Cuộc chiến máy bay không người lái: Kỳ 4: Tù nhân của Taliban

Tướng Ashfaq Parvez Kayani. Ảnh: Internet

Tôi đến Waziristan lần cuối cùng vào tháng 6/2007. Khi đó, người dân ở đây đã biết tôi làm việc cho một tờ báo Mỹ. Gia đình lo lắng cho sự an nguy của tôi nên không khuyến khích tôi về Waziristan. Quân đội chính phủ thì chẳng thích thú gì với sự hiện diện của các hãng tin nước ngoài, còn Taliban thì ngày một trở nên hoang tưởng. Đó là những gì tôi rút ra được sau một năm có mặt ở Waziristan.

Vào một ngày nóng như nung trong tháng 7/2008, tôi lên đường tới Peshawar cùng một phóng viên ảnh để đưa tin về việc Taliban mới chiếm được một loạt mỏ đá cẩm thạch trong vùng của bộ tộc Mohmand. Sau cuộc gặp với người dẫn đường địa phương, chúng tôi tới làng Ziarat và hướng thẳng tới một trạm kiểm soát của Taliban. Chúng tôi đã mặc trang phục áo dài truyền thống và đội mũ để dễ hòa lẫn vào người địa phương. Dù vậy, tôi rất lo lắng cho anh phóng viên ảnh, một người gốc Karachi, vì sự hiện diện của anh ấy sẽ chứng tỏ chúng tôi là kẻ “ngoại lai”. Tôi bảo anh ở lại chỗ đậu xe ô tô trong khi tôi đánh liều đi tới trạm kiểm soát. Khi tôi chuẩn bị kết thúc cuộc phỏng vấn một nhà thầu khoán đang làm việc trong các khu mỏ, anh phóng viên ảnh đột nhiên lừ lừ tiến lại. Tôi buộc lòng phải kết thúc cuộc nói chuyện và đẩy anh ta về xe. Nhưng quá muộn. Một gã có râu hét lên, hắn đã trông thấy chiếc túi máy ảnh của anh phóng viên.

Phóng viên Pir Zubair Shah không bao giờ trở về Pakixtan được sau loạt bài viết về Taliban. Ảnh: Internet


Chúng tôi bị ép lên xe đi ra khỏi con đường lớn. Một gã Taliban lái xe bên cạnh cùng khẩu súng lăm lăm. Taliban nhốt chúng tôi ở căn cứ trên núi, do những người tình nguyện từ một làng gần đó canh giữ. Khi tới căn cứ, tất cả đồ dùng cá nhân của chúng tôi, trong đó có điện thoại di động và tiền bạc, đều bị tịch thu. Nhưng dẫu sao, chúng tôi vẫn được đối xử tử tế hơn những tù nhân mà chúng tôi thấy bị xiềng ở những phòng giam kế bên.

Buổi tối, hai chiến binh Taliban tới phòng chúng tôi. “Ai là người Waziristan ?”, một người hỏi. Tôi trả lời rằng chính tôi, và đi theo họ tới một căn phòng tồi tàn trong khu nhà. “Hãy nói thực chúng mày là ai”, một người trong họ nói. Họ nhìn qua danh bạ điện thoại của tôi, đòi cho biết tại sao lại có cả số của viên tư lệnh quân đoàn sơn cước, một lực lượng lính dù Pakixtan được Mỹ huấn luyện đang giao tranh với Taliban. Cuộc thẩm vấn kéo dài tới 3 ngày. Tôi nói với họ rằng tôi chỉ là một phóng viên.

Cuối cùng, Abdul Wali, một thủ lĩnh Taliban địa phương, tới và hài lòng khi biết chúng tôi đúng là những người như đã khai nhận. Y ra lệnh thả chúng tôi. Wali nói: “Có những người tới đây dưới vỏ bọc nhà báo và phóng viên ảnh, họ cũng chụp ảnh luôn cả những địa điểm của chúng tôi rồi chuyển chúng cho chính quyền, hoặc thả một chiếc SIM card điện thoại để làm tín hiệu cho máy bay không người lái oanh kích. Khó mà biết được ai là phóng viên và ai là gián điệp”.

Với cư dân Waziristan, câu “Tao sẽ chơi máy bay không người lái với mày” đã xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày như là một câu đùa cợt bệnh hoạn. Những cỗ máy bí ẩn bay vo vo tít trên trời cũng được đưa vào văn hóa dân gian của người bản địa. “Anh đi tìm em như tìm máy bay không người lái, em yêu ơi”, như lời một bài thơ tiếng Pashto mà tôi vẫn thường nghe những người địa phương ngân nga.

Đến cuối năm 2010, WikiLeaks công bố những bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính phủ Pakixtan có dính líu đến các chiến dịch máy bay không người lái của Mỹ ở nước này. WikiLeaks dẫn một bức điện tín đề tháng 2/2008 từ Đại sứ quán Mỹ ở Ixlamabát cho biết, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakixtan, Tướng Ashfaq Parvez Kayani trong cuộc gặp với Tư lệnh Sở chỉ huy trung tâm Mỹ, Đô đốc William Fallon, đã yêu cầu quân đội Mỹ “tiếp tục cho các máy bay không người lái Predator kiểm soát khu vực xung đột” ở Nam Waziristan, nơi quân đội Pakixtan đang đọ sức với các tay súng Taliban. Một bức điện tín vào tháng 2/2009, do đại sứ Mỹ khi đó là Anne Patterson ký, xác nhận: “Kayani biết rõ rằng những vụ oanh kích (của máy bay không người lái) là rất chính xác (chỉ gây ra một số vụ thương vong cho thường dân) và mục tiêu chủ yếu là những chiến binh nước ngoài tại Waziristan”. Cũng theo một bức điện tín khác mà WikiLeaks có được, trong cuộc họp vào tháng 8/2008 với Đại sứ Patterson, Thủ tướng Pakixtan, Yousuf Raza Gilani đã “bật đèn xanh” cho ông Patterson thực hiện chiến dịch máy bay không người lái trong các khu vực bộ tộc của Pakixtan: “Tôi sẽ chẳng lo lắng nếu họ làm việc này, miễn là họ tìm (giết) đúng người. Chúng tôi sẽ biểu tình phản đối trước quốc hội và rồi phớt lờ việc này”.

Zubair Shah (Trần Long dịch theo Foreign Policy)

Đón đọc kỳ tới: Mâu thuẫn mới trong lòng xã hội Pakixtan

Cuộc chiến máy bay không người lái-Kỳ 3: Nhiệm vụ nguy hiểm
Cuộc chiến máy bay không người lái-Kỳ 3: Nhiệm vụ nguy hiểm

Các chiến binh Taliban dùng từ “bhungana”, một thổ ngữ của người Pashtun, để chỉ máy bay không người lái, nôm na là “vật phát ra tiếng động như con ong”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN