Từ một vài điểm nóng, giờ đây các ca mắc COVID-19 như những “vết dầu loang” có mặt ở mọi nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội đã lên tới khoảng 3.000 ca mỗi ngày và thành phố đang lên phương án đáp ứng cho 100.000 ca COVID-19. Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19.

Những ngày gần đây, trên nhóm Zalo của tòa chung cư CT3C - X2 Khu đô thị Linh Đàm liên tục thông báo danh sách các bệnh nhân khỏi bệnh, từ 28 ca F0 đến nay số bệnh nhân này đã khỏi bệnh gần hết, chỉ còn lại một vài ca đang phải điều trị.

Chị Bùi Thị Vân Khánh, một cư dân tòa nhà cho biết, các bệnh nhân ở đây chủ yếu tự điều trị ở nhà bằng những loại thuốc thông thường và đều nhanh khỏi. Như gia đình chị khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 đã rất lo lắng. Do không liên hệ được với y tế phường nên phải 4-5 ngày sau, gia đình chị mới ra phường để được xét nghiệm lại (bằng test nhanh) thì kết quả lại âm tính. Không yên tâm, chị đã gọi dịch vụ của Bệnh viện Medlatec đến làm xét nghiệm PCR, kết quả khẳng định cả 3 người trong gia đình chị đều dương tính. “Lúc đó, chúng tôi mới điều trị bằng vài loại thuốc thông thường được phát, uống trà gừng và xông bằng nước lá. Chắc chúng tôi bị nhẹ nên nhanh khỏi”, chị Bùi Thị Vân Khánh chia sẻ.

Nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe và phát thuốc cho trường hợp F0 đang điều trị tại nhà.

Tại các địa phương, các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động cũng phát huy hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ. Dù nhân lực ít trong khi khối lượng công việc nhiều nhưng các cán bộ, nhân viên các trạm y tế lưu động đã cố gắng hết khả năng để giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh để trở về với gia đình khi những ngày Tết đang cận kề.

Trạm Y tế lưu động thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) từ ngày 3/12/2021 đến ngày 9/1/2022 đã thu dung, điều trị 292 ca F0 là những bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, trong đó 240 bệnh nhân đã được xuất viện, 7 bệnh nhân chuyển tuyến điều trị tại tầng 2 và tầng 3. Trạm bố trí từ 4-8 giường bệnh mỗi phòng, đảm bảo giữ khoảng cách và luôn được khuyến cáo tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Các bác sỹ, điều dưỡng thăm khám cho từng bệnh nhân, cấp phát thuốc, vitamin, đồng thời tư vấn cho người bệnh cách tự chăm sóc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Các suất ăn được phục vụ đến tận phòng bệnh. Hằng ngày, bác sĩ đều rà soát bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm.

Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh đóng tại Trường Mầm non Tuổi thơ (ngõ 24 phố Nguyễn Công Hoan) có quy mô 200 giường bệnh. Đây là trạm y tế lưu động đầu tiên được quận Ba Đình thiết lập theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tính đến ngày 9/1, Trạm đã tiếp nhận 443 bệnh nhân COVID-19 vào điều trị.

Y sĩ Lê Ngọc Thắng cho biết, Trạm đi vào hoạt động từ ngày 9/12 và làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các nhân viên tại Trạm được phân công rõ ràng, ai vào việc nấy, không lúng túng khi thực hiện công việc. "Tâm trạng anh chị em ổn định, ai cũng xác định khắc phục khó khăn, làm việc hết mình để chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân được chu đáo", anh Lê Ngọc Thắng chia sẻ.

Tại phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa), chúng tôi đã chứng kiến sự vất vả của các thành viên Trạm Y tế lưu động ở đây. Trong một buổi sáng liên tục có các cuộc điện thoại được gọi đến nhờ tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà. Theo đó, các thành viên của Trạm chia nhau ra tư vấn cho các F0 qua Zalo. Nhóm khác mặc bộ đồ bảo hộ y tế đưa, phát thuốc cho các F0 thể nhẹ tại nhà. Từ sáng sớm đến đêm muộn, Trạm Y tế lưu động phường lúc nào cũng sáng đèn, sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn cho các F0.

Nhân viên trạm y tế lưu động nỗ lực hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho các F0.

Tại phường Ô Chợ Dừa nói riêng và nhiều phường xã khác trên địa bàn Thủ đô, trạm y tế lưu động đã điều trị khỏi cho hàng nghìn bệnh nhân F0. Do đó, nhiều người dân đã coi trạm y tế lưu động là địa chỉ tin cậy. Riêng Trạm Y tế lưu động phường Ngọc Khánh đã chữa khỏi và cho về nhà 290 trường hợp, trong đó có 4 trẻ em. Nhiều quận như Thanh Xuân, Đống Đa… cũng đã có hàng trăm bệnh nhân được "xuất trạm" sau những ngày được chăm sóc và điều trị tại trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Chị Nguyễn Thị Hiên (Đống Đa), người nhà của bệnh nhân F0 được phát thuốc tại nhà bày tỏ: “Khi mới xét nghiệm ra dương tính thì tâm lý của bệnh nhân đa phần rất hoang mang. Thực tế, có những bệnh nhân mệt hơn không phải vì bệnh mà vì tâm lý họ quá lo lắng nên cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Chính vì thế, các tình nguyện viên luôn quan tâm đến việc trấn an tâm lý cho người bệnh đỡ căng thẳng, góp phần điều trị tốt hơn”.

Trước bối cảnh số ca F0 tăng cao, đồng thời cũng nằm trong mục tiêu tiêm phủ vaccine cho toàn bộ người dân trên địa bàn, nhiều quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã triển khai tiêm tại nhà cho người già yếu, người bại liệt, khuyết tật, người mất tri giác, mất năng lực hành vi...

Tổ tiêm lưu động phường Cửa Đông tới tận nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người có nguy cơ cao.

Trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) có trên 1.000 người dân nằm trong nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là người cao tuổi, bị hạn chế khả năng di chuyển, bại liệt. Do đó, từ ngày 30/12, quận Đống Đa đã tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho nhóm người trên. Tại mỗi tổ tiêm tại nhà, quận Đống Đa bố trí bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ phường, dân quân và công an cùng tham gia hỗ trợ các công tác trước và sau tiêm. Trước khi tiêm, quận Đống Đa thực hiện khám sàng lọc cho đối tượng tiêm phòng vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, để tiêm cho một người ít nhất phải mất một tiếng di chuyển, thăm khám, theo dõi sau tiêm… Mỗi lọ vaccine có 7-8 liều và thời gian bảo quản tối đa là 6 giờ từ khi mở nắp. Khi đến tiêm, các lượng lượng sẽ phải mang theo nhiều thiết bị, vật tư y tế, phích bảo quản vaccine, bình oxy, cáng… nên rất vất vả.

Còn tại phường Cống Vị (Ba Đình), qua thống kê có 63 người cần tiêm vaccine tại nhà, trong đó người cao tuổi nhất sinh năm 1921, người ít tuổi sinh năm 1981. Theo UBND phường Cống Vị, việc tiêm vaccine được thực hiện cẩn trọng và đúng quy định.

Tổ tiêm lưu động phường Điện Biên (quận Ba Đình) tới tận nhà tiêm cho người cao tuổi, người bị hạn chế khả năng di chuyển.

Cùng với Cống Vị, các phường khác trên địa bàn quận Ba Đình cũng đang tiến hành tiêm vaccine tại nhà cho cho người già yếu, người bại liệt, khuyết tật, người mất tri giác, mất năng lực hành vi... Bà Nguyễn Thị Hồng Yến sinh năm 1950, ngách 25 ngõ 267 Hoàng Hoa Thám (Liễu Giai, Ba Đình) bày tỏ xúc động, bản thân bị huyết áp cao, già yếu nên chưa tiêm. Nay được y tế phường đến tận nhà, thăm khám sức khỏe và tiêm vaccine phòng COVID-19 nên bà rất vui và biết ơn sự quan tâm của các cấp, ngành đối với sức khỏe của nhân dân.

Cùng với việc tiêm vaccine tại nhà, thành phố đã chuẩn bị gần 19.000 túi thuốc C gồm có thuốc kháng virus Molnupiravir điều trị COVID-19 thể nhẹ. Đến nay, Sở đã cấp phát 12.000 túi thuốc này cho các đơn vị. 

Tại các bệnh viện, bên cạnh những bệnh nhân khỏi bệnh, do số ca nhiễm tăng mạnh nên số bệnh nhân nặng cũng có xu hướng gia tăng những ngày gần đây. Từ ngày 29/4 đến nay, toàn thành phố đã có 270 người tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong/ca mắc COVID-19 của Hà Nội hiện là 0,4%. Trong số 467 người ở mức độ nặng và nguy kịch có 411 người phải thở mặt nạ, gọng kính; 14 người thở HFNC (thở ôxy dòng cao); 10 người thở máy không xâm lấn; 31 người thở máy xâm lấn; 1 người phải lọc máu. Với số ca F0 tăng nhanh, đặc biệt là bệnh nhân nặng, các bệnh viện chuẩn bị tầng 3 sẵn sàng về trang thiết bị cũng như nhân lực để đảm bảo điều trị cho F0.

Khu vực cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị cho 280 bệnh nhân mắc COVID-19. “Bệnh viện chuẩn bị sẵn 300 giường điều trị cho F0; đảm bảo trang thiết bị, máy móc, nhân lực cũng được đào tạo để đảm bảo chăm sóc cho 300 F0. Hiện việc điều trị, chăm sóc F0 chưa vượt quá năng lực của bệnh viện”, Tiễn sỹ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.

Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông có 133 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 28 bệnh nhân nặng, 105 bệnh nhân trung bình. Bệnh viện đang khó khăn về nhân lực và phải bố trí 15 cán bộ, nhân viên y tế/ca trực, mỗi tuần thay ca/lần. Ngoài điều trị cho các ca F0 tại bệnh viện, các nhân viên y tế ở đây còn phải hỗ trợ cơ sở thu dung F0 ở Tứ Hiệp, đặc biệt việc điều trị cho các ca nặng cần nhiều nhân lực, nhất là bác sỹ cấp cứu hồi sức.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự báo số ca mắc và ca nặng, nguy kịch tại Hà Nội tiếp tục tăng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội không nên quan tâm nhiều đến số ca nhiễm mỗi ngày mà cần tập trung vào số ca nặng và ca tử vong. Trong đó cần phân tích nguyên nhân tử vong, các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vaccine chưa, có phải do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong.

Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn được phân cấp điều trị người bệnh COVID-19 mức độ nặng - mức độ nguy kịch.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID-19 cần được tập trung là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh; quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.

Hiện nay, các địa phương trong thành phố tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vaccine tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền. Đoàn Thanh niên tiếp tục vận động xã hội hóa hỗ trợ hàng trăm bình ô xy cho công tác điều trị.

Tại cuộc họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cho biết, số ca F0 tiếp tục tăng trong những ngày gần đây, trong đó khoảng 30% là các ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động phòng, chống dịch của người dân và hệ thống chính trị ở cơ sở; duy trì sẵn sàng ở mức cao nhất với phương châm “4 tại chỗ”, tránh để tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc A-B...

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao năng lực quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch; tiếp tục chủ động nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở; chủ động phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bệnh viện các bộ, ngành theo phân tuyến của thành phố... bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để người dân yên tâm, tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1 để hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển lên tầng trên; điều trị tích cực đối với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 để hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine, tập trung vận động người chưa tiêm tham gia tiêm đầy đủ để hạn chế người mắc và chuyển nặng.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch thành phố năm 2022 nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, 100% UBND các cấp từ thành phố đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sát với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng lực lượng cộng tác viên y tế - dân số... nhằm hỗ trợ cơ quan y tế địa phương thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

100% UBND xã, phường, thị trấn triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động theo tình hình dịch trên địa bàn; xây dựng lực lượng Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ theo dõi chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà để hỗ trợ ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng đóng trên địa bàn Hà Nội thực hiện khai báo, báo cáo bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm trực tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

100% các cơ sở tiêm chủng đóng trên địa bàn Hà Nội triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. 100% cán bộ y tế trong hệ thống giám sát xử lý, cấp cứu điều trị các loại dịch bệnh từ thành phố đến cơ sở được tập huấn để nắm vững kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các trạm y tế lưu động được triển khai theo tình hình dịch trên địa bàn.

Các quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường xây dựng đóng trên địa bàn Hà Nội duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường chủ động phòng, chống dịch bệnh vào chiều thứ Sáu hằng tuần; tổ chức giám sát phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng đúng, xử lý kịp thời, triệt để 100% ổ dịch, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh xâm nhập nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về kinh tế, văn hóa xã hội; tổ chức khoanh vùng, điều tra xử lý khống chế nhanh chóng các ổ dịch nhằm giảm số mắc và tử vong do các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương...

100% trường hợp người nhập cảnh, người về từ vùng dịch COVID-19; người tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được cách ly, theo dõi giám sát sức khỏe chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.

Ngoài ra, ngành chức năng nâng cao năng lực phòng xét nghiệm các tuyến, tăng cường công tác xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm).

UBND thành phố cũng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thành thói quen cho cộng đồng để nâng cao tinh thần chủ động của người dân về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh; tăng cường công tác cách ly, giám sát, xử lý dịch; tăng cường thu dung, điều trị bệnh nhân...

UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố) tham mưu UBND thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch năm 2022. Sở chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ dịch tại cộng đồng, cơ sở y tế để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để, không để dịch bùng phát; giám sát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh để cách ly không để dịch xâm nhập.

Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, kiểm soát người ra, vào, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y, bác sĩ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh; chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức chống dịch để cùng chặn "vết dầu loang" COVID-19.

Có thể thấy, Hà Nội đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, hạn chế các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, trước thực tế diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, có ý kiến chuyên gia y tế cho rằng “Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”. Theo đó, các trường hợp F0 điều trị tại nhà cần sớm được đáp ứng y tế đầy đủ, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể cho từng triệu chứng bệnh, chứ không phải điều trị theo kiểu “mò mẫm” khiến tình trạng bệnh tăng nặng. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân nặng tại các Bệnh viện, khu điều trị. Đồng thời mỗi người dân phải nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng để hạn chế thấp nhất số ca tăng nặng và bệnh nhân tử vong.

PGS. TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nhận định về tình hình điều trị F0 thể nặng:

Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm tiêm chủng, tổ chức điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế Thủ đô thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tại các địa phương, nhất là ở những phường dân cư đông trong khi nhân lực tại các trạm y tế quá ít, nên thực tế có nhiều ý kiến phản ánh về việc các F0 chậm được đáp ứng y tế, chậm được xét nghiệm, phát thuốc, chậm được ghi nhận là F0. 

Người dân tụ tập tại các quán trà đá vỉa hè, nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.

Đáng nói, bất chấp những nỗ lực từ phía chính quyền và các lực lượng chức năng, một bộ phận người dân Thủ đô vẫn chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch, như: không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, vẫn tụ tập đông người để vui chơi, ăn nhậu… hay một số người dân sống ở vùng đang ở cấp độ 3 về dịch COVID-19 (bị cấm ăn uống tại quán) di chuyển sang vùng cấp độ 2, cấp độ 1 để ăn uống…

“Tôi vẫn gặp hàng xóm đi chợ, đổ rác nhưng sau mới biết gia đình họ là F0. Mắc bệnh nhưng họ không có ý thức giữ gìn cho cộng đồng mà cũng chẳng thấy ai nhắc nhở”, chị Nguyễn Thị Thủy, ở ngõ 88 phố Sơn Tây (quận Ba Đình) đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho biết.

Theo số liệu ban đầu, chỉ trong một tuần, các lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt 96 vụ vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh, với số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi các hành vi vi phạm diễn ra ở nhiều nơi song chưa bị phát hiện và xử lý kịp thời.

Nhiều người dân chủ quan với các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng.

Nguyên nhân dẫn đến sự lơ là trên một phần là do người dân chủ quan khi thấy hầu hết người dân thành phố (trên 18 tuổi) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm đủ hai mũi vaccine là giúp bản thân người đã tiêm nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng, khả năng tử vong thấp. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, những người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến nhanh và nghiêm trọng, sự chủ quan, coi thường dịch bệnh sẽ khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày càng gia tăng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ y tế và chính quyền cơ sở. Vaccine phòng COVID-19 dù có được tiêm phủ khắp cộng đồng, nhưng nếu người dân không phát huy tinh thần tự giác, nâng cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng thì dịch bệnh sẽ không thể bị ngăn chặn và đẩy lùi. Do đó, điều quan trọng nhất trong lúc này đó là mỗi cá nhân cần tăng cường cho bản thân “vaccine ý thức”.

Sẽ không có giải pháp hay liều thuốc nào hiệu quả bằng sự chủ động phòng tránh dịch của chính bản thân mỗi người dân, bắt đầu từ biện pháp 5K. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, ý thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, việc thực hiện "5K" vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì để bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Việc tuân thủ các khuyến cáo "5K" trong phòng, chống dịch của người dân sẽ vừa bảo vệ bản thân, gia đình, vừa bảo vệ cộng đồng. Đây chính là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn con đường lây lan của virus, hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh nơi công cộng.

Việc nhiều người dân tập trung đông người và lơ là việc tuân thủ “Thông điệp 5K” khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp có thể tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Rõ ràng, trong lúc này, ý thức phòng tránh dịch của mỗi người được coi là liều “vaccine” hữu hiệu góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, tự mỗi người dân, mỗi gia đình cần phải ý thức sâu sắc nguy cơ tái bùng phát dịch và sự nguy hiểm chết người từ dịch COVID-19. Tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch phải được quán triệt, thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Mỗi đơn vị, địa phương cần thức tỉnh, nhắc nhở để người dân ý thức rõ và đồng thuận hành động, giảm bớt những cuộc hẹn, hạn chế đến các tụ điểm ăn nhậu, không tụ tập đông người, tiết chế những nhu cầu cá nhân... để góp sức vào nhiệm vụ phòng, chống dịch trong trạng thái chung sống an toàn với COVID-19.

Bài: Tuyết Mai - Mạnh Khánh - Minh Duyên
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Trung Nguyên
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

15/01/2022 09:55