'Dở khóc, dở cười' vì đầu tư xe tải

Hiện nay, không ít gia đình ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) trong tình trạng “dở khóc, dở cười” bởi việc đầu tư mua ô tô vận tải để chở hàng.


Theo thống kê chỉ trong khoảng 6, 7 tháng vừa qua, toàn huyện Lộc Bình đã có hơn 500 xe ô tô vận tải loại trên 2 tấn được mua mới và cũng có khoảng gần 500 xe cũ được “tăng cường” để vận chuyển hàng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên cho đến nay, toàn bộ số ô tô này đều “đắp chiếu” bởi không có việc làm; do vậy nguy cơ bị vỡ nợ là rất lớn đối với các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các phương tiện vận tải.


Lộc Bình là một huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, có cửa khẩu Chi Ma và nhiều cửa khẩu phụ nơi chủ yếu xuất khẩu hàng tạm nhập, tái xuất sang Trung Quốc. Theo thống kê của ngành Hải quan tỉnh Lạng Sơn, thời điểm cuối năm 2011, đầu năm 2012, số lượng hàng tạm nhập, tái xuất qua địa bàn huyện là rất lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 300 xe côngtennơ hàng xuất khẩu qua đây.


Do lượng hàng hóa lớn, cùng với đường chật hẹp không đáp ứng yêu cầu để lưu thông xe trọng tải lớn, nên đa số các chủ hàng đều phải san hàng sang xe tải nhỏ để vận chuyển.


Mỗi côngtennơ hàng phải cần tới 5 xe ô tô tải 2,5 tấn để chuyển hàng; trung bình mỗi xe này được trả cước vận chuyển là 1,8 triệu đồng/xe/chuyến; xuất phát từ thị trấn Lộc Bình qua biên giới với chiều dài tuyến đường chỉ khoảng trên 20 km.

Xe tải chở hàng ở Lạng Sơn. Ảnh vtv.vn


Theo tính toán của các lái xe, trừ chi phí xăng, dầu, khấu hao xe, mỗi chuyến lãi hơn 1 triệu đồng; trung bình mỗi ngày một xe “tăng bo” được 3 chuyến hàng; với lợi nhuận như vậy, nhiều gia đình đã “mạnh dạn” vay tiền đầu tư 2, 3 xe để vận chuyển. Cùng với đó, nhiều công ty vận tải đã nhanh chóng được thành lập với mô hình cổ phần hóa và cũng chỉ trong thời gian ngắn các công ty này đã huy động hàng trăm xe mua mới hoặc đóng góp phương tiện từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang…


Tuy nhiên, với thời gian hoạt động ngắn ngủi (khoảng hơn 6 tháng) thì hàng tạm nhập, tái xuất qua địa bàn bị dừng hẳn. Ông Hoàng Minh Đức - cán bộ Trung tâm Quản lý cửa khẩu Chi Ma cho biết: Do phía nước bạn có sự thay đổi về chính sách hàng tạm nhập tái xuất, nên việc xuất khẩu hàng qua địa bàn đã dừng hẳn gần một tháng nay. Gần một nghìn xe ô tô vận tải trên địa bàn “nằm chơi, xơi nước” là điều tất yếu.


Anh Hoàng Văn Chiến ở thị trấn Lộc Bình cho biết: Thấy mọi người làm ăn được, em cũng đánh liều vay mượn mua một chiếc xe tải gần 300 triệu, nhưng mới chạy được vài chuyến là phải nghỉ vì không có ai thuê nữa; bán xe thì khó và chắc sẽ lỗ vài chục triệu. Hiện mỗi ngày phải trả lãi vài trăm nghìn cùng với tiền bến bãi, khấu hao xe. Không chỉ riêng anh Chiến mà nhiều gia đình đầu tư mua ô tô để chở hàng cũng lâm vào cảnh còng lưng trả nợ. Đây thực sự là bài học đắt giá của cách đầu tư “ăn xổi”.

 

Thái Thuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN