"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", công tác tổ chức cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
__________________________

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực trong công việc của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Bác nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", bởi cán bộ chính là “những người đem đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước giải thích cho nhân dân hiểu rõ và thi hành; đồng thời nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại với Ðảng, Nhà nước hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Do đó, "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Ngay trong thời gian chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã đặt công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ lên hàng đầu; tập hợp những thanh niên yêu nước, mở các lớp huấn luyện để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng do Bác vạch ra. Bác đã biên soạn tài liệu và trực tiếp tham gia giảng dạy. Những cán bộ do Bác đào tạo sau này đã trở thành những cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào cách mạng ở nước ta.

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã nêu rõ quyết tâm đấu tranh chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy nhà nước. Bác kịch liệt phê phán những khuyết điểm của các cán bộ: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, trong các giai đoạn sau này, công tác cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác tổ chức cán bộ càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn.

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Bài viết đã nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, đề cập phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ XIII và giai đoạn sắp tới, khái quát hóa những vấn đề lý luận và sâu sát chỉ đạo thực tiễn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và khát vọng phát triển, đi lên của cả dân tộc, thu hút sự quan tâm, đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bài học được đặt lên hàng đầu trong số 5 bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong bài viết.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác cán bộ được Đảng luôn chú trọng triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Công tác cán bộ được nhấn mạnh trong các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Thông báo, Quy định..., gần đây nhất là: Nghị quyết 03-NQ/TW năm 1997 về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”… 

Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón chào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Ðảng, trong đó có công tác cán bộ. Chỉ tính trong ba năm đầu của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 130 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong các quy định, quy chế về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, có nhiều nội dung mới, lần đầu tiên được ban hành và thực hiện, đã tạo một số chuyển biến tích cực, khá toàn diện, đồng bộ và có tính đột phá trong công tác cán bộ, như Thông báo số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư về xác định tuổi của đảng viên căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh ghi trong hồ sơ kết nạp Ðảng là hồ sơ gốc, đã chấm dứt được tình trạng "sửa tuổi","chạy tuổi" của cán bộ đã diễn ra trong nhiều năm trước đây. Hay Quy định số 102-QÐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định xử lý kỷ luật đảng viên có thời hiệu, kể cả khi cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, đã khắc phục đáng kể những biểu hiện "tư duy nhiệm kỳ" của một số cán bộ và quan niệm của nhiều người cho rằng khi đã nghỉ hưu là "hạ cánh an toàn"…

Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà, qua hơn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành, nghề và lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn. Nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý được quy hoạch ở các cấp khá dồi dào, bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững của đội ngũ cán bộ.

Các chiến sĩ Vùng 2 Hải quân trang trí, tuyên truyền, cổ động bằng pa nô về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhìn chung, đa số cán bộ có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gương mẫu; có ý thức rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp có phẩm chất, năng lực và uy tín, nhất là cán bộ cấp chiến lược có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hầu hết cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Nhiều cán bộ khoa học tâm huyết, say mê nghiên cứu, có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước. Một số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước đã thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua.

Các chiến sĩ Vùng 2 Hải quân trang trí pa nô về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm" để làm trong sạch đội ngũ cán bộ cũng được Trung ương chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng và quyết liệt, với tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Nhiều vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp kéo dài, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã được chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ để phòng ngừa sai phạm. Ðồng thời, khẳng định quyết tâm chính trị của Ðảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Những kết quả của công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp đã góp phần quan trọng cho sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua và công tác chuẩn bị nhân sự cho Ðại hội XIII của Ðảng sắp tới.

12 cán bộ cấp cao bị kỷ luật Đảng trong năm 2020:

Có thể nói rằng, kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã góp phần quan trọng làm cho Ðảng ta đoàn kết, thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường hơn; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững

Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Trung ương quyết định tại Hội nghị lần thứ 14, khóa XII là nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Công việc hệ trọng này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết.

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Để có được kết quả với sự đồng thuận rất cao của các đồng chí Trung ương trong quyết định một vấn đề rất quan trọng - công tác nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ tới là cả một quá trình chuẩn bị rất bài bản, công phu, cẩn trọng thể hiện qua lộ trình thực hiện khoa học, kỹ lưỡng. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII cho biết, lần đầu tiên Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2025; ban hành Kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2025, trong đó nhấn mạnh “Phương châm của quy hoạch là làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, khác với trước đây, lần này không quy hoạch cho nhiều khóa mà chỉ tập trung quy hoạch cho khóa tới (2021-2025). Quy hoạch lần này không làm đồng thời các chức danh mà từng bước, nghĩa là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Để cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này nêu rõ tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể với Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư… Quy định 90 đến đầu năm 2020 được sửa đổi, bổ sung thành Quy định 214. Quy định này nêu, Tổng Bí thư phải là người “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.

Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (tháng 12/2018) đã cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ 2021-2025 để Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đây là những cán bộ lần đầu được giới thiệu vào Trung ương.

Tới Hội nghị 12 (tháng 5/2020), Trung ương đã quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thảo luận về tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự liên quan.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông cho biết, tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình. Hội nghị Trung ương 13, khóa XII (tháng 10/2020), tiếp tục xem xét công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông cho biết từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tính đến 20/8/2020, đã có 116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 Ủy viên Trung ương đương nhiệm (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Trung ương khóa mới; 107 người lần đầu tham gia Ủy viên chính thức và 44 người tham gia Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XIII.

Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương liên quan thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 2/11, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Và kết quả của Hội nghị Trung ương 14 khóa XII (tháng 12/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý là vấn đề cực kỳ hệ trọng bảo đảm sự thành công của Đại hội. “Phải có nhận thức sâu sắc, dày công chăm lo cho công tác này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thực hiện đúng nguyên tắc, tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, làm đến đâu chắc đến đó" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Nhất trí cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII:

Bài: Minh Duyên - Quỳnh Hoa
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Quốc Bình

16/01/2021 06:05