Từ cuối tháng 7, đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, với tính chất nguy hiểm hơn, tác động sâu sắc mọi mặt đời sống đất nước. Trong bối cảnh đó, các cấp ủy Đảng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Đến cuối tháng 8/2020, các đảng bộ trên cả nước đã cơ bản hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phát huy dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm.
Tính tới thời điểm này, hầu hết các địa phương trong cả nước như Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Hà Nội, Cao Bằng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Bến Tre, Tây Ninh... đã hoàn thành đại hội cấp trên cơ sở. Công tác chuẩn bị đại hội được các cấp ủy triển khai bám sát Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, trong đó hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ đại hội là chuẩn bị văn kiện và chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới được đặc biệt chú trọng.
Từ ngày 19/5 đến ngày 30/6, Tỉnh ủy Lào Cai đã chỉ đạo 14 Đảng bộ trực thuộc (trong đó có 9 Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố) tổ chức xong đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020-2025. Con số ấn tượng này đã giúp Lào Cai ghi dấu mốc hoàn thành đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên cơ sở sớm nhất cả nước.
Đến cuối tháng 7/2020, toàn thành phố Cần Thơ đã tổ chức xong đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch, bao gồm: 9 Đảng bộ quận, huyện; 5 đảng bộ khối, ngành trường học và 1 đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy với tổng số trên 52.000 đảng viên.
Tính đến ngày 18/8, 50/50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025. Nỗ lực này đưa Hà Nội vào nhóm những địa phương hoàn thành đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở sớm trong cả nước, là tiền đề quan trọng hướng tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, tuy đại dịch COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành đại hội, nhưng vượt lên những trở ngại, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, tích cực, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, nổi bật là quy trình nhân sự được chuẩn bị chặt chẽ, công tác tuyên truyền, tổ chức trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không để xảy ra sơ suất.
Đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, không chỉ bảo đảm về tiến độ, các đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở của thành phố Hà Nội còn bảo đảm về chất lượng. Đại bộ phận các đảng bộ đều chuẩn bị rất kỹ về văn kiện, cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, tình hình đảng bộ và phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể thông qua việc lấy ý kiến cán bộ lão thành, các ngành, các giới... Báo cáo chính trị trình Đại hội đánh giá kết quả sát thực tiễn, từ đó xác định cụ thể những phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính khả thi cao. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội của cấp ủy, là nội dung mới trong nhiệm kỳ đại hội 2020-2025 nhưng đã được 50/50 cấp ủy chuẩn bị nghiêm túc, bám sát nghị quyết của cấp ủy, rõ phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Các nội dung, giải pháp thực hiện rõ ràng, có tính khả thi cao gắn với phân công “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ" nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Tại Cần Thơ, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở được chuẩn bị khá chu đáo, nhất là dự thảo báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của cấp ủy, nghị quyết đại hội và dự thảo chương trình hành động của cấp ủy khóa mới. Việc thảo luận các dự thảo văn kiện trình đại hội được thực hiện nghiêm túc trước và trong đại hội. Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định từ khâu rà soát quy hoạch đến việc xây dựng đề án, phương án nhân sự cấp ủy và các chức danh chủ chốt của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy; gắn với chuẩn bị nhân sự lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thành công đại hội cơ sở và cấp trên cơ sở, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhận định yếu tố mấu chốt là chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Qua thực tế bước đầu triển khai đã khẳng định những chỉ đạo đó góp phần vào thành công của các đại hội, trong đó có công tác nhân sự. Theo ông Vũ Đức Bảo, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị từ trước khi đại hội, từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó là việc xử lý các điểm nóng, đơn thư, các vấn đề bất cập… để bước vào đại hội thực hiện đúng tinh thần công khai, dân chủ. Đặc biệt 16 đoàn công tác, 16 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt chính xác diễn biến tình hình, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn từng nội dung đại hội theo đúng tinh thần chỉ đạo. Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy đã lựa chọn chính xác, tổ chức sớm và thành công 3 đại hội điểm đảng bộ cấp trên cơ sở; ngay sau khi hoàn thành tổ chức đã rút kinh nghiệm, phổ biến tài liệu, hướng dẫn, lưu ý những vấn đề liên quan.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đưa được nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Muốn làm được điều đó thì công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng. Chính cán bộ tạo niềm tin để nhân dân triển khai nghị quyết của Đảng. Và lần này, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Dương ghi thẳng vào Nghị quyết là phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ quy trình. "Hiện, chúng tôi cũng đang xây dựng quy chế và chuẩn bị trình báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ, trong đó có thêm quy định, bất cứ đồng chí nào trong một năm có ba nhiệm vụ không hoàn thành thì để người khác làm. Đáng chú ý, Nghị quyết cũng ghi rõ việc tạo điều kiện cho cán bộ đi học nhưng sau khi học về phải đưa ra sáng kiến áp dụng hiệu quả vào thực tiễn thành phố thì mới thanh toán tiền học. Vấn đề này được coi là đốt cháy giai đoạn nghiên cứu để áp dụng luôn vào thực tiễn" - Bí thư Lê Đình Long chia sẻ.
Thí điểm bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại Đại hội là chủ trương được thực hiện tại một số đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, đồng thời phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp. Qua quá trình thí điểm thực hiện trong thực tiễn, nhiều ý kiến đánh giá đây là chủ trương đúng đắn để phát huy dân chủ trong Đảng, đồng thời giúp ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền.
Cách đây hơn một tháng, ngày 25/7, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành việc tổ chức đại hội ở tất cả 20 Đảng bộ cấp trên cơ sở. Đây là kết quả rất ấn tượng bởi so với quy định của Trung ương, Quảng Ninh hoàn thành sớm hơn một tháng với đại đa số các Đảng bộ thực hiện bầu Bí thư cấp ủy trực tiếp tại Đại hội. Trừ Đảng bộ Quân sự tỉnh, 19 Đại hội đã tiến hành bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tín nhiệm cao. Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, việc bầu bí thư cấp ủy trực tiếp tại đại hội là sự phát huy dân chủ trong Đảng, lựa chọn những người thực sự có đức, có tài, đủ tâm, đủ tầm, được cán bộ, đảng viên tín nhiệm để đảm trách nhiệm vụ quan trọng trong Đảng, được nhân dân tin tưởng giao phó.
Trước những thành công bước đầu cũng như kinh nghiệm trong triển khai chủ trương bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho chủ trương Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội.
Thành phố Hà Nội cũng là Đảng bộ có số lượng đảng bộ bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội cao trong cả nước, chiếm 34%. Chia sẻ kết quả trong việc thực hiện chủ trương này của Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phấn khởi cho biết, điều đáng mừng là 17/17 đồng chí được giới thiệu để bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội đều trúng cử với số phiếu cao, trong đó có 6 đồng chí đạt tỷ lệ 100%, thấp nhất đạt tỷ lệ 96,1%.
Qua thực tiễn triển khai, ông Vũ Đức Bảo đánh giá, những nơi nào chuẩn bị kỹ, tốt, tập trung thì đại hội sẽ bầu trực tiếp bí thư. Nếu duy trì thực hiện việc này, sẽ ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền, tăng tính dân chủ. Những người đứng đầu cấp ủy được bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cũng sẽ ý thức trách nhiệm của mình, phát huy những ưu điểm, đồng thời nhìn nhận được những khuyết điểm, hạn chế và có những giải pháp hiệu quả để khắc phục, từ đó sẽ ngày càng hoàn thiện để lãnh đạo tốt hơn trong nhiệm kỳ tới, khẳng định uy tín trước đại hội.
Nhận xét về việc bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, một trong những ưu điểm nổi trội của cách làm này là phát huy được vai trò trực tiếp của đảng viên tham dự đại hội. Để việc bầu trực tiếp ở đại hội thành công, công tác nhân sự phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, mới đảm bảo nhân sự là người thực sự tiêu biểu cho trí tuệ tập thể, trung tâm đoàn kết.
Hà Nội hoàn thành Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở:
Bên cạnh những kết quả thành công về công tác nhân sự tại hầu hết đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở, vẫn còn một số trường hợp, kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ không đúng với Đề án nhân sự được cấp ủy khóa cũ chuẩn bị và cấp ủy cấp trên phê duyệt.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, dư luận xôn xao khi ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai (Hà Nội) nhiệm kỳ 2016 - 2021 không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quốc Oai khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, trường hợp như ông Đỗ Huy Chiến không phải là cá biệt. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025, hồi cuối tháng 5/2020, ông Lê Thanh Thuận, đương kim Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020 và ông Vũ Văn Vân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, đã trượt khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 do không đủ số phiếu bầu. Hay Đảng bộ phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 vào trung tuần tháng 6/2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhiệm kỳ mới gồm 15 người. Ông Hà Xuân Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đồng Phú được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ phường nhưng không trúng cử vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá có hai khả năng dẫn đến tình huống nhân sự dự kiến bầu không trúng cấp ủy, đó là do không được tín nhiệm hoặc có thể có sự mất đoàn kết, chia rẽ trong nội bộ. Trong trường hợp đơn vị đó có sự mất đoàn kết, chia rẽ thì phải thu thập tài liệu, nghiên cứu, điều tra và xử lý vấn đề này. GS.TSKH Phan Xuân Sơn cho rằng, việc nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy không phải điều bất thường bởi trên cơ sở ý kiến của cấp ủy khóa cũ giới thiệu nhân sự nhưng quyền quyết định thuộc về Đại hội.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, các đồng chí chủ chốt không trúng cử thể hiện sự tín nhiệm không cao. Nguyên tắc xử lý tình huống này là phải tôn trọng kết quả của Đại hội. Cũng cùng quan điểm này, Bí thư thành ủy Hải Dương Lê Đình Long nhấn mạnh, cho dù kết quả thế nào cũng phải đảm bảo đúng nguyên tắc bầu cử. Với Hải Dương, ông Lê Đình Long cho biết những đồng chí uy tín giảm sút, ngay từ đầu đã được các đồng chí trong cấp ủy làm việc, trao đổi, vận động, tuyên truyền. Theo đó, có đồng chí cho nghỉ theo quy định, có đồng chí bố trí các vị trí công tác khác, thậm chí vẫn cho tham gia dự đại hội nhưng sau đại hội sẽ phân công công việc. Có những vị trí nhân sự chưa đảm bảo điều kiện sẽ bầu khuyết và sau đại hội, Ban Thường vụ sẽ xem xét để chỉ định bổ sung...
Qua đại hội đảng bộ các cấp, có thực tế là một số đảng bộ không tiến hành bầu chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư); tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành khóa mới thực hiện việc chỉ định bí thư, phó bí thư. Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra trong 3 ngày, từ 9 - 11/8. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu 2 Phó bí Huyện ủy nhiệm kỳ mới và để khuyết vị trí Bí thư Huyện ủy. Trong phiên bế mạc đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Quyết định về việc chỉ định bà Hà Thị Hương, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn; thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, tháng 5/2020, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cẩm Thủy lần thứ XXVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã công bố Quyết định chỉ định ông Lê Văn Trung thôi giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy, nhiệm kỳ 2020-2025. Cuối tháng 7 vừa qua, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Càng Long (Trà Vinh) nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng bầu khuyết vị trí Bí thư Huyện ủy. Sau đó, cũng ngay tại Đại hội, Tỉnh ủy Trà Vinh công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động bà Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Tỉnh đoàn tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chỉ định bà Nga giữ chức Bí thư Huyện ủy Càng Long nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Câu chuyện của Đảng bộ huyện Quan Hóa, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) hay Đảng bộ huyện Càng Long (Trà Vinh) tuy không trái với quy định, nhưng cần tránh gây băn khoăn cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, trước khi thực hiện chỉ định bí thư tại đại hội, các cơ quan chức năng phải tham mưu cho Ban Thường vụ để tiến hành trao đổi, tạo sự thống nhất về nhân sự tại cơ sở. Bà Hoàng Yến nhận định, khi hiểu rõ vấn đề, việc triển khai sẽ đồng thuận, mang lại hiệu quả.
Chú trọng vào khâu trọng yếu là công tác cán bộ của Đảng, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ngành Tổ chức xây dựng Đảng mới đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu phải thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, các quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, đúng người, đúng việc; tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định, nhưng không chọn đúng người, đúng việc”.
Bám sát nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế tiến hành đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, trong thời gian tới các cấp ủy đảng sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội. Trong đó, công tác nhân sự phải được tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phải thực sự đúng người, đúng việc. Đây sẽ là cơ sở để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Khắc phục những tồn tại trong tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở:
Quỳnh Hoa - Kỳ Thư
Ảnh: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Hà Nguyễn
05/09/2020 05:30