Dân dã, không phô trương, dễ chế biến và có thể thưởng thức mọi lúc mọi nơi, bánh mì không chỉ là một món ăn tiện lợi, phổ biến của bao người Việt Nam mà còn là niềm tự hào khi trở thành một trong những món ăn đại diện cho tinh hoa ẩm thực Việt. Bánh mì Việt Nam giờ đây đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, để lại dấu ấn trong nền ẩm thực thế giới.
Ở Việt Nam, những ổ bánh mì đầu tiên đã theo chân người Pháp đến nước ta vào năm 1859 với tên gọi là bánh mì Baguette. Sau đó, dưới bàn tay tài ba của người Việt, những ổ bánh mì mang chất rất riêng của Việt Nam đã ra đời. Ngày nay, món bánh phổ biến này được bán trên khắp các con đường, ngõ phố, từ thành phố lớn đến thôn quê. Bánh mì có thể được tìm thấy từ nông thôn đến thành thị, từ khu phố lao động bình thường đến những trung tâm thương mại sầm uất, từ những vỉa hè, lề phố cho đến khách sạn sang trọng. Trải qua thời gian, bánh mì đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trong nền ẩm thực Việt Nam.
Nguyên liệu chính để làm bánh mỳ Việt nam là bột mỳ, men… với một công thức riêng để cho ra những chiếc bánh vỏ giòn, ruột xốp, mềm, có mùi thơm đặc trưng mà chỉ ngửi thôi đã thấy hấp dẫn. Đây cũng chính là đặc điểm tạo nên bản sắc riêng của bánh mì Việt Nam so với bánh mỳ phương Tây.
Một yếu tố khác phải kể đến để làm nên độ ngon của bánh mì Việt chính là nhân bánh. Thuở ban đầu, bánh mì Việt Nam chỉ được kẹp với thịt và một số gia vị, không có rau. Tuy nhiên, ngày nay, với khả năng biến tấu vô hạn, bánh mì Việt Nam còn được kẹp với rất nhiều loại nhân khác nhau như: pa tê, xúc xích, giò lụa, xíu mại, thịt lợn quay, lạp xưởng, thịt gà xé, chả cá, thịt nguội, bơ Pháp, sốt mayonnaise, dưa chuột, rau mùi, dưa góp... Từng thành phần được cho vào ổ bánh mì đều góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của món ăn này.
Cách chế biến bánh mì không cầu kỳ, trước tiên, những ổ bánh vàng ươm sẽ được nướng lại cho thật giòn trước khi cho nhân vào. Sau đó, người ta sẽ xẻ một đường dọc theo thân bánh, rồi lần lượt cho nhân vào, cuối cùng rưới nước xốt và tương ớt lên là có thể thưởng thức.
Nhưng điểm thú vị nhất là đi dọc ba miền đất nước, mỗi nơi lại có một phiên bản bánh mì với hương vị khác nhau, tùy vào phần nhân được kẹp bên trong. Có thể kể đến như: bánh mì thịt nướng (Hà Nội), bánh mì phá lấu (TP Hồ Chí Minh), bánh mì que (Hải Phòng), bánh mì ép (Thừa Thiên - Huế), bánh mì xíu mại (Đà Lạt), bánh mì chả cá (miền Trung)…
Bánh mì Hà Nội kiểu truyền thống chỉ gồm chút bơ, pate gan, thêm chút ruốc, xá xíu, vài lát giò, chả thái mỏng. Rau ăn kèm thường có rau mùi, dưa chuột; xốt dùng sẽ là tương ớt xay kiểu truyền thống hay dùng ăn phở, cay xé lưỡi. Nhưng chiếc bánh mì truyền thống Hà Nội vẫn ngon đến kinh ngạc, bởi độ giòn của bánh kết hợp hoàn hảo với vị ngon của thịt và các thức gia vị.
Bánh mì TP Hồ Chí Minh thường được cho thêm nhiều rau củ: Vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò, vài khoanh ớt. Nhân cho bánh mì cũng rất đa dạng: trứng ốp la, xíu mại, heo quay, chả cá, phá lấu… để chiều theo sở thích của thực khách.
Đến Hải Phòng, bạn sẽ bị mê hoặc bởi món bánh mì que. Chiếc bánh mì chỉ lớn cỡ gần 2 ngón tay vẫn có thể khiến người ta mê mệt bởi lớp pate béo bùi được rưới thêm chí chương (một loại tương ớt của Hải Phòng). Chiếc bánh nhỏ luôn được nướng nóng nên khi ăn thấy rõ cái giòn của lớp vỏ, cái mềm, cay của nhân vô cùng bắt miệng.
Tại Hội An, chiếc bánh chỉ lớn bằng cỡ nửa bàn tay người lớn, vỏ giòn, ruột đặc và thơm. Đặc biệt nhất là phần nhân của bánh mì Hội An vô cùng đa dạng, chỉ nguyên nhân kẹp cũng đến mười mấy loại, chưa kể các loại bơ và xốt được chế biến theo công thức riêng của từng hàng và thứ rau thơm làng Trà Quế khiến người thưởng thức ăn một chỉ muốn ăn hai.
Đến Đà Lạt sẽ được ăn bánh mì xíu mại. Bánh mì ở đây được làm dày vỏ hơn một chút. Người ta sẽ dọn kèm một chén xíu mại còn nghi ngút khói, nước xốt sền sệt phủ lên mấy viên xíu mại và chả cây, da heo. Ăn vào sẽ làm cho cái lạnh của vùng cao nguyên như tan biến mất.
Tuy có sự khác biệt trong cách chế biến nhưng dù ở vùng miền nào, bánh mì Việt Nam luôn làm hài lòng những thực khách, dù là khó tính nhất.
Không chỉ là món ăn quen thuộc của người Việt Nam, bánh mỳ cũng là một trong những món ăn đường phố yêu thích của khách quốc tế khi đến đất nước ta. Điều khiến các thực khách thế giới ngạc nhiên khi thưởng thức những ổ bánh mì Việt chính là hương vị thơm ngon tuyệt vời lại được tạo ra bằng những nguyên liệu rất mộc mạc, gần gũi. Cái hay của người Việt là biến sự giản dị thành tinh tế, từ những nguyên liệu bình thường nhất khi kết hợp với nhau lại cho ra một món ngon trứ danh, nổi tiếng vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Chẳng vậy mà ngày 24/3/2011, từ “bánh mì” đã được thêm vào từ điển Oxford, nằm trong Top những loại sandwich tuyệt vời nhất thế giới; ngày 24/3/2020 bánh mì Việt có mặt trên giao diện trang chủ Google tại trên 10 quốc gia. Năm 2018, bánh mì Hội An được CNN công nhận là “Vua của các món sandwich trên thế giới”… Ngày 23/8/2022, bánh mì, phở, cà phê là những món ăn Việt Nam lọt vào Top 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á do CNN bình chọn. Mới đây nhất, tháng 2/2023, chuyên trang TasteAtlas (được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới") đã xếp bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong Top 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài (Anh, Đức, Nhật…) đã mở những quán bánh mỳ trên chính nước bạn và đã thu hút được nhiều thực khách.
Theo doanh nhân Kao Siêu Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á (tác giả của món bánh mỳ thanh long nổi tiếng năm 2020), bánh mì Việt Nam cũng đã được xuất sang Nhật Bản, sang khách sạn 5 sao ở Singapore… Hiện bánh mì Việt đã vươn ra quốc tế, khi đến Nhật hay đến Đức, người ta để bảng hiệu "bánh mì" chứ không phải ngôn ngữ bản địa. Thậm chí người Việt Nam ở nước ngoài làm giàu từ bánh mì khi mở những quán bánh mỳ riêng trên chính nước bạn và đã thu hút được nhiều thực khách. Ông Kao Siêu Lực nhấn mạnh, điều chúng ta cần làm là phải tiếp tục giúp bánh mì Việt lan tỏa hơn nữa, giúp nhiều người làm giàu từ bánh mì Việt hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng Giám đốc Pencil Group, bánh mì đang được lan tỏa ra thế giới như một món ăn nhanh (fastfood) ngon lành trong các chuỗi cửa hàng ẩm thực. Các thương hiệu điểm đến Việt Nam cũng đã được hưởng lợi từ các món ăn, như: phở, bún chả, bánh mỳ… Do đó, ngành du lịch Việt Nam nên giới thiệu bánh mì đến các nhà đầu tư ẩm thực lớn trên thế giới. Bởi đây là món ăn đại diện cho sự sáng tạo của Việt Nam - người Việt đã biến tấu nhiều nguyên liệu khác nhau một cách hài hòa trong món bánh mì. Đây là điểm nhấn thú vị để tạo câu chuyện kể cho du lịch ẩm thực.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang nỗ lực thu hút du khách quốc tế sau đại dịch COVID-19 thì việc quảng bá ẩm thực Việt, trong đó có món bánh mì chính là một trong những giải pháp hiệu quả để thu hút du khách. Đó cũng là lý do Lễ hội Bánh mì Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên từ ngày 30/3 đến 2/4/2023, tại TP Hồ Chí Minh. Lễ hội quy tụ 120 gian hàng của các đơn vị nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp tại TP Hồ Chí Minh và cả nước, nhà cung cấp người nước ngoài... Đặc biệt, trong lễ hội có hội thảo chuyên đề "Hành trình phát triển bánh mì Việt Nam", giới thiệu 105 món ăn kèm bánh mì do các đầu bếp nổi tiếng đảm nhận.
Người tham dự được thưởng thức các thương hiệu bánh mì nổi tiếng miễn phí. Ngoài bánh mì truyền thống, các loại bánh mì que, bánh mì Pháp, bánh mì theo những phong cách khác nhau cũng được giới thiệu tại lễ hội cho thấy sự phong phú của món ăn này. Lễ hội cũng dành không gian cho chương trình khởi nghiệp từ xe bánh mì cho phụ nữ và học viên ngành bánh; tôn vinh "Tốp thương hiệu bánh mì lâu đời và nổi tiếng trên 50 năm tại Việt Nam". Dự kiến, Lễ hội Bánh mì sẽ được tổ chức hằng năm như một sự kiện để quảng bá ẩm thực, thu hút du lịch đến Việt Nam.
Không khí Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ nhất:
Bài: Minh Duyên
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Báo Ảnh Việt Nam; Video: Hoàng Tuyết
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn
01/04/2023 05:55