Tranh con giống đã thành “đặc sản” của Tào Linh. Cứ đến giai đoạn cuối năm, chưa kịp vẽ, anh đã có người đặt hàng, hỏi mua, thậm chí là nhắc nhở đặt toan, sắp bút. Bởi lẽ đó, tranh hổ năm nay của Tào Linh đã bán gần hết ngay khi chưa ráo mực.
Lật giở chừng 20 bức tranh hổ còn ở xưởng vẽ, Tào Linh kể, anh vẽ những bức tranh hổ đầu tiên từ cuối tháng 11. Sau một tháng, bút lực dồi dào cho ra khoảng 60 bức tranh hổ thì anh dừng. Anh cười hiền: “Dừng bút rồi mà nhiều người xem lại thích bức tranh đã bán cũng đang dặn mình vẽ lại để
mua cho bằng được”.
Tào Linh bén duyên với đề tài vẽ tranh con giáp, tranh con giống từ khá lâu. Năm nào, con nấy. Mới năm kia người ta còn thấy anh múa bút với hình ảnh chú chuột Canh Tý cách điệu, năm rồi thả hình khối thành sừng trâu Tân Sửu, thì năm nay anh lại tô thắm màu sắc cho hổ hoa, hổ xám Nhâm Dần.
Mua tranh của Tào Linh là những người quen biết, như anh bảo là “biết chất”. Nên anh cứ nhẹ nhàng đăng ảnh lên trang cá nhân trên mạng xã hội, đăng đến đâu, tranh hết đến đấy. Có người bạn phương xa khoe với họa sĩ: “Tôi đang chờ cho có đủ bộ sưu tập tranh 12 con giáp của anh”. Sự đón nhận của người yêu tranh là nguồn động viên vô giá với người nghệ sĩ.
Những sắp đặt hình khối lạ lùng xoay quanh gương mặt hổ lấy cảm hứng từ tranh “Ngũ hổ” Hàng Trống. Họa sĩ họ Tào bảo: Vẽ tranh hổ là dễ nhất, là thú nhất trong tạo hình tranh con giống. Bởi con hổ quá đẹp, hổ trong tranh Hàng Trống lại càng đẹp. Cả bức họa chỉ cần khai phá cho được ánh mắt uy dũng, hàng ria trắng cước cùng những nét ẩn hiện của khuôn mặt.
Để rồi, nhìn bức tranh hổ của Tào Linh, người xem sẽ cảm nhận được những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt, những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên của những chúa sơn lâm. Và quan trọng nhất là ánh mắt hổ như hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.
Người thân quen hiểu và yêu lối pha màu tươi tắn ngày Tết trong tranh của Tào Linh. Anh sẵn lòng dùng những trường màu arcylic cơ bản xanh, đỏ, vàng. Rồi đôi lúc, hổ ngày Tết cũng về gam trắng, đen cho đủ bộ ngũ hành. Phương pháp bôi phết cũng cơ bản, không cần chồng nhiều màu, nhiều lớp. Lối vẽ cách điệu và cách dùng màu hiện đại không câu nệ trường phái, là cách mà Tào Linh tự khẳng định là may mắn khi vào “cuộc chơi tranh” từ vị trí của một họa sĩ “tay ngang”.
Họa sĩ Tào Linh sinh năm 1960, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1983 nên anh vẫn thường được người trong giới gọi là kỹ sư vô tuyến điện “chơi” màu. Thấm thoắt, “cuộc chơi” ấy cũng đã được đôi, ba mươi năm.
Ban đầu, họa sĩ Tào Linh vừa làm kỹ sư, vừa vẽ. Vốn liếng mê vẽ từ ngày theo bố (họa sĩ Tào Thành) cầm cọ ăn sâu vào máu. Mấy chục năm đi công trình, anh kể: “Tôi vẫn vẽ liên tục, không bỏ được, suốt thời gian làm kỹ sư, đi công trường thì tôi vẫn vẽ”.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Tào Linh tại Tràng Tiền năm 1993 như lời khẳng định tài năng của anh trước công chúng. Giai đoạn này, anh vẽ và nổi danh với mực nho và giấy dó. Nhưng phải đợi đến năm 2014, khi đã bước sang tuổi 54, Tào Linh mới chính thức về đúng với bản ngã người họa sĩ, dành toàn tâm cho hội họa.
Triển lãm “Một bầy lặng im” tại Galery 39 Lý Quốc Sư là triển lãm chuyên nghiệp chính thức đầu tiên của anh. Sau này, mỗi năm anh đều đặn tham gia 3 - 4 triển lãm chung, triển lãm nhóm cùng các bạn bè, đồng nghiệp.
Clip họa sĩ Tào Linh chia sẻ về những bức tranh hổ Nhâm Dần của mình:
“Cuộc chơi” cho Tào Linh nhiều thứ. Anh tham gia nhóm họa sĩ Hà Nội G39 và có thêm bạn bè, đồng nghiệp chung chí hướng, đóng góp cho người yêu mến anh những triển lãm và các hoạt động văn hóa ý nghĩa. “Cuộc chơi” cũng đem đến cho anh danh xưng họa sĩ. “Khi họa sĩ Lê Thiết Cương hỏi tôi muốn bày tranh như một họa sĩ hay như một kỹ sư vẽ, thì tôi trả lời là tôi muốn bày tranh như một họa sĩ. Tôi coi đó như một tuyên ngôn với nghề, một thách thức để bản thân phải vượt lên, phải bước vào công việc vẽ một cách chuyên nghiệp chứ không chỉ là niềm đam mê như trước đó nữa” - họa sĩ Tào Linh bày tỏ.
Chất kỹ sư vô tuyến điện ngược lại cũng ảnh hưởng nhiều đến nghiệp vẽ. Tào Linh không vẽ chơi chơi mà kích thước khung, toan, giá tranh anh bán cũng được vạch định rõ ràng như những đường kẻ trong thiết kế mạng viễn thông. Như các bức tranh hổ, anh vẽ phổ biến trên toan kích thước 40x50 cm với lý luận đơn giản về sự phù hợp với không gian mà người mua sẽ trưng bày tranh ngày Tết, cạnh cành tuyết mai, cành đào thắm.
Tranh cũng được bán đồng giá, mức giá cao mà vẫn khiến người mua tranh thấy “đáng đồng tiền, bát gạo”. Bởi thế, có người quen bảo tranh anh bức sau đẹp hơn bức trước và muốn đổi bức đã mua cho một bức tranh mới. Người họa sĩ khi ấy cười xòa đồng ý. Kia là con hổ khác, tâm thế khác, thời điểm khác ngay nét chấm đen nơi tròng mắt đã là khác. Và nay đã là năm mới, Xuân mới và một người cầm bút rất mới!
Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy
02/02/2022 10:05