Số ca F0 tăng vọt, khó liên hệ với trạm y tế để báo ca mắc hoặc xin tư vấn, xin cấp thuốc… Đó là những nguyên nhân khiến nhiều người buộc phải tự ý mua vật tư y tế, thuốc để tự cách ly, điều trị COVID-19 theo những cách riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng gánh nặng cho cả hệ thống y tế. Do đó, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần chủ động trang bị kiến thức, chủ động ứng phó để tránh những biến chứng đáng tiếc khi bản thân hoặc gia đình mắc COVID-19.
Chưa hết mệt mỏi vì vừa phải chăm sóc 3 con vừa mắc COVID-19, mà các cháu đều sốt cao, có cháu có biểu hiện co giật, chị Nguyễn Thu Nga (Vĩnh Tuy, Hà Nội) và chồng lại càng nản hơn khi cả hai test COVID-19 lại lên 2 vạch, các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu, đau họng, khản giọng cũng ngày càng tăng. Giọng khản đặc vì ho, chị Nga chia sẻ: “Nhà tôi 7 người thì cả 7 đều lần lượt dương tính. Tôi lo nhất cho mẹ già, bà bị hen, tim mạch, huyết áp. Gia đình có đưa bà vào viện nhưng vì bà chưa có triệu chứng khó thở nên cán bộ y tế “khuyên về” để liên hệ, nhận hỗ trợ điều trị từ trạm y tế phường. Có điều, liên hệ với nhân viên trạm y tế rất khó, có liên hệ được cũng chỉ được mấy loại thuốc đơn giản nên gia đình tôi đành phải tự mua thuốc điều trị thêm cho bà và cả mấy người trong gia đình”.
Cũng vừa mới khỏi thoát cảnh F0, mấy ngày này, chị Nguyễn Thanh Hà (phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại phải đôn đáo khắp nơi để hỗ trợ các gia đình người thân lần lượt mắc COVID-19. Chị Hà chia sẻ: “Đại gia đình nhà tôi gần như đều bị mắc COVID-19 cả rồi. Tôi và những người thân trong gia đình hầu như đều tự phải mua thuốc điều trị, đa phần là để điều trị triệu chứng sốt, ho, rát họng, mất vị giác... Xem mạng, nhiều người cũng tư vấn thuốc xách tay của Nga, của Ấn Độ nhưng không rõ nguồn gốc và cũng lo tác dụng phụ của thuốc nên tôi không dám dùng”.
Theo chị Hà, F0 tự theo dõi điều trị tại nhà là giải pháp hợp lý trong tình trạng số ca mắc tăng vọt như hiện nay, tuy nhiên điều mà chị và những F0 khác mong mỏi nhất là được thuận lợi hơn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế, được cấp phát thuốc, hay ít nhất cũng được hướng dẫn mua, sử dụng thuốc khi gặp các triệu chứng như ho, đau họng, nhức đầu, mất ngủ…
“Tôi thấy trên mạng cứ phê phán người dân tự ý mua thuốc xách tay - thuốc xanh, thuốc đỏ về sử dụng, nhưng đó là bất đắc dĩ thôi, vì nếu người bệnh được cấp phát thuốc điều trị tại nhà đầy đủ thì không ai lại bỏ mấy triệu ra tìm mua thuốc xách tay về uống làm gì. Thực tế là hiện nay người mắc COVID-19 rất khó có thể tiếp cận được với y tế, do không được cấp phát thuốc hay ít được hướng dẫn nên đương nhiên phải họ phải tìm cách mua thuốc để uống; nếu không thì nội việc ho, nhức đầu cả đêm đã không ngủ nổi, nhược cả người…”, chị Hà khẳng định.
Không chỉ lo lắng, tự tìm mua các thuốc điều trị COVID-19, những ngày gần đây, nhiều người dân cũng đổ xô đi mua các bộ kit test nhanh COVID-19 để dự phòng cho gia đình bởi "F0" giờ đây có thể "hiện hữu" với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đi cùng với nhu cầu gia tăng, thì thị trường xuất hiện tình trạng “loạn giá” bộ xét nghiệm COVID-19.
Trong gia đình có 3 F0, chị Hà Thanh, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, ngoài gọi dịch vụ xét nghiệm PCR của Bệnh viện Medlatec với giá 700.000 đồng/lần, gia đình chị đã phải mua nhiều bộ kit test nhanh COVID-19 tại các hiệu thuốc trên đường Giải Phóng gần Bệnh viện Bạch Mai và tại Khu đô thị Linh Đàm với giá từ 65.000 đồng/bộ; 70.000 đồng/bộ; 80.000 đồng/bộ và 90.000 đồng/bộ. Riêng loại cồn sát khuẩn tay thì nhiều hiệu thuốc luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Tương tự, một khách hàng ở quận Đống Đa cũng phản ánh nhiều cửa hàng lợi dụng nhu cầu của người dân để đẩy giá kiếm lời. Cùng một loại test nhanh Biocredit COVID-19 Ag gồm 25 kit mua trên mạng 52.000 đồng/bộ nhưng tại hiệu thuốc gần nhà giá 80.000 đồng/bộ. Tại các cửa hàng trên phố Thái Thịnh, Hai Bà Trưng, Phủ Doãn, Giải Phóng…, những người bán hàng viện lý do giá nhập bộ kít test nhanh tăng theo giờ nên cửa hàng cũng phải tăng giá theo, giá cửa hàng chào bán từ 80.000 - 120.000 đồng/bộ tùy loại. Trên các trang thương mại điện tử, nhóm rao vặt cũng chào bán đủ chủng loại kit test nhanh của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức với các mức giá khác nhau, dao động từ 55.000 - 120.000 đồng/bộ…
Theo khảo sát của phóng viên, ngoài loạn giá bộ xét nghiệm do số ca F0 tăng nhanh ở nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là những phường đông dân cư như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với dân số trên 90.00 người, thì việc người dân tập trung đông người ở các điểm xét nghiệm COVID-19 của Trạm y tế phường cũng đang tiềm ẩn nguy cơ lây chéo COVID-19.
Ngày 23/2, người đến xét nghiệm COVID-19 tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai ở nhiều khung giờ rất đông, đứng kín cả trong nhà lẫn ngoài sân, cả người đã âm tính và F0 đứng lẫn lộn xếp hàng dài ra tận ngoài cổng. Trong sân Trạm y tế kê hai bàn lấy mẫu xét nghiệm nhưng người dân đứng kín cả trong nhà lẫn ngoài sân, phải bám cả vào các bậu cửa rào để kê khai vì không có chỗ, có người chờ vài tiếng mới đến lượt được vào xét nghiệm.
Chị Đỗ Thái Hà cho biết, gọi điện nhiều lần ra Trạm Y tế để khai báo y tế không có người nghe máy, chị phải ngày thứ 2 ra Trạm Y tế phường mới xin được xác nhận âm tính để đi làm vì lúc nào người chờ cũng quá đông. “Nhìn cảnh F0 với người đã âm tính đứng lẫn lộn tôi rất lo ngại. Cần phải quy định khu vực riêng xét nghiệm cho người đã âm tính để tránh lây chéo”, chị Thái Hà đề nghị.
Được biết, việc quá tải trong xét nghiệm COVID-19 tại địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai những ngày gần đây là do nhiều người mắc COVID đã âm tính đến xin giấy xác nhận nhiễm COVID-19 để được hưởng trợ cấp ốm đau khi mắc COVID-19 điều trị tại nhà từ công ty và Bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng quá tải tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt như nêu ở trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng". Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 mới tiếp tục gia tăng, Hà Nội khẳng định sẵn sàng, chủ động ứng phó và yêu cầu tập trung nguồn lực, tiết giảm tối đa tỷ lệ chuyển tầng và tử vong, bỏ ngay tâm lý "ai rồi cũng là F0"...
Trước tình hình số ca mắc tăng nhanh trong những ngày gần đây, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tăng giá đột biến, ngày 24/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi mắc COVID-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt phân cấp từ thành phố đến cấp cơ sở với nguyên tắc “4 tại chỗ”; chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch gắn với trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, thường xuyên cập nhật và thông tin về dịch bệnh, yêu cầu, quy định trong công tác phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố, trong đó đặc biệt tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nắm bắt các dấu hiệu nhận biết, quy trình, phương pháp điều trị tại nhà để chủ động, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã phân công lực lượng triển khai quyết liệt việc quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine) và tiếp tục rà soát, trẻ em trong độ tuổi 12-17 và nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine; tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà, nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao, kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành Y tế.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương củng cố và phát huy tối đa năng lực của Tổ hỗ trợ chăm sóc, theo dõi F0 tại nhà, Tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong việc quản lý F0 tại nhà trên cơ sở các thông tin về xét nghiệm, các mức độ biểu hiện bệnh của người nhiễm; đảm bảo mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế bằng nhiều hình thức... Trẻ em, phụ nữ có thai đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại nhà phải được theo dõi sát, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng để chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời...
Đối với công tác tiêm vaccine, UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tiêm vaccine tại nhà cho các trường hợp chưa được tiêm, người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người không đi lại được, người yếu thế… Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và “tiêm chủng vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”.
Các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều cơ bản, các bậc phụ huynh khẩn trương, tích cực cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, đúng quy định. Chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine...
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" ban hành kèm theo tại Quyết định 261/QĐ-BYT của Bộ Y tế, người bệnh mắc COVID-19 được quản lý, điều trị tại nhà nếu đáp ứng điều kiện: Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;
Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
Theo các bác sĩ, các F0 không triệu chứng phải tuân thủ chặt chẽ quy định tự cách ly ở khu vực riêng biệt, tránh tiếp xúc với người xung quanh, sát khuẩn hàng ngày và đảm bảo kết nối thường xuyên với nhân viên y tế để được theo dõi. Ngoài ra, người bệnh cần lưu ý ăn uống đủ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng và chuẩn bị sẵn các loại thuốc thiết yếu.
Các F0 điều trị tại nhà nói chung và F0 không triệu chứng nói riêng cần dự phòng một số loại thuốc và vật tư y tế cần thiết.
Theo đó, thuốc dự phòng gồm: Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol...; Nhóm thuốc chữa ho; Nhóm thuốc tiêu chảy; Nước súc miệng; Cồn sát trùng; Các thuốc cho bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); Thuốc xịt mũi các loại; Vitamine C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, ho.
Cùng với đó là nước uống thông thường, nước bù điện giải (rất quan trọng khi sốt và mắc COVID-19). Ngoài ra, người bệnh cần uống đủ lượng nước để duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giúp bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn.
Đây là các thuốc cần có sẵn trong nhà, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất ngờ. Đặc biệt, triệu chứng của COVID-19 hay xuất hiện vào ban đêm nên cần chuẩn bị sẵn.
Vật tư y tế dự phòng gồm có: Nhiệt kế; Máy đo SpO2; Que test nhanh; Khẩu trang; Găng tay; Các máy theo dõi bệnh nền; Những vật tư này cần thiết để người bệnh tự cách ly, tự theo dõi.
Nhóm thuốc không nên dự phòng, tự điều trị gồm: Kháng sinh; Kháng viêm; Kháng virus.
Bộ Y tế lưu ý người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…; Suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.
Theo một chuyên gia tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, diễn biến bệnh ở bệnh nhân mắc COVID-19 thường theo quy luật: Trong giai đoạn đầu đa số không triệu chứng hoặc rất nhẹ; Sau đó, một số bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên, ở giai đoạn này việc theo dõi sát các diễn biến nặng hơn để chuyển đến bệnh viện là rất quan trọng, đây yếu tố quyết định trong việc giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong do mắc COVID-19. Do đó, những gia đình có người thân bị bệnh nền (hen, huyết áp, tim mạch…) cần có sự kết nối với y tế địa phương hoặc các tổ chức hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 (như mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà). Khi có sự kết nối chặt chẽ như vậy, người bệnh sẽ yên tâm hơn khi hàng ngày được hướng dẫn về cách điều trị các bệnh lý thông thường, cũng như có những tư vấn chuyển viện phù hợp nếu bệnh tình diễn biến nặng hơn.
Trước tình trạng số F0 điều trị tại nhà tăng cao, các F0 không gọi được y tế phường hoặc phải chờ lâu, nhiều F0 tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị… dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh, vitamin tràn lan, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga (Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà) đã chỉ ra 5 sai lầm mà các F0 hay mắc phải trong chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Đó là xông hơi, đánh gió quá nhiều lần mỗi ngày, vì theo bác sĩ Hoàng, xông hơi, đánh gió không có tác dụng tiêu diệt virus. Xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
“Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn 1 lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày 1 lần”, bác sĩ Hoàng lưu ý.
Cần dùng kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 còn trên 95%. “Đây là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng chưa hề thấy suy giảm. Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng: Kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch, khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, thì lại đưa corticoid vào, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khác gì tiếp tay cho virus tấn công, "nhà tôi đây, mời anh xơi". Khi SpO2 còn trên 95%, khi chưa phải thở oxy thì tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều khuyến cáo mạnh mẽ: Chống chỉ định dùng corticoid.
Bên cạnh đó, khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng, chống lây nhiễm tốt. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cho biết: Tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, “nhưng đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày cả”.
Thay vì tiền mất tật mang, chỉ cần thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12 - 0,20%. Cách súc họng hiệu quả vui lòng Google. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần.
Trong quá trình tư vấn cho các F0, bác sĩ Hoàng cho hay, nhiều người dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch. Hiện tại, có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kẽm, vitamin C, D liều cao có thể giúp người bệnh COVID-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.
“Khá nhiều bà mẹ khi gửi hình ảnh các loại thuốc đang dùng cho con mình, có tới 3-4 loại có vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm”, theo bác sĩ Hoàng, mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt.
Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, các bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới có hiệu quả.
Về việc sử dụng kháng sinh đối với F0, theo bác sĩ Hoàng, kháng sinh không có tác dụng gì với virus. Thực tế thì một số người cần sử dụng kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Khi cơ thể bị nhiễm virus, sức đề kháng giảm, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ cao hơn. Với các bệnh nhân nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn là có. Những người lúc bình thường hay viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang... thì cũng nên cân nhắc sử dụng kháng sinh sớm để dự phòng. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.
Thực tế, có người dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn.
Việc lạm dụng kháng sinh về cơ bản không gây chết người như kháng viêm corticoid, nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng. “Khi sử dụng kháng sinh, nhất thiết phải có sự tư vấn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh”, bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, số ca mắc ngày càng gia tăng trong đó bao gồm cả trẻ em, PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã đưa ra những khuyến cáo rất hữu ích trong chăm sóc trẻ mắc COVID-19, giúp phụ huynh ứng phó và điều trị hiệu quả tại nhà theo từng độ tuổi.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, khi phát hiện trẻ nghi mắc hoặc đã mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh xác định mức độ bệnh của con, nếu trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ thì việc điều trị tại nhà là chìa khóa giúp trẻ được chăm sóc tốt từ gia đình, ít ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế tình trạng quá tải y tế không cần thiết, nguy cơ lây nhiễm vi rút, bệnh khác từ bệnh viện.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ, là nhóm trẻ mà vai trò của các bà mẹ vô cùng quan trọng trong việc trực tiếp chăm sóc và theo dõi trẻ sát sao. Nếu trẻ sốt, trên 38,5 độ C thì phải hạ nhiệt bằng Paracetamol 10 - 15 mg/kg cân nặng, mỗi 4 - 6 giờ một lần, không quá 4 lần một ngày, chế phẩm đường uống hoặc đường đặt hậu môn. Đồng thời, lấy khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn khi sốt cao.
Cần cho trẻ uống nước thường, nước điện giải: Khi sốt trẻ sẽ có biểu hiện mất nước như tiểu ít, nước tiểu vàng, đậm đặc, môi khô. Vì vậy cha mẹ cần chú ý bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải (pha đúng liều lượng). Sau đó, cha mẹ theo dõi cả ngày và đêm, sau bù nước mà tiểu nhiều, trong hơn, môi không khô thì có thể yên tâm. Cách thức uống uống: 15 - 20 phút/ lần, mỗi lần vài thìa.
Cho trẻ bú và ăn nhẹ nhàng, chia nhỏ và nhiều hơn các cữ bú và bữa ăn. Không ép trẻ ăn nhiều một lúc như vậy để trẻ dễ hấp thụ hơn. Không uống quá nhiều nước cam, nước quả nguy cơ gây nôn, đầy bụng.
Nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng.
Cha mẹ chú ý theo dõi sát xem trẻ chơi có ngoan không, có ăn bú đầy đủ không và có đáp ứng với thuốc hạ sốt không, giảm sốt trẻ tỉnh táo là dấu hiệu tốt. Nếu các điều kiện trên vẫn ổn, tiến triển tốt trong 24 - 48 giờ thì có thể tiếp tục chăm sóc bé tại nhà, không cần phải đưa đi bệnh viện.
Lưu ý, không cho các thuốc chống viêm, kháng sinh, kháng vi rút, thuốc xịt mũi nếu không có chỉ đinh của bác sĩ.
Đặc biệt, ở nhóm trẻ từ 2 đến 6 tuổi khi sốt cao có thể có nguy cơ co giật khi nhiệt độ tăng nhanh trong thời gian ngắn. Nếu trẻ có hiện tượng co giật, cha mẹ phải thực sự bình tĩnh, gọi thêm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Đặt trẻ nằm trên một mặt phẳng cứng, ngửa nhẹ đầu và nghiêng đầu sang một bên; không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ để tránh gây tình trạng tụt lưỡi hoặc khó thở; không vội vàng ôm chầm lấy trẻ hay bế dựng trẻ lên.
Đồng thời, cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, cặp nhiệt độ, cho trẻ hạ sốt bằng thuốc đặt đường hậu môn. Lấy khăn ấm lau chườm cổ, nách, bẹn và tiếp tục theo dõi tình trạng của trẻ, thông thường cơn co giật do sốt cao đơn thuần chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1-2 phút. Nếu sau đó môi và tứ chi của bé ấm, hồng bình thường thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm.
Bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải (pha đúng liều lượng) cho đến khi nào trẻ tiểu nhiều, nước tiểu trong, môi không khô thì nghĩa là tình trạng mất nước đã giảm.
Cho trẻ ăn nhẹ nhàng, chia thành nhiều bữa nhỏ, ăn cháo loãng hơn.
Đối với trẻ lớn, trẻ đi học là nhóm trẻ đã có khả năng tự bảo vệ và nói ra triệu chứng, cảm nhận cơ thể tốt hơn. Tuy nhiên cha mẹ vẫn cần đặc biệt chú ý đánh giá sốt cả thời điểm ngày và đêm, cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C, theo dõi biến chuyển trong 4 tới 6 giờ liên tục bằng cách đo nhiệt độ.
“Với trẻ, kể cả trẻ nhỏ, trẻ lớn, vấn đề vệ sinh mũi họng là rất quan trọng. Chúng ta lau rửa mũi cho các bé bằng nước muối biển, rồi nhỏ thuốc để mũi họng của bé sạch sẽ, thông thoáng hơn”, PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Ngoài ra, vì COVID-19 là bệnh dịch, nên các ông bố, bà mẹ hết sức lưu ý, nếu con mình bị mắc COVID-19 cần cách ly khỏi những người khác trong nhà. Đặc biệt là những người già.
Với trẻ em, khi bị mắc COVID-19 trẻ có thể vượt qua tình trạng này dễ dàng, nhưng với người cao tuổi, nhất là người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 thì nguy cơ rất cao, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng tử vong.
Do vậy, nếu các gia đình có điều kiện, nên cho bé ở phòng riêng. Bà mẹ đương nhiên sẽ là người quan sát, chăm sóc trực tiếp cho con mình. Hãy cho bé mặc quần áo thoải mái, phòng cách ly đảm bảo khô thoáng, sát khuẩn vật dụng, bề mặt tiếp xúc thường xuyên. Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Thêm vào đó, hướng dẫn bé các bài tập vận động thường xuyên, nâng cao sức khỏe.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, hiện chúng ta đã có thuốc điều trị COVID-19 cho người lớn (như thuốc Molnupiravir) để làm giảm triệu chứng, cũng như giảm số ngày mắc. Tuy nhiên với trẻ em dưới 18 tuổi thì chưa có chỉ định. Khi trẻ mắc COVID-19 hoàn toàn điều trị triệu chứng cho trẻ.
Do đó, các ông bố bà mẹ cần theo dõi cẩn thận, phát hiện sớm những dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ đánh giá. Tùy theo tình trạng của trẻ mà các bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp điều trị thích hợp như sử dụng chống viêm, sử dụng kháng sinh hay những giải pháp điều trị sâu hơn tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, phụ huynh khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 cần có số điện thoại của nhân viên y tế để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ (Số điện thoại của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ cấp cứu lưu động của quận, huyện). Tất cả thành viên ở cùng nhà với người F0 phải khai báo sức khỏe qua phần mềm “khai báo y tế điện tử” mỗi ngày ít nhất một lần hoặc khi cần.
Hầu hết trẻ có thể tự hồi phục sau 1 - 2 tuần nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh tình diễn biến nặng, cần được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Khi con có bất cứ biểu hiện bất thường nào ngoài triệu chứng thông thường, cha mẹ hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Đặc biệt, với những trẻ có bệnh nền như: đẻ non cân nặng thấp, bệnh phổi mạn, hen, ung thư, bệnh thận mạn, ghép tạng, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh huyết học, bệnh hệ thống, suy giảm miễn dịch, đang điều trị thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch… cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn, theo dõi sát sao hơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Bài: Tuyết Mai - Nguyễn Văn Cảnh - Hà Phương
Ảnh, đồ họa: Lê Phú - TTXVN - TTXVN phát - BV Nhi Trung ương
Trình bày: Hà Nguyễn
27/02/2022 08:30