Những ngày qua, bên cạnh thực hiện các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã và vẫn đang nỗ lực tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài - đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn - trở về quê hương. Công tác bảo hộ công dân thực sự đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực phòng, chống dịch của Việt Nam với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, công tác bảo hộ công dân đã được Việt Nam thực hiện từ rất sớm và trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.
Ngày 25/1/2020, chỉ ba ngày sau khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân tại các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong những ngày tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã liên tục có những chỉ đạo giao Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lượng công dân ở các khu vực có dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết; tích cực động viên, khuyến cáo công dân không về nước khi không thật sự cần thiết, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của sở tại; yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài rà soát, khẩn trương có kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay các nước; đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam hiện ở nước ngoài có nhu cầu về nước, ưu tiên người cao tuổi, người ốm, trẻ em dưới 18 tuổi, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước...
Tại các cuộc trao đổi với lãnh đạo các nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hay lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Việt Nam đều đề nghị nước bạn phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại yên tâm ổn định cuộc sống, được tiếp cận đầy đủ các điều kiện cần thiết để phòng, chống dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không trong nước, các cơ quan chức năng sở tại tiến hành đồng bộ, chủ động, tích cực, toàn diện công tác bảo hộ công dân.
Dưới chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao giữa các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không..., đến ngày 12/8/2020, Việt Nam đã tổ chức được hơn 90 chuyến bay, đưa trên 24.000 người Việt có hoàn cảnh khó khăn ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn, như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Singapore, Australia, New Zealand, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Mỹ, Canada…
Từ dấu mốc đầu tiên ngày 10/2, khi máy bay của Vietnam Airlines đưa 30 công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) hạ cánh an toàn ở sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), những chuyến bay như vậy cứ được nối tiếp để làm tròn trọng trách bảo hộ công dân trong hoàn cảnh hết sức khó khăn do nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn luôn rình rập, bủa vây. Đặc biệt, ngày 29/7, Việt Nam đã chào đón chuyến bay đưa 219 lao động mắc kẹt ở thành phố Bata, Guinea Xích Đạo, trong đó có nhiều người bị nhiễm COVID-19, hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Sau hàng chục chuyến bay đưa công dân tại nhiều khu vực trên thế giới về nước, đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cùng một thời điểm như vậy, đòi hỏi công tác chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng đến từng chi tiết.
Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương từ Guinea Xích Đạo cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, thời gian chưa đến 3 tuần, có thể nói là “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là sự kiện được xem như “kỳ tích”, cho thấy sức mạnh tổng hợp của dân tộc được huy động và phát huy mạnh mẽ trong những lúc khó khăn, thử thách, và càng có giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Cho dù là đối với tổ chức hay từng cá nhân đơn lẻ, nhưng đứng trước những thử thách khắc nghiệt, tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tinh thần “đặt mạng sống của người dân lên trên hết” đã biến thành quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống đại dịch. Và chính từ đó, sức mạnh của dân tộc ngày càng được khơi dậy sâu sắc hơn.
Góp phần làm nên thành công của công tác bảo hộ công dân trong đại dịch COVID-19 không thể không kể đến vai trò và những nỗ lực to lớn của các cán bộ ngành ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Đây cũng là thời điểm để các cơ quan đại diện thể hiện rõ vai trò bảo hộ tốt nhất đối với cộng đồng người Việt ở sở tại, đồng hành với họ vượt qua nỗi sợ hãi và chiến thắng đại dịch. Thực hiện sứ mệnh bảo hộ công dân, các Đại sứ, cán bộ phụ trách lãnh sự đã kiên cường bám trụ tại địa bàn, tích cực thăm hỏi, động viên công dân sinh sống ở khu vực có dịch, khuyến cáo bà con tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch và pháp luật sở tại; túc trực ngày đêm, gọi/nghe điện thoại, trả lời email; lên phương án chuẩn bị những chuyến bay “giải cứu” đưa bà con về nước an toàn...
Ngay khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng tại Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc), Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã kịp thời kiến nghị Chính phủ phương án di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Hồ Bắc. Đại sứ quán đã khẩn trương liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Văn phòng Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc và các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thủ tục, xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể để đưa công dân Việt Nam về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, luật pháp Việt Nam và luật pháp sở tại. Ngày 10/2, chuyến bay HVN68 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines đã đưa 30 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), thực hiện thành công toàn bộ kế hoạch đề ra.
“Tôi chỉ có thể ngủ yên khi đồng bào của tôi đã hạ cánh an toàn”, đó là lời tâm sự của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, vì kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước gặp nhiều khó khăn. Lập kế hoạch từ ngày 22/3, nhưng hai tháng không tìm được cách để di chuyển từ các địa phương về New Delhi để về Việt Nam, nhưng với những nỗ lực không ngừng và quyết tâm không bỏ cuộc của cá nhân Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng như các cán bộ ngoại giao Việt Nam ở địa bàn Ấn Độ, chuyến bay đưa công dân từ một trong những tâm dịch đã thành công tốt đẹp.
Tại Đức, theo Đại sứ Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ quán thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định, khuyến cáo của Chính phủ Đức và Việt Nam, đặc biệt là các quy định về xuất nhập cảnh trên website của Đại sứ quán và qua tổng đài lãnh sự, bảo hộ công dân, kịp thời giải đáp các thắc mắc của bà con. Đại sứ quán cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đến làm thủ tục lãnh sự tại Đại sứ quán, cũng như qua đường bưu điện...
Còn tại Nhật Bản, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, công việc của các cán bộ sứ quán trong thời gian qua vô cùng bề bộn và căng thẳng. Cán bộ trực bảo hộ công dân trực điện thoại 24 giờ các ngày trong tuần. Nhưng mỗi cuộc nói chuyện, mỗi email trả lời cho công dân có ý nghĩa quý giá, giúp cho những người Việt Nam xa nhà yên tâm hơn.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Mỹ, ngày 10/4, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc đã tham gia chương trình Trao đổi trực tuyến giữa các Cơ quan đại diện Việt Nam, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ công dân và du học sinh Việt Nam. Cho tới nay, Đại sứ quán và các Cơ quan đại diện tại Mỹ đã nhận được gần 1.000 đơn đăng ký nhu cầu về nước và đã chuyển các cơ quan trong nước xem xét, xử lý...
Có thể thấy, với những chính sách và hành động thiết thực, công tác bảo hộ công dân tại nước ngoài của Việt Nam đã góp phần làm giảm bớt gánh nặng lo âu và làm "ấm lòng" những người con xa xứ khi dịch bệnh bùng phát trên khắp ngõ ngách của Trái đất; đồng thời khiến hàng triệu người dân Việt Nam ở nước ngoài thêm tin yêu vào đất nước.
Cùng với nỗ lực đưa công dân về nước, một lĩnh vực cũng rất quan trọng để đảm bảo công tác bảo hộ công dân là công tác thông tin, tuyên truyền. Việc thông tin, tuyên truyền nhanh, đúng, trúng, đủ tới công dân, để công dân hiểu rõ và tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân, ủng hộ phối hợp thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng và rất cấp thiết.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát, những bản tin về tình hình bảo hộ công dân thường xuyên được Bộ Ngoại giao phát đi; hàng trăm câu trả lời của Người Phát ngôn tại Họp báo thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch COVID-19 và công tác bảo hộ công dân; lãnh đạo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, người đứng đầu một số Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng đã trả lời phỏng vấn, phát biểu trên các tuyến tin, bài, phóng sự được dư luận quan tâm; Chuyên mục Bảo hộ công dân của báo Thế giới & Việt Nam cũng luôn được cập nhật những thông tin nóng nhất liên quan đến công tác bảo hộ công dân ở vùng dịch, phỏng vấn trên 30 trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Bộ Ngoại giao đã chủ động cung cấp thông tin cho một số hãng báo chí lớn trên thế giới, đưa tin tích cực về công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Bên cạnh các nỗ lực của Bộ Ngoại giao, công tác thông tin, truyền thông về bảo hộ công dân cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí trong nước. Những chuyên mục do Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… xây dựng đã phản ánh đa dạng, đầy đủ các chính sách và khuyến cáo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công dân Việt Nam, nêu bật các nỗ lực bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng tạo được sự đồng thuận, đánh giá cao của dư luận trong nước...
Tất cả đã tạo nên một lượng thông tin đa dạng và thống nhất về nội dung, đa dạng về hình thức, mạnh mẽ về thông điệp, phản ánh trọn vẹn công tác bảo hộ công dân sôi động và kịp thời của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Những chiến dịch “giải cứu” công dân cho thấy quyết tâm mạnh mẽ “Không ai bị bỏ lại phía sau của Việt Nam” trong cuộc chiến chống Covid-19:
Bài: Minh Duyên - Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN, TTXVN phát; Video: Vnews
Trình bày: Nguyễn Hà
13/08/2020 05:30