Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế vì gắn với một sứ mệnh quan trọng: Nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Di tích lịch sử 48 Hàng Ngang.

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Ngôi nhà có hình ống, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, địa điểm buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ Hà Nội. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân. Chủ nhân của ngôi nhà khi ấy là doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà này là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch. Trong thời gian Bác Hồ về ở và làm việc tại nhà 48 Hàng Ngang, tròn 1 tháng 3 ngày (từ ngày 24/8 - 27/9), vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã hiến cho Chính quyền cách mạng 5.147 lạng vàng. Vợ chồng cụ còn vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ cách mạng trên 1.000 lạng vàng nữa. Sau này, Bác Hồ xúc động bày tỏ với bà Hoàng Thị Minh Hồ: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng”.

Sau này, nhớ về Bác và quãng thời gian Người ở tại 48 Hàng Ngang, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: Ngày 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình cụ chăm lo chỗ ăn ngủ chu đáo. Đến ngày 24/8, ông Trường Chinh gặp cụ Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi”.

Cảm nhận đây là việc quan trọng, gia đình cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ thu xếp chỗ ở chuẩn bị đón khách. Đến 6 giờ chiều cùng ngày, ông cụ cùng hai người nữa đi lối 35 Hàng Cân vào nhà (mặt sau ngôi nhà quay sang phố Hàng Cân), rồi lên căn phòng gác ba, nơi cụ Minh Hồ đã chuẩn bị sẵn. Chiếc giường ngủ của hai cụ được nhường lại cho “ông cụ ở quê lên” nằm nghỉ. Nghỉ được 3 tối, “ông cụ” xuống ở tầng 2 vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ của các đồng chí ở Trung ương Đảng cho gần gũi với mọi người. “Tại tầng 2, tôi đặt 6 giường vải cá nhân, sau tôi làm thêm 6 cái nữa. Các ông họp hành khuya thì ngả giường ngủ lại ở đó, mỗi người đều có màn, một gối và khăn bông to đắp bụng”- cụ Minh Hồ hồi tưởng. Năm 2017, cụ Minh Hồ qua đời, hưởng thọ 104 tuổi.

Sở dĩ năm 1945 Thường vụ Trung ương Đảng chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội chuẩn bị cho lễ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là do nơi này hội đủ các yếu tố thuận lợi. Ngoài tinh thần cách mạng của chủ nhà thì địa thế nơi này có hai mặt phố có thể rút nhanh khi bị động, bên dưới là tầng 1 buôn bán sầm uất, chủ nhà lại giàu có, không ai tin gia đình sẽ nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Trước đó, đồng chí Trường Chinh đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác. Ông vẽ rất kỹ sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang, đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên cho Bác kiểm tra. Vì vậy Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho buổi ra mắt ngày Tuyên ngôn độc lập” - Anh Trịnh Cần Chính, con trai cụ Trịnh Văn Bô cho biết như vậy.

Trong căn phòng ở tầng 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trong căn phòng ở tầng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, cụ Hoàng Thị Minh Hồ cùng gia đình đi dự lễ Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Cụ vô cùng xúc động khi người đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là “ông cụ ở quê” đã ở nhà cụ, người mà bấy lâu nay trong tâm tưởng cụ vẫn vô cùng kính trọng.

Trải qua gần 100 năm thăng trầm cùng lịch sử, đến nay, kiến trúc của ngôi nhà 48 Hàng Ngang hầu như vẫn nguyên vẹn, đó là các tòa nhà nối liền nhau hình chữ nhật với 2 mặt trước, sau thông thoáng, cửa chính nằm trên 48 phố Hàng Ngang, cửa hậu nằm trên 35 phố Hàng Cân. Nối giữa là khoảng sân hình vuông, có chiếc giếng và cây xanh trồng xung quanh. Trên mỗi tầng đều có một chiếc ban công rộng được trồng hoa, tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời với thiên nhiên.

Hiện nay, tầng 1 của ngôi nhà trưng bày những tư liệu theo chủ đề kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của Hà Nội và cả nước.

Ấn tượng nhất nơi tầng 2 của di tích là chiếc bàn lịch sử đặt một chiếc máy chữ mà Bác Hồ đã từng sử dụng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Các kỷ vật của Người vẫn còn nguyên tại phòng tiếp khách của mình trong những ngày Người ở và làm việc tại đây. Phòng họp có đặt chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián ở giữa, xung quanh là 8 ghế tựa, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương đã làm việc.

Tầng 3 của ngôi nhà là phòng truyền thống và nơi dâng hương.

Đã có hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đặc biệt vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, lượng du khách tăng đột biến. Đã có rất đông học sinh, sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước chủ động tìm đến di tích tìm hiểu, học tập. Sinh viên các trường đại học thường xuyên tập hợp thành từng nhóm là những tình nguyện viên hướng dẫn khách du lịch tại di tích 48 Hàng Ngang.

Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một di tích lịch sử thiêng liêng, một địa chỉ đỏ để các thế hệ sau tìm đến và hiểu biết thêm về nơi ra đời của Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 9/12/2021, Nhà hát Lớn sẽ kỷ niệm 110 năm ngày thành lập và đón nhận bằng Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia. Nhà hát Lớn Hà Nội gắn liền với  Cách mạng tháng Tám 1945 và những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quang cảnh ngày họp Quốc hội tại nhà Hát lớn ngày 20/3/1955.

Chiều 17/8/1945, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành chứng nhân của lịch sử cách mạng, chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay và bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao vang lên qua tiếng đàn Acmonium của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu trong lễ mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh.

Ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa thắng lợi bắt đầu từ khối người tuần hành ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà hát đã trở thành nơi hội họp của Chính phủ, quân đội, văn nghệ sĩ... Sau 9 năm kháng chiến, ngay từ cuối tháng 10/1945, Nhà hát lại tiếp tục là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử và văn hóa cách mạng.

Những năm sau ngày thống nhất, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn tiếp tục là nơi chào đón những chương trình âm nhạc đặc biệt; nơi tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, lễ kỷ niệm mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, trong đó có buổi đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân…

Diện mạo Nhà hát lớn Hà Nội ngày nay.

Tồn tại hơn 1 thế kỷ, Nhà hát Lớn Hà Nội hiển hiện như một trong những vẻ đẹp tiêu biểu, được coi là sầm uất nhất của Thủ đô ngàn năm tuổi. Cho đến nay, việc xác định tác giả thiết kế kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn chưa rõ ràng. Theo ghi chép trong cuốn sách “Nhà hát Lớn Hà Nội - vẻ đẹp tròn thế kỷ”, kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội khá hoàn hảo, quy củ, có sự thống nhất cao và đặc biệt hơn cả, không giống một toà nhà nào khác đã xây cất ở Hà Nội, Sài Gòn, ở Đông Dương hay châu Âu.

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan ách áp bức, bóc lột của phát xít Nhật và thực dân Pháp, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến tàn bạo, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những sự kiện chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Và, Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Nhà hát Lớn (hay còn gọi là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Quảng trường 19/8), nơi diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại, là một trong những “chứng nhân” của mùa Thu năm ấy.

Ngày này của 76 năm trước, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Gắn với nó, cuộc mít tinh của hàng vạn quần chúng tại quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội cũng vĩnh viễn đi vào ký ức dân tộc như một mốc son vô cùng đặc biệt.

Ngày 17/8/1945, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Lớn với mục đích ủng hộ chính phủ thân Nhật. Tuy nhiên, ngay sau đó nó đã biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh của nhân dân Hà Nội, rồi sau đó tỏa đi chiếm các công sở của địch và giành chính quyền thắng lợi.

Đến sáng 19/8/1945, đồng bào Hà Nội đã tập trung kéo đến Quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức kêu gọi giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Hà Nội về tay nhân dân.

Lễ khai mạc "Tuần lễ Vàng" từ ngày 16 - 24/9/1945 tại quảng trường Quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Sau sự kiện trọng đại ấy, Quảng trường Nhà hát Lớn là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử khác như: Đoàn quân giải phóng Việt Bắc về Hà Nội ra mắt ngày 29/8/1945; “Tuần lễ Vàng” quyên góp ủng hộ Chính phủ lâm thời kháng chiến từ ngày 16/9/1945; ngày Nam bộ kháng chiến được tổ chức đầu tháng 10/1945; mít tinh kỷ niệm 1 năm Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1946 và đó cũng là ngày Bác Hồ lần đầu tiên tới Quảng trường, vào Nhà hát lớn Hà Nội... Cho đến năm 1994, nơi đây chính thức mang tên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Đặc biệt, vào năm 2011, quần thể Nhà hát Lớn - Quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Và từ nhiều năm qua, nơi đây vẫn mặc định trở thành điểm dừng bước của nhiều người, trước hoặc sau khi tham quan Hồ Gươm, phố Tràng Tiền hay Nhà hát Lớn...

Tòa nhà Bắc Bộ phủ 12 Ngô Quyền được xây dựng năm 1918 trên phần đất của Chùa Báo Ân, di tích còn sót lại của chùa là tháp Hòa Phong cạnh Hồ Hoàn Kiếm.  

Di tích mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi là nơi Bác sống và làm việc sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập và là nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền thành công của nhân dân Hà Nội, ngày 19/8/1945.

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Cách mạng tháng Tám thành công tại Hà Nội.

Phố Ngô Quyền từng là một trong những con phố quan trọng và giàu có bậc nhất của chính quyền thuộc địa. Trên phố có tòa tư dinh của Thống sứ Bắc kỳ cai quản toàn bộ miền Bắc được xây dựng từ năm 1918. Tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân ở Bắc kỳ. Trải qua nhiều biến cố, khi quân Nhật tràn vào Việt Nam và đảo chính Pháp năm 1945, Dinh thống sứ trở thành Phủ Khâm sai Bắc kỳ của chính quyền Trần Trọng Kim.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít tinh lớn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, người dân Thủ đô, lực lượng Việt Minh đã kéo đến chiếm Phủ khâm sai - tòa nhà biểu trưng cho quyền lực thực dân và phong kiến một thời đã thuộc về chính quyền cách mạng và sau đó được gọi tên là Bắc Bộ phủ.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ.

Phiên họp được tiến hành giản đơn, không có nghi thức, song tính chất hết sức quan trọng, để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề về sự cần thiết phải có một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu độc lập ấy, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông-Nam Á vừa được thành lập đã phải tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại của mình.

Những khó khăn to lớn, chồng chất lại một lần nữa thử thách nhân dân ta: Nền tài chính đất nước kiệt quệ, nạn đói vẫn còn đang là mối đe dọa, đại đa số nhân dân không biết chữ…

Vì thế, ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945 tại toà nhà Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao gồm sáu vấn đề, bao gồm: Giải quyết nạn đói; giải quyết nạn dốt; phải có một hiến pháp dân chủ; phải giáo dục nhân dân trừ bỏ những thói xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hoá dân ta; bỏ ngay ba thứ thuế là thuế thân, thuế chợ, thuế đò và "tuyệt đối cấm hút thuốc phiện"; đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết.

Sau cuộc họp quan trọng của Chính phủ còn non trẻ, Bắc Bộ phủ tiếp tục là nơi làm việc của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến tận ngày Toàn quốc kháng chiến. Sau năm 1954, tòa nhà được sửa chữa và trở thành Nhà khách Chính phủ. Bốn lần thay đổi tên gọi và thay đổi công năng, tòa nhà đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại và có lẽ hiếm tòa nào có được vị thế ấy.

Nếu trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Phủ khâm sai Bắc kỳ là một trong những địa điểm quan trọng mà chính quyền cách mạng giành được đầu tiên thì trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1946, nó là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất giữa quân viễn chinh Pháp và Việt Minh. Đến nay, những vết đạn vẫn còn găm dấu vết trên hàng rào và cửa sắt là chứng tích ác liệt từ trận đánh năm ấy.

Bước qua từng di tích cách mạng tại Hà Nội, lật giờ từng trang lịch sử, những “ký ức không thể nào quên” trở lại sáng rực. Hành trình đến “Ngày Độc lập 2/9” ghi dấu mãi những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam.

Bài: Lê Sơn
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

01/09/2021 03:04