Vào Tết năm Hổ, tranh xưa có nhiều đơn đặt hàng, nên nghệ nhân cũng bận bịu hơn một chút trong căn nhà nhỏ ở ngõ Cửa Đông (Hà Nội). Tranh “Ngũ hổ” được người nghệ nhân vẽ bằng tay, màu sắc rực sáng, không trộn lẫn nổi bật cả một góc phòng. Nghệ nhân Lê Đình Nghiêm cho biết, tranh Hàng Trống có bức vẽ theo khuôn nét màu đen như bức “Lý ngư vọng nguyệt”, có bức vẽ hoàn toàn bằng bút lông, theo lối, theo nét xưa mà thành, mà “Ngũ hổ” là đại diện.

 

 

Trong tiềm thức dân gian, “Ông ba mươi”, “Ông hổ” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo. Cũng chính vì thế, bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống “Ngũ hổ” chứa đựng nhiều thông điệp của nền văn hóa cổ phương Đông.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ tranh “Ngũ hổ” bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian coi hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi. Trong đó, dòng tranh Hàng Trống hiện diện tại Hà Nội từ khoảng thế kỷ 16 và phát triển liên tục trong vài thế kỷ sau đó, thời cao điểm lên tới mấy trăm bản khắc mẫu. Theo cuốn Tranh dân gian Việt Nam của tác giả Maurice Durand: “... ở Hà Nội năm 1957 cho ra con số 300.000 tranh trên giấy thường và 2.000 bộ tranh, mỗi bộ thể hiện một chủ đề khác nhau trên loại giấy đã được gia cố. Số liệu này chỉ chiếm một phần sáu số tranh được làm trước những năm 1940 - 1945”.

 

 

Ở tranh Hàng Trống, hình tượng của các “Ông hổ” được bố cục cân đối trên mặt giấy. Ngồi uy nghi giữa tranh và lớn hơn cả là ông hổ màu vàng, xung quanh là 4 ông với 4 màu sắc khác nhau, đỏ, xanh, trắng, đen. Mỗi ông một dáng vẻ đứng, ngồi, ông thì cưỡi mây lướt gió...

 

Về màu sắc, bức tranh hội đủ 5 sắc màu tượng trưng của ngũ hành, tương ứng với từng thế, dáng của hổ. Từ những dáng hổ ngồi, hổ đứng, hổ cưỡi mây đến những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài “chúa sơn lâm”.

 

 

Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy khi nhìn bức tranh ngũ hổ, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất rồi bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Những con mắt hổ như hừng hực nội lực của loài mãnh chúa. Và cũng bởi lựa theo tay người vẽ nên các nghệ nhân chính là người “thổi hồn” cho mỗi bức tranh.

 

Trong tiềm thức dân gian, “Ông ba mươi”, “Ông hổ” là tên gọi đầy uy linh, quyền kính trong những gian thờ, đình, chùa, miếu mạo.

 

Bằng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng, qua ngũ hổ, các nghệ nhân muốn phản ánh những thông điệp huyền bí mang tín ngưỡng dân gian. Từ ánh mắt, hướng quay mặt, từ cách đặt chân của 5 con hổ trong tranh đều mang những thông điệp theo thuyết ngũ hành, tương sinh giữa các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

 

Xem clip tranh dân gian Hàng Trống "Ngũ hổ" qua nét bút của Nghệ nhân Ưu tú Lê Đình Nghiên:

Trong đó, tập trung nhất là “Ông hổ” vàng, dưới mặt trời đỏ rực rỡ có 7 chấm trắng là hình tượng của chòm đại hùng tinh. Chân hổ vàng trấn lên một miếng phù có ghi “pháp đại uy nỗ”. Hai bên hổ vàng: bên phải có 5 thanh kiếm, bên trái có 5 lá cờ lệnh. Hình ảnh của cờ lệnh và kiếm trong tranh ngũ hổ thể hiện sức mạnh của thiên nhiên trong quy luật vận động của vũ trụ và sự tương tác với trái đất. Hỗ trợ cho khí phách của ngũ hổ là những đám mây vần vũ huyền ảo được vẽ ở phía trên và phía dưới là 2 tảng núi cách điệu đối xứng cho 2 ngài hổ đứng.

 

Ngoài tranh “Ngũ hổ”, tranh dân gian Hàng Trống còn có các loại tranh đơn về hổ như tranh “Bạch hổ”, “Hắc hổ”... Tất cả đều toát lên sự uy nghi, thể hiện từng tâm thế riêng biệt. Tranh Hàng Trống phổ biến có hai dòng, tranh thờ và tranh Tết, chịu ảnh hưởng giữa các loại hình tượng thờ ở các đình chùa và những nét sinh hoạt văn hoá hàng ngày. Trong đó, “Ngũ Hổ” nằm trong dòng tranh thờ vốn gắn với đạo Mẫu - một đạo nội sinh từ rất sớm tại Việt Nam.

 

 

Từ là một đặc sản của dòng tranh Hàng Trống, “Ngũ hổ” nay chỉ được biết đến nhiều qua bảo tàng, những tuyển tập mới in của các nhà nghiên cứu. Người nghệ nhân già bồi hồi: “Xưa tranh treo kín dọc Hàng Trống tạo một nét riêng cho Tết, nay cả phố chỉ còn nhà tôi là vẽ tranh. Trong suốt thời gian làm phục chế tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tôi đã góp phần phục hồi, gìn giữ nhiều bức tranh truyền thống quý giá. May mắn đến giờ, con trai tôi cũng đã quyết tâm tiếp nối việc gìn giữ nghề cũ. Âu cũng đã là hạnh phúc.”

 

Tranh "Ngũ hổ" còn tiếp tục được duy trì bởi những đời nghệ nhân tiếp nối. Ảnh: VNP

 

 

Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy

01/02/2022 04:05