Cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lớn B chăm sóc vườn rau. Ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

Thiếu tướng Hoàng Kiền (sinh năm 1950) quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1970, khi đang là giáo viên dạy Toán, Lý tại trường cấp 2 Giao Tân, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành người lính công binh Trường Sơn trong những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Học viện Lục quân, ông được điều động về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83 ở Đà Nẵng và ngay sau đó đã có mặt tại Trường Sa, thiết kế, chỉ đạo thi công các công trình chiến đấu.

Công tác trong ngành hải quân mười sáu năm, trong đó mười năm gắn bó với Trường Sa. Vì thế, người lính Trường Sơn năm nào vừa có cái gan dạ của anh bộ đội, vừa có khí chất của người lính biển. Ông yêu biển, yêu Trường Sa, hiểu rõ “tính nết” của đại dương bao la thăm thẳm với hai mùa gió. Mùa gió Đông Bắc bắt đầu từ tháng 11 năm này kéo dài đến tháng 4 năm sau; từ tháng 7 đến tháng 11 là gió Tây Nam. Xen giữa hai mùa gió ấy, từ tháng 4 đến tháng 6 là thời gian tuyệt vời nhất dành cho người đi biển, nhất là với những người lính công binh vận chuyển vật liệu ra Trường Sa xây dựng các công trình chiến đấu ở cả đảo chìm và đảo nổi.

“Mỗi năm, kể cả việc xây dựng, tiếp tế thường chọn thời điểm cuối tháng ba, đầu tháng tư, đến hết tháng sáu là cơ bản kết thúc. Các tháng còn lại nói chung là sóng gió lớn, lúc giao thời thì có thể được một số ngày biển yên, như những ngày gió Đông Bắc chuyển sang Tây Nam hoặc ngược lại, nhưng không nhiều. 

Người lính Trường Sơn năm nào luôn có mặt tại những vùng gian khó của Tổ quốc với phong cách
bình dị, nhiệt thành, hết lòng vì công việc.

Vì thế, việc xây dựng ở Trường Sa có thể làm cả năm, nhưng đưa vật liệu ra đảo thì phải vào mùa yên sóng. Sau này người ta có thể đi vào các thời điểm khác nhưng thường thì phải nằm tàu chờ đợi có khi cả tháng mới bốc vật liệu lên đảo được”, thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ kinh nghiệm về những ngày tháng đi biển của mình.

Cũng chính trong những ngày tháng trực tiếp chỉ đạo thi công các công trình chiến đấu ở Trường Sa, thiếu tướng Hoàng Kiền rất trăn trở khi thấy các đảo đều khô cằn, thiếu nước ngọt, thiếu màu xanh. 
Trường Sa là quần đảo san hô, quá trình phong hoá thì thành đá, cát, cát san hô. Đảo nổi ngoài muống biển, phong ba, bão táp, bàng vuông thì không cây nào có thể sống nổi. Đảo chìm thì càng không thể trồng cây, trồng rau do không có đất. 

Chiến sĩ ở đảo cũng đã nghĩ nhiều cách, mỗi lần nghỉ phép đều mang hạt giống ra nhưng trồng rất khó khăn. Thực phẩm cho chiến sĩ chủ yếu bằng đồ hộp, một năm có một đến hai chuyến tàu ra tiếp tế của Hải quân có có rau xanh nhưng cũng chỉ để được trong vài ngày.

Ăn uống như vậy nên bộ đội bị bệnh đường ruột nhiều, trong khi đó thời gian nghĩa vụ quân sự dài, với chiến sĩ thì khoảng ba năm, cán bộ thì có khi hơn chục năm. Người lính Trường Sơn năm nào luôn canh cánh một điều, phải làm cách nào đó giúp anh em vừa có rau ăn cải thiện cuộc sống, vừa làm xanh lên những hòn đảo đầy nắng gió, bão biển khắc nghiệt? Ông chợt nghĩ, cách tốt nhất có thể cải thiện tình hình này là đưa đất màu từ đất liền ra đảo. 

“Việc đưa đất ra Trường Sa cho bộ đội trồng rau xuất phát từ thực tế của bộ đội, và cũng bởi điều kiện của công binh có thể làm vì nếu công binh không làm thì không ai có thể làm”, thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định.

Vườn rau xanh tốt ở Trường Sa. Ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

Nhưng việc đưa đất ra đảo không hề đơn giản. Để có thể đưa hàng ngàn tấn đất từ đất liền ra Trường Sa là cả một kỳ tích của Trung đoàn Công binh Hải quân 83. 

“Thực ra, lúc bấy giờ, việc mang đất ra Trường Sa không phải ai giao cho mình. Chúng tôi chỉ nghĩ, công binh xây dựng ở đảo được các chiến sĩ giúp nhiều nên mình cũng giúp lại anh em. 

Ý tưởng này được đem ra bàn với Ban Chỉ huy Trung đoàn. Đây là vấn đề rất quan trọng vì liên quan đến việc phối hợp với tàu, công binh phải chuẩn bị và chuyển đất, nên sau đó được đưa ra Đảng ủy họp, thống nhất thực hiện và đưa vào Nghị quyết mang đất ra Trường Sa giúp bộ đội trồng rau.

Tất cả các đảo nổi chúng tôi xây dựng công trình chiến đấu thì đều đưa đất ra tặng, nhưng có lẽ đảo Niêm Yết là nhiều nhất. Đây cũng là đảo chúng tôi xây nhà hai tầng đầu tiên vào năm 1991. Đất màu đem ra đảo này cũng là đầu tiên, cùng trong năm này”, tướng Hoàng Kiền nhớ lại. 

Sau Nam Yết, các đảo nổi khác như Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh và các đảo chìm (các bãi đá ngầm) cũng được công binh đưa đất màu ra để các chiến sĩ trồng rau. 

Có đất rồi, với đảo nổi rộng thì san đất làm vườn, đảo chật thì làm hố đổ đất bắc giàn bầu bí, mướp cho leo; đảo chìm thì tận dụng gỗ cốt - pha sau khi xây dựng xong bị mục nát đóng thành từng hộc đổ đất vào gieo hạt. Cứ thế, từng vạt rau được ươm mầm, từng hộc rau nhú mầm xanh. Vì thế chiến sĩ có rau ăn quanh năm, anh em rất phấn khởi. 

Nhưng để có thể mang đất ra cho các đảo thì cần một khối lượng đất rất lớn. Trong khi đó, Trung đoàn Công binh Hải quân 83 đóng quân ở Đà Nẵng, tàu chở vật liệu xây dựng ra đảo thì lại ở quân cảng Nha Trang và Cam Ranh mà tại quân cảnh này không có đất màu. 

“Bằng sức người, anh em không ngại khó, đưa xe lên rừng cách đấy hai, ba chục cây số để xúc đất, xin phân trâu bò của các trang trại về phơi khô rồi trộn lẫn với đất, sau đó đóng vào từng bao, dùng ô tô chuyển ra cảng rồi đưa xuống tàu mang ra đảo. 

Thiếu tướng Hoàng Kiền tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp 60 năm thành lập Binh chủng
Công binh (Ảnh: Tư liệu)

Trên mỗi chuyến tàu chở vật liệu ra đảo, chúng tôi gửi một xe ô tô đất, khoảng bảy tấn. Một năm có cả trăm chuyến tàu ra các đảo thì lượng đất mang ra là rất lớn. Bắt đầu từ năm 1991 cho đến khi tôi không còn công tác ở Trung đoàn Công binh Hải quân 83 nữa (năm 1997), cả ngàn tấn đất đều đặn được đem ra các đảo”, thiếu tướng Hoàng Kiền kể.

Nhưng một vấn đề nữa đặt ra là làm thế nào để có nước ngọt sinh hoạt cũng như tưới cây. Ở đảo nổi, do độ xốp của đá cát phong hóa từ san hô nên khi mưa xuống, trừ những đảo lớn còn tích được một chút nước lợ, các đảo khác nước mưa trôi hết. Đảo chìm thì nước ngập quanh năm. Chưa kể, các đảo đều bị xói lở nghiêm trọng do sóng đánh. 

Trước thực tế đảo bị xói lở, vỡ ra và bị bào mòn đi, để bảo vệ đảo, lực lượng Công binh Hải quân trong đó có phòng công binh của Trung đoàn và chủ trương của Bộ Tư lệnh hải quân đề xuất với Bộ Quốc phòng phải xây kè chống sóng. Đầu tiên xây bằng đá, nhưng sau thấy không an toàn, nên chuyển sang đổ bê tông.

“Kè chống sóng đầu tiên mà Trung đoàn Công binh Hải quân 83 xây là ở đảo Sinh Tồn vì đảo này bị lở nhiều (sau này tất cả các đảo đều làm kè- PV). Kè xây xong như một cái giếng nổi, khi mưa xuống giữ lại được nước ngọt cho sinh hoạt. Mưa xuống cũng sẽ đẩy hết nước mặn ra làm ngọt hóa đảo, nước được giữ lại trong đất thì cây tốt tươi. Hiện nay các đảo đều xanh cả, đó là do kè chống sóng tạo nên”, tướng Hoàng Kiền kể trong niềm tự hào về Trung đoàn Công binh Hải quân 83 mà ông từng là chỉ huy suốt nhiều năm.

Thiếu tướng Hoàng Kiền đi kiểm tra thi công đường tuần tra biên giới tại Kỳ Sơn, Nghệ An.

Như vậy, từ ý tưởng đưa đất Trường Sa của thiếu tướng Hoàng Kiền và sau này cùng với đề xuất và chủ trương của Công binh Hải quân xây kè chống xói lở, cũng là kè giữ nước ngọt, các đảo ở Trường Sa đều đã trồng được rau xanh, có thể giữ được nước ngọt. Đưa đất ra Trường Sa đã góp phần để bộ đội cải thiện đời sống, mở ra hướng sau này có các chủ trương làm quy mô hơn (Mô hình đưa đất ra đảo trồng rau xanh của ông sau này được Bộ Quốc phòng có chủ trương nghiên cứu các đề tài tiếp tục đưa đất ra Trường Sa-PV). Còn tại thời điểm đó, cách làm này không tốn kém mà rất hiệu quả. 

Trên đây mới chỉ là một trong nhiều sáng kiến và đóng góp của thiếu tướng Hoàng Kiền với Trường Sa cũng như trong hơn bốn mươi năm cuộc đời binh nghiệp của ông. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, hơn năm năm gắn bó với các cung đường trên tuyến đường Trường Sơn; tám năm đảm nhiệm trọng trách Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh Hải quân 83; bảy năm làm phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Công binh và bảy năm làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường Tuần tra biên giới (từ năm 2007 cho đến khi về hưu năm 2014)... thiếu tướng Hoàng Kiên đã luôn thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, đặc biệt là hình ảnh vị tướng giản dị, xốc vác, dành phần lớn cuộc đời đến với những miền đất gian khó của Tổ quốc.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc mà Thiếu tướng Hoàng Kiền đã đóng góp và cống hiến cho đất nước, ông đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Năm 2015, thiếu tướng Hoàng Kiền vinh dự được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Đặc biệt, tháng 1/2017, thiếu tướng Hoàng Kiền và nhóm tác giả đề tài: “Các giải pháp khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa giai đoạn 1976-2011” đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Công trình này cũng được đánh giá là “Đặc biệt xuất sắc về khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Bài: Xuân Phong
Video: Xuân Phong - Viết Tôn - Lê Phú
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài có sử dụng một số ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

 

02/02/2018 02:45