Hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia kết nối cung - cầu hàng hóa

Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố năm 2016, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 25/11 đã thu hút hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh giá cao hiệu quả của hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, ngày càng thu hút được sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và mở rộng quy mô trên cả nước. Kết quả này là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong việc tạo ra được chuỗi liên kết, khơi thông kênh phân phối, đưa hàng hóa địa phương vào tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước và từng bước đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, để phát huy sức lan tỏa của Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương, trong thời gian tới chính quyền các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu và đưa ra những giải pháp kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa vào kênh phân phối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chỉ là bước đầu, phải làm sao để các doanh nghiệp triển khai thành công các hợp đồng. Điều này, đòi hỏi các nhà quản lý, đơn vị liên quan cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, kênh phân phối.

Đông đảo khách tham quan hội chợ triển lãm kết nối cung cầu hàng hóa năm 2016. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi năm giao thương hai chiều thông qua Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, đạt doanh thu 22.132 tỷ đồng; trong đó, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã tiêu thụ hàng hóa trị giá gần 15.500 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố này trị giá trên 6.630 tỷ đồng. Chương trình này đã trở thành đầu mối tiêu thụ khoảng 80.000 tấn vải thiều/mùa, chiếm 65% sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; hỗ trợ tiêu thụ củ hành tím (tỉnh Sóc Trăng); cà chua (tỉnh Lâm Đồng)…

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đến đầu tư, liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường. Các địa phương tham gia kết nối còn tổ chức tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc thực phẩm... Qua đó, từng bước nâng cao hiệu giá trị sản phẩm Việt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

Đánh giá về 5 năm triển khai chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, đại diện các tỉnh, thành phố cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn, Saigon Co.op, Satra, Vissan, Vinamilk, Ba Huân, San Hà, Vinh Phát, Tấn Vương... đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng số vốn đầu tư 27.428 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 Siêu thị, Trung tâm thương mại, 55 Cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng.

Riêng đối với lĩnh vực liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch đạt 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị như Saigon Co.op, Fahasa, Big C, Nguyễn Kim… đã đầu tư 13 trung tâm thương mại, 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đánh giá, hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, là hoạt động tiêu biểu, không chỉ giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, mà còn mở rộng đến các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp tỉnh, thành phố, đã không ngừng tăng sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện nhãn hàng riêng cho nhiều hệ thống phân phối TP Hồ Chí Minh... Đơn cử, nhiều mặt hàng của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, sản phẩm địa phương đã được Satra, Saigon Coop Metro, BigC, Lotte… chọn lựa để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Chia sẻ về những kết quả kinh doanh đạt được khi tham gia Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc hệ thống Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang cho hay, thông qua việc đã ký kết tiêu thụ hàng hóa với doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, doanh thu của hệ thống siêu thị này đã không ngừng tăng trưởng và mở rộng được quy mô hoạt động. Cụ thể, doanh thu năm 2013 của hệ thống siêu thị Tứ Sơn đạt 87 tỷ đồng; năm 2014 146 tỷ đồng, năm 2015 doanh 190 tỷ đồng, năm 2016 dự kiến doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng.

Hoạt động Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố ngày càng lan tỏa ra cả nước, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu và kết nối. Điển hình, hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố năm 2016, tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp mới của phía Bắc như Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hà Giang... Từ kinh nghiệm thực tế và hiệu quả của TP Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây, các tỉnh, thành phố trên cả nước còn áp dụng mô hình kết nối này tại địa phương mình nhằm giải quyết kịp thời đầu ra cho hàng hóa địa phương.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đã góp phần hình thành và xây dựng được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố. Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố và sự gắn kết phối hợp giữa các sở ngành chức năng địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các địa phương trong việc liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, bên cạnh vai trò quản lý còn trở thành đầu mối tin cậy kết nối giao thương, bình ổn thị trường khu vực, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội.

Mỹ Phương (TTXVN)
Tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành
Tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh thành

Kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ và các tỉnh thành - nơi cung cấp đã mang lại nhiều hiệu quả. Hiện rất nhiều địa phương đang muốn tăng cường việc kết nối này để giải quyết đầu ra cho hàng hoá sản xuất và nông sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN