà của Bộ Nội vụ và ông biết rằng “sự bùng nổ” (theo nghĩa đen và nghĩa bóng) của niềm vui chỉ có thể có một ý nghĩa: Sài Gòn đã được giải phóng và Việt Nam đã thống nhất. Khi đó điều này không khiến nhà báo Loche không ngạc nhiên bởi vì một ngày trước đó, các hãng thông tấn đã đưa tin về sự đào thoát của những người Mỹ cuối cùng ở Sài Gòn, cùng với nhiều cộng sự và nhân vật của chế độ Việt Nam Cộng hòa trên những chuyến trực thăng bay từ nóc tòa đại sứ Mỹ về phía các tàu sân bay ngoài khơi. Hơn nữa, vì trận chiến vô cùng khốc liệt ở Xuân Lộc đã kết thúc với chiến thắng của quân giải phóng, nên gần như chắc chắn Sài Gòn sẽ được giải phóng và cùng với đó là toàn bộ miền Nam. Xe tăng của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 húc đổ cổng Dinh độc lập trưa ngày 30/4/1975. Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc chiến tranh.

Nhà báo Loche và vợ đã ra đường và cùng ăn mừng với người dân thủ đô Hà Nội, nơi họ hát vang một bài hát mới, vừa được sáng tác “Như có Bác trong ngày đại thắng” với một giai điệu hân hoan, vui tươi, lặp đi lặp lại điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh”…Ông nhớ lại cảm xúc gần gũi với người dân Việt Nam hơn bao giờ hết vì ông đã tham gia trọn vẹn vào chiến thắng đó, một phần cũng là chiến thắng của ông vì ông đã tin tưởng nhân dân Việt Nam, những con người tuy xa cách về địa lý nhưng gần gũi về tình cảm với nhân dân Italy. Như một sự tình cờ, 9 tháng sau, con trai đầu lòng của nhà báo chào đời tại Hà Nội và ông đã quyết định đặt tên tiếng Việt cho cháu là Thắng, người chiến thắng.

Chú thích ảnh
Nhà báo Massimo Loche trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Rome. Ảnh: Dương Hoa/PV TTXVN tại Italy

Về chiến thắng 30/4 của nhân dân Việt Nam, nhà báo Loche khẳng định đây là một chiến thắng xứng đáng cho người dân Việt Nam. Trải qua nhiều gian khổ, đau thương, mất mát, người dân Việt Nam đã hiện thực hóa được những điều tưởng chừng như chỉ là một giấc mơ. Ông đánh giá người dân Việt Nam rất nghiêm túc, kiên trì và thông minh trong chính trị và trong cuộc kháng chiến cứu nước. 

Nhà báo Loche nhớ lại ông đã đến Việt Nam vào ngày Giáng sinh năm 1972, khi lệnh ngừng bắn trong 12 ngày ném bom vào cuối tháng 12 cho phép máy bay chở ông hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Ông đã chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của máy bay B52, khả năng kháng cự của quân dân và chiến sĩ Việt Nam, sự vi phạm Hiệp định Paris của Mỹ. Nhà báo đã đi trên những con đường bom đạn qua các tỉnh, vùng, trong đó có vùng Giải phóng Quảng Trị, đến thăm các hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy, trường học và bệnh viện. Tóm lại, ông đã được trực tiếp trải nghiệm ý chí giành độc lập và tự do của người dân Việt Nam. Từ việc Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris) được ký kết ngày 27/1/1973 nhưng phải đến 30/4/1975, Việt Nam mới thống nhất đất nước, nhà báo Loche rút ra một bài học có giá trị lớn, đó là một nền hòa bình thực sự cũng phải đi kèm với công lý, phải tôn trọng độc lập và tự do của các dân tộc.

Về những kỷ niệm thời gian làm việc tại Việt Nam, nhà báo Loche nhớ lại rằng trong 4 năm ở Việt Nam, ông đã thấy được mối quan hệ bền chặt giữa hai nước. Vào thời điểm đó, tại Italy, phong trào đoàn kết vì nhân dân Việt Nam và vì hòa bình rất mạnh mẽ. Đây là phong trào thu hút sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân và nhiều đảng phái, phong trào chính trị, công đoàn và hợp tác xã.

Theo ông, có một yếu tố rất quan trọng vun đắp cho quan hệ Việt Nam-Italy, đó là mối quan hệ hữu nghị rất bền chặt giữa những người cộng sản Việt Nam và những người cộng sản Italy, những người chia sẻ một quan niệm cơ bản: chủ nghĩa quốc tế phải dựa trên sự độc lập của nhiều đảng cộng sản khác nhau và sự đoàn kết. Đó không chỉ là sự đoàn kết được tạo nên từ các bài phát biểu và cuộc tuần hành, hay những cuộc đụng độ với cảnh sát khi biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ hay những cử chỉ gây sốc như khi những chú chim bồ câu được ném ra từ phòng trưng bày của Nhà hát Teatro dell'Opera ở Rome khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon bước vào khán đài trong chuyến thăm chính thức tới Italy.

Chú thích ảnh
Nhà báo Massimo Loche chia sẻ các bức hình kỷ niệm khi ông tác nghiệp tại Việt Nam trong thập niên 1970 với phóng viên TTXVN. Ảnh: Dương Hoa/PV TTXVN tại Italy

Phong trào đoàn kết của Italy với Việt Nam, đặc biệt là sau năm 1973, được thể hiện rõ nét qua hoạt động quyên góp ủng hộ Việt Nam thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân Italy. Nhiều đoàn đại biểu Italy tới Hà Nội, bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam, từ các đoàn đại biểu đảng, đến các đoàn đại biểu từ các vùng như Emilia-Romagna, hay các nhà khoa học hay thậm chí là các nghệ sĩ cá nhân như họa sĩ Bruno Caruso.

Nhà báo Loche nhắc lại sự kiện tàu “Australe” đã cập cảng Hải Phòng vào tháng 1/1974 với hàng nghìn tấn hàng hóa mà phong trào đoàn kết tại Italy đã quyên góp để giúp đỡ và gửi tặng nhân dân Việt Nam. Đó là ý tưởng tuyệt vời của Thuyền trưởng Luciano Sossai, người đứng đầu chi nhánh của Hiệp hội Italy - Việt Nam tại cảng Genoa, mà trong suốt hành trình dài từ cảng Genoa đến Hải Phòng, vẫn tiếp tục thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam tại mọi cảng mà tàu dừng lại.

Nhà báo Loche, một người yêu mến Việt Nam, đánh giá mối quan hệ giữa Italy và Việt Nam vẫn mang dấu ấn tích cực từ những tháng ngày xưa ấy và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải (TTXVN)
Người Việt tại miền Trung nước Nga hướng về quê hương
Người Việt tại miền Trung nước Nga hướng về quê hương

Hòa chung không khí vui mừng và tự hào của cả nước chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ngày 27/4, cộng đồng người Việt Nam tại 2 tỉnh miền Trung nước Nga tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm mốc son lịch sử này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN