Từ năm lớp 8, lớp 9, cậu bé Trí đã lúc nào cũng có một tập giấy và cây bút chì, để ghi chép lại các kê hoạch hàng ngày của mình.  Dù chỉ là theo bạn bè lên rừng lấy củi để giúp gia đình, đã biết chuẩn bị xem phải mang theo những gì, bao nhiêu gạo, bao nhiêu quần áo, rồi cọc chèo, dao rựa…Một thày giáo của Trí lúc đó, nhìn tờ giấy cậu bé chìa ra để chia sẻ với bạn bè, kiểm tra xem bạn bè đi cùng còn thiếu những dụng cụ gì, đã gọi con mình ra dặn: “Con phải học tập Trí”.

Cái tính tự lập, tự làm chủ cuộc sống hình thành từ nhỏ ấy đã theo ông suốt cuộc đời, cho tới tận bây giờ vẫn thế. Bởi vậy, như ông chia sẻ, cuộc đời ông ít bị “chệch hướng”, ít bị va vấp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao thư khen nhân dịp GS Nguyễn Anh Trí được nhận Giải thưởng Vinh quang Việt Nam- 2017 (đây là lần thứ 2 GS Trí được nhận Giải thưởng này).
GS Nguyễn Anh Trí trong phòng xét nghiệm NAP để sàng lọc máu.

Ông kể, rất nhiều việc trong đời, ông đã lên kế hoạch từ khi còn học lớp 10. Như chuyện nhất định đến năm 28 tuổi sẽ lấy vợ và ông đã làm  đúng như thế.  Hay việc ông  tự hứa lớn lên sẽ trở thành Phó tiến sĩ như nguyện vọng của anh trai. Chuyện ấy, xảy ra khi ông còn rất nhỏ, người anh trai Nguyễn Văn Tài khi đó đọc trên tờ tạp chí “Toán học và tuổi trẻ” có một vị Phó tiến sỹ tên là Nguyễn Anh Trí, liền chạy về bảo bố đổi tên cho em từ Nguyễn Văn Trí thành Nguyễn Anh Trí “để sau này em có thể trở thành Phó tiến sỹ”. Được bố đồng ý, thế là hôm sau anh vào trường xin đổi tên cho em luôn. “Câu chuyện đó làm tôi khắc ghi và ám ảnh mãi, nên sau này tôi quyết tâm học tập để trở thành Phó tiến sỹ như mong mỏi của anh, của bố mẹ”, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Hay việc những ngày đầu tiên nhập học Đại học Y Hà Nội, được đồng chí Bí thư đoàn trường là TS. Nguyễn Quốc Triệu (người mà về sau trở thành Bộ trưởng) nói là ở Đại học Y Hà Nội có đào tạo hệ Bác sỹ Nội trú, thế là ông trở về phòng viết luôn vào nhật ký “sẽ quyết tâm trở thành bác sĩ nội trú”. Rồi suốt 5 năm đầu học ở trường, ông đã nổ lực cao độ để sau đó thi đỗ Nội trú và cuối cùng là hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo nội trú đó.

GS Trí đã 21 lần tham gia hiến máu cứu người.

Cũng chính ông tự  đặt mục tiêu khi nào thành phó khoa, trưởng khoa, khi nào thành Viện trưởng… Thật kinh ngạc là những kế hoạch ấy của ông đều thực hiện được đúng, thậm chí sớm hơn cả dự định.

Kể cả kế hoạch khi về hưu, ông bảo cũng đã tính chính xác từ trước ngày nào sẽ chia tay, ngày nào trả phòng. Kể cả buổi chào cờ chia tay ấn tượng ấy, ông cũng đã lên kế hoạch trước cả vài tháng. Việc lên kế hoạch và cố gắng thực hiện theo kế hoạch, có thể nói, chính là một “bí quyết” giúp ông có những thành công.

GS Trí trong buổi chia tay xúc động với các bệnh nhân và nhân viên của Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

Tôi muốn dùng chính những câu thơ đầu của bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ, để nói về cuộc chia tay của GS.TS Nguyễn Anh Trí với đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân, cách đây cũng mới chừng gần 3 tháng, sau hơn 30 năm ông cống hiến trọn vẹn cho khoa học, cho bệnh nhân, cho học trò, cho đồng nghiệp.

Như mọi công việc, sự kiện khác trong đời, ông đã lên kế hoạch cho việc về hưu từ 6 tháng trước, chuẩn bị sẵn xem ngày nào mình sẽ bắt đầu dọn dẹp đồ đạc để trả phòng, ngày nào sẽ chia tay anh em, ngày nào sẽ chính thức rời Viện.

Cuộc chia tay diễn ra vào ngày 2/10/2017 là sáng thứ 2, sẽ có chào cờ toàn Viện tại sân cỏ. Đó cũng là ngày ông đến để bàn giao phòng làm việc cho Viện, vì thế ông cũng tham gia chào cờ với cả Viện luôn.

Nhân viên bảo vệ cũng ứa lệ chia tay.

 

 

 “Cả đêm 1/10, tôi nằm suy nghĩ không biết ngày mai mình sẽ nói những gì khi mà lòng mình và chắc là cả anh em nữa có rất nhiều cảm xúc, có rất nhiều điều muốn nói; nhưng bắt anh em đứng lâu quá thì không nên vì còn phải dành thời gian làm việc, vả lại, tất cả những gì cần nói, tôi cũng đã nói rồi. Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng bật ra ý tưởng: Chúng tôi sẽ cùng hô lời dặn Bác Hồ đã viết trong Di chúc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Chỉ cần thế và không nói gì thêm, bởi trong 14 năm 5 tháng làm Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tôi đã nói hết rồi, trước khi nghỉ hưu thì cũng đã cắt đặt, sắp xếp đầy đủ hết rồi. Tôi nghĩ, trong những năm tháng tôi làm Viện trưởng và cả những thế hệ Viện trưởng trước, Viện đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết và đã thành công. Tôi mong thế hệ tiếp theo, trong thời gian tới, các bạn sẽ đoàn kết hơn nữa và sẽ có thành công hơn nữa, “đại đoàn kết” và để có  “đại thành công”. Lời chia tay đó tuy ngắn nhưng chứa đựng tất cả những mong muốn, suy nghĩ, gửi gắm của tôi cho tập thể Viện sau này”, ông tâm sự đầy tâm huyết.

Có một điều mọi người ít biết, là nước mắt đã từng rơi trước cả hôm GS.TS Trí chia tay Viện. Người đàn ông yêu nghề này thường có thói quen dậy từ 5 giờ 30 để chuẩn bị đi làm. Cả năm chỉ có duy nhất một ngày mùng 1 Tết âm lịch (vì ông năm nào cũng đến Viện đón giao thừa với người trực, bệnh nhân nên thường là 3h sáng mới quay về nhà ngủ) là ông dậy lúc 8h30. Ông không có khái niệm về ngày nghỉ trong suốt thời gian học đại học và những năm làm việc; thứ bảy, chủ nhật ông cũng có mặt ở Viện để làm việc. Chính vì thế, nhân viên trong Viện có thói quen chuẩn bị cơm cho ông những ngày nghỉ này. Bình thường, khi mang cơm vào, người nhân viên bao giờ cũng mở sẵn mâm ra, chờ ông cầm bát, cầm đũa lên ăn rồi mới đi ra; nhưng thứ bảy cuối cùng ấy, khi lên đưa cơm cho ông, thấy đồ đạc trong phòng đã đóng gói cẩn thận rồi, người nhân viên đó đã thảng thốt: “Chú ơi, chú sắp đi thật à, chú nghỉ thật à?”, rồi sau đó đặt vội mâm cơm xuống bàn và chạy vội ra cửa. Qua camera ngoài cửa, GS.Trí thấy người nhân viên đứng lau nước mắt. Sau đó, cả khoa biết tin “Viện trưởng nghỉ hưu thật” nhiều người cũng đã rớm lệ.

“Không chỉ phụ nữ khóc đâu, đàn ông cũng khóc. Nghe anh em tuổi đã ngoài 50 rồi khóc ồ ồ hôm chia tay tôi, nói thật tôi vừa thương và cũng không cầm được nước mắt”, GS Trí chia sẻ.

Buổi chia tay đầy cảm xúc.

Rồi câu chuyện về người lái xe của GS Trí. Thường khi đi trên xe, ông và người lái xe hay trò chuyện, chia sẻ. Những ngày cuối, khi có chuyện gì liên quan đến việc về hưu, là thấy tay lái của anh ta loạng choạng. Hai người không dám nhìn nhau, vì nhìn chắc chắn sẽ òa khóc. Ngày 2/10, sau khi GS Trí chia tay Viện, thì  người lái xe vẫn muốn “được một buổi nữa lái xe đưa anh đi Hòa Bình nghỉ”. Lên đó xong, đến đêm anh nhắn tin cho GS Trí: “Anh ơi, đêm nay anh cho em khóc một đêm cho nhẹ lòng, để mai em đi làm việc!”…

Có lẽ với những ai đã có cơ hội làm việc với GS.TS Nguyễn Anh Trí, sẽ không cần đặt câu hỏi vì sao ông được yêu quý như vậy, vì sao cuộc chia tay của ông lại chấn động tới vậy. Đó là bởi những cống hiến của ông với nghề, bởi những tấm chân tình ông đã dành cho từng cá nhân đồng nghiệp trong suốt cuộc đời làm lãnh đạo của ông.

Hàng ngàn cán bộ, nhân viên, học trò và bệnh nhân lưu luyến chia tay GS Trí.

Sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Anh Trí gắn với hai sự kiện  có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, cũng chính là “cứu cánh” của ngành huyết học Việt Nam, đó là “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ”.

Thời điểm GS Trí đảm nhận vai trò Viện trưởng (năm 2003), dù phong trào hiến máu đã được phát động, nhưng tình trạng thiếu máu vẫn rất trầm trọng, khiến cho công tác chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. Ông kể, có những thời điểm, cả tuần lễ liền trong kho của Viện chỉ còn vỏn vẹn 100 đơn vị máu, trong khi nhu cầu sử dụng cho bệnh nhân là 500 đơn vị máu cho mỗi ngày. “Mà đó là vì chúng tôi không dám phát, chứ không thì 100 đơn vị máu trong kho ấy cũng đã sớm không còn”, ông nhớ lại.

Không có người hiến máu, nên Viện không có máu bổ sung, vì chuyện đó mà GS Trí buồn đến  mức không thiết gì ăn, ngủ nữa và cảm thấy mình có lỗi ghê gớm. Vì vậy, ông và các anh em đã tích cực lao vào trận chiến vận động hiến máu, với 2 cuộc vận động lớn kể trên.

Năm 2008, “Lễ hội Xuân Hồng” chính thức được khởi xướng, do Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đảm nhiệm, với  lượng máu  thu gom được là 2.610 đơn vị máu và tới năm 2017, lượng máu tiếp nhận trong 1 ngày tại Hà Nội đã lên tới con số kỷ lục: Hơn 10.000 đơn vị máu. Quy mô của lễ hội cũng đã được mở rộng tới hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Còn “Hành trình Đỏ”, khởi xướng năm 2013, là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu xảy ra trên toàn quốc vào dịp hè, góp phần thúc đẩy công tác tuyên truyền vận động hiến máu trong việc nâng cao số lượng người tham gia hiến máu nhân đạo, tuyên truyền về các bệnh tan máu bẩm sinh; đặc biệt Hành trình đỏ cũng đã góp phần tập dượt công tác tổ chức ngày hiến máu lớn, tiếp nhận máu và điều phối máu trên phạm vi toàn quốc.

Hành trình bắt đầu khởi động từ tháng 4 hàng năm để tuyển người, tập huấn; sau đó triển khai xuyên Việt. Ngoài khoảng 150 tình nguyện viên đi suốt hành trình (vào trọn tháng 7), thì tại mỗi địa phương mà “Hành trình Đỏ” đặt chân tới, có thêm vài trăm người làm Tình nguyện viên địa phương và có vài nghìn người tham gia hiến máu tình nguyện. Nhiều người đã đánh giá: Không có cuộc hành trình nào mà mang nhiều ý nghĩa nhân văn như “Hành trình Đỏ”. Bản thân những người tham gia vào cuộc hành trình đó cũng đã nhận định rằng nó đã vượt ra ngoài một chuyến đi vận động hiến máu, mà là một hành trình cách mạng, hành trình để giáo dục con người về lòng nhân ái, nhất là với thế hệ trẻ.

Còn nhớ, thời điểm khi GS Trí mới lên làm Viện trưởng, cả nước chỉ tiếp nhận được khoảng vài trăm nghìn đơn vị máu mỗi năm, mà hơn 80% là hiến máu nhưng vẫn nhận tiền, thậm chí còn cả bán máu chuyên nghiệp. Còn đến khi ông về hưu, thì theo thống kê, số máu mà cả nước tiếp nhận được khoảng 1, 6 triệu đơn vị máu và tỷ lệ hiến máu tình nguyện không lấy tiền đã trên 92%. Hiện nay, Viện gần như không phải lo thiếu máu cho bệnh nhân,  đồng thời  giải quyết được hai giai đoạn thiếu máu nặng nề nhất trong năm là giai đoạn sau Tết Âm lịch (bằng “Lễ hội Xuân Hồng”) và giai đoạn thiếu máu kéo dài từ tháng 5 tới tháng 10 (bằng “Hành trình Đỏ”).

Các bệnh nhân xúc động chia tay GS Trí.

Không chỉ thành công trong sự nghiệp, ông còn rất thành công trong cương vị một người lãnh đạo. Khi Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tách khỏi Bệnh viện Bạch Mai, số cán bộ nhân viên “đi theo” GS Trí ra cơ sở mới chỉ có 86 người; nhưng đến ngày ông rời khỏi Viện, số cán bộ, nhân viên đã là 922 người. Điều đáng nói, cả gần nghìn con người ấy, họ chưa từng có cảm giác bị ông bỏ quên…

Là một Viện trưởng, đảm đương nhiều trọng trách, nhưng ông vẫn để tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất trong Viện, từ việc kê đặt bàn ghế, giường bệnh thế nào, chăn, nệm cho bệnh nhân ra sao,… cho đến việc lớn hơn là kế hoạch công việc, thu nhập… lớn hơn nữa là chiến lược hoặc công tác tổ chức toàn ngành. Từ những việc nhỏ như chỗ để túi, đồ đạc cho những người mới đến, chỗ nghỉ trưa của nhân viên, chốt nhà vệ sinh có đảm bảo không, nhất là chỗ nhà vệ sinh nữ … ông luôn yêu cầu các trưởng khoa phải nắm chắc và thường xuyên báo cáo lại. Rồi đến lo công ăn việc làm cho nhân viên, sự thăng tiến, bổ nhiệm họ như thế nào, chuyển vị trí ra sao để họ có điều kiện phát triển hơn, kiến thức rộng hơn, nắm chắc nghề nghiệp hơn.

Đồng nghiệp trong Viện kể, từ một lá thư, tờ đơn đến lời nhân viên gặp trực tiếp trình bày, ông đều tiếp thu, vấn đề nào giải quyết được ngay là giải quyết luôn, còn có những vấn đề không giải quyết được ngay, thì nó cũng vẫn nằm trong đầu, để khi nào gặp cơ hội về học tập hoặc có hướng nào đó tốt và phù hợp hơn là có thể bố trí ngay.

GS Trí với các bệnh nhân nhi.

Câu chuyện về một trưởng khoa của Viện, từng là một sinh viên mà GS chưa từng quen, nhưng đã được ông nhận vào làm, giúp đỡ để có được công ngày hôm nay, vẫn được các cán bộ, nhân viên trong Viện truyền tụng.

Đó là một buổi chiều mùa đông, khi GS Trí đang làm việc trong phòng, thì được báo là có một sinh viên xin gặp. Cậu sinh viên trẻ măng rụt rè nói với vị Viện trưởng: “Thầy ơi, em là sinh viên vừa tốt nghiệp xong, em đi xin việc nhưng khó quá, thầy có việc gì thầy cho em làm với”.

Dù không hề quen biết, nhưng GS vẫn cặn kẽ hỏi tên tuổi, việc học hành và sau đó, nhận cậu sinh viên này vào Viện luôn. Sau này, cậu sinh viên tự đến xinh việc ấy đã rất thành công trong công việc, hiện đã là Trưởng khoa một khoa trong Viện. Chính GS đã dìu dắt, đã trực tiếp hướng dẫn việc làm luận văn Thạc sĩ; rồi đứng ra làm chủ hôn khi cuối cùng người sinh viên ngày nào kết hôn với một nữ nhân viên của Viện.

Hiện tại, dù đã về hưu, nhưng điện thoại nhờ vả với GS Trí vẫn không ngừng nghỉ. Trực tiếp có, tin nhắn có, ông bảo, mỗi ngày ông vẫn nhận hàng chục tin nhắn của những người chưa hề quen nhờ vả  giúp chữa bệnh. Và chỉ mỗi việc sửa những tin nhắn ấy cho đúng chính tả, đúng câu cú, đi trọng điểm vào nội dung vấn đề để gửi cho đồng nghiệp để nhờ giúp họ… cũng đã mất rất nhiều thời gian rồi. Nhưng chưa tin nhắn nào ông bỏ qua. Than thở thì than thở, nhưng trong sự than thở ấy vẫn đầy sự tự hào và nhân văn, vì được tiếp tục giúp mọi người…

“Thủ lĩnh” Nguyễn Anh Trí với các tình nguyện viên Hành trình đỏ- lần thứ 5 năm 2017.

Một trong những lời thề của những người làm nghề y chính là câu nói trên: “Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một cách cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại”. Và trên thực tế, những ai đã làm được như vậy đều được cuộc đời tôn vinh. Trong giới y học Việt Nam, cũng có những cái tên đã đi vào huyền thoại, thậm chí, sự ra đi của họ được coi như một hiện tượng như GS Đặng Văn Ngữ, GS Tôn Thất Tùng...

Với GS Trí, dù ông khiêm tốn khẳng định mình chưa thật sự làm được như vậy, nhưng xem ra việc “cứu đời, cứu người” cũng chính là cái đích phấn đấu cả đời của ông.

GS Trí nói, ông xem mình là người “tỉnh táo” Tỉnh táo bởi từ khi là sinh viên, ông đã biết được về cái hay, cái dở của nghề. “Nghề y là nghề rất nhạy cảm, nhạy cảm kể cả thương yêu, bực bội, ghét, thậm chí thù ghét. Từ thời sinh viên tôi đã nhận thức được điều này, rằng nếu làm tốt sẽ được mọi người gọi là bác sĩ, nhưng nếu không ra gì họ gọi là “lão”, “thằng”…”ngay, ông tâm sự.

GS Nguyễn Anh Trí với một bệnh nhân của mình.

Với một nghề nghiệp nhạy cảm, con người “tỉnh táo” và khoa học của ông xem ra cũng có phần “nhạy cảm” theo. Ông bảo: Không nghề nào dễ khiến người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để đút lót như nghề y, thậm chí chỉ cần một hành động “cau mày” của bác sĩ thôi đã khiến người bệnh phải bỏ tiền ra; nhưng chính vì thế đây lại là điều phải tránh.

Với GS Trí, khi chữa trị cho bệnh nhân, ông rất cẩn trọng từng hành động, lời nói của  mình, rất sợ bị bệnh nhân hiểu nhầm ý của mình. “Thậm chí có những trường hợp thiếu máu để truyền cho bệnh nhân nhưng không dám kêu khó với họ, tôi chỉ dám hứa tôi sẽ cố gắng tìm được và “giả vờ” rằng tìm máu cũng dễ thôi, để họ yên tâm điều trị. Sau mỗi lần dặn dò bệnh nhân tôi luôn phải xem lại mình nói có câu gì làm cho họ dễ hiểu nhầm không, có làm cho bệnh nhân phải suy nghĩ không”, ông tâm sự.

Quay lại câu chuyện của chiếc phong bì, “vấn nạn” mà ngành y đang muốn loại bỏ, GS Trí cười sảng khoái bảo, cái phong bì không có tội, nhận phong bì cũng không phải là điều xấu, vấn đề là đừng tìm cách “làm tiền” bệnh nhân.

GS Nguyễn Anh Trí đang trao đổi chuyên môn với các chuyên gia quốc tế tại Khoa Ghép tế bào gốc.

“Có người hỏi tôi có bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân không. Tôi thằng thắn trả lời rằng tôi chưa bao giờ yêu cầu bệnh nhân đưa phong bì cho tôi, nhưng   bệnh nhân tự tìm đến tôi và đưa phong bì để cảm ơn tôi vì quý mến thì có rất nhiều”.

 GS Trí bảo, người Việt Nam mình có truyền thống là không bao giờ quên ơn người khác, khi mình giúp đỡ và hết lòng với họ thì họ không bao giờ quên. Nhiều lần, sau khi ông điều trị cho bệnh nhân xong, thì người bệnh ấy đã bảo các con đưa ông đến gặp TS. Trí và đưa một chiếc phong bì, ở ngoài phong bì ghi: “Kính gửi ngài/ông/tiến sĩ/bác sĩ Nguyễn Anh Trí”. Thường là GS Trí sẽ nhận và nói với bệnh nhân: “Bác ơi, coi như cháu nhận rồi và tôi xin gửi lại biếu bác để bác bồi dưỡng”.

Dù  không nhận phong bì, nhưng bệnh nhân họ vẫn có rất nhiều cách để cám ơn vị GS đã giúp họ lành bệnh. Những năm thập kỷ 80 hay 90, cứ mỗi dịp lễ, tết, gia đình GS Trí không phải đi mua vẫn đầy đủ những đào, quất, gà, gạo nếp… do bệnh nhân mà ông giúp đỡ trong năm hay trước đó đem tặng.

Gia đình GS Nguyễn Anh Trí.

Ông không phải là người kiệm lời, nên quả thật chúng tôi bất ngờ khi nghe ông chia sẻ như vậy về cuộc sống riêng. Nhưng ông bảo, ông hài lòng với 5 câu mỗi ngày ấy của vợ và ông hài lòng với 5 câu dạy con ấy của mình. Nghe ông kể xong, thì chúng tôi cũng thấy... hài lòng. Hài lòng với một cuộc sống êm đềm, bình yên, một hậu phương quá vững chắc để ông có thể làm bệ phóng cho thành công của mình.

Lấy vợ đúng năm 28 tuổi, bật mí duy nhất của ông về vợ là điều chúng tôi cũng đã biết: Vợ ông là cháu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tướng Nguyễn Chí Vịnh (nay là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) gọi mẹ vợ ông là o ruột. “O ruột” ấy năm nay đã 104 tuổi, nhiều năm nay sống cùng vợ chồng ông.

GS Nguyễn Anh Trí và vợ - bà Võ Thị Ngọc Lan.

Vợ ông là người phụ nữ Huế điển hình, chăm chồng, lo cho chồng, nhưng không thích nhiều lời. Mỗi ngày, những gì họ nói với nhau có khi chỉ là “Chào em, anh đi làm”, “Chào em, anh đã về”, “Trí Anh (con trai của GS Trí) đã về chưa em?”. Nhưng mỗi ngày, bà đều chờ ông trở về rất muộn, rồi trong lúc ông cất đồ vào nhà thì bà mới nấu cho ông bữa cơm tối theo kiểu Huế; do vật liệu đã chuẩn bị trước nên bà chỉ xào xáo một lúc là xong ngay, thức ăn nóng hổi. Ông nhất định ăn kiểu Huế, trong khi cả nhà ăn kiểu Hà Nội, ông bảo vậy, có lẽ vì mê tay nghề của vợ. Sắp mâm cơm ra, có hôm sớm thì ăn cùng ông, hôm muộn thì ngồi cùng chờ ông ăn. Ăn xong thì dọn. Rồi vợ xem tivi, ông về phòng làm việc, 0 giờ lên giường ngủ... Mọi chuyện ông kể, bà đều nghe, nhưng có cách chia sẻ riêng của mình, ví như nhẹ nhàng nhắc ông: “Về nhà rồi thì đừng nói chuyện công việc cơ quan nữa”, để ông có thể nghỉ ngơi với trí óc đã căng thẳng suốt cả ngày...

 Nói thế, nhưng không phải bà chỉ là người của gia đình. Bà cũng từng làm công tác huyết học ở bệnh viện Hữu Nghị, từng làm giám đốc của Bệnh viện Medlatec vô cùng nổi tiếng, nơi hiện nay con trai Nguyễn Trí Anh đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc...

Với con trai, cách dạy con của GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng “kiệm lời” như vậy, nhưng thành công của con trai ông thì là điều mơ ước của nhiều người. Con trai Nguyễn Trí Anh nhưng chưa từng bao giờ nhờ tới cha mẹ trong việc chọn nghề, độc lập học hành, vẫn giỏi. Đi du học cũng là tự mình tìm trường, chọn nghề. GS Trí bảo, cả đời ông chỉ dạy Trí Anh 5 câu quan trọng. Khi còn nhỏ, mỗi ngày khi con đi học ông thơm con một cái và dặn: “Cố gắng học con nhé”. Khi con lớn, ông dặn con: “Con phải học để phục vụ đất nước, phụng sự Tổ quốc con nhé”. Khi con sang Singapore du học, ông dặn: “Con đi rồi về nhé, đừng ở lại nước ngoài làm việc vì ba mẹ nhớ con!”. Khi con đi Australia học Thạc sĩ, ông lại dặn: “Học cho tốt để phục vụ đất nước con nhé”. Và bây giờ khi con trai Nguyễn Trí Anh đang điều hành cả công ty Medlatec, ông chỉ dặn con câu: “Hết sức quan tâm đến mọi người con nhé!”.

Vỏn vẹn 5 câu, nhưng đã chất chứa bao tâm huyết của người cha trong đó và quan trọng, Nguyễn Trí Anh đã làm trọn vẹn được cả 5 lời dặn. Có lẽ, còn hơn cả mong đợi của GS Trí với con trai!

Cuộc đời mỗi người quan trọng nhất là gì? Công danh, sự nghiệp, thành công, giàu có, con cái thành đạt, được tôn trọng, thần tượng...  Lạ là kể ra xong thấy cái gì cũng quan trọng, không quan trọng ở góc độ này thì sẽ ở một góc độ khác. Mà lạ nữa, là kể ra xong thấy GS.TS Nguyễn Anh Trí cái gì cũng có, cái gì cũng vẹn toàn. Như ông nói, ông hài lòng với mỗi ngày mình sống, với mỗi điều mình có, mình vun đắp, xây dựng lên.

Nói thì nhẹ tênh thế thôi, nhưng ai cũng hiểu, để có được một cuộc đời vẹn toàn ấy, là biết bao nỗ lực để từ một cậu học trò nghèo không nhiều may mắn, đến nay trở thành một GS.TS đầu ngành, một đại biểu Quốc hội luôn có những phát biểu mang nặng tâm tư, luôn vì quyền lợi của người dân mà mình đại diện. Cái hành trình phấn đấu ấy không hề ngắn và chưa từng đơn giản với chính GS Trí đâu. Chỉ có điều, ông đã vượt qua nó rồi, để có một ngày hôm nay, trọn vẹn!

 

Bài: Phạm Tuyết- Tạ Nguyên
Trình bày: Trần Thắng
Ảnh: Lê Phú
Clip: Kiều Hà

01/01/2018 07:10