Cái cách ăn mặc giản dị và mái tóc xoăn bù xù, ít ai nghĩ ông là một bác sĩ “mát tay”, chuyên trị những bệnh nhiễm ở trẻ. Bởi vậy, mới đây trong bài văn tả về người lao động trí óc của một học sinh lớp 3 trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hóc Môn) đã tả về ông như sau: "Dáng bác hơi tròn, phúc hậu, mắt bác to và sáng, với mái tóc xoăn bồng bềnh, khiến bác trông giống một thi sĩ hơn là một bác sĩ". Người bác sĩ trong bài văn được rất nhiều phụ huynh và trẻ em yêu thích đó chính là bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1.
Gần 30 năm gắn bó với một nơi được xem là "đầu sóng ngọn gió" của dịch bệnh, ông chọn nơi này để gắn bó với một lý do cũng rất đơn giản vì ông mê con nít và thích làm về bệnh nhiễm trùng. Được làm việc tại khoa Nhiễm nhi, ông xem đó là may mắn của mình. Ông nói: “Con nít nó không biết nói nhưng mình tìm ra được bệnh của nó mới hay. Còn bệnh nhiễm trùng, ngày còn đi học, tôi nghĩ nó dễ chữa bởi có tác nhân rõ ràng và có thuốc chữa trong khi các bệnh khác thì không tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, sau này đi làm, tôi mới biết bệnh nhiễm trùng rất khó chữa, không dễ như mình tưởng”.
Hay như mỗi khi có người hỏi tại sao ông lại theo nghề y, khi cả nhà ông không ai theo nghề, ông hóm hỉnh và trả lời một cách rất ngắn gọn: “Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề".
Ông kể, thời còn cắp sách tới trường, ông chưa khi nào nghĩ mình sẽ thi vào ngành y. Ngày đó, ông chỉ say mê với những định luật vật lý, sửa chữa máy móc và nghĩ rằng sau này mình sẽ thi vào trường đại học tổng hợp ngành vật lý. Rồi giữa năm học lớp 12, một người bạn của ông rủ thi vào trường y, đang không biết quyết như thế nào, ông về nhà hỏi ý kiến của mẹ và mẹ nói “thấy được”, thế là ông làm hồ sơ thi vào ngành y cùng với người bạn của mình.
"Bố mẹ tôi đều buôn bán, trong 10 người con thì chỉ có mình tôi theo nghề y. Lúc bạn rủ thi vào trường y tôi cũng không hình dung ra bác sĩ làm gì. Rồi tôi về hỏi mẹ và mẹ tôi nghĩ có đứa con làm bác sĩ thì tốt và nói tôi cái đó học được, thế là tôi thi vào trường y", ông chia sẻ.
Năm 1982 ông đỗ vào trường y, đến năm 1988, ông tốt nghiệp ra trường và xin về làm tại khoa Nhiễm thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Năm 1996, ông được giữ chức vụ Trưởng khoa.
Vào thời đó, khoa Nhiễm thần kinh của bệnh viện đang thiếu người và ông được giới thiệu vào làm việc tại đây với thời gian thử việc 3 - 4 tháng không lương.Với tính cách lanh lẹ và ham học hỏi, ông bắt đầu dấn thân vào công việc ở khoa. Không chỉ làm công việc của bác sĩ, ông còn đi theo điều dưỡng để học hỏi từng việc nhỏ nhặt nhất như đặt xông dạ dày, hút đàm nhớt... Ông nói, làm bác sĩ thì cũng phải coi người ta làm như thế nào và mình cũng phải biết làm, nếu không làm thì làm sao biết đúng sai ở đâu. Điều này cũng được ông truyền dạy lại cho các bác sĩ trẻ sau này.
Khoa Nhiễm thần kinh của ông là nơi thường xuyên đón nhận những bệnh nhi bệnh nặng từ các tỉnh phía Nam về điều trị. Bởi vậy, mỗi lần đến mùa dịch, khoa của ông lại “rần rần” trên các phương tiện thông tin đại chúng và ông trở thành một người tư vấn chuyên môn rất uy tín cho phóng viên y tế.
Ông cũng là một trong những bác sĩ nằm trong hội đồng đánh giá tiêm chủng. Vì vậy, ông thường xuyên tham gia những buổi nói chuyện, định hướng cách sử dụng vắc xin sao cho đúng khi có những hỗn loạn thông tin về vắc xin xảy ra, chẳng hạn phong trào “antin vắc xin” vừa qua. "Ngoài nhà quản lý ra, những người làm chuyên môn cần phải định hướng lại cho xã hội", bác sĩ Khanh cho biết.
Vào khoảng năm 2002, bên cạnh những bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, lao, thương hàn, sốt xuất huyết... một căn bệnh lạ xuất hiện khiến cho trẻ mắc phải căn bệnh này tử vong rất nhanh. Đó là nỗi ám ảnh khủng khiếp của ông và những đồng nghiệp làm việc trong khoa Nhiễm thần kinh của bệnh viện. Mang nỗi ám ảnh về những bệnh nhi chết vào thời điểm đó và với suy nghĩ nhiều trẻ tử vong như vậy thì đó không phải là căn bệnh bình thường, thế là ông lao vào nghiên cứu quyết tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này.
Rồi khi ông cùng đồng nghiệp của mình tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 công bố dịch bệnh tay chân miệng, không ít người trong ngành cho rằng đó là bệnh thông thường. Bác sĩ dở (kém) không chữa được nên “chế” ra bệnh nào đó để đổ thừa. Dù bị dèm pha, nhưng ông không để tâm và quyết tìm ra phương pháp điều trị cho căn bệnh này.
Vào khoảng tháng 7/2011, dịch bệnh tay chân miệng bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, ông xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông để nói về căn bệnh này và lúc đó cũng có nhiều người phản bác, cho rằng căn bệnh này không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, đúng như dự báo của ông, trong năm đó, cả nước có gần 90.000 ca bệnh tay chân miệng với 147 ca tử vong.
Năm đó, không chỉ Việt Nam "te tua" vì căn bệnh tay chân miệng mà ngay cả các nước lân cận như Malaysia, Trung Quốc… số bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng cũng không ngừng gia tăng. Từ đó, Tổ chức y tế Thế giới vùng Tây Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc họp bàn về bệnh tay chân miệng. Ông đã cùng 3 bác sĩ người nước ngoài tìm ra phác đồ điều trị cho căn bệnh này.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh còn được xem là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nhiễm HIV ở trẻ em.Đây cũng là một mảng truyền nhiễm mà ông rất thích nghiên cứu."HIV là một mảng rất lớn. Để theo được lĩnh vực này, ngoài kinh nghiệm, khoa học ra thì đòi hỏi người bác sĩ phải có kiến thức về xã hội và còn phải có tính chia sẻ trong đó", ông chia sẻ.
Điều khiến ông lo ngại nhất đó chính là sự kỳ thị của xã hội đối với những người nhiễm HIV. Trong một lần tôi và một số phóng viên viết mảng y tế cùng ông xuống thăm những bệnh nhân nhiễm HIV ở bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước), ông hỏi nhóm phóng viên: "Khi gặp người nhiễm HIV, người ta thường quan tâm điều gì?", lúc đó cả tôi và nhiều phóng viên khác đều trả lời: "Tại sao họ lại bị nhiễm HIV". Sau khi nghe câu trả lời, ông nói: “Người ta thường nghĩ, những người bị nhiễm HIV là những người có một lối sống không đàng hoàng nên người ta thường quan tâm đến lý do họ bị nhiễm, chứ ít có ai quan tâm những người nhiễm HIV họ đang điều trị như thế nào”.
“Nhiễm HIV là một tai nạn và tai nạn thì ai cũng có thể mắc phải.Bởi vậy, chúng ta cần phải có sự thông cảm và chia sẻ hơn.Sự kỳ thị về nhiễm HIV đã giảm nhưng vẫn chưa hết hẳn”, các sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Thói quen của các bác sĩ khi thấy người nhà khó chịu, người ta thường bỏ rơi bệnh nhân hoặc chăm sóc không tốt, nhưng với ông, dù người nhà bệnh nhi có khó khăn hay bắt bẻ, ông cũng không bao giờ phàn nàn về chuyện đó mà tập trung lo cho bệnh nhi được tốt nhất. Một bác sĩ trẻ đã theo học ông 10 năm, chia sẻ: "Trong vấn đề chăm sóc và điều trị, thầy luôn chăm chú nhìn vào đứa trẻ, làm sao chăm sóc cho nó một cách tốt nhất chứ thầy không nhìn vào sự khó khăn của người nhà".
Một điều khiến nhiều người nể phục và yêu quý ở vị bác sĩ kỳ lạ này, đó chính là ông chẳng khi nào từ chối bất kỳ cuộc điện thoại của phụ huynh nào dù có quen hay không quen biết.Và trong bất kỳ thời điểm nào, nếu ông không bận, ông đều tận tình trả lời. "Chỉ biết số điện thoại của bác chứ chưa từng gặp bác nhưng mỗi lần con bị bệnh, tôi lại gọi điện thoại hỏi han, nhờ bác tư vấn và đều được bác trả lời rất nhiệt tình và dễ hiểu", chị Trần Thị Điểm (quận Thủ Đức) cho biết.
Có thể đối với nhiều người, khi bị người lạ gọi điện thoại hay nhắn tin nhiều như vậy thì cảm thấy phiền phức, nhưng ông lại nghĩ: "Khi người ta gọi hỏi mình đó là lúc họ đang rất cần mình".
Ông có một thói quen suốt 20 năm, đó là mỗi khi kết thúc công việc tại bệnh viện, ông lại vượt qua hàng chục cây số để về Hóc Môn khám bệnh cho những đứa trẻ nơi đây với lý do ông muốn trả ơn cho vùng đất ông đã sinh ra và lớn lên. "Tôi nghĩ hồi nhỏ mình lớn lên ở đó thì bây giờ cũng phải trả ơn lại vùng đó. Mình chăm sóc con nít ở đó trong thời gian mà ở đây không có bác sĩ nhi", ông chia sẻ.
Lượt bệnh nhi đến khám tại phòng mạch của ông mỗi ngày lên đến vài trăm trẻ. Những đứa trẻ mỗi khi đến khám tại phòng mạch của ông luôn được ông hỏi han, quan tâm tận tình và vui đùa cùng chúng. Bởi vậy, không ít đứa trẻ khi tới phòng mạch của ông khám bệnh, lại không muốn về và xem ông như thần tượng của mình. Còn người dân Hóc Môn, đến bây giờ, vẫn nhắc đến phòng mạch 15.000 đồng của bác sĩ Trương Hữu Khanh với đầy vẻ tiếc nuối và nhiều người không hiểu tại sao ông lại đóng cửa phòng mạch khi đang "ăn nên làm ra".
"Đi lại nhiều năm với đoạn đường khá xa và số lượt bệnh nhân đến khám đông, tôi thấy mình không đủ sức khỏe nên đóng cửa phòng mạch. Hơn nữa, khi mình nghỉ thì ở đây cũng đã có nhiều bác sĩ nhi", bác sĩ Trương Hữu Khanh tâm sự.
Trước khi nghỉ làm phòng khám ở Hóc Môn, ông nghĩ mình cần làm gì đó để khuyên bệnh nhân làm cho đúng, tuy nhiên vì nhiều việc nên ông chưa làm được.Khi nghỉ ở phòng mạch, ông mới có thời gian lên kế hoạch và trang fanpage trên Facebook "Hỏi bác sĩ nhi đồng" ra đời. Ngoài giải đáp thắc mắc bệnh tật trẻ em, “Hỏi bác sĩ nhi đồng” còn đưa ra cảnh báo mang tính thời sự, định hướng dư luận y khoa, hướng dẫn chăm trẻ đúng cách.
Hàng ngày với rất nhiều công việc ở bệnh viện nhưng ông vẫn tranh thủ dành thời gian trả lời cho những bậc phụ huynh đang rất "nóng lòng" mong câu trả lời."Trang này ra đời cũng là một sự tình cờ, có lẽ cái nợ của mình chưa hết. Ban đầu tôi tính mở trang web, nhưng sau một thời gian dài tôi thử vô Facebook thì thấy trang này tương tác rất là nhanh và nghĩ tại sao mình không làm trang này. Thế là tôi bắt tay vào làm ngay. Làm mới biết việc quản lý trang này cũng cực như phòng mạch, cũng phải dậy sớm và canh giờ để trả lời phụ huynh",bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Sau gần 3 năm ra đời, trang fanpage "Hỏi bác sĩ nhi đồng" đã có khoảng gần 190.000 lượt người theo dõi với hàng trăm câu hỏi về các bệnh lý của trẻ, cách chăm sóc, tâm lý trẻ em, tiêm ngừa, dinh dưỡng, phòng bệnh... được ông trả lời rất ngắn gọn và dễ hiểu. Không chỉ có phụ huynh trong nước hỏi mà có cả phụ huynh ở nước ngoài như Thái Lan, Úc, Nga...
Một tài khoản trên Facebook đã viết trên trang fanpage của bác sĩ Khanh như sau: "Tôi theo dõi trang của bác sĩ từ những ngày đầu thành lập, tính đến nay đã hơn 2 năm, nhờ đó biết được rất nhiều kiến thức hữu ích để chăm sóc con trẻ. Tôi thật sự nể phục và biết ơn sự tận tụy của bác sĩ khi luôn cố gắng trả lời đầy đủ hàng nghìn câu hỏi của mọi người dưới mỗi bài viết ".
Với lượt người theo rất đông, không ít lần trang fanpage của ông bị phá, hay bị giả mạo để quảng cáo sản phẩm.Cũng không ít lần ông được nhiều hãng dược và đồ chơi trẻ con mời quảng cáo trên trang nhưng ông đều từ chối.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh được xem là một vị bác sĩ có suy nghĩ rất… lạ đời. Có lẽ cái suy nghĩ lạ đời đó đã ăn sâu vào ông từ hồi còn bé. Những người từng tiếp xúc với ông đều có chung một suy nghĩ: Ông là người không màng danh lợi và tiền tài. Đối với ông, “vật chất, tiền bạc chỉ là phương tiện, khi mình thấy đủ thì là đủ”. Tuy nhiên, ở lĩnh vực chuyên môn, người ta lại nhận thấy ông lúc nào cũng học hỏi tìm tòi và là một người thích phản biện. "Chuyện gì chưa thuyết phục được tôi ngay cả sách vở thì tôi cũng phản biện cho đến cùng", ông chia sẻ.
Không chỉ là một bác sĩ giỏi, ông còn là một cây văn nghệ, đàn hay hát giỏi.Thế nhưng thời đi học, ông không tham gia bất kỳ hoạt động văn nghệ nào mà dành nhiều thời gian “làm những việc mà không ai làm”."Ngoài chuyện làm bác sĩ ra, còn việc gì người ta làm nhiều thì tôi không làm.Có nhiều chuyện mình biết làm nhưng người ta lại không biết mình biết.Tôi nghĩ, có thể việc đó họ làm tốt hơn mình nên mình dành thời gian để làm công việc khác", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Đó cũng là một trong những lý do mà bác sĩ Trương Hữu Khanh đóng cửa phòng mạch của mình ở Hóc Môn và rồi về trả lời thắc mắc của phụ huynh miễn phí trên Facebook. Ông nói, những thứ ông có đã đủ rồi thì không cần phải kiếm thêm. Ông quan niệm: "Tôi không cần quá nhiều của cải hay đồ trang sức, những thứ tôi có thì đó chỉ là phương tiện, những phương tiện đó tôi thấy vừa đủ rồi thì tôi cũng không cần gì nhiều thêm". "Cùng lắm cũng chỉ ăn ba bữa, ngủ một cái giường và đi một chiếc xe", ông chia sẻ.
Ông cũng chẳng màng gì đến danh lợi, bởi vậy khi được đề bạc lên làm quản lý bệnh viện, ông liền từ chối với lý do: "Tôi thích làm lâm sàng hơn, làm quản lý nặng đầu, phải họp hành liên miên. Đối ngoại mang tính chuyên môn còn thích, còn mang tính thủ tục thì tôi không thích".
Có lẽ đối với nhiều bác sĩ khác, họ sẽ nhớ đến những bệnh nhân được họ cứu sống nhiều hơn, riêng đối với ông, những ca bệnh được ông dày công cứu sống lại không được ông nhớ, mà ông chỉ nhớ đến những đứa trẻ đã chết. Ông chia sẻ: "Có những cái chết nhanh, nhắm mắt lại cũng có thể thấy mặt bệnh nhi, nhớ lại lúc nó khóc, nó tỉnh. Có lẽ tính đó không bỏ được, chắc khi nào bỏ nghề thì mới thôi ám ảnh".
Người ta cũng hiếm thấy có người bác sĩ nào lại ăn mặc quá đỗi giản dị như ông. Chẳng khi nào thấy ông đi giày Tây hay bỏ áo trong quần. Ông cũng chẳng quan tâm người khác nói về mình như thế nào mà ông chỉ quan tâm đến công việc chuyên môn, làm sao cho những đứa trẻ ít bệnh hơn. Ông kể, ngày mới làm việc trong khoa, nhiều người nhà bệnh nhân cũng xì xào, nhưng khi nhìn thấy mình điều trị và nói chuyện với họ thì người ta lại đặt niềm tin và chẳng quan tâm mình ăn mặc thế nào.
"Có một lần khi tôi đang khám bệnh, người nhà bệnh nhi đứng ở sau lưng cứ đưa tay lên ướm ướm. Tôi hỏi thì phụ huynh đó bảo thấy tôi mặc chiếc áo blouse cũ quá nên muốn may cho tôi một chiếc áo mới hơn", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.
Khi tôi hỏi: Bác sĩ có bao giờ nhận quà của bệnh nhân không? Ông chia sẻ: “Việc tặng quà là một nét văn hóa của người dân Việt Nam. Nếu người ta tặng quà cảm ơn theo lẽ thông thường như giỏ trái cây thì mình nhận chia sẻ, nhưng nếu mang tính “có đi có lại” thì không nên”. Và ông tuyệt đối không nhận phong bì của bệnh nhân.Ông có một cách từ chối nhận quà của bệnh nhân cũng rất khéo, chỉ cần ông nói một câu, người nhà bệnh nhân cũng sẽ tự động bỏ hoặc quên đi ý định tặng quà cho bác sĩ.
Không chỉ giỏi trong chuyên môn, ông còn là một người thầy luôn truyền nhiệt huyết cho các bác sĩ trẻ. Ông được cho là một người thích phản biện. Chuyện gì chưa thuyết phục được ông, ngay cả sách vở, thì ông cũng phản biện cho đến cùng. Điều đó cũng được ông dạy cho các bác sĩ trẻ sau này.Bác sĩ trẻ nào càng phản biện lại những điều ông nói thì ông lại càng thích. Ông chia sẻ: "Là một bác sĩ, ai nói gì mình đừng có chấp nhận liền mà phải tìm hiểu, tìm tòi thêm để mà phục vụ cho bệnh nhân của mình. Dù mình không đồng ý với ý kiến của họ nhưng mình cũng phải phản biện lại một cách lễ phép".
Với tính "thẳng như ruột ngựa" của mình, khi thấy bác sĩ trẻ nào làm sai là ông nói liền chứ không hề bao che.Bởi ông nghĩ rằng, nếu làm sai mà không la, không chỉ ra cái sai đó thì sau này họ lại tiếp tục làm sai, điều đó rất không có lợi cho chính người đó và cho cả bệnh nhân. Bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ: “Cách của thầy không phải nói cho thầy mà nói vì mọi người. Cách la của thầy là để dạy mình tốt hơn, bởi vậy những người xung quanh đều rất nể phục thầy”.
Với vị trí của ông bây giờ, ông có thể ra ngoài kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đối với ông, đồng tiền đó không phải là mục đích mà ông hướng tới. Điều mong muốn hiện nay của ông chính là làm sao xây dựng được một đội ngũ nhân viên y tế trẻ có một hướng đi đúng nhất trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ông luôn dành thời gian để dạy học trò từng những điều nhỏ nhặt nhất.
Là một người học trò theo bác sĩ Trương Hữu Khanh hơn 10 năm nay, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói: “Điều mà tôi học hỏi nhiều nhất ở thầy tôi không chỉ về các lĩnh vực chuyên môn mà cả về đạo đức nghề nghiệp của thầy. Thầy thường hay chia sẻ với những bác sĩ trẻ chúng tôi rằng "ngành y không phải là ngành đề kiếm tiền". Khi tôi mở phòng mạch riêng, thầy cũng nói với tôi rằng "trong viên thuốc em cho bệnh nhân vừa phải có tiền lời vừa phải có đạo đức của mình trong đó thì em mới giúp được cho mình và cho người bệnh.Còn nếu em nghĩ trong viên thuốc của em toàn kinh doanh, toàn kiếm lời thì chứng tỏ em đang tạo nghiệp và phi đạo đức". Lời dặn đó tôi vẫn luôn mang theo”.
"Nhưng thời buổi hiện nay, các bác sĩ trẻ gặp phải rất nhiều quyến rũ từ bên ngoài, và thiếu tính hi sinh, tinh thần vượt khó", ông trăn trở. "Có nhiều học trò ra ngoài làm nhưng tôi chỉ nói một câu: Em làm ở đâu cũng được, nhưng giúp được càng nhiều người càng tốt", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm.
Không chỉ dạy chuyên môn cho các bác sĩ trẻ, có những vấn đề trong cuộc sống cần đến sự chia sẻ, ông cũng rất sẵn sàng. Để giúp cho nhân viên y tế trong khoa có thêm thu nhập vào những dịp lễ Tết, phần tiền ông đi giảng dạy hay từ những buổi được mời đi nói chuyện chuyên đề, tiền nghiên cứu các dự án khoa học… ông đều đưa về làm quỹ chung của khoa.
Với những đóng góp của ông trong ngành y, bác sĩ Trương Hữu Khanh được nhà nước, ngành y tế trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Danh tiếng của ông không chỉ ở trong nước mà còn vang ra cả cộng đồng y khoa trên thế giới.
Bài: Đan Phương
Ảnh, video: Mạnh Linh
Trình bày: Trần Thắng
19/01/2018 07:10