“Tuyệt kỹ ‘Quyền 3 chân hổ’ là một trong những bài quyền với các đòn thế có tính sát thương vô cùng lớn, đòi hỏi sự khổ công rèn luyện” - võ sư Nguyễn Mạnh Toàn (một trong những đệ tử chân truyền của môn phái Bình Định Gia (được Chưởng môn đời thứ 5, cố võ sư, NSƯT Trần Hưng Quang truyền dạy võ công) hé lộ khi được hỏi về tuyệt kỹ công phu của võ cổ truyền Bình Định nói chung và môn phái Bình Định Gia nói riêng.

Theo lời kể của võ sư Nguyễn Mạnh Toàn, nay là HLV cao cấp của môn phái Bình Định Gia tại Hà Nội, bài “Quyền 3 chân hổ” được lưu truyền trong dân gian qua nhiều đời.

Tương truyền, tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trên 200 năm trước xuất hiện một con hổ 3 chân to lớn, hung dữ, thường xuyên vồ người, là nỗi khiếp đảm của cư dân. Một ngày nọ, có người tiều phu vào rừng hái củi và trở về làng khi trời đã tối. Ông kinh ngạc khi phát hiện một con hổ to lớn đứng trên 3 chân, nhe nanh chực vồ. Vốn là một cao thủ ẩn dật, người tiều phu nhanh chóng nhảy sang bên, né tránh và xoay người dùng đòn sóc quật vào mạn sườn con thú. Trúng đòn, mãnh hổ gầm vang hung hãn, muốn ăn sống nuốt tươi con người bé nhỏ.

Dưới ánh trăng đêm, người và vật lừa nhau từng miếng. Hổ dữ khi thì phóng lên, lao tới vồ mồi; lúc thì trụt xuống, thăm dò, thủ thế; rồi chồm, tát những cú trời giáng... Con người thì nhanh nhẹn, dẻo dai, tỉnh táo, né tránh và tận dụng mọi thời cơ để giáng những đòn chí tử vào chúa sơn lâm. Khi sức cùng lực kiệt, cả người và vật đều thấm đẫm mồ hôi và máu tươi, chờ lúc hổ dữ phóng tới, người tiều phu ra đòn hiểm. Một tiếng gầm xé trời, con hổ trúng thương vùng vẫy chạy vào rừng. Cũng từ đó, người dân trong vùng không còn thấy con hổ hung tợn về làng quấy phá nữa.

Trở về, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu khốc liệt với hổ dữ và hệ thống lại những tư thế đó, kết hợp cả yếu tố “cương” và “nhu”, thành những đòn thế dũng mãnh, linh hoạt, khó lường. Bài “Quyền 3 chân hổ” ra đời và trở thành thứ vũ khí lợi hại chống thú dữ và giặc ngoại xâm của dân làng.

Clip võ sư Nghiêm Đình Luận biểu diễn giới thiệu bài “Quyền 3 chân hổ”:

“Tả hữu diện tiền, bái tổ sư
Chúa sơn lâm vung đôi hổ trảo
Vờn bóng nguyệt, đảo sơn di hải
Phá âm dương xoay chuyển càn khôn”

(Trích lời thiệu “Quyền 3 chân hổ”)

Một trong những điểm đặc sắc nhất của võ Bình Định là mỗi một bài quyền, một chiêu thức lại có một lời thiệu, giống như những vần thơ bằng chữ Hán và cả chữ Nôm, không chỉ mô tả về thế võ, mà còn thể hiện tâm thế của người ra chiêu. Người học võ trước hết phải thuộc, phải hiểu lời thiệu để tường tận lời nhắn gửi của các thế hệ đi trước.

Do tính mãnh liệt và độc hiểm của đòn đánh, bài “Quyền 3 chân hổ” sau này không được lưu truyền rộng rãi mà chỉ đệ tử đẳng cấp cao mới được học.

Chia sẻ về võ cổ truyền Bình Định, Đại võ sư Nguyễn Bá Mạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam chia sẻ: Võ Bình Định nằm trong tổng thể võ thuật Việt Nam, nhưng lại có những nét riêng rất độc đáo, được đánh giá là kết hợp được nhiều yếu tố, thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân). Và đặc biệt, các bài tập của binh khí côn (tiếng địa phương gọi là roi) và “Bài kiếm 12” tổng hợp lại 12 động tác đơn giản, hiệu quả nhất được chắt lọc cẩn thận.

Ngoài các nét độc đáo về võ học, võ thuật Bình Định còn có những nét giao thoa độc đáo với văn học, văn hóa và lễ hội. Võ thuật Bình Định cũng có những sự liên hệ mật thiết với âm nhạc, đó là hình thức hát bội Bình Định. Tới nay, võ cổ truyền Bình Định đã và đang được hệ thống lại và truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ tại Bình Định với hơn 10.000 người theo học.

Từ hệ thống võ cổ truyền Bình Định, những người con của Bình Định, qua nhiều thế hệ, cũng đã thành lập nhiều môn phái khác nhau, mở rộng hệ thống võ đường ở cả trong và ngoài nước. Theo đại diện của môn phái Bình Định Gia tại Hà Nội, môn đệ của môn phái này đã lên tới hàng nghìn người.

Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy

05/02/2022 08:53