Đang trong ca trực tại trạm y tế lưu động phường Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội), nhận thông tin có trường hợp một bệnh nhân cao tuổi trên địa bàn có kết quả test nhanh dương tính, có biểu hiện nặng cần cấp cứu, điều dưỡng Nguyễn Thu Trang cùng bác sĩ của trạm y tế khẩn trương chuẩn bị đồ bảo hộ, bình oxy, trang thiết bị y tế xuống nhà dân khám và xử trí người bệnh ngay trong đêm.

Sau khi thăm khám, nhận thấy chỉ số SpO2 (chỉ số oxy máu) của bệnh nhân chỉ còn 62- 75%, mạch đập cao 126 lần/phút, huyết áp tụt, nhịp thở 32 lần/phút, có triệu chứng khó thở, đau tức ngực… bệnh nhân lại tuổi cao, mới tiêm 1 mũi vaccine, có tiền sử đặt stent, tăng huyết áp, tiểu đường. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân đã khá nặng, đã ở mức độ thuộc tầng 3, đội cấp cứu đã vừa sơ cấp cứu tại chỗ, vừa khẩn trương phối hợp với Trung tâm Y tế quận Đống Đa liên hệ để chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau 2 tiếng đồng hồ phối hợp xử trí ca bệnh tại chỗ, và tích cực hỗ trợ, bệnh nhân đã được kịp thời chuyển đến bệnh nhân đến Bệnh viện để tiếp tục theo dõi điều trị.

 

Xử trí xong bệnh nhân nặng, điều dưỡng Nguyễn Thu Trang cùng các nhân viên y tế của trạm y tế lưu động lại tiếp tục quay về trực điện thoại tư vấn F0, ứng trực sẵn để sẵn sàng lên đường khi có bệnh nhân gọi.

Từ khi số ca F0 điều trị tại nhà tăng cao, các y bác sĩ tại trạm y tế phải “gồng gánh” thêm nhiều công việc, áp lực bởi y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất trong dịch bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thu Trang cho biết: “Công việc của trạm y tế chúng tôi hiện nay khá nặng vì vừa phải tham gia chống dịch, và vừa phải làm các nhiệm vụ khác như bình thường. Có những khi cùng lúc quản lý khoảng 60 F0 tại nhà, hàng ngày, nhân viên y tế trạm y tế lưu động liên tục gọi điện cho các bệnh nhân để hỏi tình trạng sức khỏe, có sử dụng thuốc gì, nhu cầu gì không để có hướng xử trí. Đặc biệt bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà cũng có thể diễn biến nặng bất cứ lúc nào nên việc theo dõi luôn phải chính xác, kịp thời. Qua quá trình tham gia chống dịch tôi cảm thấy mình trưởng thành lên nhiều, học hỏi thêm được nhiều, có nhiều kinh nghiệm hơn trong cả chuyên môn và giao tiếp, kỹ năng làm việc. Nhiều khi chúng tôi phải xử lý những tình huống mà trước đó chưa từng gặp; nhất là khi tham gia xử lý các ca cấp cứu cho người bệnh, là những bài học thực hành rất tốt về chuyên môn với nhân viên y tế cơ sở chúng tôi”.

Từ khi số ca F0 điều trị tại nhà tăng cao, các y bác sĩ tại trạm y tế phải “gồng gánh” thêm nhiều công việc, áp lực bởi y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất trong dịch bệnh.

Trước khi nhận các nhiệm vụ, nhân viên y tế của trạm y tế đã phải trải qua các đợt tập huấn của Sở Y tế, được tập huấn rất bài bản về xử lý trong các tình huống như: Cấp cứu, phản vệ, chăm sóc F0 tại nhà, tiêm chủng…

“Nếu không tập huấn kỹ càng, chúng tôi sẽ không thể đáp ứng nhanh được vì khi dịch bệnh ập đến là chúng tôi phải vào cuộc ngay, công việc chống dịch không có chế độ thử mà đã vào cuộc là làm thật ngay. Đặc biệt, khi ứng phó với các tình huống trong dịch bệnh, nhân viên y tế cơ sở cũng có sự phối hợp, kết nối tư vấn từ tuyến trên hỗ trợ để tham khảo, có hướng xử trí; sự sát sao của tuyến trên cũng là cơ hội để chúng tôi được học hỏi, nâng cao thêm kiến thức, nghiệp vụ”, điều dưỡng Nguyễn Thu Trang chia sẻ.

Những ngày qua, lực lượng y tế tuyến cơ sở thực sự là tuyến trực tiếp gần dân nhất, là khâu quan trọng gánh vác những áp lực đầu tiên trong cuộc chiến chống đại dịch.

 

Trải qua các đợt dịch, chiến lược chống dịch thay đổi liên tục, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, y tế cơ sở càng phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện các biện pháp phòng dịch, rà soát, giám sát, quản lý ca bệnh trong cộng đồng… đặc biệt đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc ngay từ đầu, giảm ca bệnh chuyển nặng và tử vong, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên…

Trải qua các giai đoạn chống dịch, từ giai đoạn đầu với nhiệm vụ tuyên truyền, điều tra dịch tễ; các giai đoạn tiếp theo là tuyên truyền, điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức xét nghiệm nhanh, tiêm chủng, sau này là cả điều trị F0 tại cộng đồng... dù ở mức độ nào, y tế cơ sở cũng đều đã đáp ứng rất nhanh, rất kịp thời. Những nỗ lực trên đã góp phần vào thành quả chống dịch của Việt Nam, với các mục tiêu kiểm soát dịch nhanh chóng.

 

Khi dịch bệnh ập đến, dù chưa thể có những chuẩn bị kỹ càng để ứng phó, nhưng y tế cơ sở đã nhanh chóng thích nghi, rất nhiều nhiệm vụ, công việc chưa từng có tiền lệ, phải vừa làm vừa học hỏi trong áp lực của dịch bệnh; nhưng đây cũng là những lần “thử lửa” để ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng hơn, nhất là trong cuộc chiến chống dịch còn kéo dài.

Trong buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho người già, yếu tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoàn y tế gồm cán bộ Trung tâm y tế quận, cán bộ y tế phụ trách, bác sỹ khám sàng lọc trước tiêm, bác sỹ khám sau tiêm, nhân viên tiêm chủng cùng lực lượng hậu cần và đảm bảo an toàn trong tiêm chủng đến từng gia đình có người già yếu, người đang mắc bệnh lý… trên địa bàn để tiêm vaccine phòng COVID-19 .

 

Trước khi tiêm, người cao tuổi được thăm khám sức khỏe, tư vấn về tiêm vaccine. Sau khi tiêm, cán bộ y tế sẽ tư vấn cho người nhà và người được tiêm theo dõi sức khỏe sau tiêm để đảm bảo an toàn nhất.

“Tuổi cao sức yếu, khó khăn trong đi lại, người già chúng tôi không thể đi ra trạm y tế để tiêm được; được nhân viên y tế địa phương đến tận nhà hỗ trợ tiêm vaccine phòng dịch chúng tôi rất xúc động và tin tưởng. Đến nay cả nhà tôi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, đã có thể yên tâm phần nào”, bà Đàm Thị Thuyên (phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân) chia sẻ.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, các địa phương đã tổ chức các đoàn y tế tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già yếu không thể tới các điểm tiêm chủng tập trung, đảm bảo không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ.

Khi chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử được triển khai, tại các địa bàn, lực lượng y tế cơ sở đã trở thành nòng cốt. Dựa trên kinh nghiệm đã thực hành tiêm chủng các loại vaccine khác từ trước, cùng với việc tiếp tục tập huấn cả về quy trình tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng… Chiến dịch đã được triển khai trên quy mô tất cả các địa phương, tại các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường.

Để bảo đảm người dân được tiếp cận vaccine phòng COVID-19 một cách thuận lợi nhất, việc tiêm chủng được thực hiện ở các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, bên cạnh đó còn thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi nhất và dễ dàng nhất.

Đặc biệt trong giai đoạn đầu, việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động tiêm chủng là nhiệm vụ rất nặng của y tế cơ sở khi phải vận động để người dân tin tưởng vào vaccine, cán bộ y tế thực hành tiêm chủng an toàn… Từ khi lượng vaccine còn ít, phải rà đối tượng ưu tiên để triển khai tiêm cho đến khi nguồn vaccine về dồi dào, tiêm mở rộng cho toàn dân, các cán bộ y tế cơ sở luôn phải xoay sở để đáp ứng các nhiệm vụ.

Nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn. Chưa kể, y tế cơ sở cũng phải triển khai những việc chưa từng có tiền lệ như: Tiêm chủng vaccine tại nhà cho những người già yếu, khuyết tật, tiêm chủng xuyên đêm…

 

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong đợt triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào tháng 9/2021 tại Hà Nội, có những ngày lực lượng y tế, nhất là y tế tại các trạm y tế, trung tâm y tế làm cả đêm, thành quả là Hà Nội đạt đỉnh tiêm được tới hơn 600.000 mũi vaccine phòng COVID-19 trong một ngày, có những điểm tiêm chủng hoạt động tới 2 - 3 giờ sáng. Đó là nỗ lực rất lớn của cán bộ y tế.

Trong đợt dịch thứ 4, khi số ca mắc COVID-19 tại cộng đồng tăng nhanh, khi Bộ Y tế quyết định triển khai cho các F0 điều trị tại nhà, y tế cơ sở lại “gánh” thêm nhiệm vụ này. Với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng nhanh, công việc của mỗi cán bộ y tế và Trạm y tế lưu động lại tăng lên. Lực lượng tại các trạm y tế, các Trung tâm y tế được huy động tối đa trong quản lý, theo dõi, tư vấn, điều trị các bệnh nhân.

Đến nay việc quản lý người bệnh tại cơ sở đã khá trơn tru; cũng có những khi quá tải nhưng với lực lượng khá mỏng, mỗi cán bộ y tế tại các địa bàn vẫn đang nỗ lực từng ngày. Đặc biệt khi dịch COVID-19 lan rộng, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, y tế cơ sở lại phải bố trí lực lượng, thành lập các trạm y tế lưu động tại các địa bàn để đáp ứng các tình huống dịch. Từ TP Hồ Chí Minh, sau đó các địa phương bắt đầu triển khai và đã cho hiệu quả, đưa y tế đến gần dân hơn.

Y tế cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Từ tháng 8/2021, để đáp ứng tình hình dịch diễn biến phức tạp, mô hình trạm y tế lưu động lần đầu tiên được đưa vào hoạt động tại TP Hồ Chí Minh nhằm chủ động tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi phường đều đã có trạm y tế, tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh bùng phát thì với mô hình trạm y tế lưu động sẽ có thêm một cơ sở để giúp cho ngành y tế của quận, đặc biệt là phường, xã có sẵn lực lượng nhằm quản lý, theo dõi, khám điều trị cho người mắc COVID-19 tại nhà.

Các bác sỹ và điều dưỡng ở Trạm y tế lưu động đều có số điện thoại của từng trường hợp người mắc COVID-19 trên địa bàn và mỗi ngày sẽ liên lạc, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Qua đó, sàng lọc những trường hợp có nguy cơ và tổ chức thăm khám tận nhà; trao tặng túi thuốc y tế chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 mà Sở Y tế đã hướng dẫn cho toàn ngành thực hiện.

Sau TP Hồ Chí Minh, mô hình trạm y tế lưu động nhanh chóng được mở rộng ra các tỉnh, thành phố để kịp thời ứng phó với dịch bệnh. Với mô hình này, tuy y tế cơ sở phải gánh thêm nhiệm vụ nhưng tất cả hướng tới việc chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại địa phương, đặc biệt là tại phường, xã tốt hơn và người dân cũng thuận sẽ lợi hơn khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

 

Như “cánh tay nối dài của y tế cơ sở”, các mô hình trạm y tế lưu động tại các địa phương đã góp phần giải quyết hiệu quả việc tiếp cận y tế cho người dân khi số ca mắc tăng cao, giúp giảm tải cho tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá: Việc triển khai trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải việc chuyển tuyến bệnh nhân thể nhẹ lên tuyến trên. Hơn nữa, khi trạm y tế lưu động đi vào hoạt động đã thực hiện điều trị bệnh nhân ngay tại nhà, từ đó nhiều trường hợp không phải đi cách ly tập trung, hạn chế được lây chéo từ các bệnh nhân cùng cách ly. Đặc biệt, khi người dân được điều trị tại nhà sẽ tiết kiệm được nguồn lực kinh tế khá lớn cho mỗi địa phương trong việc chi phí vận chuyển, ăn ở, người phục vụ...

 

Đánh giá vai trò của y tế cơ sở trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định: “Thắng bại trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay nằm ở y tế cơ sở. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải quán xuyến toàn diện, bố trí đủ trạm y tế lưu động khi ca F0 tăng mạnh, không để dân gọi mà không thấy bác sĩ, cần điều trị mà không có thuốc. Chúng ta phải quyết định tổ chức thực hiện theo hướng lấy y tế làm nòng cốt để chiến thắng dịch bệnh”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh; đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp và nguy hiểm như hiện nay, hệ thống y tế cơ sở phải được chú trọng. Bởi đây là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển kịp thời người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn.

 

Với tinh thần  y tế cơ sở luôn được xem là nguồn lực nòng cốt, trung tâm trong phòng chống dịch. Việc đầu tư cho y tế cơ sở là vấn đề thiết yếu, quan trọng hiện nay.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, vừa qua, hệ thống y tế cơ sở đã thể hiện vai trò nòng cốt trong phòng, chống dịch; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi gánh thêm nhiệm vụ quản lý, theo dõi các ca F0 tại nhà. Tuy nhiên, hệ thống này đang thiếu nhân lực trầm trọng. Thực tế cho thấy, nhân lực tại một trạm y tế ở Hà Nội chỉ khoảng từ 5 - 10 cán bộ, là quá ít so với việc họ phải “gánh” trên vai các nhiệm vụ rất lớn như: Lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, hướng dẫn cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, điều trị bệnh nhân... Với những xã, phường có tỷ lệ dân số cao hiện đang có sự quá tải với hệ thống y tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị tại y tế cơ sở hiện vẫn còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác phòng, chống dịch.

Nói về thực tế tuyến cơ sở hiện nay, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết: Tại khối trạm y tế của Hà Nội, đến thời điểm hiện nay vẫn còn 66/579 trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu tại trạm, ngành y tế đã phải có giải pháp cử bác sĩ của các đơn vị tuyến trên về hỗ trợ, tăng cường và làm việc.

Bên cạnh đó, về chế độ đãi ngộ, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ nhưng hiện thu nhập của cán bộ khối trạm y tế hiện nay còn thấp; cụ thể thu nhập của cán bộ y tế chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề ở mức trung bình từ 5 - 7 triệu/tháng, khi tham gia các hoạt động phòng chống dịch cán bộ y tế được hưởng thêm kinh phí hỗ trợ khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Các trạm y tế lưu động cũng cần được đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý các ca bệnh.

Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, cần phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không đảm bảo chất lượng, đã xuống cấp. Bên cạnh đó, vấn đề về nhân lực y tế cũng cần được quan tâm vì đây là một tiêu chí rất quan trọng, quyết định sự thành công trong định hướng phát triển của tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần có các chính sách phù hợp để thu hút nhân lực chất lượng cho tuyến y tế cơ sở.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện Hà Nội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới các trạm y tế nhằm duy trì tiêu chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2021 - 2025; trình UBND Thành phố phê duyệt với tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở với số tiền 2.447 tỷ đồng.

Clip: Hiệu quả chống dịch từ y tế cơ sở do Truyền hình Thông tấn (VNews) thực hiện:

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế cũng huy động tổng nguồn lực từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án ODA, hỗ trợ trong và ngoài nước… để thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đẩy mạnh chương trình y tế chăm lo sức khỏe cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn, để đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở.

Đồng thời, thực hiện tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế; chuyển đổi cơ quan quản lý các Trung tâm y tế tuyến huyện, giao chính quyền địa phương quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, để đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến, phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ tăng lên 100% để đảm bảo các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, y tế cơ sở là tuyến gần dân nhất, sát dân nhất, tiếp cận nhanh nhất, nếu không củng cố thì về tâm lý, người dân sẽ muốn lên tuyến trên. Theo đó, ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ai đi khám chữa bệnh cũng đi bệnh viện nên tuyến cơ sở thiếu được quan tâm. Vì vậy, phải thống nhất chủ trương, nhận thức, từ đó có đề án để thay đổi một cách căn cơ để thu hút nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.

Để tăng cường năng lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, Chính phủ cũng đã yêu cầu đẩy nhanh việc tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn về phát hiện, xét nghiệm sàng lọc, điều trị ban đầu, điều trị sớm F0 tại cơ sở, tại nhà để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay.

 

Bài: Tạ Nguyên
Ảnh: TTXVN. Clip: VNews
Trình bày: Tuệ Thy

27/02/2022 08:40