Với sự chọn lựa của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ hồn thiêng sông núi cho muôn đời con cháu nước Việt. Trải qua những biến động của thời cuộc, sự bồi đắp và cả những thách thức của thời gian, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là biểu tượng cho tinh thần dân tộc, là hiện thân cho văn hóa Việt Nam. Nét hấp dẫn, sự thú vị của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến chính là bản sắc văn hóa rất riêng, không lẫn với bất kỳ vùng miền, địa phương hay quốc gia nào.

Không chỉ những người sống ở Hà Nội, hay những người yêu Thủ đô mới có tình cảm sâu sắc với Hà Nội, mà tất cả những ai đã từng đặt chân đến nơi đây, hoặc đã nghe kể về lịch sử, cũng như đã từng tìm hiểu những nét hết sức tinh tế của con người Hà Nội đều trân trọng những nét văn hóa đẹp đến xiêu lòng ở vùng đất Thăng Long. 

Nói về bản sắc văn hóa của Hà Nội, Giáo sư Phan Huy Lê từng nhiều lần khẳng định: "Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, nhưng trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu nhất. Hà Nội và mỗi người dân sống trên đất Hà Nội có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân đã từng cư trú trên không gian này sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu".

Cột cờ Hà Nội - một trong những biểu tượng của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thủ đô hiện dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa vật thể với trên 5.920 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 16 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới 1.793 di sản, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 16 di sản thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngay khi đặt chân đến "vùng lõi" của Thủ đô, du khách có thể tìm hiểu lịch sử các triều đại Việt Nam qua hàng vạn tài liệu, hiện vật, các hố khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; tìm hiểu giá trị vật thể, phi vật thể, nét kiến trúc vô cùng độc đáo của các di tích đã được đánh dấu, ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới, như: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Quán Thánh, Liễu Giai; Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

Ô Quan Chưởng - dấu tích lịch sử của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Xa hơn, miền đất cổ xứ Đoài mang trong mình nhiều huyền tích đủ sức hấp dẫn mọi đối tượng du khách. Đó là thắng cảnh chùa Thầy, chùa Tây Phương, Đền Và; đình Mông Phụ, chùa Mía… mang phong cách kiến trúc đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt hơn là Khu di tích - danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức) được ví như "Nam thiên đệ nhất động"… Ngoài ra, Hà Nội còn được biết đến là mảnh đất trăm nghề, mỗi nghề là một hoài niệm của lịch sử, ẩn chứa những giá trị văn hóa rất riêng.

Bản sắc văn hóa của đất Kinh kỳ còn là những di sản văn hóa phi vật thể với trữ lượng khá lớn, phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hóa của người Hà Nội. Đó là hệ thống các lễ hội dân gian, là những tục lệ, hương ước của làng xã… Hơn thế, những món ăn đặc sản, như: phở Hà Nội, nem, bún chả, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng, xôi lúa Tương Mai, cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ… đã tạo nên một một thương hiệu ẩm thực riêng cho Hà Nội của ngày hôm qua, hôm nay và mai sau. 

Tái hiện không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa, tại ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây.

Có thể nói, chính những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa ấy đã giúp cho Hà Nội trong những năm gần đây, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế công nhận là điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam. Hà Nội cũng liên tục được các chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới như Trip Advisor, Smart Travel Asia bầu chọn trong Top điểm đến hàng đầu châu Á và Top 25 điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

Vết dấu thời gian ở Ô Quan Chưởng:

Thói quen đọc báo sớm của người Hà Nội.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa người Hà Nội được hun đúc và hình thành từ những tính cách tiêu biểu và đặc trưng mà chỉ cần nhắc đến thôi là người ta có thể hình dung ngay ra "người Hà Nội". Đầu tiên là chất hào hoa, thanh lịch. Trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa”, nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy đã viết: "Người Hà Nội chuộng lối sống khoan hòa, giản dị. Ghét lòe loẹt mà thích diểm dắn. Tránh tiếng xa hoa. Dù giàu sang, áo có mớ năm, mớ bảy, cũng phủ một chiếc áo thâm hay tam giang"...

"Vì là người Kinh kỳ nên dân Hà Nội đi đâu cũng được người ta trọng, lại cũng được mến về tính yêu khách. Ở các nơi, khi người ta nói "nhà tôi có khách Hà Nội về", là nhiều bà con muốn đến gặp"... Người Hà Nội mang nét hào hoa không chỉ trong cử chỉ, dáng người mà thể hiện cả trong lời ăn tiếng nói như cách nói chuyện "thưa gửi, vâng dạ" với đôi chút rào đón, lời xin lỗi "nói vô phép" trước khi có thể làm phiền ai, lời cảm ơn "quý hóa quá" khi nhận được chút ít quan tâm giúp đỡ... 

Tái hiện đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô ngày 10/10.

Lòng người đã vậy nên cảnh trí của Hà Nội xưa cũng rất thanh nhã. Tuy là Kinh đô nhiều đời nhưng Hà Nội vẫn chỉ gồm những con đường ô bàn cờ nhỏ bé, những ngôi nhà lợp ngói âm dương nép dưới tán hoàng lan, những chùm hoa sữa. Người đi xa nhớ về Thăng Long - Hà Nội, trước hết là nhớ về "Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ... phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu" (Trịnh Công Sơn), về "nụ cười thân thương", về "mái tóc xanh trong chiều lộng gió" (Văn Ký), về "Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó" (Lê Vinh)... Chính cách sống nền nã, thanh lịch ấy tạo nên những con người tâm thức vừa phải, lối sống chừng mực, ghét lối ngoa ngôn, ghét sự thái quá.

Bên cạnh những nét hào hoa, người Hà Nội xưa mang trong mình chất thị dân đậm đặc. Biểu hiện rõ nhất, họ thường được khen là sành ăn, sành chơi, có gu thẩm mỹ tinh tế. Những bài viết của các nhà văn Hà Nội như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đã phản ánh rõ nét sự "sành" trong cách ăn, cách mặc, cách cảm, cách nghĩ của người Hà thành. Họ ăn kỹ và rất trọng gia vị, bát phở phải có lá mùi, miếng cá phải kèm thì là, bún riêu nhất định phải óng ánh gạch cua với rau ghém, pha nước chè mời khách, bao giờ cũng có chén nước "tống khẩu" để khách súc miệng... 

Hà Nội - điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Từ cách sống nền nã, xen lẫn cái sự "sành" nên người Hà Nội có thể tĩnh tâm mà lắng nghe tiếng chim hót, có thể bền lòng ngóng đợi từng cánh hoa quỳnh, hoa thủy tiên nở, kiên nhẫn nhấm nháp từng ngụm chè được ủ tới mười lần gạo sen hay thưởng thức từng hạt cốm mỏng tang, thơm nức. 

Ngoài thú ăn chơi, thưởng thức nghệ thuật tinh tế, người Hà Nội còn nổi tiếng với chất tài hoa, tài tử. Bằng chứng đẹp đẽ còn tồn tại đến ngày nay là những làng nghề, phố nghề nổi tiếng rải rác khắp nội, ngoại thành với những tác phẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người Hà Nội.

Hà Nội đẹp bất chợt ở mỗi góc phố.

Để tạo nếp sống văn hóa mới trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình văn hóa, các phong trào văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài các mô hình: Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều nơi còn thực hiện phong trào làm sạch ngõ xóm vào sáng thứ 7, hình thành con đường bích họa, con đường nở hoa...

Cũng để định hướng các chuẩn mực ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với tình hình mới, gần đây, thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc Ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc Ứng xử nơi công cộng. Từ khi ra đời, hai bộ Quy tắc ứng xử đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

Hà Nội hòa quyện giữa xưa và nay, tạo nên nét đặc trưng riêng có của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Cùng với đó, chiến lược, tầm nhìn phát triển, sáng tạo các giá trị văn hóa mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội được quan tâm, xây dựng phù hợp với xu thế của thời đại. Hà Nội là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO - một động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, xây dựng một thành phố thông minh, năng động và bền vững, nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh hấp dẫn mới cho Thủ đô. Hà Nội cũng tổ chức, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo cộng đồng (phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội…). Tất cả những không gian văn hóa mới hòa quyện cùng văn hóa truyền thống tạo nên những sắc màu đa dạng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc của Hà Nội. 

Với tâm huyết của chính quyền, ý thức trách nhiệm của nhân dân thành phố, truyền thống hào hoa, lịch thiệp, lối ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đã và sẽ tiếp tục được bồi đắp, nhân lên cùng chiều dài lịch sử Thủ đô.

Bài: Diệp Ninh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Trung Nguyên
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

09/10/2021 05:30