Mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro. Để thích ứng với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, hàng loạt chính sách đã được ban hành, mà gần đây là Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, nhằm “hồi sức” cho doanh nghiệp trước những tổn thất nặng nề do tác động của đại dịch gây ra.
Là doanh nghiệp có nhà máy sản xuất đóng tại huyện Nam Sách, Hải Dương - địa phương đã trải qua giãn cách xã hội kéo dài do dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu Hải Dương đang trong tình trạng rất khó khăn. Bà Vũ Lê Hoa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu Hải Dương cho biết, dịch COVID-19 kéo dài và những hệ lụy đã khiến doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất thị trường tiêu thụ sản phẩm và dẫn tới doanh số sụt giảm, chỉ còn khoảng 15% so với trước đại dịch.
Trong khi đó, nợ ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn, các khoản chi lại phát sinh cho test COVID-19 phục vụ sản xuất 3 tại chỗ, trả lương người lao động làm việc 3 tại chỗ cao hơn… Điều này đã khiến doanh nghiệp bị gãy đổ dòng tiền, sản xuất bị thu hẹp tối đa, không có tiền trả lương công nhân nên khoảng 600/700 lao động phải nghỉ việc. Công ty không còn cách nào khác phải bán rẻ tài sản là đất đai, nhà xưởng tích lũy từ nhiều năm để trang trải cho các khoản nợ, trả lương công nhân và các chi phí nhưng đến nay công ty không còn vốn để sản xuất kinh doanh, bà Hoa chia sẻ.
Còn theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, “thu giảm mạnh - chi vẫn tăng đang bào mòn nguồn lực tài chính được tích lũy nhiều năm của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Nhiều doanh nghiệp trong ngành càng sản xuất càng lỗ, đã buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng chỉ rõ, những quyết định “chưa có tiền lệ” của một số địa phương dẫn tới can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp như kiểm soát lưu thông hàng hóa, yêu cầu xét nghiệm liên tục, thiếu nhất quán như thời gian qua đã không những làm đội chi phí rất lớn, ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người lao động.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để vượt qua các thách thức này, Chính phủ và các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn tồn tại khoảng cách khá lớn.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp được công bố triển khai nhưng trên thực tế các doanh nghiệp du lịch không được vay vốn theo chính sách này, kể cả có tài sản thế chấp.
Một bất cập khác là chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dường như không mang lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng khi hầu hết các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ phải đóng cửa, không có doanh thu trong gần 2 năm qua và có nguy cơ phá sản, ông Đạt nhấn mạnh.
Cũng gặp khó khăn tương tự, bà Vũ Lê Hoa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Chu Đậu Hải Dương chia sẻ, mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và giãn nợ nhưng trên thực tế công ty chưa hề tiếp cận được.
Do đại dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay nên Công ty gần như không có doanh thu và lợi nhuận cũng như nhiều khoản lãi vay đến hạn ở ngân hàng thương mại bị nhảy nhóm nợ và phát sinh nợ xấu đối với một số khoản. Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19, Công ty không đáp ứng được các điều kiện để vay được gói tín dụng ưu đãi 0% lãi suất trong thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc cho người lao động là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng ở thời điểm đề nghị vay vốn.
Đồng tình với những đánh giá của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Ví dụ rõ nét là chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức hoãn, giãn thời gian nộp chứ chưa giảm.
Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nghị quyết này được cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ là giải pháp mạnh để tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các địa phương triển khai đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết 128. Với ngành du lịch, bản chất là liên quan tới di chuyển và đi lại nên nếu các địa phương không tuân thủ Nghị quyết này nghiêm túc, không mở cửa thì ngành du lịch không thể khởi sắc, không có doanh thu để phục hồi, ông Đạt chỉ rõ.
“Đã mở thì phải thống nhất và đồng bộ, chứ Trung ương và tỉnh, thành thì chỉ đạo như vậy nhưng dưới xã, dưới huyện cứ đòi hỏi điều kiện là xét nghiệm COVID-19 thì vẫn khó giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, bà Vũ Lê Hoa chỉ rõ.
Chia sẻ về chiến lược này, Giám đốc Công ty AZA travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, ngay khi dịch bệnh xảy ra, ban lãnh đạo Công ty đã ngay lập tức có phương án chuyển sang kinh doanh dòng bia handmade cao cấp và sản xuất mặt nạ phòng COVID-19. Công ty đã áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động để không chỉ giúp giảm bớt nhân sự trong các khâu, tăng tính hiệu quả mà còn giúp tiếp cận tốt hơn với khách hàng với chi phí rẻ hơn so với cách làm truyền thống.
Theo đó, Công ty đã áp dụng triệt để hình thức kinh doanh trực tuyến trong các khâu quảng bá, bán hàng, đặt hàng cũng như áp dụng các phần mềm trong quản trị điều hành để đảm bảo duy trì hoạt động của Công ty hiệu quả nhất trong bối cảnh giãn cách vì dịch bệnh. Với chiến lược linh hoạt chuyển đổi, tự thích ứng với điều kiện, môi trường hoàn toàn mới này, Công ty đã có doanh thu để “lấy ngắn nuôi dài”, chờ ngày du lịch “tan băng” là có thể hoạt động ngay trở lại với đội ngũ nhân sự được duy trì, giữ được mảng kinh doanh du lịch đã có từ nhiều năm.
Tuy nhiên để các nỗ lực của doanh nghiệp mang lại hiệu quả, mong muốn của các doanh nghiệp lúc này là Chính phủ có những cơ chế chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất kinh doanh, khôi phục thị trường, thuận lợi trong giao thương và di chuyển. Đây mới thực sự là “cần câu” quan trọng để doanh nghiệp tự đứng dậy thay vì cho “xâu cá” như thời gian vừa qua - ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Cùng với nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tiếp sức cho doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp để có thể phục hồi.
Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đề xuất Chính phủ cần hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh, phương án di chuyển đối với người dân giữa các địa phương với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau… Đồng thời, Chính phủ nên yêu cầu các địa phương khi quyết định phương án phòng dịch phải thông tin và tham vấn doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề xuất, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, không có khả năng tồn tại và thiếu dự án khả thi. Nếu cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro nên doanh nghiệp rất khó vay được vốn. Do vậy, cần có những quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và được vận hành hiệu quả.
Gợi ý giải pháp tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp phục hồi sau sản xuất, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.
Từ thực tiễn trong thực thi chính sách, nhiều doanh nghiệp mong muốn được cơ quan nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế thay vì chỉ ở trong vai nhận sự hỗ trợ bị động như hiện nay. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, phần tham vấn doanh nghiệp cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi, bà Phạm Thị Ngọc Thủy thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đề xuất.
Bình luận về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA) cho rằng, các chính sách chung về miễn, giảm tiền điện, tiền thuê đất, đóng bảo hiểm xã hội... đã cơ bản thỏa mãn yêu cầu tối thiểu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước duy trì thị trường, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ xem xét tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; đưa phân bón vào danh mục mặt hàng chịu thuế gia tăng để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nguy cơ phân bón giả, nhái nhãn hiệu và kém chất lượng đang lợi dụng biến động về nguồn cung nguyên liệu để trục lợi.
Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ khâu cấp phép sản xuất hay giấy phép lưu hành đối với các doanh nghiệp ngành phân bón; đi đôi với việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để tăng đầu tư cho các hạng mục khác.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh cho biết, là doanh nghiệp trẻ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 2 nhóm sản phẩm chính là cung cấp chuỗi gạo; xây dựng phát triển sản phẩm dược liệu sachi, năm 2021, Châu Anh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất thu mua nguyên liệu khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Không chỉ khâu vận chuyển hàng hóa bị ngưng trệ mà việc thu hái nguyên liệu cũng gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi đó, thị trường đầu ra cũng bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty chỉ tập trung duy trì nhóm thực phẩm nông sản thiết yếu.
Với những cơ chế, chính sách vừa được Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt và đạt hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19; đồng thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ sớm được tạo điều kiện thuận lợi để vận dụng công nghệ 4.0 vào vận hành, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cũng như để phát triển thị trường cho cây sachi và vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững.
Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Phát triển Châu Anh cũng mong muốn, được thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác và mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học... để hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước khẳng định vai trò, vị thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Khảo sát mới nhất do VCCI thực hiện trong tháng 9 vừa qua cho thấy, có tới gần 94% doanh nghiệp cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh nghiệp ở mức rất cao. Một số trung tâm kinh tế lớn - là động lực tăng trưởng như TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh Đông Nam Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước… cũng đều bị ảnh hưởng. Ở phía Bắc thì có tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang - những vùng kinh tế trọng điểm cũng ảnh hưởng tương tự trong giai đoạn đầu dịch COVID-19.
Thậm chí đã có tình trạng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chuyển dây chuyền sản xuất sang quốc gia thứ 3 khác để hoàn tất đơn hàng xuất khẩu, do các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam phải ngừng hoạt động và không đảm bảo đủ các đơn hàng đã cam kết.
Trong bối cảnh đó, ở nhiều địa phương, bằng cách này hay cách khác, có những giải pháp, cách thức và hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó qua đại dịch. Nhiều sáng kiến đã được triển khai và doanh nghiệp cũng ghi nhận tích cực tinh thần đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đã liên tục đồng hành, đối thoại cùng doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt những vướng mắc và nhanh chóng tìm hướng tháo gỡ. Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, các địa phương còn quan tâm tới những khó khăn của các nhà đầu tư.
Có nơi như tỉnh Quảng Ninh còn triển khai các chương trình như Investors Care (Tổ công tác chăm sóc các nhà đầu tư) và giao cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp phụ trách. Hay như tỉnh Bắc Ninh tổ chức Đội phản ứng nhanh còn gọi là Tổ phản ứng nhanh Ba nhất, chuyên nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ...
Trước đây, các tỉnh và thành phố chỉ xem việc ban hành chính sách, quy trình đầu tư là xong nhiệm vụ, nay ứng xử với các nhà đầu tư hay hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức của đại dịch cũng đã bước vào thực chất hơn. Không chỉ đưa ra các chương trình hỗ trợ những nhà đầu tư hiện có của tỉnh các địa phương xem họ có gặp khó khăn gì để giúp giải quyết các vướng mắc.
Thậm chí, như một số sở, ngành ở thành phố Hải Phòng còn công bố công khai giảm 1 nửa thời gian thực hiện danh mục các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, thuế so với quy định thông thường của Trung ương và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện của các cơ quan công quyền.
“Quốc hội, Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu, đang thảo luận rất sôi nổi về những giải pháp phục hồi nền kinh tế. Rõ ràng, trước những khó khăn chưa từng thấy của đại dịch COVID-19 thì cũng cần những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế lớn chưa từng thấy mới giải quyết được”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên hỗ trợ mạnh dạn hơn, tích cực hơn, để doanh nghiệp và nền kinh tế mau chóng phục hồi. Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng từng cho rằng, tổng gói hỗ trợ trên GDP của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 2,2% - mức còn quá khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực hay cùng trình độ phát triển như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản...
Mặc dù, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua và ban hành nhiều gói hỗ trợ quan trọng. Song từ thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn có những gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, trực tiếp hơn nữa. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, cần phải có chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trên diện rộng đến với các hộ kinh doanh và người dân. Thậm chí, có khuyến nghị còn đề xuất giảm 50% các khoản phí phải nộp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trong thời gian tới. Những gói hỗ trợ như thế cần đảm bảo quy mô đủ lớn và đáp ứng tỷ lệ cao các doanh nghiệp và đối tượng thụ hưởng khác.
“Hiện nay, một số gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra đã rất có ích như giảm thuế VAT 30% cho các doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành như du lịch, miễn 50% các khoản phải đóng cho các hộ kinh doanh, người dân được nhận trợ cấp… Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng việc cân nhắc những chương trình hỗ trợ lớn hơn như hỗ trợ lãi suất cho nhà ở xã hội để vừa kích cầu kinh tế, vừa hỗ trợ người lao động”, ông Đậu Tuấn Anh khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 5 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung vào mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch, thực hiện Nghị quyết 128 một cách chắc chắn, an toàn, có lộ trình, phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục của các doanh nghiệp.
Thứ hai là tập trung hỗ trợ cho an sinh xã hội và hỗ trợ tạo việc làm, theo đó, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Thứ ba là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tổn thương rất nhiều, sức chống chịu và khả năng chống chịu hiện nay đã bị bào mòn, đặc biệt, một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ.
“Về các chính sách chung, sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí phải đóng và nộp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực chúng ta cần ưu tiên. Có thêm các chính sách riêng đối với một số ngành và lĩnh vực như chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số”, Bộ trưởng thông tin.
Nhóm giải pháp thứ tư được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP. Đầu tư công chỉ tập trung vào hạ tầng chiến lược, những công trình trọng điểm quốc gia, mang tính động lực lớn cho lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới; vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, đê, kè, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhóm thứ năm, đó tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11, trả lời ý kiến đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) về giải pháp để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2020, chúng ta cố gắng tập trung vào duy trì sản xuất bằng cách giữ chân lao động, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự để duy trì sản xuất. Năm nay, chúng ta đang thực hiện chính sách mở cửa nhanh nền kinh tế kết hợp với phòng, chống dịch tốt và một chương trình phục hồi tới đây để doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế khôi phục trở lại.
Đưa ra thông tin đáng mừng là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 và Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ trưởng cho biết, doanh nghiệp đã quay trở lại rất nhanh, sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp lớn có nơi đạt công suất đến 80 - 90% và có thể đạt 100% vào cuối năm. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao Nghị quyết 105, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, nhờ đó các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và duy trì được sản xuất để không bị chuyển các đơn hàng ra nước khác.
Bộ trưởng dẫn chứng, Tập đoàn Nike có 200 doanh nghiệp với khoảng 500 nghìn lao động. khi tình hình dịch căng thẳng, Tập đoàn này đã chuyển khoảng 30% đơn hàng ra nước khác, nhưng đến nay đã quay lại 100%.
“Vừa qua, họ có gặp Thủ tướng tại Hội nghị COP-26, họ đã cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng, đánh giá rất cao và họ cam kết sẽ tin tưởng và cam kết ở lại Việt Nam lâu dài. Điều đó cho thấy hiệu quả của các chính sách chúng ta đưa ra trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Vẫn vướng mắc trong thực thi Nghị quyết 128:
Bài: Nhóm phóng viên TTXVN
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
13/11/2021 07:55