Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Đồng Nai là tên của một “cô” hổ giống Đông Dương có “lý lịch trích ngang” rất đáng thương. Khi được lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai phát hiện, “cô” cùng hai con hổ khác ở trong tình trạng… bảo quản lạnh.

“Chúng tôi tới thì hai con hổ đã chết, chỉ một con còn sống, trong tình trạng sức khỏe rất xấu. Hổ cái ở tuổi trưởng thành nhưng chỉ nặng 40kg, trên cơ thể đầy ghẻ nấm, đã trụi hết lông”, anh Nguyễn Duy Hải, Phó trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội bắt đầu câu chuyện về “cô” hổ đầu tiên được cứu hộ về trung tâm. Chỉ chậm chân một chút thôi thì tại trang trại thuộc xã Phước Tân (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), con hổ Đông Dương này cũng sẽ chung kết cục buồn như hai “bạn” xấu số.

Chú thích ảnh

Con hổ từ Đồng Nai đã có chuyến đi hàng nghìn cây số về trung tâm cứu hộ. Được điều trị bệnh và chăm sóc tốt, chỉ trong vài tuần, sức lực con mãnh thú hồi phục rất nhanh. Bây giờ, “cô” hổ này đã rất khỏe mạnh, lông mượt mà, chỉ còn vài vết sẹo khi xưa. “Cô” cũng đã sinh ra được hơn chục hổ con tại trung tâm.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

 Bác sĩ thú y duy nhất của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Trịnh Thu Hằng kể về câu chuyện chăm sóc 4 con hổ non được cứu hộ từ Hà Tĩnh. Khi đó, những chú hổ con mới được có vài lạng, còn rất non nớt. Được đưa về trung tâm trong đêm, 4 hổ con ngay lập tức được tiếp nhận bởi một “tiểu ban chăm sóc đặc biệt”. Các cán bộ của trung tâm chia ca ngày, đêm để đảm bảo chăm sóc toàn diện cho hổ con.

Từ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài, hổ con phải được cho ăn bằng sữa động vật cách 4 tiếng một lần. Tuy nhiên, không có sữa động vật nên các bác sĩ phải dùng sữa bột cho trẻ em để hổ bú. Lượng sữa cho ăn cũng phải theo quy định nghiêm ngặt bởi chỉ cần cho hổ ăn nhiều hơn thông lệ là có thể dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa.

Chú thích ảnh

 “Chăm sóc hổ con như chăm sóc một đứa trẻ, khi cho hổ ăn, người chăm sóc bế hổ lên vỗ về, ấp ủ, dùng bình sữa cho vào miệng để “con” tu sữa nhẹ nhàng. Khi hổ đi vệ sinh thì chúng tôi cũng phải dọn ngay tránh trường hợp hổ conướt, lạnh. Sau, cứ nghe tiếng lịch kịch pha sữa, 4 chú hổ lại nhao lên như chờ “mẹ”. Lớn lên chút thì quấn theo chân người chăm sóc như mèo con”, chị Hằng cười khi nhớ lại kỷ niệm với những “đứa  con” hổ. Sau này, 4 “bạn” còn  được tham gia một bộ phim tài liệu về động vật hoang dã trước khi 2 “bạn” được chuyển đến Vườn thú Hà Nội, 2 “bạn” ở lại trung tâm.

Là bác sĩ thú y duy nhất tại trung tâm nên công việc của chị Hằng khá vất vả. Đúng thời điểm cứu hộ 4 chú hổ non cũng là thời  điểm con chị mới tròn 1 tuổi, dù được ưu tiên không phải trực đêm nhưng chị Hằng vẫn phải đi sớm về muộn. “Con ốm có thể để ông bà, chồng chăm sóc, nhưng động vật ốm thì bắt buộc phải có mặt bất kể ngày hay đêm”, chị Hằng nói.

Chú thích ảnh

Xa xa, đang gầm lên khi thấy người lạ là hổ Pù Mát (được Vườn quốc gia Pù Mát bàn giao cho trung tâm năm 2014). Chị Trần Thị Thu Hằng cho biết, hổ Pù Mát không thích gần người, nhưng lại là một ví dụ điển hình cho thấy sự kết nối kỳ lạ giữa những người chăm sóc và hổ. Trong một lần nghịch lốp xe, hổ Pù Mát cắn vỡ chiếc lốp, bị một phần của miếng cao su găm chặt vào chân răng. Nếu như ngày thường, Pù Mát sẵn sàng gầm gừ khi thấy các cán bộ đến gần, thì nay Pù Mát chủ động cào cửa như thể “cầu cứu” người chăm sóc. Khi chị Hằng và người chăm sóc hổ đến gần cửa chuồng, Pù Mát đặt đầu lên hàng rào, há miệng hợptác. Nhờ đó, không cần gây mê, “tổ chăm sóc đặc biệt” dễ dàng gỡ được miếng cao su ra. Những giao tiếp đầy bất ngờ giữa hổ và người như vậy, phải là người chăm sóc trực tiếp mới có thể cảm nhận hết được.

Chú thích ảnh

Mỗi con hổ một cá tính, có thể là hung dữ với người ngoài nhưng lại hết sức tình cảm với người chăm sóc. Mỗi con cũng gắn với một cái tên, khi là theo địa danh như Pù Mát, khi theo vần như Chi Châu Ca, có đôi hổ con hơi nhút nhát thì được đặt tên là Nhút và Nhát. Cứ thế, tất cả làm nên tình cảm, sợi dây kết nối và cả tình yêu với công việc của những con người nơi đây.

Chú thích ảnh

Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cho biết, riêng năm 2021, trung tâm đã tiếp nhận 54 vụ với 455 cá thể động vật hoang dã và 47 kg rắn, trong đó, có một số loài quý hiếm thuộc nhómIB, IIB của Nghị định số 06/2019/  NĐ-CP như: Hổ, gấu, mèo rừng, vượn, khỉ… Trung tâm cũng tổ chức 2 đợt tái thả về môi trường tự nhiên 132 cá thể động vật hoang dã và 11,7 kg rắn tại Vườn quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) và Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Đặc biệt, trung tâm đã thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, như: Chim hồng hoàng, hạc cổ trắng, tê tê Java, hổ, gấu…

Clip chăm sóc hổ tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội:

Bài, ảnh: Thu Trang - Lê Sơn
Clip: Truyền hình Thông tấn
Trình bày: Tuệ Thy

02/02/2022 05:00