Đã quá "ngấm" với những món ăn Đạo hồi, chính vì thế, khi được một số đồng nghiệp kể lại về một quán phở ở ngay trung tâm thành phố, tôi đã quyết định đi khám phá ngay.
Không nằm ở mặt đường nhưng từ đại lộ đi tới SVĐ Lebak Bus, tấm biển quảng cáo phở Việt treo cao khá bắt mắt. Quán nằm ở khu Pondok Indah Plaza, nơi tập trung những món ăn ẩm thực nổi tiếng của thành phố cũng như các quốc gia khác. Nói là quán phở Việt, nhưng lại không hề có một người Việt Nam nào đứng bán, kể cả đầu bếp cũng là người Inđônêxia.
Hỏi ra mới biết, người đầu bếp từng sang TP Hồ Chí Minh gần 1 năm và chính sự hấp dẫn của món phở đã khiến chị Suliyah mở quán với tên gọi Phở 24. Tuy nhiên, phở do người Inđônêxia làm cũng khác Việt Nam một số thứ, nhất là nước phở, bánh phở và một số gia vị kèm theo. Nếu như ở Việt Nam, chủ yếu là phở bò tái chín, gà, sốt vang... thì quán phở 24 ở Inđônêxia đã đa dạng hơn với hàng chục loại phở khác nhau.
Bánh phở cũng to hơn, còn nước phở không đậm mùi hoa hồi như ở Việt Nam. Dù vậy, những gia vị kèm theo rất bắt mắt và mới trông đã thấy ngon miệng. Người Inđônêxia rất thích ăn ớt và ớt chính là món gia vị chủ đạo của món phở. Kèm theo là giá, rau húng, hành tây, chanh. Còn quẩy thường rất to và dài, gọi 2 cái có thể cho 5 người cùng ăn. Điều đặc biệt nhất ở quán Phở 24 của chị Suliyah chính là thực phẩm nhập từ Ôxtrâylia nên có hương vị rất đặc trưng.
Thấy tôi vào, chị Suliyah biết ngay là người Việt Nam bởi theo chị, người Việt có cách thưởng thức món phở không thể lẫn vào đâu được. Dù toàn là người Inđônêxia phục vụ trong quán phở nhưng phong cách phục vụ, cách trang trí những bức tranh Đông Hồ, những hình tượng Phật và thậm chí là những bài hát về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tạo ra một không gian đậm chất Việt giữa lòng Giacácta.
Tất nhiên, để cảm nhận và tận hưởng không khí cùng món phở, nước uống giá không hề dễ chịu, khoảng 100.000 rupi (250.000 đồng). Dù vậy, được thưởng thức hương vị Việt ở một đất nước xa xôi, là sự thú vị không thể đo đếm bằng tiền được.
ANH CHI