Chia sẻ về triết lý và mục đích kiến trúc mà mình theo đuổi, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết, những năm đầu, những tác phẩm kiến trúc của anh, cũng chỉ dừng lại ở mong muốn là những sáng tác của mình phải độc đáo, nên anh không ngại mày mò, tìm hiểu và sáng tạo từ các tác phẩm của mình. Sau này khi anh đã tham gia làm nhiều dự án cộng đồng xã hội, tiếp xúc nhiều với quy hoạch, với những vấn đề liên quan đến văn hóa lịch sử… anh dần trưởng thành hơn, và lựa chọn cho mình một con đường, một triết lý kiến trúc để mình bước tới. “Kiến trúc không được nhân danh bất cứ điều gì, mà kiến trúc phải là vì con người và vì tương lai văn hóa. Kiến trúc phải là sự tiếp biến văn hóa, bảo vệ đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”, KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.
KTS Hoàng Thúc Hào lý giải, kiến trúc trước hết phải vì con người, làm sao để con người sử dụng không gian đó phải thấy thoải mái, tiện nghi nhất, phải tìm thấy sự hứng khởi. Không gian đó phải đạt được đông ấm, hè mát, tiết kiệm năng lượng, không gian đó phải vừa lạ, nhưng cũng vừa quen, có sự sáng tạo mới lạ, nhưng vẫn phải tạo cảm giác thân thuộc.
Còn vì tương lai văn hóa, KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa có rất nhiều lợi ích, nhưng lại có nguy cơ làm nghèo đi sự đa dạng và đặc trưng văn hóa của từng vùng. Trong khi, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều có những bản sắc riêng, có lịch sử, có quá khứ và tương lai riêng. Chính vì vậy, kiến trúc phải làm sao để những cộng đồng người sống trong không gian đó, thấy được văn hóa, lịch sử, thấy được quá khứ và tương lai của chính cộng đồng mình, giữ được bản sắc của dân tộc mình, và có quyền có những kiến trúc của riêng họ, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bởi chính những cộng đồng thiểu số, yếu thế lại nắm giữ trữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người.
“Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng có của họ. Đồng bào người Mường khác đồng bào người Dao, người Tày khác người Nùng, vậy vì cớ gì ta lại phải biến nó thành một loại giống nhau, để rồi nhìn nhà nào cũng giống nhà nào, nhà người Kinh cũng như nhà người Mường, Hà Nội cũng giống như Singapore, giống Băng Cốc?”, KTS Hoàng Thúc Hào nói.
Mỗi khi nhắc đến một công trình kiến trúc, hầu hết mọi người thường nghĩ đến một không gian đẹp, một công trình đẹp. Nhưng với KTS Hoàng Thúc Hào, các công trình của anh luôn hướng đến quan điểm về công trình “kiến trúc hạnh phúc”.
KTS Hoàng Thúc Hào bảo, một công trình kiến trúc thành công, là công trình đó phải khiến người sống ở trong đó thấy hạnh phúc. Nhưng để có một công trình kiến trúc hạnh phúc, trước hết phải có ông KTS sự hạnh phúc.
Khi là KTS hạnh phúc, người KTS sẽ dấn thân, không ngừng sáng tạo vì con người và vì tương lai văn hóa không chỉ ở đô thị, mà còn ở nông thôn, ở nhiều vùng đất khác nhau. Và khi đó, sẽ cho ra đời những sản phẩm kiến trúc truyền thống đẹp, có bản sắc, hiện đại nhưng vẫn kế thừa được tinh hoa của cha ông vùng đất ấy, và đó sẽ là những công trình hạnh phúc, những công trình kế thừa truyền thống cùng với những tiếp biến về văn hóa của thời đại, đó sẽ là những công trình hạt nhân của thế hệ mới, mà KTS Hoàng Thúc Hào gọi bằng khái niệm rất lạ: “Ngạc nhiên bền vững”.
Hoàng Thúc Hào bảo, khái niệm “Ngạc nhiên bền vững” của anh không phải là cái sốc, lạ, tức thời… mà đó là cả một quá trình tương tác liên tục, giữa những tri thức hàn lâm hiện đại, của từng thời điểm, với những giá trị cốt lõi của dân gian. Đó là cả một quá trình tương tác liên tục trong hàng trăm năm. Ở mỗi thời đại, giá trị cốt lõi nhân gian sẽ không đứng yên, mà nó cũng có sự biến chuyển. Sẽ có giá trị mất đi, và những giá trị nào có nội lực sẽ có cơ may sống sót, tồn tại phát triển được trong thời hiện tại, và cốt lõi dân gian ấy tồn tại.
“Tại sao Hồ Gươm, Hội An lại hấp dẫn mọi người như vậy? Và người dân ở đó vẫn sống tốt, họ vẫn kiếm được tiền và không ngừng tự hào về cái họ có. Hội An đẹp bởi đời đời lớp lớp các thế hệ kế thừa nhau, họ tư duy dựa trên hình thái gốc để tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, phong phú hơn, chứ không làm sai lệch hoặc khác biệt. Và sau hàng trăm năm, người ta vẫn rất ngạc nhiên, vì các thế hệ sau đã kế thừa hoàn hảo, nhuần nhuyễn những tinh hoa của cha ông. Và cộng đồng người sinh sống ở đó vẫn không ngừng tự hào vì những giá trị mà họ có, cho dù lịch sử, xã hội có biến đổi, thì những giá trị kiến trúc vẫn còn trường tồn, và đó mới là sự ngạc nhiên bền vững. Hay như Hồ Gươm cũng vậy, cho đến nay, Hồ Gương cũng là một ngạc nhiên bền vững, bởi đến hôm nay người ta vẫn không ngừng ngạc nhiên và không ngừng hấp dẫn về Hồ Gươm”, KTS Hoàng Thúc Hào lấy ví dụ.
KTS Hoàng Thúc Hào “bật mí”, quan điểm về kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững được anh đúc kết được trong gần 30 năm lăn lộn với nghề. Và trong triết lý kiến trúc của anh, vai trò, trách nhiệm của cá nhân KTS là điều kiện tiên quyết, và vô cùng quan trọng. Bởi nếu không có KTS có trách nhiệm với nghề nghiệp, thì rất khó bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xã hội nói chung và trong kiến trúc nói riêng.
“Không có cách nào khác, chỉ có KTS phải dấn thân, phát huy những tiếp biến tinh hoa của những vùng đất ấy, mới làm ra được những công trình kiến trúc hiện đại, xứng tầm, là hạt nhân mới, truyền cảm hứng cho cả vùng và những vùng xung quanh. Và chính những công trình đó, những cái mới đó sẽ bảo vệ sự đa dạng của quả đất nói chung, và trong kiến trúc nói riêng trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chính vì thế, vai trò, trách nhiệm của cá nhân KTS là vô cùng quan trọng”, KTS Hoàng Thúc Hào khẳng định.
Mặc dù triết lý kiến trúc là hạnh phúc, nhưng tác phẩm kiến trúc lại là ngạc nhiên bền vững. Và vì kiến trúc ngạc nhiên bền vững là dài hạn, vì vậy rất cần các thế hệ ý thức và kế tiếp nhau. Muốn vậy, trong đào tạo cần giảng dạy, chia sẻ và phổ biến quan điểm về kiến trúc hạnh phúc, ngạc nhiên bền vững.
“Cốt lõi nhất, quan trọng nhất của kiến trúc ngạc nhiên bền vững không phải chỉ làm ra những công trình kiến trúc ngạc nhiên bền vững, mà phải tạo ra được ý thức ngạc nhiên bền vững trong xã hội. Khi xã hội chúng ta có ý thức về ngạc nhiên bền vững, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng sẽ có những vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ như những Hội An mới, như những khu vực Hồ Gươm mới…”, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ.
Và để có thể tạo được một ý thức về ngạc nhiên bền vững trong xã hội, thì công việc là giảng viên Trường Đại học Xây dựng của KTS Hoàng Thúc Hào đã trở thành một lợi thế rất tốt, bởi anh sẽ có cơ hội truyền cảm hứng, truyền kinh nghiệm, truyền đam mê và triết lý kiến trúc của mình cho hàng ngàn, hàng vạn sinh viên. Họ sẽ là những thế hệ kế thừa và phát huy quan điểm về kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững cho mai sau.
“Chúng tôi đã có kế hoạch để ươm mầm những tài năng kiến trúc, dự kiến tổ chức workshop đưa sinh viên đến những công trình dự án xã hội cộng đồng, đến từng địa phương khác nhau để các em tìm hiểu văn hóa bản địa, tìm hướng kết hợp và tương tác với tri thức hàn lâm hiện đại… để từng bước xây dựng ý thức kiến trúc ngạc nhiên bền vững cho các thế hệ KTS trẻ sau này”.
Gần 30 năm trong lăn lộn trong nghề kiến trúc, KTS Hoàng Thúc Hào đã thực hiện rất nhiều công trình, dự án, nhưng những công trình mang lại vinh quang cho anh, hầu hết là những công trình cộng đồng. Đó là công trình nhà văn hóa cộng đồng Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai), nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam)…
Chia sẻ lý do vì sao chọn những công trình cộng đồng để tạo “dấu ấn” nghề nghiệp, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ, theo quan điểm của anh, kiến trúc là phải biểu hiện văn hóa và phải tạo được kênh hội nhập với thế giới, nên anh rất muốn làm những công trình dự án phải mang dấu ấn văn hóa. Nhưng do đặc thù của ngành kiến trúc, để biến một bản vẽ kiến trúc thành một sản phẩm thực sự quá tốn kém, nên rất khó thực hiện. Bản thân anh ngay từ khi mới ra trường, cho đến những năm 2007-2008, anh đã tham gia nhiều dự án, quy hoạch, thậm chí có dự án được giải thưởng cao, nhưng cuối cùng vẫn chỉ nằm trên giấy.
“Sau quá nhiều dự án nằm trên giấy, chúng tôi muốn làm thật, chúng tôi muốn biến ý tưởng của mình thành hiện thực, nhưng khả năng lại có hạn, nên chỉ có thể chọn một công trình nhỏ. Và để chọn một công trình nhỏ, đỡ tốn kém mà lại mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, thì lựa chọn vùng nông thôn, miền núi là lựa chọn hợp lý nhất, bởi ở nông thôn, ta có thể ứng dụng vật liệu thân thiện mới, như đất đá gỗ tre lá… giảm chi phí xây dựng xuống mức thấp nhất, hơn thế nữa, nông thôn lại là vùng có lưu giữ và hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng dân cư”, KTS Hoàng Thúc Hào cho biết.
Công trình đầu tiên anh thực hiện là công trình nhà cộng đồng Suối Rè ở Hòa Bình. Là công trình đầu tiên, vừa làm vừa thử nghiệm, nên đã gặp không ít khó khăn. Bởi đó là lần đầu tiên anh loay hoay giữa việc tìm tòi, thử kết cấu, thử các loại vật liệu, cách phối hợp các vật liệu như thế nào, đá đất, tre đất phối hợp ra sao, rồi thép và tre phối hợp như thế nào… vì làm lần đầu nên bị sai và hỏng nhiều, nên đến cuối cùng, khi công trình hoàn thành, chi phí đã tăng gấp 4 lần so với dự toán ban đầu, ngoài việc bỏ tiền túi không đủ, anh còn phải vận động, hô hào quyên góp ủng hộ để hoàn thành công trình này.
Công trình đầu tiên thì thế, những tưởng những công trình sau sẽ đỡ hơn, nhưng thực tế cũng không dễ dàng gì, bởi mỗi công trình ở một vùng đất khác nhau, văn hóa khác nhau, nên lại nảy sinh những khó khăn, phức tạp riêng, ngay cả vật liệu để xây dựng cũng khác nhau, thậm chí chỉ riêng chất đất ở vùng này, cũng khác chất đất ở vùng khác… Lấy ví dụ như khi làm công trình trường học Lũng Luông, do đường đi lại khó khăn, để vận chuyển được một viên gạch lên nơi xây dựng chi phí đội lên rất cao, anh phải tìm đến nhờ vả những người bạn làm kỹ sư, nhờ bạn chế tạo cho một cái máy ép để ép gạch tại chỗ. Mất 6-7 tháng loay hoay thử nghiệm mới thành công.
KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ, cũng may, những công trình cộng đồng sau này, được các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội làm chủ đầu tư, anh chỉ là người bỏ công thiết kế, hoặc đóng góp một phần nhỏ. “Nếu không thì KTS như chúng tôi lấy đâu ra tiền mà đầu tư nhiều thế”, KTS Hoàng Thúc Hào nói.
Năm 2010, công trình Nhà cộng đồng đa năng thôn Suối Rè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình - một kiến trúc sinh thái độc đáo, đậm đà bản sắc Việt - Mường khánh thành, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, và cả những người trong ngành kiến trúc. Bởi lẽ, đây là một trong số hiếm hoi các công trình cộng đồng được thiết kế và xây dựng đặc biệt ấn tượng. Công trình vừa kế thừa cấu trúc nhà năm gian Bắc bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn Mường, tạo thành một không gian hoàn hảo với cấu trúc theo từng lớp: Lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời. Lớp giữa là không gian sinh hoạt chính, gồm hai tầng: Tầng trên là nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, hội họp thôn,... các chức năng đan xen linh hoạt. Hàng hiên rộng gắn liền vạt cỏ xanh, tầm nhìn tít tắp. Tầng trệt ăn vào khoảng lõm triền dốc, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình đông nam nên nhà ấm về đông, mát về hè. Không gian mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre, là nơi dân làng tụ họp, tổ chức làm nghề phụ, nhất là trẻ con, người già có thể sinh hoạt ở tầng trệt trong những ngày giá rét hay nắng gắt…
Công trình còn áp dụng chuỗi giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng với hệ thống pin mặt trời, bể thu lọc nước mưa, gió địa hình, đèn LED tiết kiệm điện, bể phốt 5 khoang không ô nhiễm môi trường…
Ngôi nhà được dân làng Suối Rè trực tiếp xây dựng, từ những vật liệu đơn giản, sẵn có ở đại phương như tre, nứa, đất, đá… Công trình nhà cộng đồng Suối Rè trở thành một nơi sinh hoạt thường xuyên, ấm cúng của những cư dân Suối Rè.
Năm 2012, công trình nhà cộng đồng Tả Phìn, Sa Pa, tỉnh Lào Cai hoàn thành, cũng tạo lên tiếng vang trong giới kiến trúc. Lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc khăn đỏ truyền thống của phụ nữ Dao và nhịp điệu núi đồi, cùng với các vật liệu thân thiện với môi trường, như đá, gạch không nung, gỗ tái chế… ngôi nhà cộng đồng Tả Phìn hiện lên rực rỡ giữa núi rừng Sa Pa, và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân nơi đây, đồng thời, cũng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn ở Tả Phìn.
Năm 2015, công trình nhà cộng đồng thị xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam - mọc lên như biểu tượng kết tinh các giá trị văn hóa ở Hội An, góp phần cải thiện sinh kế cư dân, do kết nối với mạng lưới du lịch chung của thành phố. Công trình vừa là nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu, vừa là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Khối nhà chính có chức năng hội họp, triển lãm, tổ chức sự kiện. Không gian nhỏ hơn là thư viện xen các lớp học thiếu nhi. Với hệ vách ngăn di động, không gian dễ dàng biến đổi linh hoạt, diện tích lớn nhỏ tùy nhu cầu sử dụng thực tế. Khu giải khát gần sân chơi trẻ em, sân thể thao ngoài trời…
Công trình nhà cộng đồng Cẩm Thanh tiêu biểu cho hình ảnh nông thôn với rừng cau thẳng đứng. Giàn cây leo giăng ngang những thân cau, kết hợp hệ cấu trúc mái thích nghi gió bão, cùng hình thành lớp vỏ kép giảm đáng kể bức xạ mặt trời, tạo diện tích bóng mát lớn, sinh động. Sân trong gợi nhắc không gian nhà cổ Hội An, thông gió đối lưu. Vạt mái lớn, dốc vào trong thành phễu thu nước mưa, một phần dẫn ra bể chứa nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, đặt đầu hướng gió, giảm nhiệt gió vào; một phần tái sử dụng cho nhà WC. Hệ mái lá dừa, kết cấu khung tre, cột gỗ kiền kiền vững chắc. Tường bao xây gạch hai lớp không nung, tạo lớp đệm không khí, cách nhiệt, ngăn ồn…
Cuối năm 2016, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào lại ghi dấu ấn trong dự án Trường tiểu học Lũng Luông, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên do Quỹ Trò nghèo vùng cao (chương trình Cơm có thịt) và giáo sư Ngô Bảo Châu làm chủ đầu tư. Trường được thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn về trường học như chiếu sáng, thông gió, cách âm. Để tiết kiệm kinh phí, độc đáo, tăng khả năng cách nhiệt: mát về mùa hè, ấm về mùa đông, gạch xây dựng đã được làm từ đất tại chỗ, tận dụng lại từ công tác san lấp mặt bằng. Không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong- ngoài, rỗng- đặc, không gian tĩnh - không gian động, giữa các khối với nhau. Giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, ngôi trường hiện lên như một bông hoa rừng, với màu sắc sinh động, có hiệu ứng thị giác mạnh, ở mỗi góc nhìn là một cảm nhận khác nhau. Và trẻ em dân tộc ở Lũng Luông đã được học tập trong một ngôi trường tiện nghi, chắc bền, có thể chống lại sự khó khăn của thiên nhiên, và đặc biệt, ngôi trường đã mang lại niềm hứng khởi cho các em học sinh mỗi khi đến lớp.
Không chỉ ở trong nước, Hoàng Thúc Hào còn ghi dấu ấn sự nghiệp kiến trúc của mình ở nước ngoài, với công trình Trung tâm hạnh phúc quốc gia Butan - quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Và một tổ hợp thiết kế thân thiện, kết hợp giữa đất- đá- gỗ, giữa nhà, với không gian bên trong và khung cảnh, giữa tri thức hàn lâm với kinh nghiệm dân gian hình thành trên lãnh thổ Butan. Nơi đây, giờ đã trở thành nơi mà mọi người trên thế giới đều có thể đến tìm hiểu, chia sẻ về triết lý sống của người Bhutan, tập thiền và học cách trở nên hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào vật chất…
Còn rất nhiều, nhiều lắm những công trình mang đậm dấu ấn của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào. Đó là công trình nhà cộng đồng thôn Nậm Đăm ở Quản Bạ, Hà Giang, một sự kết hợp hoàn hảo của nhà cộng đồng và Homstay. Là dự án nhà ở cho công nhân ở Lào Cai mà ai nhìn thấy cũng ngỡ như lạc vào một khu chung cư cao cấp. Là công trình nhà quê ra phố, với một ngôi nhà thành thị gợi hình vừa quen vừa lạ, vừa dân gian mà hiện đại, như một gợi ý cho việc kế thừa những giá trị kiến trúc cốt lõi từ nông thôn. Hay nhà ươm cây bằng vỏ chai nhựa độc đáo ở Sóc Sơn, Hà Nội, rồi Hiệu sách Booksquare với một không gian thoáng đãng và trang trí giống một tòa lâu đài…
Những dấu ấn đặc biệt của KTS Hoàng Thúc Hào, mang về cho anh nhiều giải thưởng danh giá. Với công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình), KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã được vinh danh tại Giải thưởng Kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards) năm 2012; lọt vào danh sách lựa chọn và tác giả thiết kế được mời thuyết trình tại liên hoan kiến trúc thế giới WAF-Barcelona (Tây Ban Nha) năm 2011; lọt vào Top 5 (xếp loại thứ 2/383 đồ án từ khắp thế giới) hạng mục Gold Medal (Huy chương vàng) Giải thưởng Barbara Cappochin Prize - Italia năm 2011. Đây là giải thưởng nằm trong hệ thống giải của Hiệp hội KTS quốc tế (UIA) dành cho công trình thể hiện xuất sắc sự đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng…
Trong năm 2015, tại Festival Kiến trúc Thế giới (WAF 2015), công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), KTS Hoàng Thúc Hào cùng Văn phòng kiến trúc của anh đã giành chiến thắng tại hạng mục “Công trình dân dụng - cộng đồng”.
Năm 2016, cụm những công trình cộng đồng của anh và một số công trình khác đã giúp giảng viên Đại học Xây dựng trở thành người Việt Nam đầu tiên giành giải "Nobel Kiến trúc" châu Á - SIA-Getz Architecture.
Gần đây nhất, tháng 9/2017, tại Đại hội Kiến trúc thế giới lần thứ 26 diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize 2017 cho KTS Hoàng Thúc Hào. Đây là giải thưởng được UIA trao ba năm một lần, nhằm tôn vinh những sáng tạo, giải pháp kiến trúc giúp giảm nghèo đói và bần cùng. Và Hoàng Thúc Hào cũng là KTS Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. Trong bức thư gửi KTS Hoàng Thúc Hào, Chủ tịch UIA Esa Mohamed viết: "Ban giám khảo đã ghi nhận cam kết của ông đối với việc cải thiện điều kiện sống hàng ngày của người Việt Nam ở nông thôn và miền núi, đồng thời vẫn tôn trọng văn hóa bản địa và môi trường tự nhiên".
Bài: Lan Lộc
Video: Lê Phú - NVCC
Ảnh: Vũ Xuân Sơn
Trong bài có sử dụng hình ảnh do nhân vật cung cấp
10/02/2018 06:30