Cách đây tròn 5 năm, cũng trong những ngày đông lạnh giá như thế này, lần đầu tiên tôi đã gặp họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (SN 1946), trưởng nữ của nhà văn Kim Lân khi chị từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội chuẩn bị cho triển lãm của con gái.

Hôm ấy, chạng vạng chiều, trong một quán café nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt,  họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã khóc khi đọc thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ viết tặng: “Mái nhà nâu nhấp nhô/Trong khói mờ ẩn hiện/Cây bàng cao lá tím/Ướt nhòa sương ngã ba/Nhìn nhau không thể xa/Đèn mùa đông vụt tắt/Màu áo em đỏ rực/Cháy sau vòm cửa đêm/Giờ anh như con thuyền/Bốn bề lên sóng vỗ/Xô dạt về tựa ngủ/Trên rộng dài bến em/Em chiếm hết anh rồi/Những cánh đồng trắng xóa/Những ngả đường đói lả/Và giấc mơ sau cùng/” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (II), 1973).

 

Bài thơ nhắc đến “mùa đông” và “giấc mơ sau cùng”. Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền từng có lời hẹn sẽ cùng nhau thực hiện một cuốn sách mà Lưu Quang Vũ làm thơ, chị sẽ vẽ minh họa. Nhưng hai tháng sau khi gặp nhau hẹn làm cuốn sách đó thì Lưu Quang Vũ gặp nạn, không khi nào trở về nữa. Và không biết có phải vì mùa đông gợi nhiều nỗi nhớ, nhiều kỷ niệm hay không, mà cứ khi Hà Nội vào đông, dù không có việc gì, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng được. 

Mùa đông năm nay cũng vậy, giữa tháng 12 khi Hà Nội đón đợt lạnh nhất kể từ đầu mùa, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã có mặt trong căn nhà ở trong ngõ trên đường Trần Khát Chân. Ngôi nhà này chị mua đã lâu, một thời gian làm “Nhà lưu niệm” lưu giữ những kỷ vật của nhà văn Kim Lân, cho đến khi gia đình khánh thành nhà lưu niệm (tháng 7/2017) nhân 10 năm ngày mất của nhà văn Kim Lân (2007-2017) tại quê hương là làng Phù Lưu (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thì chuyển toàn bộ những kỷ vật của cha về đó.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và cha mình - nhà văn Kim Lân.

Giờ đây, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đã ngoài bảy mươi tuổi, ở phía bên kia dốc cuộc đời, nhưng nhìn chị vẫn còn nét của một thời xuân sắc, vẫn đang miệt mài, trăn trở với những dự định về nghiệp vẽ, chưa phút giây nào thôi theo đuổi niềm đam mê với hội họa. Chị hạnh phúc bởi cuộc đời mình có mối tình lớn với hội họa, và được “chạm tới tình yêu” dù đau khổ, dở dang. Quan trọng hơn, cuộc đời chị luôn có hình bóng sâu đậm của cha-nhà văn Kim Lân.

“Nói về tình yêu lớn trong cuộc đời thì trước hết là nói đến tình yêu với hội họa. Tình yêu đó tôi đeo đuổi, có thể có lúc nhanh lúc chậm, có thể như những nốt thăng, nốt trầm, có lúc phải chịu bất công, có cả những uẩn ức thăng trầm, những khúc quanh bất ngờ trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ buông bỏ. Mà đôi lúc cứ nghĩ nếu được sống trong sự nâng niu, chiều chuộng thì chưa chắc đã có những cái độc đáo riêng của mình.”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền bắt đầu câu chuyện.

Dân quân bắn súng trên tầng cao.

Trở về những năm tháng tuổi thơ, bức tranh đầu tiên cô bé 8 tuổi Nguyễn Thị Hiền vẽ là khi vừa từ vùng kháng chiến Nhã Nam, ấp Cầu Đen, Yên Thế (Bắc Giang) trở về Hà Nội khi Thủ đô vừa giải phóng (năm 1954). Bức tranh có tên “Quả đồi của em” bằng bột màu, Hiền vẽ mình đứng trên một ngọn đồi (còn gọi là “quả đồi văn nghệ”), dưới chân là đàn gà.

Bất ngờ là sau đó bức vẽ “quả đồi văn nghệ”, nơi gia đình nhà văn Kim Lân tản cư, ở cùng với rất nhiều văn nghệ sĩ khác như nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Anh Thơ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, ... gửi đi triển lãm tranh của thiếu nhi quốc tế tổ chức ở Hunggary đã đoạt giải. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt giải thưởng quốc tế về hội họa.

Giải thưởng của cô con gái đầu lòng đã khiến nhà văn Kim Lân để ý đến tài năng của con. Ông bắt đầu dốc sức cho con gái, cũng như để viết tiếp ước mơ còn dang dở của chính mình. Nhà văn Kim Lân rất say mê hội họa, đã từng theo họa sĩ Nguyễn Gia Trí phụ sơn mài, vẽ, nặn tượng, nhưng do nhà nghèo nên không thể đeo đuổi giấc mơ ấy. Thời điểm đó, có lẽ nhà văn cũng không thể nghĩ, về sau năm trong số bảy người con (hai gái, năm trai) của ông đều là họa sĩ; trong đó họa sĩ Nguyễn Thị Hiền-con gái cả (hiện ở TP Hồ Chí Minh), họa sĩ Nguyễn Thành Chương (ở Hà Nội) là những người nổi danh trong giới hội họa cả trong và ngoài nước.

Dân quân cầu Đò Lèn, Thanh Hóa.

Nhà văn Kim Lân đã mở ra cánh cửa bước tới nghệ thuật và cũng là người truyền cảm hứng, làm cho cô con gái nhỏ hiểu nghệ thuật thực sự như thế nào. Sự dẫn dắt ấy không chỉ là tìm mua các loại quả na, chuối, hoa sen, hoa cúc… bày trên thổ cẩm cho con vẽ tĩnh vật. Cho đến khi bức vẽ hoàn thành, không đứa con nào được động vào những hoa quả trước đó rất ngon lành ấy giờ đã héo nhũn phải đem vứt đi, trong lúc gia cảnh có lúc rất đỗi khó khăn. 

Nhà văn cũng tạo cho con gái mình cơ hội vàng khi thường đem tranh của con nhờ các bạn văn, những họa sĩ thân thiết như Văn Cao, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Sỹ Ngọc… xem và góp ý hoặc đưa con đến nhà xem các họa sĩ vẽ. Thời điểm đó, dòng tranh của “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (sau này được công nhận là “tứ bất tử” của hội họa Việt Nam) chưa được ghi nhận như bây giờ, nhưng tác giả của “Vợ nhặt” đã nhìn ra sự sáng tạo, cái khác biệt để tạo nên phong cách riêng mà hướng con gái theo, đó cũng có thể là cái nhìn rất mới và khác biệt của ông với những người cùng thời khi quan niệm về hội họa. Kỳ lạ là mặc dù còn rất nhỏ nhưng Nguyễn Thị Hiền đã hấp thụ được những điều đó một cách rất bản năng và đầy đam mê.

Học nhóm, 1971.

Nhưng thời kỳ đó, dòng tranh truyền thống tả thực được dạy trong nhà trường là chủ đạo, nên khó chấp nhận lối tư duy phá cách, sáng tạo. Cô bé Hiền 13 tuổi học trường Mỹ thuật Yết Kiêu (khóa 7 năm) gặp không ít rắc rối khi đã sớm phá cách. Điều này khiến chị dù là một học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn, rất giỏi về hình họa, màu sắc, bố cục, trong suốt 7 năm học luôn được điểm cao bị đánh giá là học sinh cá biệt, bị chỉ trích về xu hướng sáng tạo không tuân theo sự giảng dạy của nhà trường. 

Ngay những bài học đầu tiên, khi cặp vẽ rơi ra những tranh của Picaso, VanGogh... mà cô bé cắt để xem và bị thầy giáo phát hiện, ban giám hiệu nhà trường đã gọi Hiền lên để cảnh cáo. Sau khi các thầy giảng giải cái này là không được phép và phê bình, rồi cho cô bé phát biểu lần cuối, nhưng câu nói thốt ra lúc đó vẫn là: “Em chỉ muốn xin các thầy các cô cho em xin lại những bức tranh đó”, “Em xin lỗi, thưa các thầy các cô là em thấy nó vẫn rất đẹp ạ”. Cô bé vẫn thể hiện chính kiến, một cách rất chân thật và bướng bỉnh. 

Nhà văn Kim Lân biết hết những điều con gái đang gặp phải nhưng ông vẫn cho rằng nghệ thuật không phải là sự dập khuôn máy móc, mà đòi hỏi sáng tạo, có cái riêng khác biệt để làm nên tài năng. Ông đã luôn dạy con gái mình như vậy và chị đã làm theo lời cha, sau này quả đã thành danh.

Bức vẽ về cha.

“Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên buổi chiều chạng vạng hôm ấy, hai cha con đi trên cánh đồng ở vùng sơ tán Hà Bắc. Đó là lúc tôi thi tốt nghiệp, bố Kim Lân đến tìm rồi bảo con đi ra đây nói chuyện với thầy. Thầy lên đây gặp con để nói cho con biết mà chuẩn bị tinh thần. Con là một học sinh giỏi, con là học sinh ngoan ngoãn, nhưng con sẽ dứt khoát không được vào Đoàn và bài thi tốt nghiệp của con dù con vẽ rất đẹp nhưng sẽ bị chấm bét, con sẽ bị đỗ bét lớp. Nhưng thầy nói với con là con đừng buồn, học tài thi phận, thầy rất hiểu và con nên nhớ con đường của con còn rất dài về phía trước. Nói xong, bố tôi lại đạp xe về Hà Nội luôn. Những gì diễn ra sau đó đã không ngoài dự đoán của ông.”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại. 

Sau này, khi ra trường đi làm, rồi có phòng tranh riêng, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẫn bền bỉ theo đuổi lối tư duy sáng tạo ấy. Hàng loạt các giải thưởng đã khẳng định tài năng của chị.

Mẹ và con.

 “Không ai khác, chính bố Kim Lân là người thầy đầu tiên của tôi. Ông là người gợi mở, dẫn dắt, theo sát và cũng đau đáu với những gì tôi gặp phải. Khi tôi 12 tuổi, bố tôi đã nói rằng, làm nghệ thuật không đơn giản như con nghĩ, con phải là chính mình, tự do là chính mình. Nếu con bắt chước người khác thì con luôn luôn chỉ là cái bóng của họ mà thôi. Đó là kim chỉ nam và cũng chính là quan điểm về hội họa của tôi”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khẳng định.

Thật thẳng thắn và rõ ràng, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói, con người ta có thể hạnh phúc nhất khi có một tình yêu, có được tình yêu, cảm nhận thấy mình yêu và mình được yêu. Nếu con người không còn biết yêu, không còn niềm đam mê nữa thì chán quá. Họ cũng có thể yêu đơn phương nhưng lòng họ, trái tim họ có những rung động thì đó cũng là cái đẹp nhất của tâm hồn con người.

Chân dung Lưu Quang Vũ vẽ 12/10/1973.

Riêng chị, chị đã cảm thấy “có lúc đã chạm tới tình yêu và nó thật đẹp, thật hạnh phúc khi cuộc đời mình có được, chạm tới được sự rung động đó”. Đẹp vì có mình có đòi hỏi gì đâu, chỉ là tôi biết họ yêu tôi và tôi không ràng buộc họ phải làm điều này điều kia cho mình. Dù ở xa nhau đến mấy tôi vẫn biết họ nghĩ về tôi, vẫn làm việc và họ nghĩ ở đâu đó tôi vẫn mong điều tốt đẹp cho họ. Và tôi cũng vậy, tôi làm việc và vẫn mong điều tốt đẹp đến với họ, tin rằng họ cũng vẫn đang dõi nhìn và mong tôi theo đuổi ước mơ của mình, luôn mong tôi hạnh phúc. 

 

Chuyện tình của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền đúng như thế. Có những điều vượt lên đời thường. “Tôi không đòi hỏi Vũ điều gì và Vũ cũng không yêu cầu tôi điều gì, nhưng cả hai luôn nghĩ về nhau, làm việc, theo đuổi đam mê của mình và biết rằng ở đâu đó người kia ngày đêm mong mình hạnh phúc và làm việc để thực hiện đam mê nghệ thuật mà cả hai đều trân trọng”.

Nhiều người biết Lưu Quang Vũ là một nhà thơ, kịch gia tài hoa. Người đàn ông tài hoa ấy hẳn nhiên có nhiều người say mê, nhưng cuộc đời Lưu Quang Vũ gắn với ba người đàn bà: Tố Uyên, người vợ đầu tiên; nhà thơ Xuân Quỳnh, người vợ sau cùng-người đã sát cánh cùng Lưu Quang Vũ trong cả đời sống thường nhật và đời sống nghệ thuật; và Nguyễn Thị Hiền- “nàng thơ” của thi nhân. 

Nhưng tình yêu của của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và kịch gia Lưu Quang Vũ đầy sóng gió, dang dở và đau khổ. Lưu Quang Vũ biết Nguyễn Thị Hiền vào lúc cuộc hôn nhân với Tố Uyên đang ở giai đoạn rạn nứt không gì có thể níu kéo được (đang chuẩn bị thủ tục ly hôn).

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Tình yêu nhen nhóm giữa thi sĩ tài hoa và họa sĩ tài năng là mối tình sét đánh. Lần đầu họ biết nhau là tại hội nghị cộng tác viên cuối năm của Tạp chí Thanh Niên nơi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền công tác. Lần gặp nhau thứ hai, Lưu Quang Vũ đã ngỏ lời yêu. Họ yêu nhau ở tài năng thơ ca, tranh vẽ. Những cuộc gặp gỡ ở nhà Nguyễn Lâm (Lâm “râu”) tại 28 Triệu Việt Vương, nơi mà nhiều văn nghệ như: Bằng Việt, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Đặng Nhật Minh, Lê Minh Khuê, Vương Trí Nhàn, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Khắc Phục … thường lui tới trở thành những cuộc đàm đạo về nghệ thuật, Lưu Quang Vũ làm thơ còn chị vẽ tranh. 

 

Nhưng chuyện tình của Lưu Quang Vũ và Nguyễn Thị Hiền vào thời điểm đó thực sự gặp nhiều sóng gió và trở nên “ầm ĩ” như một cơn bão. Lưu Quang Vũ giải quyết chuyện gia đình với Tố Uyên không hề dễ dàng, Nguyễn Thị Hiền vì chuyện đó mà bị Trung ương Đoàn bắt làm kiểm điểm và dừng không cho đi học nước ngoài như chương trình đã định của Bộ Văn hóa. 

Cuộc tình của họ cũng bị phản đối từ phía gia đình. Thương yêu con gái như thế, nhưng trước điều tiếng kiện cáo con, nhà văn Kim Lân đã ngã bệnh. Mùa hè nóng như thiêu đốt mà ông phải quàng khăn len, đắp chăn, đội mũ, đi tất. Một lần khi vừa đi cùng Lưu Quang Vũ đến nhà in Nhân dân, về đến nhà đã thấy toàn bộ tranh vẽ đang bị bố Kim Lân và người nhà tháo dỡ, đồ đạc tư trang quăng ra ngoài chuẩn bị đuổi con ra khỏi nhà.

Nhà văn Kim Lân.

“Mình là người mạnh mẽ, nói đi là sẵn sàng đi luôn. Nhưng bố là người đàn ông mà chị vô cùng kính trọng, để lại trong chị tình thương yêu, lý tưởng sống mà bây giờ vẫn hướng tới thì chị không thể làm được. Nếu không vì bố đã làm bao bao điều cho mình, bởi những kỷ niệm sâu sắc như chiều chạng vạng hôm nào cặm cụi đạp xe lên Hà Bắc, hai bố con đi trên cánh đồng nói chuyện rồi lại cặm cụi đạp xe về... thì chị đã vứt bỏ và ra đi thật” . 

Nhưng cuộc tình của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền với Lưu Quang Vũ chỉ kéo dài khoảng 3 năm thì chấm dứt, dù cả hai còn rất đau khổ. 

“Chị khi ấy mới ngoài 20 tuổi chẳng biết gì về cuộc sống gia đình, nội trợ hay cơm áo gạo tiền trong khi Vũ lại cần sự ổn định nên bắt đầu có quan hệ với Xuân Quỳnh. Gặp chị Vũ nói, bây giờ chỉ cần Hiền nói một câu là Vũ đừng đi, ở lại với Hiền thì Vũ sẽ không bao giờ đi cả. 

Nhưng chị không bao giờ quan niệm tình yêu như thế. Chị nói với Vũ, tất cả đều là tự nguyện, nếu Vũ thấy không thể thiếu được Hiền thì chủ động ở lại, nếu thấy cần phải đi thì Vũ đi. Cuối cùng Vũ quyết định sống với Xuân Quỳnh (năm 1973, và sau đó 5 năm thì họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cũng lập gia đình-PV). Chị hiểu rằng, con người ta có hai cuộc sống, một cuộc sống tinh thần và một cuộc sống đời thường với tất cả những điều bình thường như ăn ngủ, kiếm tiền nuôi gia đình, đẻ con”. 

Nhiều năm sau đó, Lưu Quang Vũ vẫn đến tìm chị ở xóm Hạ Hồi, đứng chờ ở đường Quang Trung (nhà gia đình nhà văn Kim Lân từng ở trong ngõ xóm Hạ Hồi). Lúc chị mua nhà ở Trần Quý Cáp hay tới đây để vẽ, Vũ cũng tới đó đứng chờ. Khi chị đã lập gia đình, có con, Vũ khi ấy cũng đã có con với Xuân Quỳnh, vẫn chở cả con đi tìm chị, lặng lẽ đi theo cả quãng đường dài. Nhưng cũng chỉ chờ đợi để nhìn thấy nhau như thế thôi, chị đi đằng trước Vũ đi phía sau, hai người không dám đi cạnh nhau, không dám nói chuyện. Sau đó, cả gia đình họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống.

Chỉ có điều, Lưu Quang Vũ vẫn viết rất nhiều thơ cho chị, kể cả khi cả hai đã có gia đình. Sau này nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cũng nhận định: “Những bài thơ hay nhất của Lưu Quang Vũ chính là những bài thơ viết về họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, viết cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền”.

Cho đến mãi sau này, khi họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, khi ấy vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” công diễn ờ Nhà hát Lớn, Lưu Quang Vũ đã nhờ nhà thơ Dương Tường đưa vé mời cho chị, ghế số 1, thì hai người mới gặp và nói chuyện với nhau.

“Đó là lần gặp lại đầu tiên sau ngần ấy năm. Khi đến xem kịch, cứ có cảm giác bồn chồn như ai nhìn mình, khi quay sang thì thấy Vũ, mà dáng đứng ấy đúng y như hôm đầu tiên Vũ mặc cái áo mưa màu vàng rêu đến nhà chị ở xóm Hạ Hồi, hai chân vắt chéo vào nhau đứng khuỵu ở cửa. Trong lần gặp này, Vũ đã nói, tất cả những bài thơ Vũ làm là để nhớ đến Hiền”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.

Mối tình dở dang nhưng cũng rất đẹp ấy cho đến bây giờ vẫn trong tâm tưởng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Mặc dù không thể quên nhưng cả chị và Lưu Quang Vũ chưa một lần phản bội gia đình, chồng, vợ. “Chị không thể từ chối bảo là chị và Vũ không có tình cảm sâu đậm, nhưng sâu đậm ở đây là về mặt tinh thần thôi chứ chị chưa bao giờ phản bội anh Hạo (Lê Dương Hạo, chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền-PV) là bỏ đi chơi với Vũ hay làm chuyện gì, gặp mặt cũng không. Mình là một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, cũng cần có sự ổn định, lấy chồng rồi sinh con (vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có một con gái sinh năm 1979). 

Mình cũng đã hết lòng chăm lo cho gia đình, làm đủ mọi công việc. Chuyện với Vũ không hề dấu giếm anh Hạo mà nói rõ ràng với anh ấy là em với Vũ không còn phải là chuyện của một tình yêu đơn thuần và cũng không thể bảo không có nhưng chỉ còn là dĩ vãng và đó là một tình yêu tinh khiết, trên cả tình yêu nam nữ đời thường. Những bài thơ Vũ tặng em không thể đốt hay vứt đi vì đó chính là những tác phẩm sẽ để lại. Nếu anh đốt hết ảnh (ảnh họa sĩ Nguyễn Thị Hiền chụp cùng Lưu Quang Vũ-PV) thì thôi em chịu, nhưng những bài thơ anh để lại cho em”, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền tiếp dòng hồi tưởng.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã không còn nữa (anh mất đã gần 30 năm). Chồng chị cũng đã mất cách đây gần hai mươi năm, con gái duy nhất của chị cũng đã lấy chồng yên bề gia thất. Sau khi chồng mất một thời gian, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền mới lấy lại được cân bằng và làm một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên với 142 bức tranh sơn dầu và sơn mài có tên là “Dòng Chảy” và tiếp tục lao vào vẽ để khoảng chục năm lại đây, thực hiện series triển lãm Dòng chảy (từ Dòng chảy 1 đến Dòng chảy 6-Những đứa trẻ); triển lãm “Một chặng đường”, “Những gì còn sót lại”, đi triển lãm nhiều nước trên thế giới.

Nổi tiếng với biệt tài vẽ chân dung (vẽ khoảng 300 bức chân dung cho người ngoài, trong đó có các đại sứ của các nước, khoảng 20 quốc gia trên thế giới), hiện nay, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền đang vẽ “Chân dung bạn bè và những người cùng thời”, trong đó có những bạn bè của gia đình, những bạn văn nghệ sĩ của cha như nhà văn Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, …

“Tôi cũng sẽ vẽ chân dung Vũ, nhưng chưa biết sẽ vẽ như thế nào, vì có thể bây giờ nghĩ thế này mà khi ngồi trước toan lại khác. Nhưng chắc chắn sẽ vẽ, vì ít nhất bây giờ tôi đã có thể nói ra thành lời, không như trước đây và kể cả khi Vũ đã mất một thời gian rất lâu tôi không dám nhắc đến cái tên ấy. Vì tôi biết, nếu nói ra mình sẽ khóc…”.

 

Bài, ảnh: Xuân Phong
Video: Xuân Phong - Lê Sơn
Trình bày: Trần Thắng
Trong bài sử dụng một số ảnh tư liệu do gia đình cung cấp

05/01/2018 09:28