Những ngày này, Đà Nẵng đang căng mình đương đầu với đại dịch COVID-19. Cùng với nỗ lực của bộ máy chính quyền, các ngành chức năng của thành phố, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi khu phố cũng đang bình tĩnh, cẩn trọng, chung sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.

Sau hơn một tuần căng mình chống dịch, phần lớn người Đà Nẵng đã không còn hồi hộp chờ đếm những con số mới về người mắc COVID-19, những khu vực mới bị phong tỏa hay những ca tử vong mới. Họ đang tìm cho mình những cách thích hợp để hỗ trợ công tác chống dịch: tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu, tham gia các hoạt động từ thiện, tuyên truyền trấn an người dân, hay chỉ đơn giản là ở nhà và tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly xã hội. 

Khách sạn tại Đà Nẵng bật sáng đèn tạo hình ảnh trái tim để động viên, khích lệ, kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19.

Những ngày cách ly, chị Bùi Minh Hằng dậy sớm, nấu ăn sáng cho ông bà và hai con nhỏ, sau đó chị cùng các con học, cùng con vẽ, chơi những trò chơi trong gia đình. Tối nay, sau một ngày êm đềm, khi các con đã ngủ, chị tranh thủ chụp lại bức tranh mà cậu con út 6 tuổi vừa vẽ để gửi cho ba. Bức tranh về một bác sỹ đeo khẩu trang, một tay cầm tấm khiên, một tay cầm bình sát khuẩn, kèm theo lời nhắn “Ba "hung dữ" đến con còn phải sợ, nữa là con virus Corona”. Ba của cậu bé, chồng chị Hằng là một bác sỹ làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang bị phong tỏa do phát hiện hàng loạt ca mắc COVID-19.

Từ ngày chồng báo rằng sẽ ở lại bệnh viện không về, đối với chị Bùi Minh Hằng, cách tốt nhất để hỗ trợ chồng là: chăm sóc cho các con, ông bà thật tốt để anh yên tâm. Chị Hằng cũng như phần lớn người dân Đà Nẵng hiểu rằng, chống dịch không phải chỉ là công việc của lực lượng y tế, của chính quyền, mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân.

Chị Hằng tâm sự: “Những ngày đầu, khi được biết bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao và tất cả cán bộ, nhân viên bệnh viện đều phải xét nghiệm, mình đã rất lo lắng. Căng thẳng đến độ không thể ngủ được, nhưng cũng không dám gọi điện cho anh, mà chỉ theo dõi thông tin trên các báo, đài. Mình cũng đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng để nếu có thông báo, cả gia đình sẵn sàng đi cách ly. Đến khi nhận được tin anh đã âm tính với virus SARS-CoV-2, mình mới tạm yên tâm".

Những ngày này, chị Bùi Minh Hằng vẫn điềm tĩnh làm tốt nhiệm vụ của một công dân trong thời gian cách ly xã hội: ở nhà, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người lạ và hướng dẫn phòng dịch đúng cách cho các con. Chị rất hạn chế gọi điện thoại cho chồng, để anh dành thời gian chăm sóc các bệnh nhân và nghỉ ngơi dưỡng sức.

Các khách sạn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bật sáng đèn những căn phòng, dãy đèn màu tạo trang trí bên ngoài khách sạn, tạo thành những hình ảnh trái tim để động viên, khích lệ, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện nay, cả nước đang hướng về Đà Nẵng, còn cả Đà Nẵng đang hướng về các khu phong tỏa. Chị Minh Hằng tin tưởng rằng chồng mình đang được an toàn và có điều kiện làm việc tốt nhất.

Khi số lượng ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng tăng lên, cũng là lúc các F1 (người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân) tăng lên gấp bội. Đến ngày 5/8, thành phố đang thực hiện cách ly 4.241 trường hợp F1 tại các cơ sở y tế; 4.315 trường hợp tại các khu cách ly tập trung; hàng trăm trường hợp cách ly tại nhà. Để chung sức cùng Đà Nẵng chống dịch, hàng nghìn tình nguyện viên đã đăng ký hỗ trợ tại các điểm cách ly tập trung.

Chương trình Tình nguyện chống dịch COVID-19 của Thành Đoàn Đà Nẵng đã nhận được 5.205 lượt đăng ký chỉ sau 1 ngày phát động.

Là sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), khi dịch bắt đầu bùng phát, cô sinh viên Nguyễn Hoàng Thi đã quyết định không về quê Bình Định, mà ở lại để góp sức cùng thành phố chống dịch. Biết Thành Đoàn Đà Nẵng có lời kêu gọi các đoàn viên thanh niên, Hoàng Thi đã đăng ký cả hai lĩnh vực tình nguyện là: hiến máu nhân đạo và tham gia phục vụ các khu cách ly.

Ngày 3/8, các thanh niên tình nguyện được lệnh tập trung để tập huấn kỹ năng phòng dịch, bảo vệ bản thân và công tác hoạt động trong khu cách ly. Chiều 4/8, Hoàng Thi được lệnh dọn đồ chuyển vào Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Nhiệm vụ chính của đội tình nguyện là hỗ trợ công tác nấu nướng, phát đồ ăn, dọn dẹp vệ sinh công cộng, hỗ trợ vận chuyển đồ đạc trong khu cách ly.

“Mình cùng các bạn phải làm việc và cách ly 14 ngày tập trung tại đây, sau đó về nhà phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa. Tuy ban đầu cảm thấy khá lạ lẫm, nhớ bạn bè, nhớ những thói quen cũ, nhưng mình rất vui vì đã tham gia một việc làm có ý nghĩa. Mỗi người đều đóng góp một đôi tay, cả thành phố sẽ có hàng triệu đôi tay cùng hợp sức chống lại dịch bệnh” - Hoàng Thi chia sẻ.

Các thành viên trong đội tình nguyện tại khu cách ly trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Đội tình nguyện tại khu cách ly của Hoàng Thi gồm 10 thanh niên, 5 nam và 5 nữ, trong đó bạn trẻ nhất mới chỉ sinh năm 2004, và lớn tuổi nhất sinh năm 1996. Tuy biết những nguy hiểm phải đối mặt, nhưng họ rất tự tin với những kiến thức, kỹ năng đã được tập huấn và sẵn sàng xung kích chống dịch bệnh. Chỉ giao tiếp với nhau qua những chiếc khẩu trang, không biết mặt, nhưng ý chí của tuổi trẻ, tâm nguyện sống cống hiến đã giúp các bạn làm quen và phối hợp tốt với nhau trong công việc.

Camera trực tuyến trong khu vực phong tỏa ở Đà Nẵng:

Theo thống kê của Thành Đoàn Đà Nẵng, chương trình Tình nguyện chống dịch COVID-19 đã nhận được 5.205 lượt đăng ký chỉ sau 1 ngày phát động. Hàng ngàn đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đã hăng hái nhận nhiệm vụ tại các khu cách ly, các chốt trực, các đội tuyên truyền... trên khắp thành phố.

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã quyết định vận động sinh viên chuyển sang ở khu vực khác, nhường phòng cho nhiệm vụ phòng, chống dịch. 
 

Số người cách ly tập trung liên tục tăng khiến cho công việc phục vụ người cách ly ngày một nặng nề. Chính vì vậy, nhiều bếp ăn từ thiện được thành lập, dưới sự cho phép của Chính quyền thành phố, để cung cấp suất ăn miễn phí cho các khu cách ly. Các bếp ăn này được tổ chức hoàn toàn theo dạng cộng đồng: tình nguyện viên góp sức, nhà hảo tâm góp của, nhà tài trợ góp tiền... để có những suất ăn an toàn, thấm đậm tình người giữa mùa dịch.

Suất ăn miễn phí cho khu cách ly được chế biến theo quy trình sạch sẽ, an toàn, đảm bảo phòng dịch. 

Dịch COVID-19 đã khiến cho bà Nguyễn Trúc Chi (chuyên gia tư vấn lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, quán cafe) không thể quay về Thành phố Hồ Chí Minh sau khi kết thúc khóa đào tạo cho các học viên Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua. Chứng kiến thành phố đương đầu với dịch bệnh, bà muốn chung tay, góp sức với người dân Đà Nẵng. Bà Trúc Chi muốn tổ chức những bếp nấu từ thiện tươi ngon, vệ sinh, và quan trọng nhất là đúng quy định phòng, chống dịch để cung cấp miễn phí.

Nghĩ là làm, bà Chi và những người bạn Đà Nẵng đã tập trung lại và lập một nhóm thiện nguyện với tên gọi Đà Nẵng Kitchen, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để làm bếp từ thiện. Đà Nẵng Kitchen đã vận động được địa điểm nấu nướng là một nhà hàng lớn trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) và được UBND quận Sơn Trà kiểm tra, quyết định đồng ý cho hoạt động ngày 31/7. Từ ngày 1/8, bếp từ thiện này chính thức hoạt động với vài trăm suất ăn. Đến nay, bếp đã phục vụ tới 3.000 suất ăn mỗi ngày, với sự chung tay của một cộng đồng trên 400 người, nhân sự trực tiếp tham gia sản xuất khoảng 50 người.

Bà Nguyễn Trúc Chi cho biết: “Thời gian qua, rất nhiều nhóm thiện nguyện muốn nhanh chóng được đóng góp, ủng hộ cho các y, bác sỹ ở tiền tuyến. Nhưng nếu thực phẩm được đưa vào bệnh viện mà không đảm bảo quy trình vệ sinh sẽ dễ mang những mối họa khó lường. Chúng ta đang đối mặt với virus chứ không phải là thiện nguyện thông thường, nên cần tuyệt đối an toàn cho người dùng lẫn người làm công tác thiện nguyện. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, đề ra và thực hiện theo quy chuẩn nghiêm ngặt, đã xin được cơ quan chức năng kiểm tra và cấp phép trước khi triển khai”.

Bà Nguyễn Trúc Chi, người kêu gọi thành lập và quản lý bếp nấu các suất ăn miễn phí cho khu cách ly. 

Theo quan sát của phóng viên, các quy định về an toàn của bếp được tuân thủ như: chỉ những người có phận sự mới được vào khu vực bếp chế biến, trước khi vào bếp phải rửa tay, đeo găng tay nilon. Đồ ăn được chế biến theo quy trình khắt khe, đóng gói kín, người vận chuyển mang bao tay và kính chắn giọt bắn... Các thành viên chính của bếp được khám sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định. Đặc biệt, các suất ăn dành cho bệnh nhân được đưa qua hệ thống Đèn diệt khuẩn tia UV trước khi đóng hộp và vận chuyển.

Tuy phải dậy từ 3 giờ sáng mỗi ngày, chỉ huy liên tục một cộng đồng hàng trăm người, nấu hàng ngàn bữa ăn, nhưng bà Nguyễn Trúc Chi vẫn mong muốn mở rộng thêm các bếp khác để có thể cung ứng nhiều suất ăn hơn. “Hiện tại, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp hơn, mình muốn chuẩn hóa quy trình nấu bếp phục vụ riêng công tác phòng chống dịch. Để các nhóm, hội khác, các địa phương khác có thể dễ dàng thiết lập và vận hành các bếp ăn như thế này trong tương lai” - bà Trúc Chi chia sẻ.

Đã chục ngày nay, ông Phan Minh Đồng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Phước 6 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) có thêm nhiệm vụ tổng kết và báo cáo dữ liệu hoạt động của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng khu dân cư Đa Phước 6. Đây là nhiệm vụ mới, sau 5 năm làm Bí thư Chi bộ của ông Đồng. 

Khu dân cư Đa Phước 6 là nơi thường trú của bệnh nhân số 416, ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng trong đợt dịch này. Tổ phòng, chống dịch cộng đồng của khu dân cư đã được thành lập ngay sau khi Bộ Y tế công bố về ca bệnh số 416. Tổ gồm trên 20 người, với nhiệm vụ chính là kiểm tra thân nhiệt, lấy lời khai y tế và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ người dân trong khu dân cư.

Những phần quà hỗ trợ được kịp thời chuyển tới các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực phong tỏa. 

Ông Đồng cho biết, hiện người dân trong tổ dân phố đang chấp hành rất tốt quy định cách ly tại nhà và khai báo với Tổ phòng, chống dịch cộng đồng. Nhờ kiểm soát tốt, tâm lý bà con ổn định, thoải mái nên trong thời gian cách ly xã hội, khu dân cư Đa Phước 6 vẫn yên ả, bình dị như các khu khác trong toàn thành phố Đà Nẵng.

Tổ dân phố 37 (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) có hơn 30 hộ nằm trong khu vực bị phong tỏa. Đây là khu vực sát với Bệnh viện Đà Nẵng, nơi phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 nhất cho đến thời điểm này. Bà Nguyễn Thị Vân, Tổ phó Tổ dân phố 37 cho biết: Phần lớn người dân trong khu vực có kinh tế ổn định, nên việc phong tỏa không quá ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một số hộ khó khăn đã được các hộ còn lại hỗ trợ, giúp đỡ với tinh thần “là lành đùm lá rách”, sẻ chia nhau từng bát gạo, từng chai mắm. Ngoài ra, các cấp, các hội đoàn thể cũng thường xuyên tặng quà, hỗ trợ các hộ khó khăn, gia đình chính sách, đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau.”

Chị Nguyễn Mỹ Phương (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết vợ chồng chị có hai bé gái, một bé 8 tuổi và một bé hơn 3 tuổi, bố các bé đi làm xa nhà. Thời gian này, chị dành cả ngày vào việc hướng dẫn các con tự chăm sóc bản thân và tự làm việc nhà. Mỗi ngày, cả 3 mẹ con cũng dành thời gian để xem bản tin tình hình dịch bệnh trên truyền hình. Các bé rất quan tâm và có ý thức tốt về phòng, chống dịch.

Cuộc sống bình lặng của người dân Đà Nẵng trong khu vực phong tỏa.

Gia đình chị Trần Thị Tuyến, anh Vũ Thìn đã chuyển từ Hà Nội vào định cư tại thành phố Đà Nẵng được khoảng 5 năm. Trải qua 2 đợt cách ly xã hội tại Đà Nẵng, anh chị dành hết thời gian để cùng hai con trai chơi và học tại nhà. Anh Thìn làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, có vốn tiếng Anh rất tốt. Do vậy, anh nhận nhiệm vụ luyện tiếng Anh và tập thể dục tại nhà cho các con. Chị Tuyến tranh thủ thời gian này để dạy con trai lớn nấu ăn những món cơ bản, học vẽ cùng con út, hướng dẫn các con chăm sóc bà nội đã già yếu... Hai con trai có sở thích hát và chơi đàn ghita, piano, anh chị dành nhiều thời gian hơn để nghe các con ca hát, động viên và khuyến khích các con dành nhiều thời gian cho âm nhạc.

Còn gia đình anh Phạm Thanh Hưng ở phía sau ngôi nhà nằm trên đường Quang Trung (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bị phong tỏa, gia đình cũng nghiêm túc ở nhà, chỉ ra ngoài khi lấy lương thực, thực phẩm gửi người quen mua hộ. Anh Hưng cho biết: “Chúng tôi vẫn ổn. Tất cả bà con thành phố hãy tin tưởng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của chính quyền, để dịch bệnh sớm được kiểm soát”.

Đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân trên cả nước đã gửi nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho đội ngũ nhân lực ngành y tế và bệnh nhân ở Đà Nẵng. 

Trở lại với câu chuyện của chị Bùi Minh Hằng, người vợ của bác sỹ trong Bệnh viện Đà Nẵng. Không lo lắng, bất an mà chị còn lại rất tự tin: “Đây là lần thứ hai đi chống dịch, anh đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức tự bảo vệ bản thân, nên mình tin tưởng anh ở trong đó sẽ ổn. Đây là giai đoạn mà mỗi người dân cần tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền, đảm bảo sức khỏe bản thân và mong chờ vào sức mạnh của tập thể".

Chị đã hẹn anh khi dập dịch xong về, chị sẽ làm một bữa hải sản thật ngon cho cả nhà. Và cả gia đình sẽ trở về với “trạng thái bình thường mới”, khi anh, khi người Đà Nẵng, khi cả Việt Nam đã một lần nữa ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân trên cả nước đã gửi nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ cho đội ngũ nhân lực ngành y tế và bệnh nhân ở Đà Nẵng. 

Trong quá khứ, thành phố biển có vị trí chiến lược này đã nhiều lần bị giặc ngoại xâm tấn công và chiếm đóng, nhưng cũng từng đấy lần dân tộc Việt Nam đã vẻ vang chiến thắng, bảo vệ chủ quyền đất nước. Lần này, tinh thần “chống dịch như chống giặc” một lần nữa được khơi dậy ở mỗi người dân Đà Nẵng. Những chiếc khẩu trang đã che kín gần hết khuôn mặt, nhưng trong ánh mắt từng người dân Đà Nẵng, luôn hừng hực những ý chí, nghị lực, quyết tâm: “Đà Nẵng ơi, sẽ ổn thôi!”.

Bệnh viện ngoài công lập Đà Nẵng chia lửa điều trị bệnh nhân COVID-19:

Bài: Quốc Dũng; Biên tập: Hoàng Linh
Ảnh: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Hà Nguyễn

07/08/2020 08:00