Tại làng nghề Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), khác với nhiều hộ gia đình khác trong vùng, lò nung của anh Nguyễn Văn Chiến chỉ chuyên làm các dụng cụ pha trà, không theo khuôn đúc.

Nối tiếp nghề thủ công truyền thống của gia đình, gần một thập kỷ qua, sau khi dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, lại có thú vui uống trà, anh Nguyễn Văn Chiến đã quyết định phát triển lò gốm theo hướng đi riêng, chỉ chuyên sản xuất trà cụ. Anh chia sẻ: “Cổ nhân có câu: ‘Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm’ chính là để nói về tầm quan trọng của dụng cụ pha trà trong nghệ thuật thưởng thức trà vô cùng tinh tế”.

Một bộ trà cụ thường gồm: Ấm trà, chén trà, lọc trà, khải, tống. Ngoài ra, người “sành chơi” còn sử dụng thêm những sản phẩm khác như: Gác nắp ấm, bếp đun, hũ đựng trà, lư đốt trầm, hay những chậu bonsai để hoàn thiện không gian thưởng trà của mình.

Loại đất mà anh Chiến khai thác được anh đặt tên “thạch thố”, đã trải qua quá trình phân tích, kiểm tra từ chất liệu này có thể giúp trà được mềm nước, giảm độ chát và thơm hơn. Tuy nhiên, với mỗi loại trà, kết cấu hình dạng của ấm sẽ khác nhau.

Với dòng trà xanh, thường được pha trong những ấm rộng lòng, để giữ nguyên được vị ban đầu của trà. Còn với dòng trà sen, trà ô long, hồng trà... người dùng sẽ dùng loại ấm bầu, tròn, thân nắp nhỏ, giúp lưu giữ được hương thơm.

Một chiếc ấm đạt tiêu chuẩn phải có nắp khít, vị trí đặt vòi, nắp, quai phải nằm trên một đường thẳng, khi rót dòng nước phải khỏe, cắt được nước, nghiêng 90 độ không rơi nắp và tiêu chí cần đạt đầu tiên là không để tắc bã trà, tạo cảm giác dễ chịu khi cầm. 

Những người khó tính trong giới trà đạo vẫn thường dành nhiều lời khen cho các dụng cụ pha trà của anh Chiến, bởi sự công phu từ chất liệu đến cách vuốt nặn tỉ mỉ từng chi tiết.

“Đất để làm dụng cụ pha trà được tìm kiếm từ các mỏ thuộc vùng trung du phía Bắc, nhưng không phải đất sét, mà là đất do đá phong hóa thành”, anh Nguyễn Văn Chiến cho biết. Đá sau khi đem về sẽ được nghiền mịn, ngâm với nước để lắng lại thành bùn mỡ, sau đó lọc đóng thành từng bánh và tiếp tục ủ trong khoảng hai năm để chờ phong hóa, sinh nhựa đất.

Chén trong bộ pha trà gồm hai loại là chén tống (chén chủ) và các chén quân. Chén tống sẽ có kích thước lớn hơn, dành riêng cho người chủ buổi thưởng trà, với mục đích để người này không phải tập trung quá nhiều vào chén của mình và giúp chén trà của khách có hương vị đều hơn. 

Với chén uống trà, anh Chiến đặc biệt dành sự tỉ mẩn khi tạo dáng, từ vuốt miệng chén sao cho thành vòm cong mềm mại trong ngoài, tạo ra vạch phân thủy để khi rót trà có điểm dừng, không rót đầy tràn, nước trà khi rót chảy theo đường vòng dội vào tâm chén không bị bắn ra ngoài.

Giống như ấm, chén trà khi sử dụng cho từng loại trà cũng có hình dáng khác nhau, chén có thân cao, miệng nhỏ được dùng cho loại trà lưu hương. Tống là dụng cụ được dùng để rót nước trực tiếp từ ấm trà, giúp nước trà từ giọt đầu tiên đến cuối cùng khi chia từ tống đến các chén sẽ hòa quyện, hương vị đều như nhau.

Gặp nghệ nhân trà Nguyễn Cao Sơn trong một chiều cuối năm, bên những chén trà thơm ngon thoảng hương, trong không gian tĩnh lặng, mới thấu cái thư thái của nghệ thuật thưởng trà. Ở đó, mọi tinh túy từ loại trà, cách pha, đến những dụng cụ pha trà như hòa quyện, đậm nét đẹp văn hóa tự xa xưa của người Việt.

Theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, để có được ấm trà ngon, mọi yếu tố đều cần phải đảm bảo độ an toàn. Trước đây, người ta thường dùng nước mưa, hoặc nước trong những khe núi để pha trà. Tuy nhiên, hiện tại chất lượng không khí, môi trường giảm sút, nên nước để pha trà thường là loại nước đá ong hoặc nước khoáng. 

Nhiệt độ nước dùng để pha cho mỗi loại trà cũng khác nhau. Với loại trà mộc (trà không ướp hoặc trộn với loại trà khác) sẽ pha với nước ở khoảng 85-90 độ C, với trà san tuyết là 80-85 độ C. Tuy nhiên, một lưu ý rằng đây phải là nước sôi ở 100 độ C sau đó để nguội xuống, không phải đun đến mức nhiệt đó như nhiều người vẫn lầm tưởng. 

Thưởng trà theo từng thời điểm trong ngày cũng cần chú trọng. “Sáng sớm, ta có thể uống những loại trà xanh, lục trà hoặc trà ô long có độ chát nhẹ, giúp tinh thần sảng khoái, tỉnh táo. Đến trưa chiều nên uống những loại trà “nhẹ” hơn như: Shan tuyết, bạch trà để tạo cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, đem đến giấc ngủ an yên hơn”. 

Với nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, một bộ dụng cụ pha trà đầy đủ sẽ giúp cho buổi thưởng dụng cụ pha trà chỉn chu hơn. Tùy vào “gu” uống trà của mỗi người mà dụng cụ pha trà được chăm chút cầu kỳ khác nhau. Với những người không đặt yêu cầu quá cao, chỉ cần ấm pha trà loại tráng men, thủy tinh là có thể dùng cho mọi loại trà. Hay như dụng cụ lọc bã trà, có người thích nước phải trong, có người lại thích lẫn thêm chút cặn, như để cảm nhận những dư vị “đời trong trà”.

Ấm trà thường được tạo ra từ nhiều chất liệu khác nhau như: Ấm đất, ấm tử sa, ấm sành, ấm sứ, ấm thủy tinh… Tùy vào lượng người của buổi thưởng trà mà lựa chọn ấm có dung tích khác nhau. Với loại ấm 120ml-160ml, thường dùng cho những buổi độc ẩm (uống trà một mình); ở những buổi đối ẩm, tam ẩm, quần ẩm sẽ dùng ấm có dung tích từ 200ml-300ml.

Hũ đựng trà là một trong những loại dụng cụ thiết yếu, bởi theo nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn, việc bảo quản trà là yêu cầu tiên quyết, ảnh hưởng đến chất lượng trà khi sử dụng. Vì vậy, mỗi lần đổ trà chỉ khoảng 50-100gr tùy loại, tránh ánh sáng trực tiếp để trà được giữ được hương và màu tốt hơn. 

“Trà ngon, dụng cụ uống gửi gắm sự tài hoa, khéo léo của người thợ là điều trân quý. Nhưng quan trọng nhất vẫn là uống trà với ai và cảm giác đem lại cho người thưởng thức được thảnh thơi, bình an. Một ấm trà xanh dưới gốc đa làng, hay một ấm trà thượng hạng trên những bộ bàn ghế sang trọng cũng đều mang những giá trị khác biệt”, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn chia sẻ.

Bài viết, trình bày: Phương Mai/Báo Tin tức
Ảnh: Lê Phú

11/02/2024 04:00