Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ thân phận nô lệ, nhân dân ta đã trở thành chủ nhân thực sự của nước Việt Nam độc lập, những người làm chủ vận mệnh đất nước. Bên cạnh niềm vui chung của hàng chục triệu đồng bào được làm dân của một nước độc lập thì một trong muôn vàn khó khăn đặt ra trước mắt với chính quyền non trẻ là nền tài chính quốc gia phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: Kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản Pháp.

Chính quyền non trẻ được thành lập trong không khí hân hoan nhưng cũng có muôn vàn khó khăn đặt ra trước mắt.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính: "Tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát, mà các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng…". Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính, tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

Thách thức từ thực tế đòi hỏi chính quyền non trẻ vừa phải có cách làm sáng tạo nhưng quan trọng nhất là biết dựa vào sức mạnh từ chính lòng dân.

Chính phủ và Bộ Tài chính mà đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn chưa từng có. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là phải huy động mọi nguồn lực để vừa nuôi bộ máy nhà nước, vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

 

Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của lịch sử, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”. Đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng trong vận động mọi người dân yêu nước, tha thiết với nền độc lập của dân tộc tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc, đưa cách mạng vượt qua khó khăn thử thách và tiếp tục giành thắng lợi to lớn.

Chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố đất nước được độc lập, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 4 thành lập "Quỹ Độc lập".

Sắc lệnh nêu rõ: "Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia" và "Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính".

Tiếp sau đó, trong khuôn khổ "Quỹ Độc lập", Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức "Tuần lễ Vàng" từ ngày 17 - 24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội.

Các tầng lớp công thương Hà Nội ủng hộ "Tuần lễ Vàng" tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945).

Tin Chính phủ lâm thời phát động "Tuần lễ Vàng" từ Hà Nội nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước và trong nhân dân xuất hiện bài ca dao mới cổ động quần chúng:

Đeo bông chỉ tổ nặng tai
Đeo kiềng nặng cổ hỡi ai có vàng!
Làm dân một nước vẻ vang
Đem vàng cứu nước giàu sang nào tày!
Góp vàng đổi súng cối xay
Bắn tan giặc nước có ngày vinh quang

Nhưng thúc giục nhất phải là lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi đồng bào cả nước. Trong thư, Người viết: "Cùng toàn quốc đồng bào! Ban tổ chức "Tuần lễ Vàng" ở Hà Nội có mời tôi đến dự cuộc lễ khai mạc "Tuần lễ Vàng". Vì bận việc, tôi không đến được, nhưng tôi có bức thư này ngỏ cùng toàn quốc đồng bào: Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 năm nay, nhất là trong 5 năm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta. Ngày nay chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp. Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có".

Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ. Việt Nam độc lập muôn năm!"

 

Sau này bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang kể lại: "Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng".

"Tuần lễ Vàng" ở Hà Nội khai mạc vào sáng 17/9 tại thềm Nhà hát Lớn. Do bận công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) thay mặt đọc diễn văn khai mạc. Sau lời khai mạc của cố vấn Vĩnh Thụy, đoàn người xếp hàng tiến đến hòm lớn đặt ngay trong sảnh nhà hát. Đi đầu là các nhà tư sản rồi tầng lớp trí thức và các tầng lớp dân chúng Hà Nội.

Tổng cộng từ khi được giác ngộ, gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà chuyên sản xuất sơn cũng rất tích cực đóng góp tiền vàng, ông còn vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5kg. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng.

Ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng Hà thành có hiệu vải ở 48 Hàng Đào cũng là một trong những tư sản đã tham gia đóng góp tích cực, bà Nguyễn Thị Lãm (bà Tam Kỳ) đã xếp lớp 300 lạng vàng vào hộp bánh đem ra đóng góp ủng hộ ngân khố quốc gia. Một nhà tư sản khác là bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang, bà Lai góa chồng năm 28 tuổi nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán tơ lụa. Bà đã đóng góp 109 lạng vàng, mặc dù khi đó đang nuôi hai con du học tại Pháp. Trân trọng tình cảm của bà Vương Thị Lai dành cho dân tộc, ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Tấm huy chương này là quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Một gia đình tiêu biểu khác là ông bà Đỗ Đình Thiện. Sắc lệnh số 4 ngày 4/9/1945 đã cử ông bà Đỗ Đình Thiện "phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội" trong "Tuần lễ Vàng". Để vận động mọi người ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà đã làm gương khi ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4kg vàng) vào "Quỹ Độc lập" và 100 lạng vàng trong "Tuần lễ Vàng". Đặc biệt, ông bà Đỗ Đình Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó tặng lại thành phố Hà Nội. Ngoài ra còn rất nhiều nhà tư sản khác như: Chủ nhà in theo Công giáo Ngô Tử Hạ, ông Tống Minh Phương…

Từ nơi cực Bắc của Tổ quốc, vị vua của đồng bào H'Mông Vương Chí Sình (Đồng Văn, Hà Giang) đã ủng hộ 9 cân vàng và 2,2 triệu đồng bạc trắng. Tại cố đô Huế, Nam Phương Hoàng Hậu (vợ của cựu hoàng Bảo Đại - khi đó là cố vấn Vĩnh Thuỵ) đã ủng hộ hàng chục chiếc nhẫn, hoa tai, vòng vàng quý, nêu gương cho nhân dân Huế ủng hộ 420 lạng vàng.

Bà Nguyễn Thị Thềm - công chúa Chăm, hậu duệ của vua Po Klong Mơ Nai (Ninh Thuận), đem báu vật của dòng họ ủng hộ 1 mũ vàng, 1 quả na bằng vàng, 1 quả khế bằng vàng, 1 nải chuối vàng và cả chiếc mục vàng của dòng họ vua Chăm...

Nhiều nhà tư sản nổi tiếng đi theo cách mạng và đóng góp phần lớn tài sản cho Cách mạng trong đó có đại điền chủ Nam Bộ Cao Triều Phát, Giáo chủ Nguyễn Ngọc Tương, Huỳnh Thiện Lộc...

Có thể nói, thông qua tuyên truyền, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có người giàu mà gần như mỗi gia đình dù ít, dù nhiều cũng tham gia ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”, người đôi bông tai, nhà 1 - 2 con bò…

Tổng cộng trong "Tuần lễ Vàng" cuối mùa thu Ất Dậu 1945 (từ ngày 17 - 24/9/1945), các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Riêng tại Hà Nội, các giới đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương.

Cảm kích trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam ủng hộ cho "Quỹ Độc lập", ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn và ngày đó đã trở thành "Ngày Doanh nhân Việt Nam" hôm nay.

 

Có một điều rất đáng khâm phục là các nhà tư sản biết rõ âm mưu của thực dân Pháp muốn quay lại chiếm Việt Nam và nếu thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam thì chắc chắn công việc sản xuất, buôn bán của họ sẽ bị gây khó dễ vì họ đã ủng hộ chính quyền cách mạng, nhưng họ vẫn chấp nhận. Đồng ý chí, đồng lòng giúp nước và phát huy trách nhiệm của mọi công dân trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc - đó chính là đóng góp lớn nhất và đáng trân trọng nhất của các nhà tư sản yêu nước cho cách mạng, cho kháng chiến.

Đúng như lời dự đoán tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Tuần lễ vàng sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do, độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút vàng để phụng sự Tổ quốc”.

 

 

Đã 76 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu năm 1945, song sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc lập” đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Năm 2020 - 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi nhân dân đồng sức, đồng lòng chung tay chống dịch. Ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhân dân cả nước cùng đông đảo kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp công sức, tiền bạc, hiện vật cho công tác phòng, chống dịch. Với tấm lòng tương thân tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã xuất hiện những ATM gạo, ATM mỳ, ATM khẩu trang... Không chỉ các cơ quan, tổ chức tích cực đóng góp mà cảm động hơn có những bà mẹ Việt Nam anh hùng đóng góp từng đồng trợ cấp chắt chiu, những em nhỏ đóng góp số tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng...

Sự đóng góp ấy đã tỏa sáng tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia của nhân dân Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn, giúp cho Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trong ba làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra nhanh hơn, trên phạm vi rộng hơn, với mức độ nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn. Nhận thấy điều đó, Chính phủ đã xác định cùng với áp dụng biện pháp 5K thì tiêm vaccine cho người dân trở thành yêu cầu cấp bách trong công tác phòng dịch. Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg về việc thành lập “Quỹ Vaccine phòng COVID-19” (Quỹ Vaccine) với mục tiêu bao phủ vaccine cho 75% dân số cả nước. Đây là một sáng kiến cần thiết, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc sớm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 để mang lại cuộc sống bình thường cho nhân dân.

Ngày 29/7/2021, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cũng bằng phương pháp quan trọng nhất là huy động sức mạnh lòng dân, “Quỹ Vaccine” được xây dựng với mục đích tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân. “Quỹ Vaccine” là sự tiếp tục huy động sự đóng góp của nhân dân chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch.

Ngay khi vừa thành lập, “Quỹ Vaccine” đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn không chỉ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn... mà còn của các tầng lớp nhân dân, từ những em học sinh đến các cụ già, từ các cựu chiến binh đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ những người nông dân đến các cán bộ hưu trí... Đặc biệt, đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng vẫn hướng về Tổ quốc, cùng chung tay đóng góp cho “Quỹ Vaccine”.

Đặc biệt, trong tối 5/6/2021, chỉ trong 2 giờ phát động “Quỹ Vaccine” trên Đài Truyền hình Việt Nam, Quỹ không chỉ nhận được sự đóng góp to lớn của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp mà còn tiếp nhận được hơn 17,7 tỉ đồng qua tổng đài 1408. Đó là một minh chứng cho thấy “Quỹ Vaccine” đã thật sự trở thành nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân, làm tỏa sáng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của toàn thể nhân dân Việt Nam.

“Quỹ vaccine” đã thật sự trở thành nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân, làm tỏa sáng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của toàn thể nhân dân Việt Nam.

 

Theo Ban quản lý “Quỹ Vaccine”, tính đến 17 giờ ngày 27/8, nghĩa là sau tròn 3 tháng phát động, Quỹ có tổng cộng 8.637 tỷ đồng. Đến 28/8, có gần 17 triệu người dân trên toàn quốc, trong đó đa số là của các địa phương mà dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, được tiêm vaccine hoàn toàn miễn phí.

“Quỹ Vaccine” là sự chắt chiu, cộng đồng trách nhiệm của cả dân tộc trong thời khắc cam go. Có thể thấy, mỗi đồng tiền được đóng góp vào Quỹ không chỉ là sự đóng góp công sức, giá trị vật chất mà còn là sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Song song với “Quỹ Vaccine”, giữa lúc đại dịch diễn ra phức tạp nhất, các phong trào ủng hộ trong giai đoạn dịch COVID-19 huy động được tổng lực sức mạnh toàn dân. Gần như tất cả mọi ngành, mọi lực lượng, đểu cống hiến hết sức mình, nhằm đẩy lùi bệnh dịch.

Tính đến trung tuần tháng 8, Bộ Y tế cho biết đã có 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến chi viện cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Không ai bảo ai, nhưng mọi y bác sĩ đều lòng dặn lòng quyết tâm hết dịch mới về. Họ cạo trọc đầu để không chiếm dụng thời gian chăm sóc bệnh nhân lo cho bản thân; họ gửi mẹ, gửi con nơi quê nhà cho vợ, chồng chăm sóc để được cùng người dân cả nước bước vào trận đánh “phải thắng”.

Những sinh viên ngành y tuổi đời đôi mươi nhưng kinh nghiệm cũng qua 2 - 3 đợt cùng các địa phương chống dịch, nay họ sẵn sàng lao mình vào tâm dịch thêm một lần nữa. Có mệt lả, có ướt sũng mồ hôi trong những bộ đồ bảo hộ, có những giấc ngủ mê man sau ca trực, bữa ăn lùa vội vì chợt nghe tiếng ho dồn của người bệnh, thậm chí có cả những mất mát, hy sinh. Nhưng, họ vẫn xung phong khi Tổ quốc cần. Ngay cả khi đã hết thời gian công tác tại vùng dịch bệnh, nhiều y bác sĩ vẫn tình nguyện viết đơn xin ở lại, kề vai cùng đồng nghiệp, cứu chữa bệnh nhân với lời hứa: Khi nào hết dịch mới trở về nhà.

Từ sự huy động của ngành Y tế, mọi doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Từ sự huy động của ngành Y tế, mọi doanh nghiệp, tổ chức tham gia hỗ trợ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thông tin từ Bộ Y tế, đến nay các doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ 4.315 máy thở các loại, trên 100 máy RT-PCR, 63 máy tách chiết, 63 xe tiêm chủng lưu động, 63 xe vận chuyển vaccine, trên 3 triệu test nhanh kháng nguyên, trên 300.000 test RT-PCR và hàng chục nghìn vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ cá nhân các loại, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Sự hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ các loại thuốc điều trị COVID-19 đang góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác điều trị người bệnh COVID-19. Trong đó, Bộ Y tế phối hợp với Vingroup mua, nhập khẩu, tiếp nhận thuốc Remdesivir điều trị người nhiễm COVID-19 để triển khai chương trình điều trị có kiểm soát F0 tại cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh. Tập đoàn Vingroup cũng đang thực hiện bàn giao 1.700 máy thở xâm nhập đợt 1 cho Bộ Y tế trong tổng số 3.200 máy thở mà tập đoàn này hỗ trợ cho ngành.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng tài trợ 1.000 máy thở oxy dòng cao HFNC cho 'tâm dịch' phía Nam, phục vụ công cuộc phòng chống dịch. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã trao ủng hộ 200 máy thở chức năng cao cùng các vật tư y tế để phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Tập đoàn Sun Group đã gửi trao tặng 4 hệ thống xét nghiệm PCR tới Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, 50 máy thở cho tỉnh Đồng Nai, 1 hệ thống xét nghiệm PCR cho tỉnh Kiên Giang...

Trong khó khăn, lực lượng đoàn viên, thanh niên được xem là “nguồn xanh chống dịch”. Theo Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời gian qua, đã có gần 1,6 triệu đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, đoàn viên, thanh, thiếu nhi và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong đó, nổi bật là công tác phối hợp của Trung ương Đoàn với đơn vị liên quan tổ chức Chiến dịch truyền thông “Thank you Vietnam!”, với mục đích cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Chung tay với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, các cấp bộ đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên, cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ về cả vật chất và tinh thần các Chương trình “Sing for life, Sing for love - Hát để sẻ chia”, cuộc thi vẽ “Ngày hội sắc màu” năm 2021 đóng góp được hàng trăm triệu đồng vào "Quỹ Vaccine" của Chính phủ...

Thiết thực hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Trung ương Đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu bữa cơm”. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, những ngày này, hàng trăm đoàn viên, thanh niên và tình nguyện viên tham gia đội hình ATM oxy do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh triển khai tại TP Thủ Đức và 21 quận huyện ngày đêm phân bổ 2.000 bình oxy sẵn có đến tận nơi cho người bệnh mắc COVID-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam, nhiều nhóm thiện nguyện, cá nhân chủ động đứng ra vận động quyên góp hoặc tự đóng góp nguồn lực to lớn để làm những sản phẩm giúp ngăn ngừa dịch bệnh trao tặng cho lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch; cũng như dành những phần quà giúp người nghèo, người lao động tự do vượt qua giai đoạn khó khăn của mùa dịch.

Là nơi gửi gắm của gần 10.000 tấm lòng hướng về tâm dịch, tính đến ngày 26/8, “Quỹ Hạt vừng” đã trao tặng 124 máy thở; 238 bộ vật tư tiêu hao; 90 máy tạo oxy và 50 máy monitor cho 44 cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội. Chỉ tính riêng sáng kiến “Đổi kỷ vật lấy nhịp thở” của “Quỹ Hạt vừng”, hàng trăm nghệ sỹ, người nổi tiếng sẵng sàng dành tặng những kỷ vật quý giá, vật phẩm giá trị để không đứng ngoài dòng chảy thiện nguyện. Từ Trường Sa, 5 cây bàng vuông mang theo tình cảm của những người lính đảo đã vượt qua hơn 300 hải lý (gần 500km) về tới Quân cảng Cam Ranh, Khánh Hoà, để ủng hộ “Quỹ Hạt vừng” bán đấu giá mua máy thở, tiếp thêm ôxy, mang lại sự sống cho đồng bào đang bị nhiễm COVID-19.

Từ giữa tháng 7, ca sĩ Thái Thuỳ Linh cùng chiến dịch thiện nguyện “Người Việt thương nhau” tiến vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh, triển khai tặng lương thực thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ người lao động nghèo chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID. Từ tấm lòng của người ca sĩ thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp ngay lập tức vào cuộc. Sau 4 ngày khởi động, “Người Việt thương nhau” đã nhận được sự ủng hộ gửi gắm của hàng trăm tấm lòng trên cả nước, với số tiền hơn 300 triệu đồng và nhiều hiện vật là nhu yếu phẩm, đồ bảo hộ chống dịch.

Tại Hà Nội, nhiều người nổi tiếng gồm nghệ sỹ Trà My, MC Thảo Vân, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thuỳ Linh, Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2013 Nguyễn Ngọc Anh và các mạnh thường quân của chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình” tặng hàng ngàn suất cơm ấm nóng được trao cho những người nghèo, người lao động tự do, công nhân bị mất việc làm, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó khăn,… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Tính từ 5/6/2021 đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp cho công tác phòng, chống dịch và Quỹ Vaccine phòng COVID-19 hơn 10,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở Pháp, Mỹ, Canada… đã phát động chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” và “10.000 liều vaccine cho Việt Nam” trên khắp thế giới, sớm chuyển về trong nước nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là các y bác sỹ và những người đang ở tuyến đầu, sớm vượt qua đại dịch.

Từ tháng 7/2021, VietBay - nhóm người Việt tại Bay Area, San Francisco, Mỹ đã thực hiện chiến dịch gây quỹ, trao tặng gần 10.000 suất quà hỗ trợ người lao động nghèo tại TP Hồ Chí Minh. Thông qua Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, doanh nhân David Dương gửi hàng trăm máy thở và nhiều trang thiết bị y tế là đóng góp của một Việt Kiều về nước vào cuối tháng 8. Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia chia sẻ, hiện nay, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Australia đang nỗ lực vận động đối với Chính phủ nước sở tại để viện trợ vaccine cho Việt Nam. Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được hơn 20.000 euro (khoảng 536 triệu đồng)...

 

Đến nay, những chuyến tàu, chuyến xe thiện nguyện gửi gắm tấm lòng của chính những người dân Việt ở trong và ngoài nước vẫn liên tục đến với các vùng dịch, như những dòng máu nóng chuyên chở yêu thương của người dân cả nước hướng về phần đất nước đang chịu vết thương do COVID-19. Những món quà vật chất gom góp từ triệu triệu tấm lòng người Việt hướng tới người Việt, chính là sự thể hiện rõ nét nhất của lòng yêu nước, của sự chung vai gánh vác với Chính phủ, đồng lòng một mục tiêu đưa Việt Nam vượt qua dịch bệnh, sớm trở lại với cuộc sống bình yên, an toàn và tiếp tục phát triển.

Trong Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện niềm tin sâu sắc và nêu cao sức mạnh toàn dân: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”

Trong không khí ngày Quốc khánh 2/9, nhớ về “Tuần lễ Vàng”, “Quỹ Độc lập” thời kỳ thành lập nước, Chính phủ cách mạng non trẻ không chỉ vượt qua những thiếu thốn về tài chính mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, người dân Việt Nam lại thêm bồi hồi và tự hào khi thấy sức mạnh của dân tộc khi đồng lòng ủng hộ Chính phủ.  Khi đất nước đứng trước những ảnh hưởng to lớn của đại dịch toàn cầu, những quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc huy động sức mạnh của nhân dân tiếp tục làm tỏa sáng giá trị Việt Nam. Ý Đảng - lòng dân đã hòa làm một và trở thành động lực quan trọng giúp dân tộc ta đã và sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách.

 

Bài: Lê Sơn/Báo Tin tức
Ảnh: TTXVN, Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Trình bày: Tuệ Thy

02/09/2021 03:13