Thưa Thứ trưởng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức. Ngành Văn hóa đánh giá và tiếp thu như thế nào về những đóng góp này?
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lực lượng các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức ngành văn hóa luôn giữ vai trò rất quan trọng, làm nòng cốt xây dựng nền văn hiến lâu đời và độc đáo. Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đội ngũ các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức ngành văn hóa luôn yêu nước nồng nàn, tự tôn, gắn bó và đồng hành với dân tộc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức ngành văn hóa nằm trong hơn 6 triệu các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, nhà khoa học cả nước đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, trong đó đặc biệt bày tỏ những khó khăn, bất cập cũng như kiến nghị những giải pháp để phát triển văn hóa dân tộc trong thời gian tới. Điều này cho chúng ta thấy Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã trở thành cầu nối liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước, tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Qua những ý kiến đóng góp quý báu này, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức đã thể hiện sâu đậm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực. Họ không chỉ là người tiếp nhận định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, mà còn là người đồng hành tự nguyện, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc trên con đường phát triển đất nước cường thịnh, vững bền.
Clip Xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc:
Trước yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, những ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nghệ sĩ, tri thức ngành văn hóa sẽ được Bộ VH,TT&DL trân trọng nghiên cứu, tiếp thu và lấy làm căn cứ để xây dựng các nhiệm vụ chiến lược quan trọng, các hoạch định chính sách phát triển phù hợp, nhằm nâng tầm trí tuệ của con người Việt Nam, tăng thêm sức mạnh nội sinh của đất nước, thúc đẩy phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thơi kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trong năm 2022, Ngành Văn hóa có kế hoạch triển khai hành động thực tiễn của ngành năm đầu tiên sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc như thế nào?
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, với kỳ vọng chung là văn hóa sẽ ghi một dấu mốc mới trong tổng thể sự phát triển mọi mặt của đất nước trong bối cảnh mới với sự chuyển động nhanh và mạnh của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư như hiện nay. Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, thể hiện rõ mong muốn và cam kết rằng sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có nhiều tiến bộ, đổi mới hiệu quả và thiết thực hơn, sát với thực tiễn phát triển của ngành và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 6 nhiệm vụ của Văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư và quán triệt tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ VH,TT&DL sẽ triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh việc thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ về văn hóa do Chính phủ giao hiện nay, Bộ sẽ nhanh chóng xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy việc áp dụng các khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào trong lĩnh vực văn hóa và hướng tới chuyển đổi số ngành văn hóa, xây dựng văn hóa số. Bộ cũng sẽ tập trung mạnh hơn vào việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, biến công nghiệp văn hóa trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân nói riêng và tổng thể sự phát triển bền vững của đất nước nói chung.
Để làm được điều đó, sắp tới Bộ VH,TT&DL sẽ chú trọng vào việc thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030; xây dựng bộ chỉ số văn hóa gắn với phát triển bền vững làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng những chính sách, kế hoạch về văn hóa và sáng tạo trong thời gian tới; xây dựng được một thị trường văn hóa lành mạnh mà ở đó chủ thể sáng tạo và chủ thể hưởng thụ văn hóa nghệ thuật được hỗ trợ, bảo vệ và phát huy vai trò một cách tối đa… Trong thời kỳ mới nhiều thách thức như hiện nay, văn hóa đóng vai trò quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực, động lực nội sinh to lớn của đất nước. Quan điểm này sẽ tiếp tục được Bộ VH,TT&DL thấm nhuần và cam kết thực hiện bằng mọi nguồn lực và ý chí của mình trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa, trong đó đề cập văn hóa chính là hạnh phúc mà mỗi người đều muốn hướng đến: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Ngành Văn hóa có những chỉ đạo như thế nào cho kế hoạch dài hạn xây dựng hạnh phúc của con người trong năm 2022 và xa hơn nữa, thưa Thứ trưởng?
Có nhiều cách hiểu rộng, hẹp khác nhau về hạnh phúc. Theo nghĩa rộng, hạnh phúc là sự hài lòng của con người về tất cả các phương diện vật chất, tinh thần và thể chất. Theo nghĩa hẹp, hạnh phúc chỉ nhấn mạnh đến phương diện tinh thần. “Mưu cầu hạnh phúc” là một trong ba quyền tất yếu và bất khả xâm phạm của mỗi con người đã được nêu ra từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề cao “khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống, sự tha hóa nhân cách có chiều hướng gia tăng, tình trạng tham nhũng, bòn rút của công làm giàu bất chính, sống xa hoa, lãng phí có xu hướng lan rộng, lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm cảnh báo, chấn chỉnh những cán bộ thoái hóa, biến chất, có biểu hiện chạy theo cuộc sống vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần cao quý của hạnh phúc. Trong thực tế, đúng là rất nhiều người có lắm tiền, nhiều của, được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng không hề cảm thấy hạnh phúc. Con người chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc thực sự khi họ được sống một cuộc sống xứng đáng, có ý nghĩa, có đời sống tinh thần phong phú, có thế giới nội tâm đẹp đẽ, được sống trong bầu không khí yêu thương, nhân ái, được đối xử tôn trọng, công bằng.
Bộ VH,TT&DL đánh giá như thế nào về lực lượng người làm văn hóa, kế hoạch xây dựng lực lượng người làm văn hóa trong giai đoạn mới đáp ứng mục tiêu khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước?
Nguồn nhân lực trong ngành văn hóa, hay còn được gọi chung là "người làm văn hóa" bao gồm nhiều hợp phần khác nhau, từ những người thực hành, tham gia trực tiếp vào các hoạt động sáng tạo và phân phối các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, cho tới những người làm công tác quản lý và các nhà nghiên cứu. Với mục tiêu cốt lõi của phát triển văn hóa trong những thập niên qua ở Việt Nam là hướng tới phát triển toàn diện con người Việt Nam, những người làm văn hóa vừa là đối tượng hưởng thụ và đồng thời cũng là những nhân tố chính thúc đẩy quá trình hiện thực hóa mục tiêu to lớn trên.
Hiện nay chúng ta nhận thức rõ rằng trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đòi hỏi các cán bộ trong lĩnh vực văn hóa phải có những bước chuyển về tư duy nhận thức, phương thức hành động, đào tạo cán bộ… phù hợp với bước chuyển của nền kinh tế từ cơ chế bao cấp ra cơ chế thị trường. Chúng ta đã trải qua 35 năm đổi mới, và giai đoạn tiếp theo cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện, sâu sắc hơn nữa. Bên cạnh những chuyển biến tích cực này, vẫn còn một số tồn tại cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Trong giai đoạn mới để đáp ứng được các mục tiêu tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa phải là lực lượng đóng vai trò then chốt, là đội quân tiên phong tạo nên chuyển biến của ngành. Để làm được điều đó, cần tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực cho những người làm văn hóa dựa trên sự kết nối và hợp tác giữa các cá nhân và đơn vị thuộc nhiều chuyên ngành và vị trí chuyên môn khác nhau.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bài: Lê Sơn (thực hiện)
Ảnh: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy
03/02/2022 10:40