Thăng Long tứ trấn là bốn di tích tiêu biểu, trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa, gồm các đền: Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên và Quán Thánh. Hơn một nghìn năm qua, Thăng Long tứ trấn luôn giữ vị trí đặc biệt trong không gian văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Sự tồn tại của Thăng Long tứ trấn là lời gợi nhắc, dấu ấn ghi tạc về sự thịnh trị của kinh thành Thăng Long xưa, góp phần làm nên sự đa dạng, giàu có cho tài nguyên di sản văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Thăng Long tứ trấn hình thành từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý. Đây là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long, ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long tứ trấn”.

   

Đền Bạch Mã được xây dựng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Đền thờ thần Long Đỗ - vị thần bảo hộ Kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (Thành hoàng Hà Nội). Đền xuất hiện khá sớm, gắn liền với truyền thuyết xây La Thành của Cao Biền và đắp thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. 

Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn của Thăng Long - Hà Nội, hiện tọa lạc trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Truyện xưa kể rằng, khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên là kinh đô Thăng Long, ngài đã cho xây dựng đô thành, nhưng thành cứ xây lên là bị lở. Vua liền sai người tới cầu lễ, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến chỗ nào thì để lại dấu chân đến đó, rồi trở lại vào trong đền thì biến mất. Vua theo dấu chân ngựa mà cho đắp thành lũy thì không lở nữa, nên thờ làm Thành hoàng Thăng Long. Tạ ơn thần linh trợ giúp, vua bèn tôn phong thần Long Đỗ làm “Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương” và cho gọi tên ngôi đền thờ thần là “Bạch Mã linh từ” (đền thiêng ngựa trắng).

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê với 52 vị vua định đô tại Thăng Long, đến nay đền Bạch Mã là nơi chứng kiến đầy đủ nhất quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Hơn một nghìn năm qua, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy, mang giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt và là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Lễ rước Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bạch Mã.

Hiện nay, đền Bạch Mã là nơi ghi dấu lại nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với quy mô kiến trúc khá lớn, quay theo hướng Nam, được bố trí hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị lịch sử lớn như: Bia văn ghi lại những điển tích, thần thoại xây dựng đền và nghi lễ cúng thần, các lần tôn tạo trong hơn 1.000 năm qua. Ngoài ra, trong đền còn có: Sắc phong, hương án, độc bình, đôi phổng, chuông đồng hay kiệu rước,…

Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Hai âm lịch hằng năm, là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt.

Lễ rước kiệu đền Bạch Mã đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt:

Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đền nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả sang Đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương. 

Sở dĩ gọi là đền Voi Phục vì phía trước đền có đắp hai con voi quỳ gối.

Đền Voi Phục - Thủ Lệ được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh 1065, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương. Tương truyền, trước khi hóa, ngài gối đầu lên phiến đá thiêng, để lại một vết lõm, hiện thờ ở trong cung cấm. Ngài được nhà Vua sắc phong “Thượng Đẳng Phúc Thần”. Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên -  Mông từ phương Bắc và được vua Trần sắc phong “Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Hằng năm, để tưởng nhớ thần Linh Lang, cứ đến ngày 9, 10 và 11 tháng Hai âm lịch, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội đền Voi Phục. Đây là hội rước lớn với cờ quạt, chiêng trống, lọng, tàn, tán nối nhau thành hàng dài cùng phường bát âm và đội sênh tiền rất nhộn nhịp.

Đền Voi Phục được xây dựng năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (1065) ở góc phía Tây Nam thành Thăng Long cũ, thờ Linh Lang Đại Vương - thần Linh Lang.

Đền Voi Phục sở hữu nhiều hoành phi và câu đối bằng chữ Hán, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, nội dung chủ yếu ca ngợi công đức và sự thiêng liêng của các thánh thần. Công trình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngay từ đợt đầu vào ngày 28/4/1962.

Giếng bán nguyệt tại đền Voi Phục.
  

Đền Kim Liên được khởi dựng từ thời nhà Lý, tại làng Kim Hoa (nay là làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa), thờ thần Cao Sơn Đại Vương - vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên trong cuộc sống.

Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long (1010) nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.

Tương truyền, thần Cao Sơn Đại Vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Sau đó, ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (vùng đất nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Để ghi nhớ công ơn ngài, sau khi ngài mất, nhân dân đã lập đền để thờ ngài.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Kim Liên đến giờ vẫn được bảo tồn nguyên trạng, với nhiều hạng mục mang đậm dấu ấn từ thời Lê Trung Hưng. Đến nay, đền còn lưu giữ nhiều di vật, như: 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn; tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” năm 1510…, là những bảo vật quý hiếm, không chỉ có giá trị chứa đựng cứ liệu lịch sử liên quan đến di tích nói riêng, lịch sử các triều đại phong kiến nói chung, mà còn chứa đựng nhiều thông tin khoa học quý giá về thư pháp, ngôn ngữ học, mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Cửa võng cuốn thư sơn son thếp vàng tại đền Kim Liên.

Đền Kim Liên được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Hằng năm, vào ngày 16 tháng Ba âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.

Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại vương.

Đền Quán Thánh nằm tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, được xây dựng vào những năm đầu khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời Vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay. 

Không gian bên trong đền Quán Thánh.

Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, tương truyền là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông…

Đền Quán Thánh có bức tượng đồng Huyền Trân Trấn Vũ cao lớn uy nghi nặng 4 tấn.

Đền Quán Thánh được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đợt đầu tiên năm 1962. Đặc biệt, bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016 càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của di tích đền Quán Thánh. Tượng cao khoảng 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn; mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam xưa.

Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3 tháng Ba âm lịch hằng năm.

Đền Quán Thánh trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa, có tên chữ là Trấn Quán Vũ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ - vị thần có công diệt trừ yêu quái.

Việc được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt trong năm 2022 là sự ghi nhận, vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của “Thăng Long tứ trấn”, đã luôn vững bền, trường tồn cùng với thời gian, góp phần tạo dựng những nét độc đáo, đặc sắc riêng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Điều này cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của chính quyền thành phố Hà Nội và mỗi người dân Thủ đô trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, để “Thăng Long tứ trấn” thực sự kiểu mẫu, văn minh, xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi.

Bài: Đinh Thuận - Bảo An (tổng hợp)
Ảnh: Thành Đạt - Thanh Tùng - Tuấn Đức/TTXVN
Video: Trung Nguyên
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

09/10/2022 05:55