Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, gấp rút chuẩn bị các điều kiện an toàn để có thể đón học sinh trở lại trường ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, muộn nhất là ngày 14/2.
Hơn 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn cho trường học. Với những vùng an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp; nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình; nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức. Tuy nhiên, việc trẻ không được đến trường hoặc đến trường rất ít trong một thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như tác động nhiều mặt khác.
Thực tế cho thấy, sau thời gian học trực tuyến kéo dài, khá nhiều học sinh xuất hiện "sức ỳ tâm lý", không muốn đi học trở lại, ngại giao tiếp. Nhiều em cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà và coi thiết bị điện tử như một người "bạn thân". Toàn bộ hoạt động thể chất, tinh thần gần như bị bỏ bẵng. Có khá nhiều em còn mắc bệnh về mắt, béo phì, tinh thần sa sút và nguy hiểm hơn là có biểu hiện trầm cảm.
Suốt những tuần đầu sau khai giảng, học sinh Đinh Khánh Trà (lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) liên tục hỏi mẹ xem bao giờ con được đến trường. Em vẫn tham gia học trực tuyến với ý thức nghiêm túc, hoàn thành các bài tập được giáo viên giao nhưng kèm với đó là sự sốt ruột, mong chờ cho ngày được trở lại trường. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, em đã thay đổi, thích nghi với việc học trực tuyến, thậm chí có biểu hiện “bài xích” việc đi học trực tiếp.
“Dường như con không còn nhắc gì đến việc đi học nữa. Rời máy tính là con cầm ngay điện thoại di động và hẹn bạn chơi game. Tôi đã nhắc nhở và hạn chế con để con không quá sa đà nhưng gần như không thể làm được. Một phần vì tôi còn phải đi làm, không thể kè kè bên cạnh con, một phần là do con bảo không còn biết giải trí theo cách nào khác”, chị Đinh Thị Mừng - mẹ em Đinh Khánh Trà chia sẻ.
Tìm hiểu của phóng viên đối với một số học sinh khối Tiểu học cũng cho thấy tình trạng tương tự. Phần lớn các em đã quen thuộc với việc học trực tuyến, thậm chí thích vì không phải dậy sớm, không phải di chuyển đến trường, nhất là có thể “học theo cách của mình”.
Theo Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, Trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam, học sinh là lứa tuổi đang hình thành và phát triển, khẳng định nhân cách, nhất là lứa tuổi dậy thì. Việc hạn chế về vận động và giao tiếp sẽ mang đến rất nhiều nguy cơ. Hơn nữa, tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều sẽ khiến học sinh dần bị “thui chột” đi cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống. Đó là chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều học sinh có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi…
Chia sẻ về thực tế của lớp học do mình làm giáo viên chủ nhiệm, cô Phạm Thị Hương, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, sau 1 học kỳ học trực tuyến, có khá nhiều học sinh trong lớp trở nên ít nói. Mọi vấn đề giao tiếp giữa giáo viên và học sinh chỉ xoay quanh nội dung bài giảng.
“Quan sát nét mặt học sinh qua camera thì không thể biết được em đang nghĩ gì, đang mong muốn gì, có hiểu bài hay không? Giáo viên cũng không tìm hiểu được những thay đổi về tâm tư, tình cảm của học sinh. Hơn nữa, với 45 phút cho 1 tiết học, giáo viên cũng không thể chỉ chăm chăm “bắt lỗi” khi học sinh lơ là, thiếu tập trung. Điều này hoàn toàn làm được nếu như cô và trò ở trên lớp”, cô Phạm Thị Hương cho hay.
Không chỉ là vấn đề kiến thức, việc học trực tuyến kéo dài còn xuất hiện ngày càng nhiều những hệ lụy đáng báo động. Đó là những lo lắng, áp lực về dịch bệnh, học tập, thi cử, sức ép điểm số từ phụ huynh… Nhiều học sinh đã có biểu hiện rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, cha mẹ và con cái nảy sinh những xung đột do ở nhà quá lâu, cộng với khoảng cách tuổi tác...
PGS-TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng vọt theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy 56,8% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Tổ chức UNICEF cũng đã có bằng chứng rõ ràng cho việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh đã bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập… Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn… gia tăng. Do đó, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.
Bên cạnh một số ý kiến lo ngại về việc đảm bảo an toàn khi cho trẻ đi học ngay sau Tết Nguyên đán, chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhiều phụ huynh lại rất tán thành việc cho trẻ đi học trở lại nhằm thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, tránh cho con trẻ khỏi bị ảnh hưởng lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập…
Anh Bùi Tiến Dũng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của UBND thành phố Hà Nội”. Anh cho rằng, việc học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán là hoàn toàn hợp lý. “Hà Nội đã có những bước đi khá thận trọng trong việc mở cửa trường học. Điều này là cần thiết trong giai đoạn trước, khi học sinh chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, sau Tết là thời điểm thích hợp để các cháu đi học trở lại. Người lớn đã đi làm, đi chơi, tới các điểm công cộng… thì trẻ con cũng vậy, cũng nên thích ứng và sống an toàn với dịch bệnh”, anh Dũng nói.
Anh Phạm Huy Quân (quận Ba Đình) cũng nhất trí với quyết định học sinh đi học lại sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, anh Quân cho rằng, việc này có thể thực hiện theo hướng tự nguyện, phụ huynh nào đồng thuận thì cho con đi học, phụ huynh chưa yên tâm cứ để con ở nhà học online, nhưng nhà trường hãy mở cửa trở lại.
“Các con từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ và đủ thời gian để có kháng thể ở mức cao. Hơn nữa, liên Sở Y tế - Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn chi tiết về phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học, có những giải pháp xử lý các tình huống phát sinh. Các địa phương, trường học cũng tổ chức diễn tập phòng chống dịch. Đến trường thôi, các con không thể ở nhà mãi được”, anh Quân chia sẻ.
Để việc đưa trẻ đến trường được thuận lợi, khá nhiều ý kiến của phụ huynh cho rằng, Bộ Y tế và các địa phương cần có phương thức xác định mức độ dịch, không thể đếm số ca mắc để quyết định màu vùng dịch như hiện nay. Đơn cử, Hà Nội người đông, việc di chuyển của người dân giữa các địa bàn là bình thường, không bó hẹp trong phạm vi một quận nào đó. Vì thế, các quận thay đổi màu vùng dịch sẽ chỉ trong thời gian ngắn. Nếu cứ quyết định màu vùng dịch như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là việc học sinh đi học.
“Tôi ủng hộ việc cho học sinh đi học trở lại. Nhưng cứ màu cam thì nghỉ, màu vàng thì đi học sẽ khiến việc học không được liên tục, thiếu tính ổn định, ảnh hưởng cả nhà trường và gia đình. Chưa kể đến việc tâm lý của các con sẽ bị ảnh hưởng”, chị Nguyễn Minh Liên (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, anh Lê Phan (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng việc học chạy theo mức độ dịch là không hợp lý. Anh Phan phân tích, như vậy cứ cuối tuần lại phải chờ xem quận nhà mình màu gì để bố trí sinh hoạt trong gia đình, còn cắt cử người đưa đón con, cơm nước cho con. Việc chuyển trực tiếp - trực tuyến nghe tưởng chừng linh hoạt, nhuần nhuyễn nhưng thực tế, chất lượng của hai hình thức học này vẫn còn có khoảng cách không nhỏ.
Hiện nay, cả nước đã có trên 6,5 triệu học sinh 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine mũi 1, đạt tỷ lệ 90,10%, mũi 2 là 72,24%. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 82%, mũi 3 là 28,2%. Thêm vào đó, các khảo sát cho thấy nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh - địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước - sau thời gian thí điểm đi học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%; tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%...
Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước và thực tế Việt Nam, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn. Do đó, cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế.
Trước đó, trong Thông báo số 18/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường an toàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa trở lại trường học an toàn; hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp, an toàn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.
Theo ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “sống chung với COVID-19”. Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu rõ, việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng. Các cấp chính quyền nên lắng nghe ý kiến tham mưu của các chuyên gia dịch tễ, cơ quan chuyên môn để tổ chức sao cho trẻ em được đi học sớm nhất. Ngoài ra, chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch sợ quá đóng cửa luôn.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, quan tâm tới quyền lợi và mong muốn của con trẻ nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, không chỉ là chuyện mở cửa trường học, mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh. Do đó, các các địa phương, các sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường. Dĩ nhiên, cần có kịch bản phù hợp, kịp thời ngay từ lúc này để sau Tết các em trở lại trường hiệu quả, an toàn; cần phải tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô… khi mở cửa trường học trở lại.
Để tạo thuận lợi cho các địa phương mở cửa trường học, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ GD-ĐT theo đó sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, GD-ĐT sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 25/1, cả nước có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Tổng số học sinh đến trường là 15.678.652/22.615.940 em, tỷ lệ 69,3%. Trong đó, khối Mầm non có 46 tỉnh, tành phố, với 3.278.338/5.068.903 em, tỉ lệ 64.67%. Khối Tiểu học có 51 tỉnh, thành phố, với 5.971.237/8.884.964, tỉ lệ 67.20%. Khối Trung học Cơ sở có 53 tỉnh, thành phố, với 3.983.166/5.704.300, tỉ lệ 69.82%. Khối Trung học Phổ thông có 56 tỉnh, thành phố, với 2.445.911/2.751.650, tỉ lệ 88,88%.
Dự kiến đến ngày 7/2/2022, tổng số học sinh được đến trường là 17.124.278/22.615.940 em, chiếm 75,71%. Trong đó, khối Mầm non có 51 tỉnh, thành phố, với 3.715.450/5.068.903, tỉ lệ 73.29%. Khối Tiểu học có 53 tỉnh, thành phố, với 6.205.404/8.884.964, tỉ lệ 69.84%; Khối Trung học Cơ sở có 57 tỉnh, thành phố, với 4.451.774/5.704.300, tỉ lệ 78%. Đặc biệt, tất cả học sinh khối Trung học Phổ thông ở 63 tỉnh, thành phố đến trường học trực tiếp. Riêng khối Đại học, Cao đẳng, khoảng 91% số trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sẽ có thêm các tỉnh/ thành phố cho học sinh đi học trực tiếp. Cụ thể, tại Hà Nội, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết, dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ khoảng 7 - 8/2, Hà Nội sẽ tổ chức dạy học trực tiếp với học sinh các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Đề xuất trên được cân nhắc căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh tại thành phố cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh trên tinh thần đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện Sở đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ 7/2. Các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.
UBND TP Cần Thơ vừa có công văn về thời gian trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên trở lại trường học trực tiếp kể từ ngày 7/2/2022. Sở GD-DT tỉnh Bạc Liêu cũng dự tính sẽ cho học sinh trở lại trường vào ngày 7/2/2022.
Tại Thái Nguyên, theo kế hoạch vừa được Sở GD-ĐT Thái Nguyên xây dựng, toàn bộ học sinh tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, 2 sẽ trở lại trường học tập trực tiếp từ ngày 8/2. Các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 sẽ tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.
Tại Tây Ninh, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn tỉnh đi học trực tiếp từ ngày 17/1. Đối với các khối lớp còn lại, UBND tỉnh giao Sở GDĐT phối hợp với đơn vị liên quan và địa phương tham mưu UBND tỉnh mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022...
Tại tỉnh Bạc Liêu, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo kế hoạch chung của tỉnh, các trường học bắt đầu tiếp nhận học sinh trở lại trường học trực tiếp. Lãnh đạo ngành Giáo dục Bạc Liêu chia sẻ, để đón học sinh trở lại trường, bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất, ngành giáo dục ưu tiên các giải pháp phòng ngừa dịch COVID-19. Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu đã chỉ đạo các trường kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị, thành lập Tổ an toàn COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.
Đối với việc tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại trường học cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế của các trường, ngành giáo dục phối hợp với ngành y tế chú trọng chuyển giao kỹ thuật test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho người có triệu chứng nhiễm bệnh. Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu các trường học tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ nhà giáo, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình để theo dõi, quản lý sức khỏe người học sinh nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong trường học.
Tại tỉnh Đồng Nai, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, từ ngày 7 - 12/2, toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tổ chức dạy học trực tuyến; học sinh mầm non vẫn ở nhà. Từ ngày 14/2, tất cả các cơ sở giáo dục tại vùng xanh (dịch cấp 1) và vùng vàng (dịch cấp 2) trên địa bàn Đồng Nai đồng loạt đi học trực tiếp trở lại…
Sở GD-ĐT Đồng Nai chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị phương án tổ chức dạy học cho trẻ em, học sinh và học viên ứng phó với tình huống địa phương chuyển cấp độ dịch từ vùng cam và vùng đỏ xuống vùng vàng và vùng xanh hoặc ngược lại. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm theo dõi sức khỏe tại nhà cho trẻ mầm non, học sinh; xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe đối với những trường hợp mắc COVID-19. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị các điều kiện, đưa ra phương án dạy học trực tuyến cho những học sinh, học viên là F0, F1 - không thể đến trường học trực tiếp.
Đi học trở lại sau một thời gian dài ở nhà, học sinh sẽ phải tạo cho mình một thói quen sinh hoạt mới. Từ việc phòng chống dịch, chuẩn bị trang phục, di chuyển tới trường đến việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Do đó, để các em không bị “sốc”, các chuyên gia cho rằng, thời gian đầu, rất cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường.
Với những thay đổi về thời khóa biểu và thói quen sinh hoạt, các chuyên gia tâm lý và bác sĩ khuyến cáo nhà trường và gia đình nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ để học sinh trở lại trường trong tâm thế tốt nhất. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt diễn biến tâm lý để có những ứng xử phù hợp, không để học sinh bơ vơ, loay hoay tự giải quyết vấn đề.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc hạn chế đi lại, giao tiếp trong một thời gian dài dễ khiến học sinh mắc những vấn đề về tâm lý. Các em có thể rơi vào trạng thái co mình lại, e ngại ngay cả với những bạn bè cùng lớp vốn đã biết nhau. Chắc chắn sẽ có nhiều tình huống phát sinh khi các em trở lại trường. Do đó, khi đi học trực tiếp, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn về sức khỏe thì nhà trường và gia đình cần nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của các em để có những điều chỉnh phù hợp.
Em Trần Nguyễn Thái An (Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi biết thông tin sẽ đi học lại ngay sau kỳ nghỉ Tết. Em chia sẻ, đi học lại đồng nghĩa với việc em sẽ phải dậy sớm, ăn sớm, mặc đồng phục. Những việc đó lâu lắm rồi em không phải làm nên rất ngại.
“Em cũng mong được đi học để gặp bạn, gặp thầy cô nhưng lại không biết sẽ nói chuyện gì với các bạn. Hơn nữa, cả 3 đợt kiểm tra định kỳ đều theo hình thức trực tuyến nên em thực sự không tự tin lắm khi đối diện với việc kiểm tra trực tiếp tới đây. Có lẽ phải một thời gian em mới quen được việc này”, em Thái An cho biết.
Để các em học sinh sớm thích nghi với việc học tập trực tiếp tại trường, thời gian đầu, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thể dành một vài buổi nói chuyện, chia sẻ trong phạm vi lớp học hoặc tăng cường phối hợp trao đổi với phụ huynh học sinh để tìm hiểu những vấn đề các em đang gặp phải cả trong và ngoài nhà trường, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử, hòan thiện nhân cách cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn có những tiềm ẩn đáng ngại, việc học sinh đi học trở lại rất cần sự ủng hộ, đồng hành và thích nghi của chính phụ huynh. Sự bình tĩnh, lạc quan từ phía gia đình cũng sẽ giúp các em yên tâm hơn khi đến trường.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ những nguy cơ, hệ lụy lâu dài khi con mình phải ở nhà trong một thời gian dài. Ngoài ra, các phụ huynh cũng cần thích nghi với hoàn cảnh “bình thường mới”, không thể để trẻ ở mãi trong nhà, bởi trẻ cần một bối cảnh rộng hơn để phát triển. Tất nhiên, điều quan trọng là phải trang bị cho các con kiến thức và năng lực thích ứng với môi trường mới để trẻ tự đảm bảo an toàn theo khả năng của mình.
“Điều khiến tôi lo lắng nhất khi con đi học trở lại chính là làm thế nào để con thay đổi được thói quen đã hình thành trong suốt thời gian học trực tuyến. Từ việc chơi game, giờ giấc ăn ngủ đến việc giao tiếp, ứng xử ở trường. Liệu con có sẵn sàng chia sẻ, tâm sự với tôi, với giáo viên ở trường hay con sẽ lẳng lặng giải quyết vấn đề của mình?”, chị Bùi Thuyết (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ lo lắng.
Việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen ở trẻ cần có lộ trình để vừa giúp trẻ không bị “sốc”, vừa giúp trẻ bắt nhịp với những thay đổi mới. Điều này hết sức khó khăn đối với những trẻ trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có diễn biến thiếu ổn định. “Tùy vào độ tuổi khác nhau mà phụ huynh sẽ có sự chuẩn bị khác nhau. Điều quan trọng nhất là tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường. Khi đó, việc điều chỉnh, uốn nắn các con vào một thói quen mới, giờ giấc học tập sinh hoạt mới sẽ dễ dàng hơn”, cô Đào Hồng, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân chia sẻ.
Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Đồng thời, trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Qua mỗi bài học, giáo viên có điều kiện hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập phù hợp với các đối tượng học sinh; bố trí thời gian hợp lý để hỗ trợ, bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu ngay trong từng bài học cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập, nhất là những học sinh gặp khó khăn về điều kiện học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian phải tạm dừng đến trường; tăng cường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để tổ chức, quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Sớm đưa học sinh trở lại trường trước 14/2:
Bài: Nguyễn Cúc - Minh Duyên - Tuấn Kiệt - Thanh Bình - Đức Hạnh
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
05/02/2022 05:30