50 năm đã qua, từ vùng đất của “Thủ đô kháng chiến”, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam với những địa danh đã ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như Căn cứ Tà Thiết, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Kho xăng dầu Lộc Quang chi viện cho chiến trường B2, Nhà giao tế - trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Lộc Ninh hôm nay là vùng đất trù phú với thế mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, kinh tế vùng biên… 

Theo Tỉnh ủy Bình Phước, giai đoạn 1970 - 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta có nhiều chuyển biến thuận lợi. Trước diễn biến mới trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Lộc Ninh được giải phóng, mở toang cánh cửa Đông Bắc Sài Gòn.

Cuộc tiến công chiến lược này được tiến hành đồng thời trên ba hướng chiến lược: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ với ba chiến dịch tiến công quy mô cấp quân đoàn, trong đó cuộc tiến công ở miền Đông Nam Bộ mang mật danh “Chiến dịch Nguyễn Huệ”. Chiến dịch diễn ra trên không gian rộng bao gồm 4 tỉnh ở phía Bắc Sài Gòn: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương. 

Xác định được vị trí chiến lược của Lộc Ninh trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Bộ Chỉ huy Miền xác định tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh là trận đánh then chốt. Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định lấy hướng đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, đường 22 làm hướng thứ yếu. Trên hướng thứ yếu, khu vực từ ngã ba đường 17 lên Bắc Lộc Ninh, trong đó có cụm cứ điểm Lộc Ninh được chọn làm khu quyết chiến then chốt mở màn chiến dịch. 

Hội trường làm việc của Bộ chỉ huy Miền tại căn cứ Tà Thiết.

Cụm cứ điểm Lộc Ninh do Chiến đoàn 9 thuộc Trung đoàn bộ binh 5 Ngụy phụ trách, có cấu trúc công sự kiên cố và lực lượng cơ động mạnh. Điểm hạn chế của nó là cách xa căn cứ quân sự lớn, khó tranh thủ được sự chi viện kịp thời từ phía sau lên, binh lực bố trí phân tán trên nhiều khu vực cách xa nhau. 

4 giờ ngày 1/4/1972, đơn vị C30B nổ súng tiến công vào đội hình phòng ngự của Chiến đoàn 49 tại Xa Mát - Bàu Dung và Bắc Thiện Ngôn. Sau 4 ngày đêm mở chiến dịch, ta đã giành thắng lợi giòn giã trên hướng thứ yếu, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 49 địch, làm chủ từ Bắc Thiện Ngôn đến biên giới. 

Đúng 5 giờ 30 phút ngày 5/4/1972, pháo binh ta bắt đầu nổ súng tiến công vào cụm cứ điểm Lộc Ninh, phá hủy một phần công sự, làm cho quân địch hoảng loạn. Sau 3 ngày vừa liên tục bắn phá vây hãm, tiến công, vừa tổ chức đánh địch ứng cứu, khi quân địch tháo chạy, lọt vào trận địa chốt chặn của Trung đoàn 1, bộ đội đánh dồn địch xuống lòng suối Rong Can, chia cắt, tiêu diệt và bắt gọn, trong đó có viên Đại tá Nguyễn Công Vĩnh - Chỉ huy Chiến đoàn. 21 giờ ngày 7/4/1972, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh. 

Lộc Ninh được giải phóng hoàn toàn (là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng) đã gây kinh hoàng cho Quân đội Sài Gòn. Chiến đoàn 52 bỏ căn cứ Đồng Tâm tháo chạy về An Lộc đã bị Trung đoàn 209 chặn đánh tiêu diệt một số lớn tại cầu Cần Lê. 

Đường ống dẫn nhiên liệu từ thành phố Vinh (Nghệ An) vào huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) cung cấp nhiên liệu cho chiến trường B2 và di tích kho xăng dầu VK98 xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh.

Thắng lợi của trận tiến công Lộc Ninh đã làm sụp đổ toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở Bắc đường 13, mở toang cánh cửa xuống phía Nam, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển.  
Với Chiến dịch Nguyễn Huệ, lần đầu tiên miền Đông Nam Bộ giải phóng được một vùng rộng lớn trên hướng chiến lược xung yếu Bắc Sài Gòn, mở vùng Bắc Bình Dương, uy hiếp cửa ngõ Sài Gòn. Vùng giải phóng mới được nối thông với Đông Bắc Campuchia với Tây Nguyên và với vùng hậu phương chiến lược miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đầu năm 1973, lực lượng vũ trang Bình Phước được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chủ lực Miền bảo vệ vùng căn cứ Lộc Ninh. Từ ngày 4 đến ngày 7/3/1973, Trung ương Cục có cuộc họp với Tỉnh ủy Bình Phước nhất trí trước mắt tập trung lực lượng xây dựng căn cứ địa tại Bình Phước trên cơ sở ba huyện được giải phóng gốm Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, trong đó Lộc Ninh là điểm trọng tâm. 

Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định dời căn cứ Quân ủy Miền từ sóc Con Trăng – Tây Ninh về đóng tại sóc Tà Thiết – Lộc Ninh. 

Di tích lịch sử sân bay Lộc Ninh.

Căn cứ Tà Thiết là nơi từng diễn ra các cuộc họp và tiếp các phái đoàn cấp cao của Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu – Trung ương Cục Miền Nam. Đặc biệt, tại căn cứ Tà Thiết, ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề nghị Trung ương đặt tên cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Sau đó, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên thành chiến dịch mang tên Bác – Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Căn cứ Tà Thiết là trung tâm đầu não của Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, là nơi đóng chân của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, do vậy, người dân trong vùng quen gọi là "khu rừng Chính phủ".

Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Hàng chục ngàn đồng bào  từ Campuchia về Lộc Ninh với hai bàn tay trắng, lương thực, thực phẩm khan hiếm, địch lại ra sức thực hiện chính sách “bao vây kinh tế vùng giải phóng”. Trước tình hình đó, Huyện ủy Lộc Ninh đã chỉ đạo các ban, ngành và các xã tổ chức thu mua hoặc đổi lương thực ở bên kia biên giới về cứu đói cho đồng bào, đồng thời phát động phong trào “sản xuất lương thực” trong toàn huyện. Kết quả chỉ sau vài tháng, gần một ngàn héc-ta hoa màu đã lên xanh, chen giữa núi đồi cạnh các lô cao su ven đường, ven suối. 

Một góc thị trấn Lộc Ninh ngày nay.

Năm 2003, thực hiện Nghị định số 17/2003/NĐ-CP ngày 20/2/2003 của Chính phủ, huyện Lộc Ninh chia tách 5 xã phía Đông Bắc để thành lập huyện Bù Đốp. Trải qua thăng trầm của lịch sử cùng với nhiều lần hợp nhất và chia tách, huyện Lộc Ninh hiện có tổng diện tích tự nhiên 86.297 ha gồm 15 xã và 1 thị trấn. Dân số của huyện hiện nay là 116.744 người (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20,1% và tín đồ tôn giáo chiếm 14% dân số); kinh tế của Lộc Ninh chủ yếu là nông nghiệp. Toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 3 xã còn lại đạt bình quân từ 12-14 tiêu chí. 

Theo ông Lê Trường Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2016, toàn huyện có hơn 2.000 hộ nghèo, chiếm 6,78% tổng số hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo. Thực hiện Chương trình xóa 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, huyện đã sớm về đích, từng bước diệt “giặc nghèo”, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cùng với việc ban hành nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo, huyện đã triển khai chương trình “Khát vọng thoát nghèo”. Thông qua chương trình này, đến nay, hàng trăm hộ nghèo đã viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Thạnh hiện không còn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,78% năm 2016, xuống còn 1,42% vào cuối năm 2021.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đánh giá, thời gian tới, Lộc Ninh tập trung xây dựng, khai thác Khu đô thị Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, trong đó xác định chức năng của các khu đô thị là thương mại, dịch vụ.  

Cánh đồng điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh 2.

Đối với hạ tầng giao thông, một số dự án quốc gia được triển khai như: Dự án đường sắt Thị Vải - Dĩ An - Hoa Lư; đường cánh Tây nối Hoa Lư - Chơn Thành - Bình Dương – Thành phố Hồ Chí Minh; đường cánh Đông: Minh Lập - Lộc Hiệp; Quốc Lộ 13, đường tránh thị trấn Lộc Ninh; các tuyến nối Tây Ninh - Lộc Ninh… sẽ là động lực giúp Lộc Ninh phát triển mạnh mẽ thời gian tới. 

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư đến năm 2025 với tính chất là khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển giao lưu kinh tế, văn hóa, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia; là trung tâm thương mại, công nghiệp, du lịch, dịch vụ của tỉnh Bình Phước; là đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng trong vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. 

Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.

Khu kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư có quy mô 28.364 ha bao gồm các xã Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh và thị trấn Lộc Ninh. Đến nay, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý 3.535 ha, tỉnh đã cấp phép cho 88 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng diện tích 1.719 ha. Huyện đang đề xuất cơ chế phối hợp quản lý đặc thù đối với Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, hệ thống thoát nước, hồ chứa nước trong khu kinh tế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư; phối hợp thực hiện các chương trình đào tạo, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp trong khu kinh tế. 

Ngoài kinh tế cửa khẩu, huyện Lộc Ninh đang tập trung thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2025 phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP dựa trên việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực hiện có tại địa phương. Huyện đang quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời với công suất 5.000 MW; trong đó dự án 800 MW đi vào hoạt động, đóng góp vào ngân sách của tỉnh hơn 500 tỷ đồng/năm. 

Đối với phát triển du lịch, huyện chú trọng các điểm nhấn như du lịch về nguồn khai thác thế mạnh của các Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt căn cứ Tà Thiết, nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, di chỉ khảo cổ Bãi Tiên; du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Khmer, S’tiêng; du lịch gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp...

 

Bài: Sỹ Tuyên
Ảnh: Sỹ Tuyên, Tư liệu
Trình bày: Nguyễn Hà

30/03/2022 06:05