Được du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, đến nay cây cà phê đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Hạt cà phê mang lại giá trị kinh tế cao, là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nước ta. Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất cà phê vối (Robusta) lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê. Đặc biệt, các phong vị pha chế đồ uống cà phê mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực Việt Nam góp phần lan tỏa thương hiệu cà phê Việt ra khắp thế giới.

Đắk Lắk - nơi được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam” đang trong những ngày sôi động của lễ hội cà phê. Đây là lần thứ 8, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức (từ ngày 10 - 14/3/2023). Với hàng chục hoạt động chính thức và bên lề, hàng chục đoàn khách quốc tế đăng ký tham gia, lễ hội không chỉ là cơ hội để Đắk Lắk tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành “điểm đến của cà phê thế giới”, mà còn góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt là tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Lễ hội thực sự trở thành sự kiện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam, thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và du khách quốc tế.

Khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - Điểm đến của cà phê thế giới.
 

Để cà phê có được thương hiệu như ngày nay là cả một quá trình phát triển của cây cà phê tại Việt Nam. Năm 1857, người Pháp đưa cà phê vào Việt Nam trong cuộc chinh phục thuộc địa, tuy nhiên mãi đến năm 1914, người Pháp mới chọn Buôn Ma Thuột làm nơi chuyên canh cây cà phê Robusta dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao… Đến năm 1922, vùng đất đỏ bazan Đắk Lắk đã nhanh chóng được phủ một màu xanh bạt ngàn với những nông trang cà phê do người Pháp quản lý. Lúc này, cà phê thu hoạch được chủ yếu mang về Pháp nên văn hóa cà phê của Việt Nam chưa được định hình.

Thu hoạch cà phê tại thôn Dốc Du, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi (năm 1954), văn hóa cà phê tại Việt Nam dần được hình thành. Các quán cà phê trở thành nơi giao lưu xã hội, trung tâm sinh hoạt, trung tâm thông tin, điểm giao dịch làm ăn thương mại... Sau 1975, cà phê "xê dịch" ra miền Bắc, trở thành nét sinh hoạt toàn quốc, đem lại sự tươi mới cho những thành thị đang ngày càng sôi động với nhịp sống thị trường.

Đến năm 1986, đất nước bước vào giai đoạn mở cửa, tham gia toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Nhằm định hướng phát triển cà phê trong các hộ gia đình nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cà phê, mục đích chuyển đổi cà phê thành một ngành nông nghiệp quan trọng. Chính sách mới được đưa ra cùng với giá cà phê trên thế giới tăng giúp cho ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ về cả diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tại tỉnh Đắk Lắk đã hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột, Cư M'gar, Krông Pắk, Krông Năng và các huyện lân cận.

Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”.

Cuối thế kỷ XX, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á và đứng thứ hai thế giới sau Brazil. Sản lượng chủ yếu là cà phê Robusta. Diện tích trồng Robusta chiếm tới hơn 90% tổng diện tích cà phê. Trong công cuộc đổi mới, ngành cà phê đã được phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với đó, các doanh nghiệp tư nhân cũng bắt tay vào sản xuất kinh doanh cà phê. Sự hợp tác giữa người nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước đã làm nên những thương hiệu cà phê mang tầm quốc tế. Điển hình có thể kể đến là thương hiệu Trung Nguyên (1996) và Highlands Coffee (1998)...

Hiện nay, Việt Nam trồng 3 loại cà phê chính là cà phê vối (Robusta), cà phê chè (Arabica) và cà phê mít (Liberia). Trong đó, 90% diện tích cà phê là cà phê vối, kế đến là cà phê chè với khoảng 10% và cuối cùng là cà phê mít với một tỷ lệ rất nhỏ.

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ hai thế giới sau Brazil. Hiện tổng diện tích trồng cà phê của cả nước khoảng 710.000 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch là 650.000 ha, chủ yếu tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắk Lắk, từ hàng chục năm nay, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam” với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. 

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê.

Cà phê cũng là cây trồng chủ lực của Lâm Đồng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 175.000 ha cà phê, năng suất đạt khoảng 3,3 tấn/ha.

Diện tích cà phê tại Đắk Nông cũng chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh và chiếm trên 18% cả nước (đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng). Theo thống kê sơ bộ đến hết năm 2022, tổng diện tích ước đạt 140.000 ha, năng suất bình quân đạt 2,8 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 356.000 tấn/năm.

Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV cà phê BaZan, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Cùng sự gia tăng về diện tích, sản lượng canh tác, công cuộc đổi mới, hội nhập thế giới liên tục diễn ra, đem lại nhiều cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất chế biến cà phê, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam ra với thế giới. Năm 2022, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,72 triệu tấn với giá trị đạt 4 tỷ USD và nằm trong nhóm nông sản chủ lực có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, chất lượng cà phê Robusta Việt Nam đã được các cường quốc tiêu thụ cà phê hàng đầu công nhận. Trong số trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cà phê Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ tại những quốc gia vốn là cường quốc cà phê thế giới như Đức, Pháp, Canada… Đặc biệt, ngay tại Italy - quốc gia hàng đầu về độ “sành” cà phê, quê hương của những ly cà phê nổi tiếng như Espresso, Cappuccino… với đòi hỏi cao nhất về chất lượng - gần đây cũng tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam. Tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Italy đạt 17.270 tấn, trị giá gần 36 triệu USD, tăng 79% về lượng và tăng 81,5% về trị giá so với tháng 12/2022.

Mới đây, cà phê sữa đá của Việt Nam vừa được Taste Atlas xếp hạng nhất trong danh sách 10 loại cà phê ngon nhất thế giới.

Trên truyền thông thế giới, cà phê Việt Nam ngày càng vang xa. Cà phê Việt Nam liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín. Mới đây, chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Alas đã xếp hạng Cà phê sữa đá Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới. Năm 2022, tạp chí du lịch Canada The Travel đã nêu những quốc gia có cà phê ngon nhất thế giới, trong đó cà phê Việt Nam được nhắc đến đầu tiên. Trước đó, năm 2020, trong bài viết trên CNN "Why the world is waking up to Vietnamese coffee" (Vì sao thế giới thức tỉnh với cà phê Việt), cà phê Việt Nam đã được giới thiệu như một thức uống phổ biến với nhiều cách pha chế khác nhau. The New York Times cũng đăng bài báo với tựa đề "In Vietnam, Coffee Culture Brims With New Energy" vào tháng 3/2020, đánh giá cà phê Việt Nam đang trở thành một thương hiệu quốc gia với những hương vị đa dạng và độc đáo.

Không những vậy, cà phê phin, cà phê sữa đá đặc sắc của Việt Nam cũng luôn là thức uống được các chính khách quốc tế, nguyên thủ quốc gia như cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama, các ngôi sao nổi tiếng thế giới dành lời khen và mong đợi thưởng thức khi đến Việt Nam. Cà phê Robusta Việt Nam cũng được những tổ chức uy tín như Rainforest Alliance, UTZ và Fairtrade… chứng nhận đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, ngoài những giá trị về kinh tế, cà phê Việt Nam còn mang ý nghĩa về văn hóa sâu sắc. Dự án Thành phố Cà phê với quy mô 45,45 ha, khởi công từ tháng 1/2017 đến nay đã dần hiện hình theo đúng tầm nhìn trở thành đô thị lõi của Tây Nguyên, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố cà phê của thế giới. Cùng với đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê - một công trình biểu tượng cho ngành cà phê Việt Nam và đóng góp cho ngành cà phê thế giới - đã trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng của Đắk Lắk và cả thủ phủ Tây Nguyên. Đây cũng là “Bảo tàng sống lớn nhất, sống động và độc đáo nhất!” (theo AP), lưu giữ hơn 11.000 hiện vật của ba nền văn minh cà phê tiêu biểu, có niên đại nhiều thế kỷ. Đến nay, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón tiếp khoảng 4 triệu lượt khách từ trên 22 quốc gia, góp phần tăng nâng doanh thu cho ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk…

Tăng giá trị cà phê Việt trên thị trường thế giới:

Bài: Minh Duyên (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

12/03/2023 05:55