"Cô sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nhất của huyện Châu Thành, Long An. Là con thứ ba trong gia đình, 13 tuổi nghỉ học theo mẹ giữ em, 16 tuổi cô được mẹ giao lại gánh trứng, vừa đảm đương vai trò chị hai chăm sóc các em, vừa gánh vác nghề tổ. Những trái trứng vỡ, trứng ung đã nuôi dưỡng tám chị em cô thành người. Tới giờ, thỉnh thoảng trong giấc chiêm bao, cô vẫn thấy hình ảnh mẹ mình với đôi vai oằn đi vì gồng gánh, đôi bàn chân choãi rộng vì phải bám chặt vào đất những ngày mưa vì lo sợ té ngã sẽ tiêu tan sản nghiệp..."
Ngược dòng thời gian hơn 50 năm trước, tại một vùng quê nghèo ở tỉnh Long An, có một gia đình thuần nông nheo nhóc tới 8 người con đang tuổi ăn tuổi học. Là chị lớn trong nhà, cô bé Phạm Thị Huân lúc ấy đã sớm ý thức kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi dạy các em nên người, hữu dụng mai sau.
Và như vậy, ngày nào cũng thế, dù trời mưa hay trời nắng, thức dậy từ tờ mờ sáng khi các chú gà trống vẫn đang mơ màng bên những ả gà mái tơ, cô bé Phạm Thị Huân đã cùng mẹ tất tả, xuôi ngược kẽo kịt quang gánh trên khắp các vùng quê miền Tây sông nước để thu mua trứng gà, trứng vịt rồi đem ra chợ bán kiếm lời.
"Vì hoàn cảnh gia đình, cô học đến hết lớp 5 thì phải bỏ ngang để phụ gia đình kiếm tiền lo cho đàn em ăn học. Đến tận giờ, cô vẫn nhớ như in những buổi chiều cùng mẹ lang thang trên chiếc xuồng ba lá ngang dọc khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tập tành buôn bán trứng, tự mày mò học hỏi ở mẹ cách xoay xở vốn cũng như cách đối nhân xử thế, hiểu hết những khó khăn cực nhọc của người nông dân quanh năm vất vả, vật lộn với cuộc mưu sinh", bà Phạm Thị Huân bồi hồi nhớ lại.
Với phương châm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, những lô hàng của bà thường được giao thẳng đến các chủ vựa trứng lớn nhất ở Sài Gòn lúc bấy giờ chứ không thông qua bất kỳ một trung gian nào. Sau thời gian được những người chăn nuôi tín nhiệm, công việc mua trứng của bà không dừng lại ở một, hai đầu mối mà nhanh chóng mở rộng khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ với các đơn đặt hàng ngày càng nhiều của những chủ vựa trứng. Lúc này, cô bé Phạm Thị Huân khi ấy vừa hơn 15 tuổi đã được mẹ tin tưởng giao cho nghiệp kinh doanh “gia truyền” của gia đình chỉ bằng với phương tiện thô sơ là quang gánh nặng trĩu trên vai ăm ắp trứng.
"Có lẽ, vì sớm gánh trứng nặng trên vai hàng ngày nên người cô cao không nổi. Rồi hai bàn chân phải bám chặt vào những con đường mòn, bờ đê lầy lội để đi nên nó rất to và chè bè ra. Nhìn bàn tay búp măng thon thả của nhiều chị em cùng tuổi, đôi lúc cô hơi chạnh lòng, ghen tỵ vì tay mình vừa thô ráp, vừa to bản - có lẽ phải lựa trứng, vận chuyển trứng mỗi ngày sao cho nhanh và nhiều nhất", xòe bàn tay như một lực điền thứ thiệt, bà Phạm Thị Huân khôi hài kể lại.
Tháng 4/1975, trong niềm vui vỡ oà nước nhà thống nhất, non sông liền một dãi, bà Phạm Thị Huân mạnh dạn nghỉ làm công việc riêng, xin vào làm cho Công ty nông sản thực phẩm Kiên Giang. Với kinh nghiệm và khách hàng có được từ trước, bà nhanh chóng được công ty tin tưởng và sớm gặt hái những thành công khi góp phần không nhỏ mang lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Là người có nhiều năm gắn bó với bà Phạm Thị Huân, anh Nguyễn Tiến Hoan cho hay: "Công ty giao chỉ tiêu cho cô là phải làm sao đảm bảo cho được chất lượng 95% số lượng trên tổng số trứng giao về. Điều làm cô đau đầu là số lượng 5% trứng không đạt tiêu chuẩn phải giải quyết làm sao?. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô đã chủ động gặp gỡ các cơ sở làm bánh, mì sợi... vận động thu mua với giá ưu đãi và nhanh chóng nhận được sự đồng ý. Với nhiều người, 5% số lượng trứng ấy chỉ để vứt đi thì với cô, đó lại là 5% tiền lời quý giá".
Ngoài công việc thu mua trứng, cô còn giúp doanh nghiệp tuyển chọn và đào tạo kỹ thuật cho công nhân làm việc ở mảng trứng gia cầm của công ty. Với kinh nghiệm của mình, cô dễ dàng chỉ cho họ biết chính xác nguồn gốc của quả trứng, Chẳng hạn trứng Ô Môn nhiều lòng đỏ, trứng Kiên Giang thì nhiều lòng trắng, trứng Long Xuyên thì vỏ xanh, ruột ngon nhưng kén người dùng... Không chỉ hướng dẫn một cách tận tình cho họ cách thức lựa trứng, phân loại những quả trứng tốt xấu, cô còn quan tâm chia sẻ với họ tất cả những khó khăn trong cuộc sống.
Những năm đầu thập kỷ 80, trong một số lĩnh vực kinh tế, nhà nước bắt đầu cho phép tư nhân tham gia hoạt động, trong đó có ngành nông sản thực phẩm, đây có thể là cột mốc đáng nhớ nhất trong quãng đời lập nghiệp của mình khi bà Phạm Thị Huân quyết định nghỉ làm công việc nhà nước, tự tạo cho mình một sự nghiệp riêng một cách chỉnh chu và bài bản nhất.
"Đó là vào năm 1982, với số vốn 200 triệu đồng dành dụm được, cô đã mở một vựa trứng lấy tên là Ba Huân tại TP Hồ Chí Minh. Công việc chủ yếu là thu mua trứng từ miền Tây đem giao cho các chợ đầu mối trong thành phố. Thương hiệu trứng Ba Huân bắt đầu hình thành từ đây", đôi mắt sáng ngời tinh anh, bà Phạm Thị Huân (từ đây chúng ta sẽ gọi bà bằng cái tên thân thuộc đã gắn liền với thương hiệu trứng gia cầm do bà gầy dựng: bà Ba Huân) hồi tưởng.
Bằng uy tín với những mối bạn hàng quen biết từ trước, bà Ba Huân nhanh chóng phát triển vựa trứng của mình ngày một lớn mạnh. Không chỉ mua đi bán lại trứng, bà còn cho nhiều hộ nông dân vay vốn để mở trại chăn nuôi gia cầm, hướng dẫn họ các kỹ thuật, quy trình chăn nuôi hiệu quả.
Việc làm này của bà không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo mà còn đảm bảo ổn định nguồn cung cấp trứng cho mình. Công việc của bà gặp nhiều thuận lợi, số lượng trứng bán tăng lên nhanh chóng, quy mô hoạt động của cơ sở ngày càng phát triển. Chỉ sau 3 năm, từ vựa trứng ban đầu với số vốn 200 triệu đồng, bà đã chuyển thành cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân với chiến lược phát triển bài bản.
"Ông trời ổng cho cô thành công trong sự nghiệp nhưng cũng lấy của cô rất nhiều nước mắt về đường con cái. Rất nhiều đêm cô không ngủ, trằn trọc vì thương con, lo cho tương lai các con sau này. Từ đường con cái không trọn vẹn với nhiều nỗi buồn, lo toan, cô dồn tình cảm, quan tâm đến những cảnh đời bất hạnh xung quanh mình, chan hoà, đồng cảm với những người nông dân một nắng hai sương. Bất hạnh trong cuộc sống gia đình không làm cho cô gục ngã, mà nó là động lực cho cô phấn đấu, dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì phải nuối tiếc..."
Dài dòng câu chuyện, hoàng hôn đã nhuộm đỏ ối một góc trời sau những rặng cây xa tít. Bầy vịt tất tả bơi trên kênh mới hồi chiều chắc giờ đã yên vị trong tổ ấm chuẩn bị sáng mai tặng cho ông chủ chăn nuôi tảo tần những quả trứng nóng hổi. Đôi chân giờ đã run rẩy không còn mạnh mẽ như cô thôn nữ ngày xưa, bà Ba Huân đứng lên lấy cái áo khoác vội vào người. Đôi mắt bà nhìn xa xăm, tưởng như rất đỗi an nhiên nhưng chất chứa trong đó nhiều suy tư, trăn trở, dông bão của cuộc đời dù mạnh mẽ trên thương trường nhưng sâu thẳm vẫn yếu đuối của người phụ nữ.
"Ám ảnh cô cho đến tận bây giờ và đôi lúc có những đêm khuya nó vẫn làm cho cô rùng mình như gặp ác mộng là thời điểm dịch cúm gia cầm tàn phá nền chăn nuôi trong nước. Cả một làng quê Nam bộ xơ xác, hàng ngàn người chăn nuôi chỉ sau một đêm mất trắng sản nghiệp, tan tác mà chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra. Còn cô là người giúp người chăn nuôi giải quyết đầu ra cũng buông tay bất lực, không biết phải làm gì để giúp đỡ. Chỉ sau mấy đêm không ngủ, người cô đã gầy rộc đi và tóc thì ngày càng nhiều muối hơn tiêu", giọng đầy khắc khoải, bà Ba Huân cho hay.
Đó là vào thời điểm cuối năm 2003, bắt đầu từ Trung Quốc, dịch cúm gia cầm mang chủng H5N1 lan sang hàng loạt các nước châu Á và bùng phát ở Việt Nam. Lúc này, hàng loạt trang trại chăn nuôi gà vịt liên tiếp phát dịch bệnh, dịch cúm gia cầm nhanh chóng lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính phủ đề ra nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự lây lan của nó, yêu cầu người chăn nuôi khi phát hiện gia cầm có bệnh thì ngay lập tức phải thiêu hủy.
Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, dịch cúm gia cầm này còn tạo tâm lý hoang mang trong xã hội khi vi rút H5N1 bắt đầu lây lan từ gia cầm sang người. Người dân tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế ăn thức ăn chế biến từ thịt và trứng gia cầm.
Hậu quả của dịch cúm là những trại chăn nuôi không bị bệnh bán ra cũng không ai mua. Các doanh nghiệp buôn bán trứng gia cầm cũng bị cuốn vào vòng xoáy ảnh hưởng của dịch. Số lượng trứng nhập giảm mạnh, mà cũng không thể bán vì không ai muốn mua. Đầu vào hạn chế, đầu ra không có, những vựa trứng bị thua lỗ nặng nề, có nơi không cầm cự nổi đành phải phá sản.
Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của nó, thậm chí còn bị nặng nề hơn và bà gần như suy sụp, kiệt quệ. Tuy nhiên, trong tình cảnh bi đát như thế, bà không dễ dàng khuất phục mà còn hun đúc nơi bà sự quyết tâm tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng khó khăn.
"Vừa ngơi trận đại dịch cúm gia cầm năm 2003 thì đến đầu năm 2005, dịch cúm gia cầm H5N1 lại tái bùng phát trở lại. Không những thế, tác động của trận dịch này còn nặng nề hơn trước. Số người nhiễm virus H5N1 nhiều hơn, số người chết vì cúm gia cầm cũng tăng lên. Một lần nữa, bà Ba Huân phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Để cứu vãn sự nghiệp kinh doanh đang lao dốc, hàng loạt tài sản của bà lần lượt đội nón ra đi. Tài sản chỉ là vật ngoại thân, từ sự cố trên đã cho bà một hướng làm ăn mới với quyết tâm phải làm sao hạn chế triệt để những rủi ro trên", anh Nguyễn Tiến Hoan bổ sung câu chuyện.
Bước ra bên ngoài làm việc với thế giới, tư duy tầm nhìn mình cũng phải thay đổi. Cái gì mình không giỏi thì thuê người giỏi giúp đỡ. Không sợ đố kỵ người giỏi mà trân trọng tài năng của họ, tạo điều kiện để họ phát huy hết sở trường, sở đoản phục vụ cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp mình. Cô làm với tâm niệm là vì cộng đồng, vì nông dân nên ai cũng thương, các cấp lãnh đạo tạo điều kiện giúp đỡ. Cô bẩm sinh thật thà, chất phát biết sao nói vậy, sống chân thật nên được đối tác quý trọng, ngành chức năng tin yêu...
Những ngày này, khi thời khắc đưa tiễn năm cũ sắp cận kề, trời đất giao mùa, một năm mới lại đến, nhìn những bằng khen, giấy chứng nhận... của các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng, đôi mắt bà Ba Huân lấp lánh niềm vui.
Hiện nắm trong tay cơ ngơi hàng trăm tỷ đồng, bao gồm: Nhà máy xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh được xem là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với hai dây chuyền sản xuất, công suất xử lý 65.000 quả/giờ và 120.000 quả/giờ; trang trại chăn nuôi tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với quy mô 18 ha, vốn đầu tư 320 tỉ đồng có hơn 700.000 con gà, cung cấp khoảng 500.000 quả trứng/ngày; nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An...
Bà Ba Huân vẫn nhớ như in sự quyết định táo bạo nhưng không hề mang tính chất “cầu may” của mình từ hơn 10 năm trước: "Đến bây giờ, cô vẫn nể sự quyết đoán của mình vì quyết định lần đầu tiên xuất ngoại tìm hiểu rồi đưa công nghệ mới, hiện đại áp dụng cho doanh nghiệp mình.
Nhưng họ không hiểu được rằng, muốn trứng nội cạnh tranh với trứng do các nhà đầu tư ngoại chăn nuôi trên thị trường Việt Nam, không thể mãi làm ăn theo cách cũ. Việc làm của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản như tụi cô là phải nhanh chóng mạnh dạn đột phá bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại xử lý vi khuẩn, nâng tầm giá trị, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường".
Sau khi kết thúc chuyến đi thực tế đến Trung Quốc, Úc... bà Ba Huân quyết định "gắn kết" vận mệnh doanh nghiệp mình với hãng Moba của Hà Lan. Nguyên nhân bà chọn là do tại những vùng vốn trọng điểm dịch nhưng qua công nghệ xử lý của hãng Moba, trứng gia cầm vẫn được sử dụng một cách bình thường và được người tiêu dùng tin tưởng.
Quyết định chọn nhưng bà Ba Huân vẫn chưa yên tâm, vì thế bà lại "khăn gói" lên đường sang tận Hà Lan "mục sở thị" hoạt động của hệ thống máy móc, nhà xưởng của Tập đoàn Moba. Quay về nước, ngay lập tức bà cử chuyên viên của công ty sang Hà Lan tu nghiệp, học các quy trình và kỹ thuật điều khiển hệ thống máy móc trước khi chính thức cho công nghệ đi vào hoạt động.
Với dây chuyền này, trứng sẽ được rửa 2 lần, sấy khô rồi chiếu tia UV để diệt khuẩn, sau đó chuyển sang công đoạn soi để loại những trứng hư, nứt và phủ lên một lớp dầu nhằm ngăn vi khuẩn từ bên ngoài tấn công vào. Từ nhà xưởng và hệ thống máy móc đầu tiên có công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, nhận thấy sự ủng hộ của thị trường, bà mạnh dạn nhập thêm hệ thống xử lý trứng thứ 2 có công suất đến 120.000 trứng/giờ.
Rồi công việc kinh doanh tiến triển, bà lại đầu tư thêm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương trên diện tích 18 ha, vốn đầu tư lên tới 320 tỷ đồng, hoàn chỉnh quy trình khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Không ngơi nghỉ, bà tiếp tục đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An. Tháng 4 tới đây, một nhà máy mới của doanh nghiệp Ba Huân sẽ khánh thành ở miền Bắc có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng sẽ là nguồn cung cấp trứng gia cầm và thực phẩm sạch cho thị trường phía Bắc.
"Mãi mê với niềm vui thành công của mình, bên cạnh số đông ủng hộ cô đã làm buồn lòng không ít những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực buôn bán trứng gia cầm. Với nỗi lòng của người cùng nghề, bằng sự chân thành, có dịp cô cố gắng thuyết phục những đồng nghiệp phải thay đổi cách làm truyền thống, áp dụng công nghệ hiện đại là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Đây là lối thoát của trứng gia cầm nói riêng và nông sản Việt nói chung, khi khách hàng ngày càng quan tâm đến những tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Ba Huân khẳng định.
Bài: Lê Nghĩa
Ảnh và Clip: Mạnh Linh
Trình bày: Trần Thắng
24/02/2018 09:00