SEA Games với các VĐV trẻ Việt Nam vốn được coi là điểm khởi đầu của việc chứng tỏ tài năng. 

Với Thể dục dụng cụ (TDDC), môn thể thao mà các VĐV phải bay nhảy, nhào lộn trên không, lứa VĐV trẻ của Thanh Tùng đã giúp quốc kỳ Việt Nam bay cao khi giành HCV nội dung nhảy ngựa (hay còn gọi là nhảy chống) cá nhân nam và HCV đồng đội tại SEA Games lần thứ 28, diễn ra tại Singapore năm 2015. 

Ẩn sau khuôn mặt trẻ trung là một tinh thần, ý chí thép đã trải qua nhiều lần thi đấu trên trường quốc tế.

Đến giải vô địch TDDC quốc gia 2016, Thanh Tùng làm nên bất ngờ khi giành 5 HCV, trong đó có nội dung toàn năng nam. Đây có thể xem như mốc đánh dấu sự tiến bộ lớn của chàng trai TP Hồ Chí Minh khi xuất sắc vượt qua 2 đàn anh, gồm nhà vô địch SEA Games 28 Đinh Phương Thành và ứng cử viên nặng ký Phạm Phước Hưng một cách thuyết phục. 

Năm 2017cũng  là một năm thi đấu ấn tượng nữa của Thanh Tùng. Tại Cup TDDC thế giới (World Challenge Cup 2017) diễn ra vào tháng 3 ở Doha (Qatar), Thanh Tùng bất ngờ giành HCV ở nội dung nhảy chống của nam. Đó là tấm HCV duy nhất đoàn Việt Nam có được, sau khi hai niềm hy vọng hàng đầu Phạm Phước Hưng, Đinh Phương Thành thi đấu không thành công. 

Cúp TDDC thế giới được tổ chức 2 năm một lần (xen kẽ với Cúp vô địch thế giới), do Liên đoàn TDDC quốc tế tổ chức. Các VĐV được mời tham dự dựa trên thành tích của họ ở giải trước hoặc Thế vận hội. Đây có thể coi là bước phát triển vượt bậc của kỹ thuật và cả tinh thần thi đấu khi 4 năm trước, Lê Thanh Tùng từng ngậm ngùi về thứ hai ở Cúp TDDC thế giới.

Ngày 21/5/2017, Thanh Tùng đã gây ấn tượng mạnh khi trở thành VĐV nam đầu tiên của TDDC Việt Nam giành được HCV ở giải Vô địch châu Á nội dung nhảy chống. Ở giải đấu đó, Thanh Tùng đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để giành tấm HCV lịch sử. Đây là chiến tích vô cùng  ý nghĩa của Thanh Tùng, bởi ở thời đỉnh cao nhất của mình, thậm chí “nữ hoàng” TDDC Phan Thị Hà Thanh cũng chỉ giành được HCB nội dung nhảy chống nữ tại giải Vô địch châu Á 2013. 

Lê Thanh Tùng (phải) và Đinh Phương Thành chia sẻ niềm vui giành HCV SEA Games 29.

Đến với SEA Games 29, Thanh Tùng tiếp tục phát huy phong độ và mang về 3 tấm HCV cho đoàn TDDC Việt Nam ở các nội dung: đồng đội, nhảy chống và xà đơn.

Trong đó, nội dung xà đơn gây khá nhiều bất ngờ, chính Thanh Tùng đã không giấu nổi ngỡ ngàng: “Nội dung này ngày hôm nay tôi thi đấu tốt hơn bình thường và cũng nằm ngoài ý muốn, bây giờ đoạt được HCV phải nói là quá mừng.”

Với thành tích này, Lê Thanh Tùng đã xuất sắc vượt qua các ứng viên nặng ký để giành Cúp Chiến thắng 2017 trong hạng mục nam VĐV của năm 2017 và trở thành 1 trong 10 công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2017.

Bài nhẩy chống đưa Lê Thanh Tùng lên đỉnh cao thế giới:

Không phải "con nhà nòi", chàng trai sinh năm 1995 đến với TDDC cũng tình cờ. Năm 4 tuổi, Thanh Tùng theo chân anh trai đến nhà thi đấu để chơi và ngay lập tức bị thu hút bởi những động tác dẻo dai, khỏe khoắn của các VĐV. Thấy Thanh Tùng nhanh nhẹn, sáng dạ, các HLV cho cậu bé tập thử và từ đây họ nhìn ra Thanh Tùng sẽ là một tài năng sáng giá trong tương lai.

Chỉ 3 năm sau, Thanh Tùng lọt vào nhóm VĐV trẻ trọng điểm, thường xuyên được đưa đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. Tám năm ăn tập, sinh hoạt nơi đất khách quê người, chỉ được về nhà ít ngày vào dịp Tết Nguyên đán, ký ức tuổi thơ của Thanh Tùng gần như đã dành trọn cho TDDC. 

Những dụng cụ tập luyện đã quá quen thuộc trong suốt 18 năm luyện tập của Thanh Tùng.

“Ban đầu sang Trung Quốc em vui lắm, háo hức nữa. Nhưng sau đó thì thấy nhớ nhà kinh khủng vì thời điểm đấy em còn nhỏ, lại lần đầu tiên phải xa gia đình. Tuy nhiên, em cũng không mất quá nhiều thời gian để thích nghi với cuộc sống tự lập, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo” - Thanh Tùng nhớ lại.

Đó có lẽ cũng là lý do mà cho đến nay khi được tập huấn ngay tại Việt Nam, Tùng dành hết thời gian nghỉ Tết để về với gia đình.

Là một chàng trai vươn lên từ thực tài, từ sự khổ luyện với đầy nghị lực, Tùng chẳng ngại ngần khi chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình. Xuất thân từ một gia đình lao động khá khó khăn, cha Thanh Tùng làm nghề lái xe ôm, còn mẹ anh bán bánh mì. Theo Thanh Tùng chia sẻ, vì bận bịu mưu sinh nên cha mẹ rất ít khi có thời gian đến xem anh thi đấu trực tiếp.

Tuổi thơ lớn lên cùng xe bánh mì của mẹ, khó khăn vất vả là vậy, nhưng ánh mắt rạng ngời, nụ cười tươi luôn thường trực trên môi cho thấy sự lạc quan của chàng trai trẻ: "Em luôn tâm niệm rằng trong bất kỳ trường hợp nào, sự lạc quan không bao giờ là thừa cả. Thể thao với em đầu tiên là đam mê. Đổi lại thể thao cũng cho em tất cả, trong đó có cả tiền để em có thể phụ giúp mẹ, xây lại căn nhà cho ông".

Xúc động khi chia sẻ về gia đình, Tùng nói điều em tự hào nhất lúc này là đã có thể góp tiền về xây lại nhà cho ông. Giành nhiều giải thưởng, số tiền thưởng cũng không nhỏ tạo điều kiện để Tùng thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu nay, đó là sửa sang lại căn nhà cho ông ngoại. Căn nhà mà thủa bé khi ba mẹ còn khó khăn đã gửi Tùng về ở. Theo Tùng, căn nhà hiện đã xây xong và cậu vẫn đang hết sức háo hức chờ đến Tết được về ngắm. 

Thanh Tùng giãi bày: “Thể thao cho em rất nhiều, danh tiếng, kinh tế và cả rèn luyện sức khỏe. Năm 2017, em đạt được nhiều thành tích cao và cũng dành dụm được một số tiền. Sau đó, em gửi về cho gia đình để sửa sang lại căn nhà cũ. Thật sự cái đó là ước mơ của ông em. Ông em cũng đang bệnh rất nặng nên anh họ em và em đã cùng nhau góp số tiền để cùng xây lại căn nhà đó”.

Nói về ông, chàng trai từng kinh qua rất nhiều năm tháng thi đấu bằng “tinh thần thép” không giấu nổi phút lắng lòng:

22 năm tuổi đời nhưng đã có tới gần 18 năm tuổi nghiệp, Thanh Tùng chính là tấm gương khổ luyện để thành tài. Tùng chia sẻ rằng 8 năm ăn tập trên đất khách khiến anh nhớ nhà khôn nguôi, song cũng từ đó sự quyết tâm, tinh thần của anh trở nên bền bỉ, sắt đá hơn bao giờ hết. 

Thanh Tùng chia sẻ, thời gian tập huấn ở Trung Quốc, lò đào tạo TDDC vô cùng khắc nghiệt, cậu học trò nhỏ không ít lần phải rớt nước mắt vì đau đớn. Nhưng cũng chính quãng thời gian dài ăn tập trên đất khách khiến sự quyết tâm, tinh thần của anh trở nên bền bỉ, sắt đá hơn bao giờ hết. 

Một trong những động tác khó lấy đi của Tùng nhiều mồ hôi và nước mắt.

“Môn TDDC luôn vất vả vì ai muốn tập phải tập từ năm 5 tuổi. Lúc em chán nản nhất là năm em 14 tuổi tới tập huấn ở Trung Quốc. Ai cũng biết Trung Quốc là đất nước của khổ luyện. Thời gian đó, một phần vừa mệt vì luyện tập, phần vì nhớ nhà em từng muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, đến năm 15 tuổi em không còn ý nghĩ đó nữa” - Tùng chia sẻ về quãng thời gian tập huấn ở Trung Quốc.

Luôn sát cánh bên Tùng là HLV đội tuyển TDDC Việt Nam Trương Minh Sang. Ông chia sẻ: “Với tôi, Tùng không chỉ là học trò mà còn là người bạn thân. Bởi lúc còn thi đấu, tôi và Tùng cũng tập luyện với nhau. Chúng tôi luôn coi nhau như anh em trong nhà. Tùng xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn khi đến với thể thao và thể thao đã thay đổi con người, cuộc sống con người Tùng”. 

Một ngày luyện tập của các VĐV TDDC bắt đầu từ 7h sáng và kéo dài khoảng 7 tiếng. Trong đó, khoảng thời gian dành cho khởi động có lúc lên tới cả tiếng đồng hồ. Việc khởi động kỹ là một trong những cách giúp giảm chấn thương có trong quá trình luyện tập. Tuy nhiên, theo Tùng chấn thương có lẽ đã gắn liền với cuộc sống của VĐV. 

“Gần đây em không bị chấn thương nữa nhưng những vết đau thời bé vẫn còn. Chấn thương khuỷu tay phải và cổ chân trái dai dẳng từ lúc bé lại thêm vết đau ở cổ của hiện tại nữa. Những chấn thương này không không hết được, vẫn sẽ đi theo mình suốt nhưng em chỉ mong nó không nặng thêm nữa để khiến mình bị dừng lại” - Tùng mỉm cười hiền lành.

Với những vết đau kể trên, hiện tại Thanh Tùng vẫn cần trị liệu sau mỗi buổi tập. Bằng kinh nghiệm của mình, Tùng khẳng định dù không thể tránh được chấn thương nhưng có thể chọn các động tác để tập luyện tránh tác động vào phần cơ, khớp bị đau.

HLV Minh Sang cũng luôn nhắc nhở cậu học trò cưng của mình phải luôn không ngừng cố gắng, vì “nếu chỉ hài lòng với thành tích hiện tại thì một ngày nào sẽ bị vượt qua. Tôi luôn lấy Phan Thị Hà Thanh và Phước Hưng làm tấm gương cho Tùng. Đây là những VĐV rất kiên trì và biết vượt qua khó khăn trong cuộc sống cũng như trong thi đấu”.

Cho đến nay, mỗi ngày, Thanh Tùng đều nỗ lực để chỉnh sửa các động tác của mình, hoàn thiện các động tác khó. Một trong những bí quyết giúp anh hoàn thiện các động tác của mình có sự giúp sức của internet và cả các ứng dụng chuyên dụng dành cho các VĐV thể thao. Với các phần mềm chuyên dụng, các hình ảnh tập luyện, thi đấu của VĐV, quay chậm lại và phân tích nó thành từng động tác, so sánh để tìm ra giải pháp tốt nhất. 

Chấn thương dai dẳng khiến Tùng phải tiếp tục trị liệu sau mỗi buổi luyện tập.

Tùng cũng có thể tìm thấy các clip thi đấu của các VĐV đàn anh để tập những động tác khó của các VĐV thế giới. Tùng cho biết, việc học tập các động tác khó bây giờ cũng khá thuận tiện. Khi muốn tập động tác khó mới, Tùng có thể theo dõi trên mạng trước, tư duy về động tác rồi mới trao đổi với HLV để được HLV chỉ bảo. Tiếp đó hai thầy trò sẽ cùng nhau rèn luyện. Tùng thường học theo VĐV người Nhật Kohei Uchimura, VĐV từng 6 lần liên tiếp vô địch thế giới VĐV. Theo Tùng Uchimura có thể làm được mọi động tác khó một cách chuẩn xác và rất đẹp, chính Tùng là người làm chuyên môn cũng phải mê những động tác của nhà vô địch thế giới này.

Theo Tùng, độ tuổi trung bình của các VĐV thi đấu TDDC chuyên nghiệp thường ở vào khoảng 28-29 tuổi. Tuy nhiên, một trong những tấm gương mà em luôn phấn đấu học tập là nữ VĐV người Ukraine có thể tập luyện và thi đấu đến năm 40 tuổi. Và bởi thế, cho tới lúc này Tùng cũng không hề lo lắng về vấn đề tuổi tác mà chỉ nỗ lực hết sức để có thể mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam.

Để có thể đứng dậy và tiến xa hơn nữa, mỗi ngày, Tùng phải miệt mài luyện tập để nâng dần độ khó trong mỗi động tác:

Đánh giá về Thanh Tùng, HLV Trương Minh Sang không giấu được sự tự hào bởi đây là một VĐV có tố chất, thông minh và nhất là ý chí phấn đấu tuyệt vời. 

Với ông, Tùng là VĐV rất chăm chỉ tập luyện và có tài năng để vươn xa hơn nữa: “Trong thời gian tới, Thanh Tùng cùng với Đinh Phương Thành sẽ là 2 trụ cột quan trọng nhất của Đội TDDC Việt Nam. Tôi nghĩ trong 5 năm tới sẽ là thời cơ của Lê Thanh Tùng”.

Theo con mắt huấn luyện viên nhiều kinh nghiệm, Tùng là một VĐV còn nhiều tiềm năng phát triển, quan trọng là anh phải luôn giữ được khát khao chiến thắng. 

Sau mỗi động tác tập luyện, Tùng lại quấn lại băng bảo vệ đôi tay.

“Thời gian gần đây, Tùng càng thi đấu càng tự tin, em đã thăng hoa mạnh mẽ trong sự nghiệp bằng những cố gắng không ngừng nghỉ. Trong năm qua, Tùng đã có những tiến bộ rất nhanh. Em đã thể hiện rất tốt những gì mà đã được tập luyện, mà có một số nội dung các em thể hiện tốt hơn cả lúc tập. Đấy là một điều rất tuyệt vời và điều đó chính là động lực để Tùng có được sự tự tin.

Có thể nói, Thanh Tùng đang dần tiếp cận được điểm số cũng như trình độ tập luyện của các VĐV hàng đầu Việt Nam thế hệ trước. Nếu nỗ lực và không ngừng cố gắng thì một ngày không xa, Thanh Tùng sẽ thay thế được thế hệ đàn anh. Và tôi mong rằng em sẽ nỗ lực hơn nữa để chinh phục các mục tiêu lớn hơn trong tương lai”.

Mục tiêu mà Lê Thanh Tùng hướng tới là nỗ lực đạt huy chương tại ASIAD 18-2018 tại Indonesia.

Nội lực của chàng trai TP Hồ Chí Minh này giờ đây trở thành động lực của cả đội tuyển TDDC, sau khi đàn chị Phan Thị Hà Thanh chính thức giải nghệ. Một khoảng trống mênh mông để lại ở tuyển nữ và các VĐV trẻ không thể ngày một ngày hai lấp đầy. Đó cũng là lý do các nam tuyển thủ phải gánh vác trọng trách huy chương tại kỳ ASIAD sắp tới.

Lê Thanh Tùng đang chuẩn bị hết sức mình hoàn thiện những động tác khó để tham dự ASIAD.

HLV Trương Minh Sang chia sẻ: "Tại kỳ Đại hội thể thao châu Á - nơi tập trung rất nhiều những nước mạnh về TDDC. Tuy nhiên, mỗi kỳ ASIAD đều có thuận lợi và khó khăn riêng và với quyết tâm của tập thể và từng cá nhân VĐV, chúng tôi hứa sẽ thi đấu với tất cả khả năng để giành vinh quang cao nhất. HLV Minh Sang cũng nhắn nhủ, để cụ thể hóa được những mục tiêu trong năm 2018, Tùng cần phải nỗ lực, kiên trì hơn nữa. Đặc biệt là Tùng phải hoàn thiện kỹ thuật với những động tác khó”.

Các VĐV TDDC miệt mài luyện tập 7 tiếng mỗi ngày cho mục tiêu lớn ở đấu trường châu Á.

HLV Trương Tuấn Hiền, HLV trưởng đội tuyển TDDC nam Việt Nam chia sẻ: "ASIAD là giải đấu hội tụ những VĐV xuất sắc nhất khu vực. Mỗi kỳ đều có thuận lợi và khó khăn riêng nhưng với quyết tâm của tập thể và từng cá nhân VĐV, tập thể đội tuyển hứa sẽ thi đấu với tất cả khả năng để giành vinh quang cao nhất.".

Thầy Trương Tuấn Hiền cho biết về mục tiêu của Lê Thanh Tùng tại ASIAD sắp tới. Với HLV, Tùng chính là niềm hy vọng của thể dục dụng cụ tại ASIAD 2018 cũng như Olympic sắp tới:

Với Lê Thanh Tùng, mục tiêu trước mắt em vẫn đang cố gắng trau dồi chuyên môn cho sự nghiệp tập luyện thể thao càng ngày càng tiến xa hơn, mang nhiều chiến thắng cho Thể thao Việt Nam. 

Ở tuổi 22, các HLV đánh giá Thanh Tùng vẫn còn rất nhiều thời gian, Lê Thanh Tùng đang là "của hiếm" của đội tuyển TDDC Việt Nam. Anh được xem là cái tên kế tục xứng đáng cho những đàn anh, đàn chị.

Bài: Lê Sơn
Ảnh, Video: Minh Đăng - Minh Tuệ
Trình bày: Trần Thắng

26/01/2018 02:28