Cùng với chủ trương nới lỏng giãn cách và mở cửa từng bước trong trạng thái “bình thường mới”, ngành du lịch Việt Nam đang dần khôi phục các hoạt động. Việc Chính phủ đồng ý lộ trình mở cửa đón khách quốc tế và ngay sau đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, sẽ tạo cơ hội để ngành “công nghiệp không khói” có thể vực dậy sau thời gian trầm lắng vì dịch COVID-19.

Trong hai tuần cuối tháng 11, ngành du lịch Việt Nam đã đón nhận những tin vui khi đã có những đoàn du khách quốc tế quay trở lại sau khoảng hai năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Gần đây nhất, chiều 25/11, chuyến bay của Bamboo Airways mang số hiệu QH9451 thực hiện hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Nha Trang (Việt Nam) chở những du khách Việt kiều quốc tịch Mỹ, Canada đầu tiên có “hộ chiếu vaccine” tới Khánh Hòa đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Cam Ranh. Sau khi hạ cánh, hành khách di chuyển đến khu lưu trú đã đặt trước tại Nha Trang, được xét nghiệm COVID-19 và nghỉ dưỡng khép kín theo lịch trình đã được đăng ký trước theo kế hoạch do doanh nghiệp du lịch tổ chức trong vòng bảy ngày. Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi lưu trú, hành khách bắt buộc thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Khánh Hòa bắt đầu đón khách quốc tế sau gần 2 năm ngưng trệ vì dịch COVID-19.

Ngày 20/11, tại Sân bay quốc tế thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chuyến bay VJ3749 của Hãng hàng không Vietjet đưa 204 du khách Hàn Quốc đến nghỉ dưỡng và du lịch tại Phú Quốc, chính thức hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đây là đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến với Phú Quốc trong giai đoạn "bình thường mới".

Trước đó, chiều 17/11, Chuyến bay số hiệu VN417 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Seoul (Hàn Quốc) mang theo các hành khách quốc tế đã hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Sau khi hạ cánh, các du khách nước ngoài đã di chuyển đến thành phố Hội An (Quảng Nam) để nghỉ dưỡng theo lịch trình được đăng ký trước. 

Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thương mại thí điểm đón khách quốc tế từ Hàn Quốc về Việt Nam.

Tại Quảng Nam, ngày 15/11, hai Di sản Văn hóa thế giới tại tỉnh Quảng Nam là phố cổ Hội An và di sản Mỹ Sơn, xã Duy Phú (huyện Duy Xuyên) chính thức mở cửa đón khách quốc tế, mở đầu lộ trình ba giai đoạn đón khách. Theo đó, từ ngày 15 - 30/11/2021, mở cửa đón khách tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và các khu điểm tham quan như khu phố cổ Hội An, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu, Cù lao Chàm. Và ngày 20/11, có 50 khách quốc tế đầu tiên đã đến tham quan khu phố cổ Hội An. 

Được chính quyền và người dân thành phố Hội An đón tiếp chân tình, ông John Coles, du khách đến từ Singapore bày tỏ rất vui mừng và yên tâm khi được trở lại Hội An, trở lại Việt Nam trong Chương trình "Thí điểm hộ chiếu vaccine". "Ở đây không chỉ có cảnh đẹp, yên bình mà còn có những con người hiền hòa, mến khách; đồng thời Hội An còn là địa chỉ thu hút tôi đến tham quan", ông John Coles chia sẻ.

Du khách quốc tế tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Ngoài việc được trải nghiệm đi xích lô dạo quanh phố cổ, xem chương trình biểu diễn nghệ thuật, tham quan bảo tàng văn hoá, di tích Chùa Cầu, nhà cổ, Hội quán Phúc Kiến, các tuyến phố đi bộ; du khách đặc biệt thích thú với chương trình nghệ thuật đặc sắc “Việt Nam quê hương tôi” được các diễn viên, nghệ sĩ phố cổ Hội An chuẩn bị công phu để phục vụ du khách.

Chào đón và cảm ơn du khách quốc tế đã chọn Hội An là một trong những điểm đến đầu tiên trong hành trình du lịch của mình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh: “Để đón được những đoàn khách đến với Hội An là sự nỗ lực to lớn của chính quyền và người dân thành phố trong suốt hai năm qua nhằm đảm bảo cho Hội An là điểm đến an toàn và thân thiện, qua đó lấy lại hình ảnh và vị thế của du lịch Hội An nói riêng và của tỉnh Quảng Nam nói chung". 

Tiếp đó, ngày 22/11, đoàn khách du lịch quốc tế đã đến tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên. Sau màn chào đón bằng các tiết mục nghệ thuật đậm màu sắc văn hóa dân gian Chăm Pa, đoàn du khách quốc tế được di chuyển vào vùng lõi của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn bằng xe buýt điện chất lượng cao. 

Đoàn du khách quốc tế tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Tại vùng lõi Di sản - nơi được ví là thung lũng hội tụ văn hóa tâm linh của Đền tháp Mỹ Sơn, du khách quốc tế đắm mình trong chương trình nghệ thuật đặc sắc của nền văn hóa Chăm, thưởng thức các vũ điệu nghệ thuật dân gian Chăm trong không gian huyền thoại, trải nghiệm nhạc cụ dân tộc, hát dân ca Chăm, trình diễn trích đoạn lễ hội Rija nưgar, chuốt Gốm Chăm, dệt Thổ cẩm, học làm hoa tai Chăm, trải nghiệm các trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực truyền thống Chăm - Việt.

Theo lộ trình ba giai đoạn mở cửa cho du khách quốc tế đến Việt Nam, trong giai đoạn một (từ tháng 11), có 5 tỉnh, thành phố sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế là thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. 

Để có thể đón khách du lịch quốc tế trở lại, 5 địa phương được mở cửa trong giai đoạn đầu đã xây dựng kế hoạch và lên danh sách các đơn vị cung ứng dịch vụ. Trong đó, Phú Quốc sẽ đón khách từ khoảng 20/11 và đề xuất 34 đơn vị cung ứng gồm cơ sở lưu trú, điểm tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm để đón khách quốc tế. Mục tiêu của Phú Quốc là đón 3.000 - 5.000 khách giai đoạn này, song không giới hạn số lượng. Du khách đến Phú Quốc được miễn thị thực nhập cảnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà lưu niệm cho các đoàn khách quốc tế đầu tiên.

Khánh Hòa dự kiến đón khách ở Bắc bán đảo Cam Ranh trong giai đoạn một. Lợi thế của khu vực là biệt lập với dân cư, có 12 khu nghỉ dưỡng với 6.000 phòng lưu trú. Giai đoạn hai, tỉnh mở rộng đến khu nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Tre, Hòn Tằm... và các khu biệt lập khác. Hiện tỉnh có gần 80 cơ sở kinh doanh du lịch đăng ký hoạt động trở lại.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành "Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19" đối với hoạt động du lịch, với 24 tiêu chí bắt buộc, 11 tiêu chí khuyến khích thực hiện. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra những tiêu chuẩn phục vụ riêng để nhằm đảm bảo an toàn như quy định khách đến lưu trú phải tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19, nếu một mũi thì phải có thêm test nhanh.

UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành phương án và quy chế phối hợp triển khai thí điểm đón và phục vụ khách du lịch quốc tế. Theo Sở Du lịch thành phố, dự kiến nguồn khách quốc tế đến Đà Nẵng từ tháng 11 - 12/2021 đến tháng 2/2022, sẽ chủ yếu là khách du lịch từ một số thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản và người Việt cư trú ở nước ngoài về nước kết hợp thăm thân. Hiện nay, một số đơn vị đã gửi văn bản và trao đổi làm việc với Sở Du lịch Đà Nẵng để được đón khách như: Công ty Hanatour dự kiến 1.500 khách/tháng; Công ty Mode tour dự kiến từ tháng 12/2021 - 3/2022 đón khoảng 3.000 khách; Anex tour (khách Nga) 2.000 - 4.000 khách/tháng; Công ty Highland Maketing dự kiến ngày 18/12/2021 đón 600 khách, tháng 1 - 2/2022 là 1.500 khách; Công ty His Sông Hàn dự kiến 300 khách vào tháng 12/2021.

Những du khách quốc tế đầu tiên đến Hội An sau 2 năm bị gián đoạn.

Để chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã chọn 3 đơn vị gồm Hoiana, TUI Blue Nam Hội An, Vinpearl Nam Hội An được cung cấp dịch vụ lưu trú. Hai Di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được thí điểm đón khách tham quan đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nâng cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong công tác phòng ngừa dịch COVID-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, trong điều kiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", ngành du lịch Quảng Nam từng bước hướng đến các sản phẩm gắn với cộng đồng để du khách trải nghiệm mở trong các tour khép kín. Do đó vai trò của các công ty lữ hành trong việc xây dựng tour, tuyến gắn với chất lượng, sản phẩm du lịch, dịch vụ ở giai đoạn thí điểm này rất quan trọng, có yếu tố quyết định để khôi phục hoạt động du lịch bền vững.  

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, để mở cửa đón khách trở lại, thành phố Hội An giảm 50% giá vé tham quan khu phố cổ, các làng nghề truyền thống; các hoạt động phố dành cho người đi bộ, phố đêm, tham quan phố cổ, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, rừng dừa Bảy Mẫu và tham quan đảo Cù lao Chàm đều bắt đầu phục hồi để phục vụ du khách. Mặt khác, toàn bộ lao động ở các điểm du khách đến thành phố Hội An, các cơ sở tham gia cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành đều được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và lao động trong ngành du lịch.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào đón du khách đến Hội An.

Còn theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ, thời gian qua, tuy tình hình dịch bệnh vắng khách nhưng công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch tại quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vẫn được duy trì thường xuyên, đảm bảo phục vụ du khách. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch như múa Chăm, trung chuyển xe điện, dịch vụ bán hàng, thuyết minh di tích... được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Kiến trúc công trình được duy tu, bảo dưỡng sẵn sàng phục vụ du khách trong thời gian tới. 

Ban Quản lý đang xây dựng nhiều sự kiện, sản phẩm độc đáo, mới mẻ phục vụ du khách khi du lịch từng bước được mở cửa. Một trong những sản phẩm du lịch đó là "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại" được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể dân gian, có khả năng thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Đây là một trong những sản phẩm được nhiều hãng lữ hành, công ty hoạt động trong ngành du lịch trong và ngoài tỉnh tích cực đón nhận để phục vụ du khách trải nghiệm mở trong các tour khép kín khi dịch bệnh dần được kiểm soát.

Việc đón du khách quốc tế trở lại là quyết tâm và nỗ lực rất lớn, nhất là trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các ca mắc mới trên cả nước tiếp tục tăng lên trong những ngày gần đây. Vì thế, công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu, nhất là với các tỉnh, thành phố đang thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do vậy việc Hội An được chọn làm điểm đến trong lộ trình mở cửa trở lại là niềm vui không chỉ riêng với thành phố, với tỉnh Quảng Nam mà còn có sức lan tỏa tới các trung tâm du lịch lớn trong khu vực. Để mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, thành phố tập trung cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo lại nguồn nhân lực. 

Hội An thực hiện nhiều giải pháp như: kế hoạch tiêm vaccine toàn dân gắn với xây dựng tour, tuyến du lịch hợp lý, hấp dẫn và an toàn nhất nhằm tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm. Thành phố tập trung nâng cấp chất lượng sản phẩm, các loại hình dịch vụ để đón du khách đến phố cổ Hội An trong những tháng cuối năm và đầu năm tới, chuẩn bị đầy đủ tâm thế đón khách quốc tế theo chương trình “hộ chiếu vaccine”. 

Đà Nẵng đón chuyến bay thí điểm đầu tiên đưa du khách quốc tế đến Việt Nam

Là điểm du lịch thu hút phần lớn lượng khách quốc tế khi đến Quảng Nam, ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Đơn vị luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Ngoài việc yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang khi vào cổng tham quan, đơn vị cấp phát miễn phí khẩu trang khi khách có nhu cầu; giữ khoảng cách trong tiếp xúc giữa nhân viên và du khách, giữa các nhóm du khách với nhau, bố trí nhân viên làm việc từng vị trí phù hợp, chú trọng đội ngũ nhân viên thường xuyên tiếp xúc với khách như lái xe, người bán vé, kiểm soát vé, thuyết minh...

Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn yêu cầu tất cả du khách phải khai báo y tế tại cổng soát vé trên phần mềm ứng dụng PC-Covid. Đối với nhân viên phục vụ, hiện nay, 100% cán bộ, nhân viên đã hoàn thành 2 mũi vaccine, đảm bảo điều kiện sẵn sàng đón khách...

Tại Kiên Giang, mới đây, UBND tỉnh cũng bổ sung vào Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Theo đó, du khách quốc tế đến Phú Quốc được yêu cầu cài đặt và sử dụng ứng dụng (app) xuất nhập cảnh IGOVN. Khi nhập cảnh, khách quốc tế sẽ được tiến hành sàng lọc sức khỏe tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, bao gồm đo nhiệt độ và cài đặt các ứng dụng IGOVN, PC-COVID. Du khách được yêu cầu sử dụng các ứng dụng này trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam.

Khách du lịch quốc tế đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ ban hành công văn 8044/VPCP-KGVX ngày 2/11/2021 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã ký ban hành văn bản số 4122/HD-BVHTTDL về việc Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Theo đó, khách du lịch quốc tế hoặc người cư trú tại nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam cần thỏa mãn 4 điều kiện. Đầu tiên, du khách phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19, được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi). Trong đó, thời gian tiêm mũi hai đã qua 14 ngày và không quá 12 tháng tính tới thời điểm xuất cảnh. Du khách điều trị khỏi COVID-19 cần giấy xác nhận, với thời gian xuất viện không quá 6 tháng tính tới thời điểm xuất cảnh.

Thứ hai, du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RTPCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh. Chứng nhận được cơ quan có thẩm quyền tại nước thực hiện xét nghiệm chứng nhận. Thứ ba, du khách cần có bảo hiểm y tế, gồm nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức tối thiểu 50.000 USD. Cuối cùng, người tham gia phải theo chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Trong quá trình đến Việt Nam, du khách sẽ được xét nghiệm ngày đầu tiên và ngày thứ 7 (đối với người đi trên 7 ngày). Ngoài ra, tất cả được khuyến cáo tự xét nghiệm 2-3 ngày/lần, với bộ kit xét nghiệm nhanh...

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ năm 2015-2019, khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng trung bình 22,7%/năm. Khách du lịch nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10,5%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng từ 355.000 tỷ lên 755.000 tỷ, gấp hơn 2 lần so với tốc độ tăng trung bình 19,3%/năm, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước. Trong 5 năm (2015-2019), xếp hạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam đã tăng 12 bậc. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới và châu lục của World Travel Awards. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng đầu thế giới.

Toàn cảnh thành phố Hội An, nằm bên bờ sông Hoài.

Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7%, tương đương 19 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Khắc phục mọi khó khăn, từ năm 2020, toàn ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chú trọng phòng chống dịch, đảm bảo du lịch an toàn vừa chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa trong trạng thái “bình thường mới”, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ. Ngành Du lịch cũng tiếp tục duy trì xúc tiến, quảng bá du lịch trực tuyến và trên các kênh truyền thông quốc tế, như CNN, CNBC.

Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới và châu lục của World Travel Awards.

Với những nỗ lực đó, dù trong bối cảnh dịch bệnh, du lịch Việt Nam vẫn là một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới khi được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế uy tín. Đặc biệt, tháng 10/2021, Việt Nam tiếp tục được World Travel Awards vinh danh lần thứ 3 là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2021”. Việt Nam còn giành danh hiệu “Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á”. Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đạt giải "Điểm tham quan hàng đầu châu Á", Hội An (Quảng Nam) được vinh danh là "Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á", và Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) được trao giải "Công viên quốc gia hàng đầu châu Á".

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một trong những quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Đây cũng là yếu tố mang đến sức mạnh cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam để trở thành điểm đến an toàn, thu hút khách quốc tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Thêm vào đó, việc những du khách nước ngoài chia sẻ cảm giác yên tâm khi ở lại Việt Nam ngay trong mùa dịch cũng là kênh lan tỏa, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện và mến khách.

Bài: Đoàn Hữu Trung - Minh Duyên - Diệp Anh - Lê Lâm
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

28/11/2021 06:30