Năm 2021 và những ngày đầu năm mới 2022, dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, gây nhiều ảnh hưởng nhưng ngành du lịch Việt Nam đã có những bước đi linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”. Những tín hiệu khởi sắc cùng lộ trình cụ thể mang đến nhiều hy vọng cho du lịch Việt Nam trong năm 2022.

Trong ngày đầu năm mới 2022, TP Hồ Chí Minh đã đón 200 du khách nội địa tới xông đất. Dù đây là con số rất nhỏ so với trước đây nhưng nó mang đến nhiều hy vọng để du lịch phục hồi. Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) trong 3 ngày đầu năm cũng có khoảng 60.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có khoảng 1.000 khách quốc tế đi du lịch theo chương trình “hộ chiếu vaccine”. Nha Trang, Đà Lạt cũng đã đón hàng chục nghìn du khách trong nước. Còn Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), chỉ tính riêng trong ngày đầu năm 2022 đã đón gần 1.600 lượt khách thăm quan, lưu trú và trải nghiệm thủy phi cơ.

TP Hồ Chí Minh đón những vị khách đầu tiên trong ngày đầu năm mới 2022.

Tại Lào Cai, hoạt động du lịch cũng sôi động trở lại khi lượng khách nội địa đã tăng nhanh trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ 1 đến 3/1/2022, công suất bình quân phòng nghỉ ước đạt khoảng 40%. Tổng lượt khách đến Lào Cai trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 ước đạt trên 30.000 lượt.

Công tác đón khách du lịch tại hầu hết các điểm đến được đảm bảo, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện nghiêm túc và đúng quy trình.

Mặc dù chưa năm nào trong dịp Tết Dương lịch, du lịch Việt Nam lại đón lượng khách ít như năm nay, nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, đây vẫn  là một khởi đầu tốt khi gần một năm qua phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.

Những vị khách đầu tiên đến Đà Nẵng ngày 1/1/2022.

Trước đó, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; hướng tới phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa. Chương trình được kỳ vọng sẽ khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.

Thực hiện chương trình trên, hàng loạt các địa phương đã tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn. Nhiều trọng điểm du lịch trên cả nước đã triển khai các chương trình ký kết, liên kết hợp tác, như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và du lịch An Giang - Hà Nội; Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố; Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - Bình Định; Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long...

Ngành du lịch các địa phương đón những vị khách đầu tiên trong năm mới 2022.

Nhiều chính sách kích cầu du lịch được các địa phương tích cực triển khai. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh đã giảm 50% phí tham quan lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu Di tích - danh thắng Yên Tử từ 1/1 đến 30/6/2022... Qua đó, hoạt động du lịch tại các địa phương đã có những khởi sắc. Chỉ riêng trong tháng 12/2021 và những ngày đầu năm mới, Kiên Giang đón gần nửa triệu du khách, trong đó có 3.296 khách quốc tế. Hà Nội cũng đón trên 4 triệu lượt khách nội địa, Đà Nẵng đón trên 1,1 triệu lượt, Lâm Đồng đón 2,2 triệu lượt, Quảng Ninh đón 4,3 triệu lượt, Ninh Bình đón 1,3 triệu lượt, Thanh Hóa đón 3,4 triệu lượt…

Năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo. Tổng cục Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 ngành du lịch cả nước sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Tổng thu từ du lịch trong năm dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, dịch COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch nhưng lại gián tiếp tạo nên các xu hướng du lịch mới cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để hỗ trợ phát triển và khai thông luồng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai giấy phép, chứng nhận tiêm vaccine, hộ chiếu vaccine. Đây là chìa khóa để mở cửa ngành du lịch trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế được đi lại thuận tiện hơn trong đại dịch.

Hội An, Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành phố đã đón du khách quốc tể trở lại.

Để đón khách quốc tế trở lại, ngành du lịch Việt Nam đã đưa ra nhiều lộ trình “mở cửa” an toàn. Tháng 11/2021, Việt Nam chính thức đón khách du lịch quốc tế trở lại theo chương trình thí điểm. Với sự kiện này, Việt Nam đã bắt kịp các điểm đến trong khu vực trong việc mở cửa đón khách quốc tế và thu hút sự quan tâm lớn của thế giới.

Ước tính cả năm 2021, Việt Nam đón từ 3.000 - 3.500 du khách theo chương trình thí điểm. Dự kiến tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn vào cuối năm 2021 sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón khách từ nhiều thị trường khác nhau, như: Hàn Quốc, Dubai (UAE), Singapore, Malaysia, Uzbekistan, Nga…

Lộ trình “mở cửa an toàn” mở ra cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam hồi phục sau thời gian gián đoạn do dịch COVID-19.

Mới đây, khi trả lời báo chí Hàn Quốc trong chuyến thăm giữa tháng 12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tuy năm 2021 là một năm đầy khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của World Travel Awards. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, việc giành giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng được coi là Oscar trong ngành du lịch - sẽ là cú hích và động lực rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam, trong bối cảnh khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại, du khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Hàn Quốc sẽ lựa chọn những điểm đến tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, một trong những kết quả tích cực nhất của Tổng cục Du lịch trong năm 2021 là đã tham mưu, thực hiện các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp, người lao động du lịch vượt qua khó khăn trước mắt và tìm cơ hội phục hồi. Trong đó, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ 15.792 hồ sơ hướng dẫn viên đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ trên 58 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2021 số doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế được giảm phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành là 562 doanh nghiệp, với số tiền được giảm là 758 triệu đồng… Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn.

Cánh đồng rong biển - điểm du lịch khám phá ở Ninh Thuận.

Phó Giám đốc Công ty Đất Việt Tour Đỗ Văn Thức cho biết, lúc này đa phần các tuyến du lịch nội địa trên cả nước đã thông suốt. Doanh nghiệp này cũng khôi phục hầu hết tuyến du lịch như trước thời kỳ dịch bệnh lan rộng, trong đó có khoảng 30 hành trình khắp 3 miền phục vụ du khách dịp Tết 2022. Nếu địa phương nào có ca nhiễm tăng cao thì các đơn vị tổ chức tour sẽ cập nhật, điều chỉnh tùy theo quy định cấp độ dịch tại điểm đến đó.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động, trong đó có những "cánh chim đầu đàn" có vai trò quan trọng để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, để thực hiện được nhiệm vụ phục hồi, phát triển du lịch, lực lượng chủ công vẫn là doanh nghiệp và người dân. Theo thống kê sơ bộ, 35% doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển du lịch đã đứng vững, 15% đang trên đà phục hồi. Hy vọng đây là những cánh chim đầu đàn sẽ vươn ra biển lớn, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt, đưa ra các gói du lịch phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thị hiếu để thu hút du khách.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc tới nền kinh tế - xã hội không chỉ ở trong nước mà ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, suy giảm kinh tế là điều không thể tránh khỏi ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia có bề dày về sự phát triển, có nguồn lực lớn.

Du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo khi tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài.

Năm 2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế nên lượng khách du lịch giảm tới 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ; tổng doanh thu từ khách du lịch giảm tới 59%. 

Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157,3 nghìn lượt người, giảm 95,9% so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, 90 - 95% dừng hoạt động; chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh chiếm trên 35% tổng số đã được cấp, phần còn lại dừng hoạt động. Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động.

Du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo khi tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài.

Lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu như các khách sạn không có khách, trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Công suất phòng trung bình cả năm ước tính chỉ đạt 5%. Có tới 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành du lịch khôi phục lại.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng; bắt buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Năm 2022, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hoạt động du lịch được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam. Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế.

Du lịch sinh thái cộng đồng cũng là một trong những xu hướng của du khách hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán, như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Phát biểu tại Hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”, ngày 25/12/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam sẽ mở cửa du lịch an toàn, chắc chắn, vì biến thể Omicron rất nguy hiểm và lây lan nhanh: “Mở ra rồi đóng lại thì còn nguy hiểm hơn, vì vậy ngành du lịch nên chuẩn bị tốt, mở cửa chắc chắn, không nên quá nóng vội. Nếu Việt Nam không an toàn thì khách du lịch cũng không tới. Thậm chí các địa phương trong nước không an toàn thì không có khách nội địa”.

Ngoài công tác an toàn phòng chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành du lịch chuẩn bị tốt về chuyển đổi số, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cũng như xây dựng các sản phẩm chất lượng để đón khách quốc tế. “Phải làm du lịch cộng đồng, đưa du khách vào tận vùng sâu, vùng xa, để họ trải nghiệm những điều hoang sơ, nguyên vẹn. Đấy mới là những trải nghiệm giá trị nhất, mà đôi khi thời gian qua, chúng ta vô tình thay thế bằng những cái hiện đại hơn, tưởng như là tốt mà lâu dài thì không tốt”.

Du lịch sinh thái - điểm đến tham quan trải nghiệm ưu thích của du khách về du lịch cộng đồng.

Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Sun World Trần Nguyện cũng cho rằng, chuyển đổi số chính là giải pháp quan trọng của ngành du lịch trong thời điểm hiện tại. Trong tình cảnh ngặt nghèo của du lịch trong đại dịch đã buộc các cường quốc về du lịch, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ; đồng thời giải các bài toán đau đầu về nhân lực bên cạnh việc tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn. Đại dịch COVID-19 đã buộc ngành du lịch phải tạo ra những luật chơi mới, những xu thế mới và những khái niệm mới, trong đó mô hình: du lịch một điểm đến - đa trải nghiệm sẽ lên ngôi.

Bước sang năm 2022, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 vẫn là thách thức lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định: "Trong bối cảnh mới, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế".

Bài: Thanh Giang - Minh Duyên - Phương Nam 
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

08/01/2022 10:10