Cách đây hai năm, trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên diện rộng, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11/3/2020 đã chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Đến nay, những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những tiến bộ trong việc bao phủ vaccine, đã và đang tạo ra những tín hiệu tích cực cho cuộc sống bình thường mới khi các nước từng bước khôi phục nền kinh tế, mở cửa du lịch...
Còn nhớ vào cuối năm 2019, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bắt đầu xuất hiện căn bệnh lạ gây viêm phổi cấp, căn bệnh mà ở thời điểm vẫn chưa ai biết được rằng nguyên nhân của nó là do virus SARS-CoV-2 gây ra. Không ai có thể ngờ rằng, căn bệnh đó sau này đã bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu và đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 6 triệu người và khiến trên 450 triệu người nhiễm bệnh.
Từ tâm dịch Vũ Hán, virus SARS-CoV-2 nhanh chóng lây lan và đã có mặt trên toàn thế giới. Cú sốc COVID-19 đã buộc WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu ngày 30/1/2020, rồi sau đó xác nhận đây là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020. WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới.
Ở thời điểm đó, việc WHO công bố COVID-19 là đại dịch sau hơn 3 tháng kể từ khi căn bệnh này xuất hiện đã phản ánh khả năng lây lan virus trên diện rộng về mặt địa lý khiến WHO lo ngại và mục đích của WHO là mong muốn tất cả các nước trên thế giới cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ, virus SARS-CoV-2 tuy bé nhỏ nhưng lại biến ảo vô cùng khó lường. Trong hai năm qua kể từ ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, đã có lúc dịch lây lan đỉnh điểm ở các nước như Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia…, rồi lại lắng xuống, nhưng sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại với những điểm nóng mới, tâm dịch mới.
Cùng với thời gian, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi liên tục với vô vàn biến thể mới. Các đột biến của nó ngày càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn khiến cuộc chiến phòng chống đại dịch của các quốc gia ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Một số biến thể của virus SARS-CoV-2 chứa các đột biến có thể khiến virus lây lan dễ dàng hơn, gây ra triệu chứng bệnh nặng hơn, khó xét nghiệm hoặc khiến quá trình điều trị khó khăn hơn. Và WHO đã gọi đó là những biến thể “đáng lo ngại”.
Đáng chú ý, trong hơn hai năm qua có các biến thể “đáng lo ngại” là: Alpha (B.1.1.7) lần đầu được phát hiện ở Anh (tháng 12/2020); Beta (B.1.351) lần đầu được phát hiện ở Nam Phi (tháng 12/2020); Gamma (P.1) được xác định ở Brazil (tháng 1/2021); Delta (B.1.617.2) được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ (được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2020 và được chú ý nhiều trên thế giới từ tháng 4/2021); gần đây nhất là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện ở Nam Phi (tháng 11/2021) và hiện Omicron đang là biến thể chủ đạo với tốc độ lây lan nhanh đến chóng mặt trên toàn cầu. Ngoài những biến thể đã được ghi nhận, hiện nay WHO còn đang theo dõi hàng chục biến chủng khác của virus SARS-CoV-2, trong đó có Lambda, Kappa, Theta, Zeta…
Sự biến đổi khó lường của virus SARS-CoV-2 trong hai năm kể từ sau khi WHO công bố đại dịch COVID-19 cũng đã khiến thế giới gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, phải hơn một năm thế giới mới ghi nhận ca nhiễm thứ 100 triệu; 7 tháng để tăng lên mốc 200 triệu ca; song chỉ cần nửa năm để tăng gấp đôi, lên trên 400 triệu (vào ngày 13/2/2022). Điều này cho thấy tốc độ lây lan đến chóng mặt của biến thể Omicron hiện nay. Các nhà khoa học còn cảnh báo, làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra có thể đẩy tỷ lệ những người bị chứng "COVID kéo dài" (Long COVID), tức là chịu những di chứng dai dẳng ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan cơ thể sau khi khỏi bệnh, tăng cao trong thời gian tới.
"COVID kéo dài" được coi là một nguy cơ đối với y tế cộng đồng ẩn sau đại dịch COVID-19. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục đi tìm lời giải về tình trạng hàng triệu người phải vật lộn với cái gọi là “di chứng kéo dài hậu COVID-19”, với trên 200 triệu chứng được báo cáo, như thở gấp, đau ngực, ngứa ran và phát ban, cực kỳ mệt mỏi và rối loạn chức năng nhận thức (tên khoa học là sương mù não), rối loạn cơ tim và thần kinh... WHO đã bày tỏ lo ngại về tình trạng này, gọi đây là một trong những “góc khuất” của đại dịch chưa được tìm ra, đồng thời kêu gọi những người đang chịu đựng "COVID kéo dài", dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế.
Ngoài thiệt hại về người, COVID-19 còn gây ra rất nhiều hệ lụy khác đối với nền kinh tế thế giới như: làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gián đoạn logistics, cùng tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao… Cụ thể, năm 2020 đã chứng kiến sự tàn phá ghê gớm mà đại dịch COVID-19 giáng vào nền kinh tế thế giới. Khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do COVID-19. Chưa kể, các gói chi ngân sách khổng lồ cho công cuộc chống dịch COVID-19 đã khiến các nước “đau đầu” khi chứng kiến mức nợ công tăng vọt so với trước dịch. Theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nhiều nước đang phát triển, vốn dễ bị tổn thương về nợ, giờ lại phải chi ngân sách cao chưa từng có để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho tình trạng càng thêm khó khăn. Nợ công ở các quốc gia thu nhập thấp tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong năm 2020.
Dù thương mại toàn cầu vào cuối năm 2021 đã có sự bứt phá, đạt mức cao kỷ lục 28.500 tỷ USD trong cả năm, tăng 25% so năm 2020 và hơn 13% so mức trước dịch COVID-19 bùng phát, song lại đang đối diện đà giảm tốc vào đầu năm 2022. Nguyên nhân chi phối thì có nhiều, trong đó một lý do quan trọng là “bóng ma” biến thể Omicron vẫn phủ bóng khắp thế giới. Theo UNCTAD, xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế trong năm 2021 chủ yếu là do giá hàng hóa tăng mạnh, trong khi các biện pháp kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh được nới lỏng và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, những xu hướng này có khả năng “giảm nhiệt” nên thương mại toàn cầu dự kiến sẽ trở lại “trạng thái bình thường” trong năm 2022.
Trong hơn hai năm qua, khi thế giới vẫn gồng mình chống chọi với sự lây lan của dịch bệnh, thì có một điều đáng ghi nhận, đó là nỗ lực tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả, phát triểu nhiều mẫu vaccine hay các loại thuốc giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người bệnh. Kể từ sau khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, cả thế giới đã cùng chạy đua để tìm cách bào chế ra vaccine ngừa COVID-19, thứ vũ khí được xem là hữu hiệu, là lá chắn bảo vệ giúp bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm và lây lan của dịch bệnh. Với mong muốn chấm dứt đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt, trong hai năm qua đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn của toàn thế giới trong việc đẩy nhanh tỷ lệ người dân được bao phủ bằng vaccine ngừa COVID-19.
Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tính đến ngày 6/3/2022, đã có hơn 10,8 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, 63,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Tuy nhiên, sự cách biệt về tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn rất lớn, thậm chí gia tăng giữa các nước, khu vực và trong từng châu lục, quốc gia. Trong khi những nước giàu đã đạt mức độ tiêm phòng cao, nhiều nước còn triển khai các mũi vaccine tăng cường, thì ở các nước nghèo nhiều người dân còn chưa được tiêm chủng. Theo thống kê, hiện mới chỉ có khoảng 30% dân số ở các nước nghèo đã được tiêm phòng, thấp hơn nhiều so tỷ lệ 70% tại các quốc gia giàu có. Đáng lo ngại, nhóm chưa được tiêm chủng ở châu Phi có cả nhân viên y tế, người hoạt động xã hội và giáo viên, những người có tiếp xúc rộng rãi.
Một cuộc khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện vào tháng 1/2022 vừa qua cho thấy, hơn 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, "khoảng tối" về hạ tầng y tế tại 44 trong số 55 nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã bộc lộ rõ. Trong đó, 24 quốc gia thông báo thiếu hụt tủ lạnh, 18 nước cần tủ lạnh chuyên dụng và 16 quốc gia thiếu các buồng lạnh, dù UNICEF đã bàn giao hơn 800 tủ đông siêu lạnh và 52.000 tủ lạnh trữ vaccine cho gần 70 quốc gia. WHO một lần nữa cảnh báo, dù các nước giàu đang mở cửa nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn với COVID-19, nhưng việc triển khai tiêm vaccine chậm chạp tại các quốc gia nghèo sẽ tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến và có khả năng tạo ra các biến thể mới nguy hiểm.
Không thể phủ nhận, vaccine mang lại cơ hội để chấm dứt đại dịch, nhưng vaccine chỉ thực sự hiệu quả khi cộng đồng quốc tế và các hãng dược thực hiện bài toán phân phối vaccine công bằng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh rằng đại dịch COVID-19 đang tiếp tục tàn phá cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, và vì vậy con đường duy nhất để chấm dứt đại dịch và đưa thế giới thoát khỏi tình huống mà ông cho là “bất công và vô đạo đức” hiện nay là thông qua một chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu.
Thực tế, “vũ khí” vaccine cùng với các liệu pháp chữa trị COVID-19 đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị các ca bệnh nặng. Điều đó đã thúc đẩy thêm nhiều quốc gia công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế. Bởi vậy, dù ở thời điểm hiện tại, tuy số ca mắc mới có tăng cao do sự lây lan của biến thể Omicron, nhưng ngày càng có nhiều chuyên gia y tế cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh lưu hành thông thường mà con người có thể sống chung. Điều này được các chuyên gia đưa ra dựa trên cơ sở cho rằng con người đã có được những hiểu biết nhất định và những công cụ hữu hiệu để chống lại dịch bệnh.
Gần đây, WHO cũng đã nhận định COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng có thể sớm trở thành một loại bệnh lưu hành như cúm hoặc sởi, có nghĩa là tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức thấp ổn định và tỷ lệ người gặp biến chứng nặng giảm. WHO đặt kỳ vọng 2022 sẽ là năm mà con người kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19. Để đạt được mục tiêu này, WHO vẫn nỗ lực vận động các nước giải quyết tình trạng bất công bằng vaccine, hướng tới tiêm chủng vaccine COVID-19 khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.
Và khi mà hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm chủng, cộng với nhận định của giới khoa học cho rằng đại dịch COVID-19 sắp bước sang giai đoạn bệnh lưu hành mà nhân loại có thể sống chung, nhiều chính phủ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục kinh tế. Đây được xem là bước chuyển quan trọng trong lộ trình sống chung an toàn với COVID-19 mà nhiều nước theo đuổi, được kỳ vọng sẽ trở thành “cú hích” giúp tăng trưởng kinh tế.
Trong năm 2020, năm đầu tiên kinh tế thế giới chịu tác động của đại dịch COVID-19, các quốc gia trên toàn cầu đã rơi vào cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc. Bóng đen từ cuộc khủng hoảng đại dịch đã đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế do những biện pháp hạn chế, kéo các chỉ số thất nghiệp tăng vọt, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo khó. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới đã giảm 5,2% trong năm 2020 do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Trong năm 2021, cùng với hiệu quả của các gói kích thích kinh tế, nhiều nước dần kiểm soát dịch bệnh và sớm điều chỉnh chính sách chống dịch phù hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế, tạo lực đẩy để nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng. Thương mại toàn cầu được đánh giá khởi sắc trở lại nhờ việc các nước nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế, chuyển sang chiến lược "sống chung an toàn với COVID-19" thay vì đóng cửa thực hiện "nói không với COVID-19" (Zero COVID). Đà phục hồi có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm khi các làn sóng dịch mới khiến nhiều nước trì hoãn kế hoạch mở cửa, song về tổng thể, kinh tế thế giới đã có bước chuyển ngoạn mục so với mức giảm 5,2% của năm 2020. Các thể chế tài chính đều cho biết kinh tế thế giới năm 2021 tăng trưởng ở mức 5-6%.
Sau hai năm đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch. Song bước sang năm 2022 - "năm COVID-19 thứ ba" thế giới vẫn được dự báo là đối mặt với nhiều thách thức khi WHO cảnh báo về sự lây nhiễm với tốc độ lớn của biến thể Omicron đồng thời kêu gọi các nước tăng cường chủ động ứng phó với làn sóng dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến thể mới. Dù tỷ lệ tiêm phòng trung bình cao như châu Âu, Mỹ, Israel hay thấp như châu Phi thì biến thể mới xuất hiện cũng vẫn làm gia tăng áp lực cho tất cả, bởi chừng nào vẫn còn người chưa an toàn trước virus thì cả thế giới vẫn chưa an toàn.
Trên lĩnh vực kinh tế, chính sách mở cửa phát triển hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn cho kinh tế thế giới trong năm 2022. Tuy nhiên biến thể mới Omicron có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tiếp tục gây rủi ro cho kinh tế thế giới năm 2022.
Trước hết, tốc độ phục hồi và tăng trưởng giữa các nước và khu vực sẽ không đồng đều, như chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan Bruce Kasman đánh giá là "chênh lệch lớn chưa từng có" trong 20-25 năm qua. Báo cáo của các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh sự chênh lệch trong tốc độ phục hồi kinh tế chủ yếu liên quan đến mức độ bao phủ vaccine. Con đường phục hồi của các nước thu nhập thấp được dự báo sẽ kéo dài và không bằng phẳng, điều có thể làm giảm tỷ lệ tăng trưởng chung của thế giới.
Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron cũng làm tăng nguy cơ "hồi sinh" các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh và nguồn cung lại có khả năng tiếp tục đứt gãy. Chuỗi cung ứng toàn cầu rối loạn, biến đổi khí hậu và thị trường lao động thắt chặt, dẫn đến phản ứng dây chuyền là vật giá gia tăng. Trong kịch bản xấu nhất mà Oxford Economics dự báo cho kinh tế thế giới, Omicron là biến thể hết sức nguy hiểm và buộc nhiều khu vực trên thế giới siết lại các biện pháp phòng dịch khiến tăng trưởng của toàn thế giới có thể giảm tới 2,2 điểm% so với kịch bản khả quan, xuống còn 2,3% trong năm 2022. Còn trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt trong năm 2022 với mức giảm 4,1% trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và chuỗi cung ứng chưa hồi phục.
Từ tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam đã phải chống chọi với 4 đợt dịch COVID-19 và hiện tại đang hướng tới chung sống an toàn với SARS-CoV-2. Điều này dựa vào những kết quả phòng, chống dịch đạt được trên thực tế trong hơn hai năm qua.
Nhìn lại diễn tiến dịch bệnh tại nước ta, vào ngày 11/3/2020, khi WHO công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu” thì Việt Nam mới chỉ ghi nhận 38 trường hợp F0, chủ yếu là những người Việt Nam nhập cảnh từ Anh. Một năm sau, ngày 11/3/2021, chúng ta ghi nhận 2.526 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1.585 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Hai năm sau, tính đến sáng 11/3/2022, Việt Nam có trên 5,26 triệu ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn tính về số ca mắc trên 1 triệu dân thì nước ta đứng thứ 130 (bình quân cứ 1 triệu người có 53.253 ca mắc).
Tùy theo diễn biến thực tế của dịch COVID-19 mà Chính phủ Việt Nam đề ra những chiến lược phòng, chống dịch khác nhau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên có những điều chỉnh, bổ sung, thay đổi.
Trong kết luận ngày 6/7/2021 tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay là chưa có tiền lệ, do vậy phải vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện; trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, lắng nghe ý kiến của nhau để lãnh đạo các cấp có được các phương án hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh và điều kiện thực tế từng địa phương, cơ quan, đơn vị".
Trước đó, tối 5/6/2021, Quỹ vaccine phòng COVID-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi COVID-19”. Như vậy là chiến lược chống dịch ở Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Vaccine ngừa COVID-19 được coi vũ khí chủ lực trong chiến lược “5K cộng”.
Đến ngày 11/10/2021, Chính phủ ra Nghị quyết 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đây được coi là sự thay đổi bước ngoặt trong phòng, chống dịch.
Sau gần hai năm chống chọi với dịch bệnh, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lần lượt từ bỏ mục tiêu "Zero COVID-19" không khả thi và phải trả giá rất cao về kinh tế - xã hội, kể từ khi các biến thể Delta và Omicron xuất hiện. Cơ sở quan trọng để Việt Nam từ bỏ chiến lược "Zero COVID-19" (không còn áp dụng các biện pháp truy vết triệt để, phong tỏa chặt, cách ly tập trung) là nguồn lực vaccine. Đến ngày 11/10, ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, tại Việt Nam đã có tổng số hơn 55,2 trệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 39 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 16 triệu liều.
Gần đây, ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh lưu hành.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Y tế đã báo cáo về dự thảo chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023. Theo đó, từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, số ca tử vong so với số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%. Mức độ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.
Tiếp đó, trình bày tại phiên họp vào sáng 5/3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Bệnh lưu hành, tiếng Anh - "endemic diseases", hay một số chuyên gia còn gọi thành bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Dịch được coi là bệnh lưu hành khi đạt một số tiêu chí cụ thể: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. Khi coi COVID-19 là bệnh lưu hành tức là sẽ không xem COVID-19 là đại dịch nữa mà coi như một bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh chuyên khoa thông thường. Tại các cơ sở y tế bác sỹ sẽ tập trung chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, giảm biến chứng, giảm tử vong.
Theo Phó Giáo sư Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Đại học Y Hà Nội), khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh lưu hành thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do Bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Các chuyên gia ở nhiều quốc gia hiện tại đang thảo luận và đề xuất về việc coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành. Bộ Y tế của Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác để theo dõi tình hình dịch COVID-19, cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2 nhằm coi COVID-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.
Như vậy, việc dịch COVID-19 sẽ được nhìn nhận như bệnh lưu hành ở Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian và nước ta cũng đã có một số điều kiện cho vấn đề này. Trong đó, điều kiện thứ nhất là tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày càng cao. Tính đến nay, tổng số vaccine đã được tiêm là suýt soát 200 triệu liều - mức độ bao phủ vaccine rất cao so với tổng dân số 97,34 triệu người. Việt Nam nằm trong Top 10 nước có tỷ lệ người được tiêm vaccine cao nhất thế giới. Điều kiện thứ hai, theo bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam. Do đó, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong không cao. Trên thực tế, số ca mắc COVID-19 mới hiện tại ở Việt Nam đang ở mức cao nhưng số trường hợp tử vong so với tổng số ca mắc ngày càng giảm theo cách bền vững, từ 2,4% xuống 2,2%, rồi 1,5%, 1,2%, 1%.
Bác sỹ Trần Văn Phúc cho rằng với biến thể Omicron thì không một hệ thống y tế nào trên thế giới có đủ sức để ngăn chặn, kể cả các quốc gia có nền y tế và tiềm lực kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Anh, Nhật Bản... Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải tính đến việc chuyển trạng thái để thích ứng an toàn. Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ý kiến: Việt Nam nên tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu bình thường, từ đó giảm gánh nặng cho Nhà nước.
Có thể thấy, nếu như cách đây hai năm khi WHO công bố COVID-19 là đại dịch, chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đã nỗ lực theo đuổi chiến lược xóa sổ căn bệnh này và kiềm chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở mức thấp nhất có thể, thì đến nay thế giới đã thay đổi tư duy về cách đối phó với đại dịch COVID-19 trong tương lai. Sau hơn hai năm đối mặt với dịch bệnh, thế giới đã học cách sống chung với nó, thích ứng linh hoạt với nó. Tuy nhiên, cũng vẫn có không ít ý kiến của các chuyên gia nhận định, với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, các chính phủ khó có thể tuyên bố sẽ không còn cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Đây là những thách thức của thế giới trên con đường phục hồi. Do đó, WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các quốc gia tiến hành dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt chống dịch theo cách chậm rãi và từng bước.
Bài: Trọng Đức - Thanh Lâm - Trần Quang Vinh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn
13/03/2022 04:55