“Đánh giặc Corona” - một trong những loạt bài hát mang tính cổ động người dân phòng, chống COVID-19 đầu tiên được vang lên từ ngày 9 tháng 2/2020, khi “giặc COVID-19” bắt đầu đe dọa đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Bài hát góp mặt như khởi đầu một phong trào đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch của các văn nghệ sĩ, được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hòa âm, hát và nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Phải đến lúc đã quen thuộc câu điệp khúc “Đoàn kết toàn dân ta đánh giặc Corona. Từ trẻ đến người già đánh giặc Corona. Ngành Y là xung kích, thề quyết thắng đại dịch, hòa chung một bài ca…” thì công chúng mới dần biết tác giả của bài hát là thầy giáo dạy Toán Lê Thống Nhất.

Phút ngẫu hứng của thầy giáo Lê Thống Nhất.

Không giấu sự tự hào khoe bộ sưu tập đồ sộ 13 bài hát với đề tài phòng, chống dịch COVID-19, thầy Lê Thống Nhất chia sẻ: “Không thể ra tiền tuyến chống dịch, thì sáng tác là cách những người như tôi đóng góp cùng cuộc chiến đấu chung".

Tự nhận mình là thầy giáo yêu nhạc, nhà sáng tác nghiệp dư nhưng mỗi bài hát lại được người thầy giáo thực hiện chỉn chu từ việc được các nhạc sĩ hòa âm, phối khí; được các ca sĩ thực hiện tròn đầy và được quay MV để mở rộng sức lan tỏa khi đăng tải. Đức tính làm việc nghiêm túc của một thầy giáo, lối tư duy rõ ràng, mạch lạc theo đường hướng cụ thể của cả một sự nghiệp truyền dạy môn Toán phần nào ảnh hưởng cả vào cách thầy Lê Thống Nhất làm nhạc.

Ngay từ ca khúc đầu tiên "Đánh giặc Corona" mang tính cổ động, tuyên truyền quy tắc phòng dịch với 2 giọng ca của hai ca sĩ trẻ Hải Lê, Thế Anh, MV quay ngay trong phòng thu đã đạt hàng triệu  lượt xem trên nhiều trang mạng xã hội. Ngay sau đó, ca khúc được nhiều nhạc sĩ hòa âm lại, làm nhạc nền của các bài nhảy flashmop của các lực lượng thanh niên tình nguyện trong các chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội.

Những ca khúc của TS Lê Thống Nhất đã góp phần vào công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Sức lan tỏa của bài hát là động lực cho thầy Lê Thống Nhất tiếp tục bám sát công cuộc chống dịch của đất nước, theo các diễn biến mà báo, đài thường xuyên đăng tải.

Ca khúc thứ tư “Tự hào chiến sĩ ngành Y” với bản hòa âm của nhạc sĩ An Hiếu và thầy trò trường Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cùng nhiều ngôi sao ca nhạc nổi tiếng trở thành bài hát của chính các y, bác sĩ cùng nhau hòa giọng ngày chia tay đồng nghiệp lên đường vào Nam chống dịch.

MV “Tự hào chiến sĩ ngành Y” do nhạc sĩ An Hiếu (Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội) tổ chức thực hiện với sự tham gia trình diễn của 8 ca sĩ Tuấn Dương, Thu Thuỷ, Nguyễn Minh Quân, Lâm Bảo Ngọc, Thanh Yên, Phan Quỳnh Anh, Huyền Trang, Cát Tiên cùng tốp ca của trường và màn đồng diễn của 100 học viên Học viện Quân Y:

Khi “giặc” COVID-19 có mặt ở Bắc Giang, Bắc Ninh, ông có ca khúc thứ 9 "Người quan họ nào quên" hoá thân vào người miền quan họ tri ân chiến sĩ, đồng bào cả nước đến với tuyến đầu chống dịch. Mỗi dòng nhạc là một giai điệu hối hả của công cuộc chống dịch cam go. 

"COVID ắt diệt vong" - ca khúc thứ 10 không chỉ nhắc tới 5K mà còn nhấn mạnh tới chiến dịch lập Quỹ Vaccine, tiêm vaccine để cả nước có được miễn dịch cộng đồng.

Sức sáng tạo của thầy Lê Thống Nhất về đề tài phòng chống dịch.

Liên tiếp sau đó là các ca khúc “Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng”, “Huế gởi Sài Gòn”, “Trái tim Việt Nam” ra đời như những sợi dây kết nối tinh thần chống dịch trên cả nước cho thấy sức sáng tạo của ông về đề tài này.

Thầy Lê Thống Nhất cười hiền: “Thầy giáo Toán nói về nhạc nhiều quá nhưng sáng tác đã là sứ mệnh của tôi trước đại dịch. Khi sáng tác "Người quan họ nào quên" tôi đã mong đó là một tổng kết về đại dịch nhưng sau đó là đợt bùng phát thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ. Bởi thế, còn những biến cố, dịch bệnh còn căng thẳng là tôi còn khám phá mình trong âm nhạc.”

Tiến sĩ  Lê Thống Nhất nguyên là giáo viên của Trường Đại học sư phạm Vinh. Ông đặc biệt gần gũi với các thế hệ học sinh, sinh viên qua những giờ giảng hấp dẫn. Sau này khi nghỉ hưu, ông tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục khi là người tiên phong đưa các sản phẩm công nghệ vào giáo dục, trở thành người sáng lập các sản phẩm giáo dục được yêu thích: Tạp chí Toán tuổi thơ, Olympic Toán trên Internet (Violympic), Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE), BigSchool.

Thầy Lê Thống Nhất nơi bàn làm việc, góc sáng tạo tại nhà riêng.

Từ hoạt động sáng tác kịch bản sân khấu ở thập niên 80, đến làm thơ và rồi bất ngờ sang sáng tác nhạc phổ biến tới cộng đồng từ năm 2015, tới nay, thầy Lê Thống Nhất đã có trong tay khoảng hơn 100 ca khúc về nhiều đề tài. Ông đến với sáng tác âm nhạc một cách tình cờ khi cô bé Ngọc Mai (con gái thầy Lê Thống Nhất) khi còn học tiểu học, theo yêu cầu của cô giáo, đề nghị bố viết ca khúc để mình hát minh hoạ bài giảng của cô. Người thầy tài hoa sinh ra ở thành Nam nhưng gốc xứ Nghệ say đắm với các ca khúc được viết bằng cảm xúc từ tâm hồn nhà giáo và cứ thế, càng viết, bút lực càng dồi dào, thực tế cuộc sống càng cung cấp cho ông nhiều hướng đi.  

Thầy Lê Thống Nhất tâm sự: Thầy là người may mắn khi gắn với nghiệp cầm bút từ trẻ. Là thầy giáo Toán nhưng thầy lại mang trong mình cái duyên với nghệ thuật - làm biên kịch sân khấu những năm 80 và sáng tác thơ. Câu chữ trong văn, thơ, giúp thầy dễ dàng làm chủ cả ý tứ lời hát dưới khuông nhạc.

Ông cũng chia sẻ, mình may mắn có được sự hỗ trợ của những bạn đồng hành. Họ có khi là học trò, có khi là bạn bè, có khi là các doanh nhân trẻ đồng cảm với âm nhạc của thầy giáo già. Nhờ thế, 13 ca khúc trong suốt giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 đầy đặn cả về âm nhạc, cả về hình ảnh, cả về sức chia sẻ, lan tỏa.

Clip thầy Lê Thống Nhất chia sẻ về chùm 13 ca khúc truyền sức chiến đấu chống COVID-19:

Chúng tôi được gặp thầy trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng với những cuộc gọi điện chúc mừng, xin gặp, mời thầy Lê Thống Nhất phỏng vấn về câu chuyện hiến kế cho giáo dục. Trong đó, có một ca sĩ trẻ cũng ngỏ lời trình bày lại bài hát “Mẹ và sông quê” của thầy Lê Thống Nhất mặc dù đã có 2 ca sĩ thể hiện và phát sóng truyền hình. Và hôm nay, người thầy giáo già thêm tươi cười, thêm sôi nổi, thêm trẻ lại.

Tổng hợp 13 ca khúc đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nhà giáo Lê Thống Nhất:

1. Đánh giặc Corona
2. Câu hát Việt Nam
3. Tâm tình ngày xa trò
4. Tự hào chiến sĩ ngành Y
5. Lỡ hẹn với em
6. Anh hùng đâu chỉ một lần thôi
7. Hãy ở ngoan trong nhà
8. Luôn cảnh giác
9. Người quan họ nào quên
10. COVID ắt diệt vong
11. Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng
12. Huế gởi Sài Gòn
13. Trái tim Việt Nam
 

Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy

20/11/2021 01:30