Từ ngày 16/4 - 10/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bưu điện Hà Nội triển khai chi trả lương hưu gộp tháng 4 và tháng 5 vào một kỳ tại nhà để thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, phòng chống dịch COVID-19.

Nhiều người mong lĩnh lương hưu sớm

Theo BHXH Hà Nội, Hà Nội có hơn 442.000 người nhận chi trả lương hưu bằng tiền mặt, trong đó có hơn 73.000 người trên 80 tuổi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khuyến cáo người trên 60 tuổi hạn chế ra khỏi nhà, tránh tụ tập đông người, Bưu điện Hà Nội và BHXH thành phố đã xây dựng phương án chi trả cụ thể theo tổ dân phố để đảm bảo an toàn, tới tay người hưởng.

Ông Nguyễn Ngọc Nga, cán bộ hưu trí tại ngõ 79 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được nhân viên bưu điện đến chi trả lương hưu từ 8 giờ sáng ngày 16/4. Ông chia sẻ: "Tôi gọi điện cho nhân viên bưu điện hay đi phát lương hưu đăng ký nhận tại nhà để tránh tập trung đông người. Trước đây, mỗi lần lĩnh lương hưu thường tập trung 40-50 người xếp hàng, nên tiềm ẩn nguy cơ cao. Do đó, phát lương hưu tại nhà là giải pháp tối ưu trong giãn cách xã hội".

Còn bà Nguyễn Thị Hằng (77 tuổi), ở ngõ 179 (phố Đội Cấn, Ba Đình), cho biết: “Gia đình tôi có ba người hưởng lương hưu. Chúng tôi tuổi đã cao, sức khỏe không tốt nên phát lương hưu không nên tập trung đông người trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ngành chức năng cần có biện pháp để phát lương hưu sớm, giúp cho các gia đình sống phụ thuộc vào lương hưu có nguồn tiền bố trí chi tiêu".

Chưa đến lượt nhận lương hưu tại nhà, ông Nguyễn Đắc Tửu, tổ dân phố số 9, phường Nguyễn Trãi (Hà Đông) đã chủ động ra điểm phát lương hưu của Tổ dân phố số 6 để xin lĩnh trước: "Gia đình tôi rất khó khăn, vợ bị ung thư, nên dù chỉ 2 ngày nữa là đến lượt tôi nhận trực tiếp tại nhà,  nhưng tôi đã ra tận nơi để xin nhận sớm", ông Tửu cho biết.

Nhận số tiền lương hơn 4 triệu đồng, ông Tửu bày tỏ: “Số tiền này tuy không lớn đối với nhiều người, nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với gia đình tôi trong giai đoạn hiện nay. Sức khỏe của tôi rất yếu, hoàn cảnh khó khăn, chi phí cho các sinh hoạt thường nhật chủ yếu phụ thuộc vào tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong khi đó, vợ tôi không may mắc bệnh ung thư, đang phải điều trị rất tốn kém".

Chi trả lương hưu tại nhà.

"Tôi nghĩ vẫn nên duy trì các điểm phát lương tại bưu điện trung tâm hoặc nhà văn hóa để những người thực sự khó khăn và không biết cách nào để liên hệ có thể đến lĩnh lương”, ông Tửu chia sẻ.

Ông Hà Văn Lũng, cán bộ mặt trận tại tổ 4 (phường Đội Cấn) cho biết: "Theo lịch thì ngày 21/4 mới đến phát tổ 4, nhưng trong tổ có nhiều người lao động khó khăn, lương hưu thấp. Do đó nên có điểm phát tại phường hoặc nhà văn hóa như mọi khi và khi đến thì thực hiện giãn cách xã hội theo quy định. Chứ người già không thạo về công nghệ và đăng ký nhận lương hưu tại nhà qua trang web hoặc gọi lên tổng đài như thông báo. Nhiều người có nhu cầu phát lương sớm nhưng không biết liên hệ và báo với cơ quan chức năng nào. Việc lĩnh lương hưu nên có sự linh động".

Lên các phương án phát lương theo tổ, tuyến

Bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, từ ngày 16/4 đến ngày 25/4, quận sẽ cơ bản hoàn thành việc chi trả liền hai tháng lương hưu, trợ cấp tại nhà cho gần 29.000 đối tượng thụ hưởng theo phương châm an toàn, chính xác, tiện lợi.

Từ ngày 26/4 đến 10/5, các lực lượng chức năng sẽ chi trả nốt cho các trường hợp vì lý do nào đó mà chưa thể nhận lương đúng thời gian.

Thông tin về đợt chi trả lương hưu, chế độ tại nhà cho người hưởng, bà Đinh Thị Thu Hường, Giám đốc Bưu điện Trung tâm 1 cho biết: Bưu điện Trung tâm 1 được giao phụ trách 3 quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Để đảm bảo chi trả chế độ kịp thời và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, kế hoạch chi trả được đơn vị xây dựng chi tiết đến từng tuyến phố, ngõ, ngách.

Nhân viên Bưu điện được chia thành các tổ, gọi điện thông báo trước tới người hưởng phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, đảm bảo ở nhà trong thời điểm hẹn chi trả, để khi nhân viên đến, việc chi trả được thuận tiện.

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại phường Đội Cấn, Ba Đình.

“Bưu điện Trung tâm 1 đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình từ lãnh đạo UBND quận, phường sở tại, Công an trên địa bàn trong việc hỗ trợ đi chi trả cùng, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, tại mỗi điểm chi trả, đều có sự vào cuộc tích cực, hỗ trợ dẫn đường của Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng Tổ dân phố, nên việc chi trả khá thuận lợi”, bà Hường cho biết.

Còn ông Đặng Đình Thuận, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: Tổng số người hưởng lương hưu trên địa bàn là gần 582.000 người. Như vậy tổng số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 tháng 5 tại Hà Nội là trên 5.603 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho công tác chi trả được an toàn, đầy đủ đến tay người hưởng và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19; Bưu điện thành phố Hà Nội và BHXH Thành phố đã phối hợp xây dựng phương án chi trả cụ thể chi tiết theo hai hình thức.

Hình thức thứ nhất  là chi qua tài khoản cá nhân được thực hiện từ ngày 7/4 đến 10/4/2020. Đến nay, việc chi trả này đã cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, còn một số ít trường hợp (176 người) chưa chi trả được do người hưởng sai thông tin tài khoản cá nhân. Bưu điện Thành phố tiếp tục phối hợp với BHXH huyện, BHXH Thành phố để xác minh thông tin tài khoản người hưởng.

Hình thức thứ hai là chi trả bằng tiền mặt tại nhà riêng,  không thu bất kỳ khoản phí nào. Việc chi trả thực hiện từ ngày 16/4 đến ngày 10/5/2020.

Đối với các trường hợp người hưởng chưa chi trả được tại nhà (do nhân viên đến chi tại nhà nhưng người hưởng đi vắng, người hưởng cư trú khác địa bàn, người hưởng nhận theo hình thức ủy quyền) thì sẽ nhận tiền tại các Bưu cục theo Giấy thông báo hẹn rất cụ thể của cơ quan Bưu điện.

Ông Thuận cho biết thêm:  Bưu điện Thành phố sử dụng trên 1.500 nhân lực phục vụ công tác chi trả tại nhà người hưởng ở 30 quận, huyện, thị xã. Số nhân lực chi trả được chia theo tổ, bố trí chi trả theo tuyến, mỗi tuyến bưu điện bố trí 2 nhân viên.

Vận động chi trả qua thẻ ATM

Theo ông Đặng Đình Thuận, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, Hà Nội là địa phương có số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH lớn và đã có rất nhiều cố gắng trong công tác phát triển người hưởng qua tài khoản cá nhân để đảm bảo an toàn và hướng đến việc không dùng tiền mặt.

Tính đến tháng 4/2020, số lượng người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản là 139.658 người với tổng số tiền hơn 840 tỷ (đạt tỷ lệ gần 24%).

Ngay sau khi BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển đối tượng thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các tỉnh, thành, BHXH thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Công văn số 3984 ngày 13/9/2019 về việc chi trả các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp nhằm tăng số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân.

BHXH Thành phố đã giao chỉ tiêu phát triển đối tượng thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các quận huyện, thị xã. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng thương mại xây dựng quy trình thực hiện mở tài khoản cá nhân, phát hành thẻ ATM cho người hưởng khi làm thủ tục giải quyết chế độ BHXH tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan BHXH và tại điểm chi trả của cơ quan Bưu điện.

Từ khi triển khai thực hiện tháng 10/2019 đến tháng 3/2020, đã phát triển được gần 4.000 người hưởng qua tài khoản cá nhân. Trong quá trình chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4 và tháng 5/2020, Bưu điện thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với  các ngân hàng thương mại thực hiện các thủ tục mở tài khoản cá nhân cho người hưởng tại nhà nếu người hưởng có nhu cầu.

Ông Đặng Đình Thuận cho biết: “Trong thời gian tới, BHXH Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo thực hiện phát triển người hưởng lương hưu hàng tháng qua tài khoản cá nhân, nhằm hoàn thành chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao”.

Bài và ảnh: Xuân Minh
Clip: Xuân Minh - Lan Anh

17/04/2020 04:40