Dưới tiêu đề “Việt nam và trật tự kinh tế mới tại châu Á-Thái Bình Dương”, chuyên trang Thế giới của trang mạng Acercandonaciones.com, cho biết trong các ngày 11-12/11 tới, Hội nghị Cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng, nơi lãnh đạo các nền kinh tế thành viên sẽ xác định một trật tự kinh tế mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ hội nghị APEC 2016 tại Lima (Peru), đến nay, trật tự kinh tế tại khu vực này cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới đã có sự thay đổi đáng kể.
Đề cập việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trang Acercandonaciones.com nhấn mạnh tháng 3 năm nay, Chile đã thúc đẩy một cuộc họp giữa các nước tham gia ký kết thỏa thuận này cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia mà không có sự tham gia của Mỹ. Tại hội nghị, các nước thỏa thuận tiếp tục thúc đẩy thương mại đa phương và hội nhập thương mại châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản cùng với New Zealand hiện đã trở thành những nước đi đầu trong việc đưa ra những đề xuất liên quan tới TPP-1 (11 quốc gia còn lại trong TPP). Trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam, trong các hội nghị được tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 7 và tháng 9 vừa qua, các bên đã đạt được những đồng thuận nhất định liên quan tới những vấn đề kỹ thuật và giảm thiểu những bất đồng về TPP-1.
Trong bối cảnh đó, vai trò của Việt Nam - quốc gia chủ nhà của Hội nghị Cấp cao APEC tới đây, sẽ rất quan trọng. Trong tháng 5, Hội nghị các bộ trưởng phụ trách thương mại APEC đã được tổ chức ở Việt Nam để đánh giá những giải pháp, lựa chọn và đề xuất cho TPP-1.
Bài báo nhận định Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, cũng là thách thức đối với nền kinh tế của nước chủ nhà Việt Nam trong quá trình thực thi mạnh mẽ mở cửa thương mại, tìm cách xâm nhập những thị trường lớn trên thế giới, để có thể đáp ứng những quy định về môi trường, thị trường lao động, bản quyền và thương mại. Bên cạnh đó, tại APEC 2017, Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò ngoại giao trung gian giữa 2 đề xuất thương mại lớn, đó là TPP và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Việt Nam quyết tâm thúc đẩy xâm nhập thương mại khu vực đồng thời tham gia tích cực và chủ động trong việc xác định điều kiện trật tự thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương. Với những gì Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị trong suốt năm qua và việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC tới đây, quốc gia này muốn thể hiện có đủ khả năng để đương đầu với những thách thức.
Trong khi đó, trang mạng Medium.com của Argentina cũng đăng bài viết về tiềm năng kinh tế Việt Nam. Theo trang này, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, giải ngân Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đạt mức kỷ lục và điều này cho thấy nền kinh tế có nhiều triển vọng. Luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Chính phủ Việt Nam hiện chủ trương tập trung gia tăng chất lượng đầu tư, hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong khuôn khổ cơ chế thị trường giữa các thành phần kinh tế, các công ty trong và ngoài nước; phát triển xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu Việt, gia nhập chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và HSBC dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng từ 6,5 đến 6,8% trong năm 2018.
Trong một bài viết khác, hãng tin AsiaTV đề cập tới những kết quả kinh tế nổi bật của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và có nhiều thách thức. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 5,15% quý I, 6,28% quý II và 7,46% quý III. Dự kiến cả năm, kinh tế tăng trưởng 6,7%.
Lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại tệ ở mức 44 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 154 tỷ USD, tăng 19%. FDI tiếp tục tăng và đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%. Giải ngân đạt kỷ lục với 12,5 tỷ USD, tăng 12,4%. Ngoài ra, có 94.000 doanh nghiệp mới ra đời và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 2,21%.