Sáng 10/8 (theo giờ Việt Nam), con số thống kê tổng ca bệnh COVID-19 toàn cầu trên trang worldometers.info đã nhích qua 20 triệu, đánh dấu một cột mốc buồn. Đại dịch COVID-19 khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, để rồi sau đó lây lan và làm đảo lộn thế giới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Vũ Hán. Ảnh: AFP

Theo tờ Wall Street Journal, ngày 10/12/2019, bà Wei Guixian, một tiểu thương bán hải sản ở chợ Hua’na, Vũ Hán, bị bệnh. Nghĩ rằng mình bị cảm lạnh, bà ra phòng khám nhỏ gần nhà để khám bệnh và trở lại làm việc. Trong hai ngày liền, bà tới phòng khám ngay bên kia đường để truyền kháng sinh. Bà nói: “Cách này khá hiệu quả với bệnh cảm lạnh thông thường”. 

Tuy nhiên, tới ngày 12/12, bà Wei không đỡ và vội tới Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán. Tại đây, bác sĩ bảo bà có triệu chứng giống viêm đường hô hấp. Bác sĩ cho bà về nhà uống thuốc và trấn an “không cần lo”. Sau đó, bà lại tới phòng khám gần nhà để truyền thêm kháng sinh. Vẫn không có tác dụng.

Tám ngày sau, người phụ nữ 57 tuổi này mê man trên giường bệnh. Bà Wei, giới chức y tế Trung Quốc khi đó không hề biết rằng những gì đang diễn ra chính là dấu mốc đầu tiên của một đại dịch làm chao đảo thế giới.

Virus đã từ Vũ Hán lan ra khắp 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: THX

Gần ba tuần liền, các bác sĩ cố gắng tìm ra mối liên quan giữa bà Wei và các ca bệnh khác, trong đó nhiều người buôn bán ở chợ Hua’nan, thành phố Vũ Hán. Các bệnh nhân đều có cùng triệu chứng, đều chỉ tới phòng khám nhỏ chữa bệnh. Khi tìm ra mối liên hệ, họ đã cách ly bà Wei và những người nhiễm bệnh.

Bà là một trong những ca đầu tiên bị nghi nghiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã làm tê liệt toàn thế giới và đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. COVID-19 đã hoành hành khắp nơi, khiến trên 734.000 người tử vong.

Khi virus lây khắp thế giới, nó vươn tới 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ở mọi châu lục trừ Nam Cực. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi COVID-19 là đại dịch. Chỉ từ một chùm ca bệnh viêm phổi bất thường ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019, virus lạ đã lan ra khắp Trung Quốc, có mặt tại toàn bộ 31 tỉnh.

Theo ABC News, ca COVID-19 đầu tiên ngoài Trung Quốc được phát hiện ở Thái Lan ngày 15/1, sau đó lan ra Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Mỹ.

Vào tháng 3, châu Âu là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Ngày 5/3, một nửa tổng số ca bệnh mới của thế giới là người dân châu Âu. Tại thời điểm tồi tệ nhất, châu Âu chiếm tới 80% ca bệnh mới hàng ngày của toàn thế giới.

Hàng trăm triệu người châu Âu đã bị phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh. Tình hình ở Italy khi đó nghiêm trọng nhất khi COVID-19 nhấn chìm hệ thống y tế miền bắc nước này. Khi các ổ dịch ở châu Âu gồm Italy, Anh, Tây Ban Nha, Pháp bớt nghiêm trọng dần thì Nga lại thành điểm nóng mới.

Hình ảnh tang thương về đại dịch trên thế giới. Ảnh: TTXVN

SARS-CoV-2 không quan tâm tới biên giới lãnh thổ, nước giàu hay nghèo và tới tháng 4, thế giới có tâm dịch mới: nước Mỹ - quốc gia vẫn là điểm nóng COVID-19 nghiêm trọng nhất từ đó tới nay.

Virus lây lan không kiểm soát khắp “xứ sở cờ hoa” tới mức số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã vượt tổng số ca ở châu Âu. Tính tới nay, Mỹ ghi nhận trên 5,2 triệu ca bệnh, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca bệnh toàn cầu.

Từ đó tới nay, thế giới tiếp tục xuất hiện nhiều điểm nóng COVID-19 mới, chủ yếu là ở Mỹ Latinh và một số nước châu Á. WHO đã tuyên bố Nam Mỹ là tâm dịch mới hồi cuối tháng 5. Cùng thời điểm này, số ca mắc hàng ngày ở Brazil đã nhiều hơn Mỹ và nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tính tới ngày 10/8, Brazil đã có trên 3 triệu ca bệnh và trên 101.000 ca tử vong. Các nước Mỹ Latinh khác như Mexico, Peru, Colombia và Chile đều nằm trong nhóm 10 nước có số ca mắc nhiều nhất thế giới.

Tại châu Á, Ấn Độ hứng chịu dịch COVID-19 muộn hơn, song nay đang chịu tác động mạnh nhất với trên 2,2 triệu ca. Quốc gia này chỉ xếp sau Mỹ và Brazil về tổng số ca bệnh. Trong mấy ngày gần đây, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới khi vượt cả Mỹ và Brazil.

Tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh cũng đã lan ra toàn bộ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng với mức độ ít nghiêm trọng hơn các khu vực khác. Trong tổng số trên 5 triệu ca bệnh ở châu Á, chỉ có trên 324.000 ca bệnh ở Đông Nam Á. Dịch bệnh chủ yếu lây lan mạnh ở Philippines và Indonesia - hai quốc gia có trên 100.000 ca mắc. Tính tới ngày 10/8, Philippines ghi nhận 136.638 ca mắc và 2.294 ca tử vong; Indonesia có tổng cộng 127.083 ca mắc và 5.765 ca tử vong.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Port Elizabeth, Nam Phi ngày 10/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Nam Phi, Ai Cập và Nigeria là các nước có nhiều ca mắc nhất châu Phi. Khi cả châu lục có trên 1 triệu ca bệnh thì chỉ riêng Nam Phi đã chiếm hơn một nửa với gần 560.000 ca mắc tính tới ngày 10/8. Số ca tử vong của Nam Phi cũng chiếm gần một nửa tổng số của cả châu Phi.

Tất cả những con số trên cho thấy một điều rằng tốc độ lây lan của virus tăng ngày một nhanh. Mất 45 ngày để tổng số ca bệnh toàn cầu tăng từ 2 triệu lên 6 triệu ca. Mất 28 ngày để con số đó tăng lên 10 triệu ca. Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu ca, virus cần hơn 40 ngày. 

 

Đấy chỉ là những con số thống kê, còn trên thực tế, các chuyên gia cho rằng số ca lây nhiễm và tử vong còn nhiều hơn nhiều. 

Các chuyên gia đều đánh giá virus SARS-CoV-2 sẽ không thể biến mất sớm, thậm chí không bao giờ biến mất. Do đó, chiến đấu với COVID-19 sẽ là cuộc chiến trường kỳ của toàn thế giới. Giờ đây, thế giới không còn đặt vấn đề là làn sóng dịch thứ nhất hay thứ hai nữa, bởi vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và luôn thường trực bùng phạt bất cứ khi nào nếu mọi người lơ là, chủ quan.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo về dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo WHO, trong khoảng 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày lại có thêm 250.000 ca mắc mới. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch này là cuộc khủng hoảng cả thế kỷ chỉ có một, với những “di chứng” sẽ còn kéo dài nhiều thập niên tới. Nhiều quốc gia tin rằng đã qua thời kỳ đỉnh dịch nay lại tiếp tục chứng kiến những đợt bùng phát mới, trong khi có những quốc gia chịu ít tác động hơn trong những tuần đầu dịch bệnh lây lan thì nay đang ghi nhận số ca mắc mới và tử vong gia tăng mạnh. 

Đầu tháng 6, khi hầu hết các quốc gia đều đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế thì số ca mắc mới trên toàn cầu cũng bắt đầu tăng mạnh, thường trực ở mức hơn 100.000 ca/ ngày. Đến đầu tháng 7, số ca mắc mới tăng lên hơn 200.000 ca/ngày và đỉnh điểm là ngày 31/7, ghi nhận con số cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, trên 293.000 ca. 

Theo WHO, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là hầu hết các quốc gia đã nới lỏng hạn chế, rục rịch mở cửa trở lại kinh tế và xã hội sau vài tháng phong tỏa gây nhiều thiệt hại. Người dân sau thời gian dài ở nhà nay được tự do ra ngoài và tụ tập, một bộ phận không nhỏ có tâm lý chủ quan. Thế giới muốn thay đổi nhưng chủng virus gây chết người vẫn đang hiện diện, biến đổi và lây lan với mức độ nguy hiểm không hề thuyên giảm. Đây đều là những điều kiện khiến làn sóng dịch bệnh lại dâng lên sau một khoảng thời gian tạm lắng. WHO đánh giá đây là lúc dịch bệnh bước sang “giai đoạn nguy hiểm mới”. Nó như một cơn sóng thần – âm thầm nhưng tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt vô cùng lớn.

Đặc phái viên về COVID-19 của WHO David Nabarro nhận định đây là thời điểm dịch bệnh bắt đầu tấn công những cộng đồng dân cư đông đúc và nghèo khó, vốn là nhóm dễ bị tổn thương trong mọi cuộc khủng hoảng, ở các quốc gia đang phát triển. Virus SARS-CoV-2 tìm được điều kiện lý tưởng để lây lan trong những hộ gia đình sống trong những không gian chật hẹp, thiếu thốn mọi điều kiện vệ sinh, và việc phải ra đường kiếm sống, thường xuyên phải tiếp xúc xã hội để duy trì các bữa ăn hằng ngày là điều không thể tránh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc y tế còn hạn chế ở nhiều nước như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi… càng khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Guwahati, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài ra, tại nhiều quốc gia, áp lực ngày càng gia tăng do các biện pháp hạn chế và phong tỏa đối với nền kinh tế vốn đã không vững mạnh buộc các chính phủ phải tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại, dù nguy cơ dịch bệnh vẫn cao. Bên cạnh đó, những cản trở chính trị cũng góp phần khiến số ca mắc gia tăng, một vấn đề đặc biệt rõ ràng tại các quốc gia phát triển.

Tại Mỹ hay Brazil, nguyên nhân chính khiến những quốc gia này chưa kiềm chế được dịch bệnh được cho là do thiếu biện pháp phòng và xử lý dịch nhất quán, các bang tự áp dụng biện pháp riêng, việc đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội vẫn còn là những vấn đề gây tranh cãi. Tổng Giám đốc WHO từng cảnh báo “mối đe dọa lớn nhất có thể không phải là virus SARS-CoV-2 mà lại là sự thiếu đoàn kết và thiếu vai trò dẫn dắt toàn cầu”.

Theo WHO, kể cả với các quốc gia đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, nguy cơ vẫn thường trực và song hành cùng nỗ lực đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường, bởi vậy công tác chống dịch vẫn cần coi trọng. Tại châu Âu, nhờ những bước đi thận trọng trong kế hoạch mở cửa trở lại và các biện pháp giãn cách được người dân tuân thủ khá đồng đều, tới nay hầu hết các nước dù ghi nhận số ca mắc mới tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, số ca mắc mới ở nhiều nơi gia tăng khiến chính quyền phải tái áp đặt biện pháp hạn chế theo khu vực. 

Trong thời gian tới, WHO dự báo châu Phi có thể trở thành điểm nóng. Tới nay, nhiều khu vực tại châu Phi, nhất là những cộng đồng chưa thực sự kết nối đều đặn với thế giới bên ngoài, vẫn chưa ghi nhận sự gia tăng mạnh, song tình hình có thể diễn biến tồi tệ hơn trong vài tháng tới, khi virus lan tới những nơi hẻo lánh này. Không ít ý kiến quan ngại rằng việc thiếu phương tiện xét nghiệm trên diện rộng khiến tình hình dịch bệnh ở châu Phi chưa thực sự sáng tỏ. 

Giới chuyên gia cũng ngày càng lo ngại trước thực tế rằng không có bằng chứng nào cho thấy dịch bệnh sẽ sớm thuyên giảm. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm, Giáo sư Michael Osterholm ở Đại học Minnesota (Mỹ) mô tả dịch COVID-19 cứ nóng dần lên như “cháy rừng”. Hồi tháng 4, chuyên gia này từng dự báo dịch bệnh sẽ diễn biến theo từng đợt, theo dạng các làn sóng. Tuy nhiên, hiện ông nhận định không có làn sóng dịch bệnh mới hay cũ mà chỉ có một làn sóng duy nhất ngày càng dâng cao, hay có thể mô tả giống như một đợt cháy rừng xảy ra trong dài hạn và thế giới đang ở giữa đám cháy đó, chứng kiến trong cùng một thời điểm có những chỗ lửa bùng lên và có những chỗ lửa đang dịu xuống, nhưng có thể bùng lại bất kỳ lúc nào.

Trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp và khó lường, WHO đã quyết định duy trì Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời cảnh báo cuộc chiến chống dịch nhiều khả năng sẽ kéo dài. 

Thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Sao Paulo, Brazil, ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/TTXV

Khi virus hoành hành ngày càng dữ dội, mọi hy vọng trị dồn về vaccine. Cuộc chạy đua phát triển vaccine phòng COVID-19 nóng lên trên toàn cầu từ những ngày đầu. 

Theo tờ New York Times, tới nay, các nhà nghiên cứu ở 150 quốc gia đang phát triển ít nhất 165 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó 29 loại đang được thử nghiệm trên người.

Thông thường, vaccine mất nhiều năm mới nghiên cứu và thử nghiệm xong, nhưng các nhà khoa học đang tăng tốc để đạt mục tiêu có vaccine an toàn, hiệu quả vào năm 2021.

Đồ họa "Thế giới tiến gần đến vaccine COVID-19 ở mức nào?". Nguồn: TTXVN

Cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người bắt đầu từ tháng 3, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn chưa chắc chắn. Một số thử nghiệm sẽ thất bại, một số thử nghiệm sẽ không có kết quả rõ ràng. Sẽ chỉ có vài vaccine thành công trong kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể hiệu quả chống virus.

Một số ứng viên vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối sau khi cho kết quả khả quan khi thử nghiệm trên người.

Toàn thế giới bước vào cuộc chạy đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: TTXVN

Đầu tiên là vaccine do Đại học Oxford của Anh kết hợp với tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phát triển. Vaccine này đã tạo ra phản ứng miễn dịch ở những người khỏe mạnh tham gia thử nghiệm tuổi từ 18 đến 55. Các nhà nghiên cứu cho biết vaccine không gây ra mối lo ngại về an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh nhất ở người bệnh sau khi dùng hai liều.

Vaccine của Oxford không chứa virus SARS-CoV-2 thực sự mà chỉ có vật liệu gien từ virus chết hoặc đã bị làm yếu. Vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba, lớn nhất là cũng là giai đoạn cuối. Nếu có thể chứng minh tính hiệu quả và an toàn, Oxford và AstraZeneca có thể xin cấp phép cho loại vaccine này. AstraZeneca cho biết định sản xuất 2 tỷ liều trên cơ sở phi lợi nhuận. Tập đoàn này hy vọng có vaccine vào đầu năm 2021.

Ứng viên vaccine thứ hai là của công ty Mỹ Moderna. Moderna kết hợp với Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm lần cuối và muốn thu hút khoảng 30.000 người tham gia từ 89 khu vực khắp nước Mỹ vào cuối tháng 9.

Dữ liệu từ cuộc thử nghiệm dự kiến có vào tháng 11 và tháng 12. Moderna hồi tháng 7 thông báo rằng người trưởng thành khỏe mạnh sau khi được tiêm vaccine trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên đã tiếp nhận khá tốt và đều tạo ra kháng thể trung hòa.

Phương pháp phát triển vaccine của Moderna dựa trên RNA thông tin, sử dụng vật liệu gien được sao chép từ SARS-CoV-2 để bắt chước quá trình lây nhiễm của virus này và tạo ra phản ứng miễn dịch. Nếu thành công, vaccine của Moderna sẽ là vaccine đầu tiên sử dụng RNA thông tin ở người.

Công ty này thông báo trong tháng 8 rằng sẽ chủ yếu bán vaccine với giá dưới 40 USD/liều. Chủ tịch Moderna phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 rằng ông sẽ không hứa bán vaccine phi lợi nhuận. 

Một ứng viên vaccine tiềm năng khác là do tập đoàn dược Pfizer của Mỹ phối hợp với công ty Đức BioNTech và công ty dược Trung Quốc Fosun Pharma phát triển. Pfizer có một số ứng viên vaccine và một trong số đó là BNT162b2 đã được thử nghiệm kết hợp giai đoạn 2 và 3 trong tháng 7. Pfizer cũng dùng RNA thông tin để phát triển vaccine như Moderna. 

Nhân viên y tế nghiên cứu mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thông tin quan trọng về vaccine nữa tới từ nước Nga. Thứ trưởng Bộ Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết Nga sẽ đăng ký cấp phép cho mẫu vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào ngày 12/8 tới. Mẫu vaccine của Nga đang được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Dự kiến, Nga sẽ tiêm vaccine phòng SARS-CoV-2 cho toàn dân từ tháng 10. 

Trong khi các nhà khoa học phát triển vaccine thần tốc, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn của Nhà Trắng về COVID-19 ngày 7/8 nhận định: “Cơ hội vaccine hiệu quả tới 98% là không cao, điều đó có nghĩa là mọi người không bao giờ được từ bỏ cách tiếp cận y tế công cộng”. Theo ông Fauci, các nhà khoa học hy vọng vaccine ngừa COVID-19 ít nhất hiệu quả tới 75%, nhưng 50 hoặc 60% là có thể chấp nhận được. Mỹ cho biết sẽ cấp phép cho vaccine miễn là nó an toàn và hiệu quả ít nhất 50%.

Còn theo WHO, do virus SARS-CoV-2 đã biến chủng, để có một loại vaccine phòng ngừa hiệu quả và an toàn, cần có thời gian. Trong lúc đó, cuộc chiến chống COVID-19 vẫn chủ yếu dựa vào ý chí con người, dựa vào các biện pháp chống dịch quyết liệt của từng chính phủ và dựa vào ý thức cá nhân của mỗi công dân. 

Bài: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh

10/08/2020 07:33