Anh Hồ Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, không chỉ là một cây sáng chế  tài năng, mà còn là một người trẻ tuổi với những khát vọng cống hiến vì cộng đồng.

Với tâm niệm “làm gì cũng vì dân”,  Dự án phát triển ngành sợi chuối bằng công nghệ ABACA do anh khởi xướng, với việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích từ cây chuối, đã góp phần tạo việc làm mới cho bà con nông dân. Dự án đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021; giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nghệ An lần thứ 16 năm 2021.

 

 

Anh Vinh chia sẻ: “Tôi không chỉ có khát vọng tạo sinh kế cho người dân mà ưu tiên nhất là các giải pháp cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ khi nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng 2021, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm với vấn đề môi trường, làm sao để giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra một môi trường an lành hơn”.

Theo anh Vinh, thanh niên vốn là lực lượng xung kích trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn vì dịch COVID-19, tinh thần xung kích vì cộng đồng của thanh niên lại càng được phát huy.

Trong đại dịch COVID-19, Ban lãnh đạo công ty và anh Hồ Xuân Vinh đã duy trì được nhà máy cho 60 người lao động tại địa phương. Đặc biệt, trong năm 2020, trước tình trạng khan hiếm máy thở, anh Hồ Xuân Vinh đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi và sáng chế ra được máy trợ thở xách tay. Máy có thể dùng điện lưới, hoặc dùng pin, có tính di động, xách tay được, giúp người dùng dễ dàng mang xách, sử dụng ở mọi nơi trong mọi lúc. Sáng chế này được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế vào 27/8/2021. Đây là một sản phẩm được đánh giá có tính tiên phong công nghệ, góp phần vào công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19 của nước ta.

Năm 2021, anh Hồ Xuân Vinh được Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ xét tặng danh hiệu Nhà khoa học trẻ đạt giải Quả cầu vàng 2021. Anh là cá nhân duy nhất nhận giải trong lĩnh vực công nghệ môi trường vì đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ bảo vệ môi trường, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong nhiều năm liên tục. Anh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.

 

 

Thanh niên không chỉ xung kích làm giàu trên chính quê hương mình, mà còn có những đóng góp tiên phong trong nghiên cứu khoa học- một nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch. Một trong những người trẻ nghiên cứu khoa học được Trung ương Đoàn tôn vinh lần này là TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Trường Đại học Phenikka. Anh Tùng sau nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài đã lựa chọn quay lại Việt Nam để sinh sống và cống hiến, với hướng nghiên cứu các loại thuốc trị bệnh truyền nhiễm.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Đan Mạch, TS Trương Thanh Tùng đã nghiên cứu phương pháp mới để tiêu diệt vi khuẩn, với kiến thức mới - Quorum sensing - cách các vi khuẩn "giao tiếp'" với nhau, gây ra các bệnh truyền nhiễm. Hướng nghiên cứu này nếu thành công có thể cứu được sinh mạng của hàng triệu người bệnh đa kháng thuốc, các bệnh nhiễm trùng nặng. Nơi những căn bệnh đó hoành hành rộng rãi nhất là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

TS Trương Thành Tùng chia sẻ: “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi tập trung nghiên cứu các thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, nấm, virus, đặc biệt là tìm các thuốc thay thế kháng sinh. Nếu thành công, việc nghiên cứu phát triển thuốc mới với các bệnh truyền nhiễm có thể giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn thuốc nếu có các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm xảy ra”.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng thành công bước đầu, được ghi nhận bằng các công trình khoa học công bố quốc tế về thuốc mới thay thế kháng sinh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thành các sản phẩm thực tế để sớm đưa vào phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác để phát triển các nghiên cứu Y- Dược chuyên sâu hơn. Mục tiêu là để có thể làm chủ công nghệ sản xuất thuốc, giúp Việt Nam có thể tự lực trong phòng chống dịch nói riêng và vấn đề chăm sóc sức khoẻ của nhân dân nói chung. Từ đó sẵn sàng vượt qua những đại dịch có thể có trong tương lai”, TS Trương Thanh Tùng nói.

Năm vừa qua được Trung ương Đoàn lựa chọn là năm "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", lý giải về điều này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc lựa chọn chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" thể hiện rõ tính hành động của Đoàn, của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tham gia hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn 2025, 2030, 2045 trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngay ở năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết. Khẳng định sự đồng hành của tổ chức Đoàn với thanh niên.

 

Trong thời gian qua, Trung ương Đoàn triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.

Các hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp được triển khai đa dạng trên các kênh truyền thông, công tác bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên triển khai đồng bộ ở các cấp bộ Đoàn. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức. Đoàn đã đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công và thanh niên làm kinh tế giỏi để nâng cao nhận thức về khởi nghiệp trong thanh niên.

Trung ương Đoàn đã thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã hình hành được bộ phận phụ trách khởi nghiệp, tổ chức tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp. Đoàn thanh niên đã tổ chức các diễn đàn, đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế. Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được đoàn thanh niên triển khai hiệu quả.

Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã huy động nguồn lực thành lập quỹ để tăng nguồn vốn vay cho thanh niên, như Quỹ đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Dư nợ của Đoàn thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn liên tục gia tăng.

 

 

Về đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp: Công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên được đoàn thanh niên các cấp quan tâm thực hiện hiệu quả trong đối tượng học sinh THPT, học sinh lớp 9 với nhiều hình thức đa dạng, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên hoạt động hiệu quả, tổ chức các "Ngày hội việc làm", "Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm" cho các đối tượng thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng.

Các cấp bộ Đoàn tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ; mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển cả số lượng và chất lượng. Các mô hình Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác "Thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế" đã phát huy hiệu quả. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai.

 

 

Anh Hồ Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết, những giải thưởng được nhận chính là sự động viên, khích lệ với cá nhân anh. Tuy nhiên, trong 12 tiêu chí thanh niên thế hệ mới mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã hướng tới thì tiêu chí “khát vọng vươn lên” và “sáng tạo không ngừng” là điều mà bản thân anh coi là kim chỉ nam soi đường trong mọi hoàn cảnh.

Anh Hồ Xuân Vinh cho  biết, những điều mà bản thân theo đuổi là để khẳng định mình và góp một phần sức lực giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm việc làm và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Tôi luôn mong muốn được đồng hành cùng với lực lượng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp để không còn cảnh ly hương làm ăn xa mà làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình- anh tâm sự.

 

 

Nói về tinh thần xung kích của thanh niên trên mặt trận nghiên cứu khoa học, TS. Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Trường Đại học Phenikka cho biết: “Trong thời kỳ đại dịch, các nhà khoa học trẻ cần tập hợp nhau lại, tập trung hơn vào các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng, để có thể làm chủ khoa học công nghệ, giúp phục hồi hậu quả và phát triển nhanh hơn mọi mặt của đời sống xã hội.  Bên cạnh đó, thanh niên trẻ cần chủ động và sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ của đất nước, tiên phong trong “đổi mới sáng tạo”, vì theo tôi tầng lớp thanh niên là lực lượng chính và là yếu tố đánh giá thành công hay không của mục tiêu đổi mới sáng tạo quốc gia hậu dịch bệnh”.

Điều TS Trương Thanh Tùng rút ra được là ở nước mình không khác nhiều, cũng có thể nghiên cứu khoa học và thành công, đặc biệt sự cống hiến sẽ có ý nghĩa hơn khi nhà khoa học nghiên cứu ra các công trình giúp quê hương, đất nước ngày một phát triển, lớn mạnh. Đã có nhiều câu hỏi rằng vì sao TS Trương Thanh Tùng không định cư ở Mỹ nhưng đến nay, TS Trương Thanh Tùng có thể thoải mái trả lời rằng về Việt Nam là lựa chọn đúng đắn.

TS Trương Thanh Tùng cho rằng, với lượng kiến thức đã tích lũy được kha khá và có đủ khả năng hướng dẫn các bạn trẻ nghiên cứu khoa học, tôi muốn trở về hướng dẫn các sinh viên Việt Nam ở vai trò người thầy, góp phần đào tạo nhân lực khoa học Y Dược hiện đang còn thiếu cho nước nhà.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá những khát vọng này, TS Trương Thanh Tùng mong muốn: “Với vai trò là một nhà khoa học trẻ, tôi mong muốn thông qua Trung ương Đoàn và các bộ ban ngành, sẽ có  được cơ hội được kết nối với các nhà khoa học trẻ khác cùng hoặc gần lĩnh vực thông qua các chương trình kết nối thanh niên. Qua đó, xây dựng và phát triển được các dự án đa ngành, có tiềm năng ứng dụng lớn cho cộng đồng, góp phần đưa khoa học vào xã hội, giúp phát triển nhanh và mạnh hơn mọi mặt của đời sống. Bên cạnh đó, tôi mong muốn có nhiều hơn các chương trình giao lưu, hợp tác, hỗ trợ khoa học công nghệ để kết nối các nhà khoa học trẻ với các nhà khoa học uy tín và giàu kinh nghiệm trong nước. Từ đó có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, và phát triển các dự án khoa học lớn mang tầm cỡ quốc tế, tiến tới "xuất khẩu sản phẩm khoa học công nghệ" của Việt Nam ra thế giới, đưa sản phẩm khoa học công nghệ thành một hướng mũi nhọn của kinh tế Việt Nam”.

 

 

Theo anh Lê Vũ Tiến, Bí Thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ: “Khởi nghiệp cơ bản dành cho những người trẻ bởi người trẻ có nhiều lợi thế. Vai trò của Trung ương đoàn quan trọng bởi đây là tổ chức lan toả cho nhiều đối tượng, bạn trẻ. Vốn dĩ, việc khởi nghiệp không đơn giản, là cả quá trình nỗ lực, có thất bại và phải biết chấp nhận. Không có mô hình thành công nào chung cho tất cả các đối tượng. Việc học từ thất bại rất quan trọng. Vai trò của Trung ương Đoàn hay tổ chức Đoàn các cấp là quy tụ, tập hợp các đoàn viên thanh niên truyền cảm hứng, khơi gợi khát vọng cống hiến, khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp cực kỳ quan trọng”.

Theo anh Lê Vũ Tiến, tổ chức Đoàn làm rất nhiều việc, trong đó có việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo các kỹ năng cần thiết cho các đoàn viên có hành trang khởi sự các mô hình dự án kinh doanh cá nhân. Qua đó, thực hiện các dự án lớn hơn ở địa phương và tổ chức của mình.

Ở góc độ một Bí thư Đoàn xã, anh Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư đoàn xã Thạch Ngọc, Thạch Hà, Hà Tĩnh chia sẻ về kinh nghiệm công tác tập hợp thanh niên trên địa bàn. Anh cho biết, có thời điểm, việc tổ chức các hoạt động Đoàn tại xã gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lực lượng đoàn thanh niên địa phương chủ yếu đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động hoặc theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Tỷ lệ tập hợp thanh niên trên địa bàn chỉ ở mức 53,2%. Nhận thấy nhiều hoạt động đoàn còn mang tính chung chung, khuôn mẫu, tôi đã mạnh dạn thay đổi, tổ chức các mô hình theo hình thức tổ, đội, nhóm, hoạt động theo sở thích, sở trường của từng nhóm đối tượng đoàn thanh niên.

 

 

Từ ý tưởng đó, tại xã Thạch Ngọc, nhiều Câu lạc bộ đã ra đời như: “Ve chai tình thương” kêu gọi quyên góp ủng hộ ve chai, lon nhựa, sách báo cũ, sắt vụn… gây quỹ an sinh xã hội, tuyên truyền phân loại rác thải tại nguồn gắn với xây dựng khu dân cư mẫu; “Giọt máu hồng” với 34 thành viên luôn sẵn sàng tham gia hiến máu cứu người; “Cây nêu tết” - làm cây nêu bán gây quỹ tặng quà các đối tượng khó khăn dịp tết Nguyên đán; “Cắt tóc miễn phí”, “Tình nguyện”…

Các hoạt động đã tạo môi trường lành mạnh để thanh niên cống hiến, từ đó lan toả sang các địa phương khác, khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Trên mặt trận kinh tế, khi đoàn viên thanh niên cả nước, cả thành thị lẫn nông thôn, đã và đang xây dựng nhiều ý tưởng khởi nghiệp, phục hồi sản xuất, kinh doanh thì những trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm ở trong và ngoài nước đã tạo nhiều dự án khởi nghiệp của người Việt trẻ nói chung. Do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên thời gian ngắn vừa qua các phong trào khởi nghiệp trên các địa bàn dân cư có phần tạm lắng. Tại các trường đại học, dự án khởi nghiệp của sinh viên hiện vẫn tạm dừng lại ở quy mô các câu lạc bộ, nhóm chuyên môn chứ được phát triển sâu rộng. Thực tế này được các cấp bộ Đoàn thẳng thắn nhìn nhận và đề xuất những kiến nghị, để tổ chức Đoàn có thể hỗ trợ tốt hơn nữa cho thanh niên lập nghiệp.

 

 

 

 

Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, với chủ đề công tác "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", các cấp bộ Đoàn không chỉ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp gắn với chủ đề công tác năm, mà bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn ra phức tạp, phát huy các kết quả đạt được trong năm 2021, phong trào thanh niên trên mặt trận phòng chống dịch bệnh COVID-19 tiếp tục để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, khẳng định tính tiên phong, xung kích và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên với những vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có nhiều hoạt động kịp thời chung tay cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân.

Trong năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, lời kêu gọi "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp bộ Đoàn đã chung tay với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên, sinh viên ngành y tham gia hỗ trợ hệ thống y tế trong công tác điều trị, khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; thành lập và duy trì hoạt động gần 10.000 đội hình thanh niên tình nguyện "Chốt giao thông - lưu thông hàng hóa", "Phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm"; đội hình trực các chốt kiểm soát; hỗ trợ hậu cần tại các khu cách ly; tham gia hỗ trợ công tác lấy máu xét nghiệm sàng lọc COVID-19; đội hình hỗ trợ chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19...

 

 

Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn Đoàn phát động và triển khai phong trào thi đua đặc biệt "Tuổi trẻ Việt Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19". Cấp Trung ương tổ chức nhiều chương trình thiết thực, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng như "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch", "Triệu bữa cơm", "Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - chung tay vượt qua đại dịch", "Triệu túi an sinh", "Triệu ly sữa và hành trình của những cuốn sách", "Chia sẻ cùng em thơ, chung tay vượt qua đại dịch", "Hát để sẻ chia", "Góp triệu ngôi sao", "Nối vòng tay thương", "Cùng em học trực tuyến"...

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp gây áp lực lớn cho y tế cơ sở. Trên cơ sở Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc tăng cường triển khai, đẩy mạnh hoạt động và phát huy vai trò của Mạng lưới thầy thuốc đồng hành trên phạm vi cả nước và xây dựng đội hình tình nguyện là F0 khỏi bệnh chăm sóc bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

“Với những cố gắng nêu trên của các cấp bộ Đoàn trong công tác phòng, chống dịch đã góp phần cùng chính quyền các cấp hạn chế sự lây lan của bệnh dịch, giảm tỷ lệ tử vong, hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch, qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn chia sẻ.

 

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, thời bình thì sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của thanh niên là lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp.

Lập thân, lập nghiệp không chỉ bao hàm việc phát triển kinh tế, mà còn là nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, đóng góp tốt nhất cho xã hội thông qua công việc mình đang làm. Và khởi nghiệp để không chỉ tạo được công việc cho bản thân mình, mà còn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, tham gia phát triển kinh tế đất nước. Mỗi thanh niên có việc làm, mỗi lao động trẻ có chuyên môn sâu, mỗi doanh nhân trẻ thành đạt cũng chính là đang tham gia bảo vệ đất nước một cách tốt nhất thông qua phát triển kinh tế đất nước, nâng cao sức mạnh, vị thế của quốc gia, dân tộc.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 là Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, tổ chức Đoàn xác định việc đồng hành với thanh niên trong tìm kiếm việc làm, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp không chỉ là một nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ XI sắp hoàn thành, không chỉ trong nhiệm kỳ XII sắp tới, không chỉ trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, mà sẽ luôn là sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn đối với Đảng, đất nước và thanh niên Việt Nam.

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phân tích: Trước bối cảnh dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cấp bộ Đoàn cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt phương châm “Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng” với điều kiện dịch bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tập trung cao độ để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong năm 2022.

 

 

Thực hiện: Lê Vân
Hình ảnh: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy

26/03/2022 06:29