Tin vui đã đến với Việt Nam những ngày cuối năm 2021: Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 13 - 18/12/2021 tại Pháp, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, Xòe Thái không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.
Nói đến người Thái là ai cũng nghĩ đến các biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như Xòe, cũng như nói đến Xòe người ta biết đến là di sản của người Thái ở Tây Bắc. Nghệ thuật Xòe Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng các giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử văn hóa của cộng đồng người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở 4 tỉnh Tây Bắc của Việt Nam (Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên). Tiêu biểu ở các huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên; huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hội…
Không ai biết rõ nghệ thuật múa Xòe có từ bao giờ, chỉ biết từ xa xưa, người Thái Mường Lò đã có câu hát: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Vì thế mà chẳng cuộc vui, ngày hội nào của người Thái vắng bóng những điệu xòe, dù là ngày vui nhỏ của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng.
Từ xa xưa, trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù là thú dữ, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam, nữ, già, trẻ và nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu xòe. Với người Thái, xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Xòe không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái, mà đã trở thành nét văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, về cơ bản, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn và Xòe vòng. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với đạo cụ, vì thế được gọi theo tên các đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người, đây cũng là điệu Xòe phổ biến nhất.
Động tác cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, ngực hơi ưỡn, lưng ngả về phía sau. Các nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm choẹ, pí pặp, bẳng bu, mák hính... đệm theo nhịp chẵn 2/4, 4/4 trong những âm điệu đặc trưng của những quãng 2 trưởng, 3 trưởng, thứ, quãng 4,5 đúng. Những cử động uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục trong không gian nghi lễ thể hiện một hệ thống tín ngưỡng của người Thái; đồng thời, các cuộc vui có Xòe vòng còn thể hiện tính cởi mở, gắn kết, thân thiện của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.
Thống kê cho thấy, người Thái có đến trên 30 điệu xòe, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ 6 điệu xòe cổ (6 điệu xòe cơ bản). Đó là điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu; “Phá xí” - bổ bốn; “Đổn hôn” - tiến lùi; “Nhôm khăn” - tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” - vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” - nắm tay.
Chỉ một động tác, một dáng đi, cách đứng, cách xếp đội hình, cách chuyển động cũng là những cung bậc sắc thái, những ý nghĩa khác nhau mà điệu xòe thể hiện. Như điệu xòe “Nhôm khăn” sôi động, với chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ quàng qua cổ, hai tay tung khăn theo nhịp trống thể hiện sự tươi vui, phấn khởi khi mùa màng bội thu; hay điệu xòe “đổn hôn” mang ý nghĩa, dù cuộc sống có lúc nghiêng ngả, sóng gió nhưng tình người vẫn vẹn nguyên.
Âm nhạc cho múa Xòe cũng thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, khi tiếng trống là âm thanh của mặt đất, tiếng cồng là sự vang vọng của bầu trời, tiếng chũm chọe là biểu tượng “phồn thực” của muôn loài.
Điệu xòe giúp con người quên đi những mệt nhọc của cuộc sống thường nhật, để rồi sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn. Tham gia xòe, các đôi trai gái cũng được gần nhau hơn, có dịp để thể hiện tình cảm riêng tư của mình…
Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, đến nay nghệ thuật Xòe Thái vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Là một vũ điệu dân gian, Xòe Thái đã được sự quan tâm và phát triển thành một loại hình mang tính biểu diễn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các Câu lạc bộ Xòe Thái từ những năm 1990 đến nay phát triển mạnh, năm 2019 tỉnh Yên Bái có khoảng 180 đội; Điện Biên có 1.273 đội; Lai Châu hơn 100 đội và Sơn La khoảng 1.700 đội, tạo nên một lực lượng hùng hậu trong việc trình diễn, trao truyền và sinh hoạt văn hóa.
Một số nghệ nhân dân gian và nhà nghiên cứu đã ghi chép và xuất bản tài liệu về quá trình sáng tạo, phát triển các điệu Xòe, cách thức Xòe, bối cảnh diễn xướng và những loại hình văn hóa liên quan. Các nghệ nhân và những thành viên cộng đồng am hiểu về Xòe Thái luôn chú trọng tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ bắt đầu từ các lớp mầm non, trường phổ thông, trường nghệ thuật...
Bên cạnh đó, Xòe Thái cũng được sự bảo trợ và hỗ trợ bằng pháp luật của Chính phủ Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013; các địa phương đã cam kết bảo vệ Xòe với các đề án và đưa Xòe vào trình diễn trong các ngày hội văn hóa dân tộc. Các CLB Xòe cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cho việc tập luyện, mua nhạc cụ để hiện thực hóa thực hành một cách bài bản hơn. Việc thành lập các CLB dưới sự cho phép của chính quyền, các ban ngành liên quan thể hiện sự quyết tâm bảo tồn, lưu giữ và phát triển di sản văn hóa này.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương có nghệ thuật Xòe đều tổ chức múa Xòe trong các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian. Như tỉnh Điện Biên, múa Xòe là một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng…
Việc Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh Xòe Thái vào Danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình múa truyền thống đặc sắc này. Theo Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, đó là: di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa trong Công ước 2003; việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản như được quy định trong Công ước 2003.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho rằng việc hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái ở vùng núi Tây Bắc, mà còn là niềm vui chung của Việt Nam. Điều này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với di sản này, đối với những giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Sự kiện cũng góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam phát triển năng động, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc. Ngoài ra, việc ghi danh sẽ tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.
Ngay sau khi Di sản Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 15/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đã tổ chức hoạt động chào mừng sự kiện đáng nhớ này.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương bày tỏ sự xúc động, tự hào và vinh dự khi nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. “Đây là một sự khẳng định, công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật Xòe Thái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại càng thể hiện quyết tâm trong việc thực hành, trình diễn và trao truyền nghệ thuật Xòe Thái trong sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam”, ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Bày tỏ sự vui mừng khi nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phấn khởi cho biết rất vui và tự hào khi chứng kiến giây phút hai tiếng Việt Nam được xướng lên đầy trang trọng, với các nghi thức đánh dấu sự kiện nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện quan trọng này đã thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, của nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
Theo ông Đỗ Đức Duy, Nghệ thuật Xòe Thái mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của cộng đồng người Thái; là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, phản ánh sự đa dạng văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nước ta; là một một sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng được duy trì, phát triển trong cộng đồng người Thái.
Việc tôn trọng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng luôn được các tỉnh quan tâm thực hiện. Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, điển hình như: Thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng (hiện 4 tỉnh có khoảng 3.300 đội văn nghệ); phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái; truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy, xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương...
Cho biết Yên Bái đã đưa nghệ thuật Xòe Thái vào các cơ sở giáo dục, kết hợp với xây dựng Trường học hạnh phúc; tổ chức thường niên Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò…, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Sự kiện UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ở cấp độ quốc tế, việc UNESCO ghi danh Xòe Thái giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa các cộng đồng không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để giữ gìn bản sắc riêng của các tộc người trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ở cấp độ quốc gia, sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Còn ở cấp độ địa phương, nơi có nghệ thuật Xòe Thái - sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác; khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến di sản, nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái và các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.
Ông Đỗ Đức Duy cho biết, ngay sau sự kiện này, Yên Bái sẽ chủ động cùng các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu phối hợp đề xuất tổ chức Lễ đón nhận Bằng ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2022; thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái. Từ đó, xây dựng, cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương bằng những giải pháp cụ thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể của các hoạt động; biến di sản thành tài sản phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương.
Biết tin Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, ở bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm tâm huyết với công cuộc nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy Xòe Thái vui lắm. Ông bảo: “Xúc động lắm, tự hào lắm và thấy khỏe hẳn ra. Năm nay, tôi trên 80 tuổi rồi, tôi tưởng mình không chờ được đến khi Xòe được vinh danh, nhưng rất may là tôi đã chờ được”.
Cùng với niềm vui mừng, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Văn hóa và lãnh đạo các địa phương đối với việc bảo tồn phát huy Di sản nghệ thuật Xòe Thái. Đồng thời, ông bày tỏ sự tri ân của mình đối với các bậc tiền bối đã có công sáng tạo, lưu giữ, trao truyền nghệ thuật Xòe Thái, để thế hệ sau này được thừa hưởng giá trị di sản.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình, đoàn kết, đồng lòng bảo vệ và phát huy di sản nghệ thuật Xòe Thái. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật Xòe Thái mãi mãi lan tỏa, trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, Nghệ nhân Lò Văn Biến khẳng định.
"Xòe Thái" là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại:
Bài: Phương Lan - Nguyễn Thu Hà - Minh Duyên
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
21/12/2021 07:10